(Chinhphu.vn) - Trong chương trình "Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” tối 12/7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã giải đáp thắc mắc của người dân về tiến độ chậm của các dự án nhà ở xã hội, các giải pháp để tháo gỡ, nâng cao chất lượng nhà ở cũng như vấn đề bong bóng bất động sản…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng. |
Chúng tôi xin chuyển đến Bộ trưởng câu hỏi đầu tiên từ một cặp vợ chồng trẻ. Sau khi tốt nghiệp đại học và quyết định ở lại Hà Nội để làm việc, chúng tôi vẫn ước mơ mua một căn hộ giá rẻ. Với thu nhập của hai vợ chồng chỉ hơn 10 triệu/tháng, chúng tôi ngày ngày nghe ngóng mọi thông tin về các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, chúng tôi thấy tiến độ triển khai các dự án này rất chậm. Cùng ý kiến này, trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, một đại biểu cũng đưa ra ý kiến là chính sách nhà ở xã hội rất tốt cho người dân, tuy nhiên, tiến độ triển khai còn rất chậm. Vậy xin được hỏi Bộ trưởng tại sao tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội lại chậm như vậy?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Đến nay các Nghị định, Thông tư hướng dẫn phát triển nhà ở xã hội đang được hoàn thiện và trong năm 2015, Luật Nhà ở mới đi vào cuộc sống, nói như vậy để thấy rằng chính sách của chúng ta vẫn còn rất mới. Tuy vậy, với sự vào cuộc quyết liệt của nhiều địa phương và sự chỉ đạo của Chính phủ, trong những năm vừa qua chúng ta đã phát triển được 40.000 nhà ở xã hội, đáp ứng cho gần 200.000 người dân.
Mặc dù vậy, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội vẫn còn chậm, nguyên nhân là chính sách mới hoàn thiện, thứ hai đây là chiến lược phát triển dài hạn lâu dài, chứ không phải trung hạn, ngắn hạn. Mặt khác phát triển nhà ở xã hội cần rất nhiều tiền, trong khi ngân sách nhà nước không có để đầu tư mà cần phải xã hội hoá. Một mâu thuẫn nữa là phát triển nhà ở xã hội ở đô thị yêu cầu là phải chất lượng nhà tốt nhưng giá phải rẻ, để phù hợp với người có thu nhập thấp. Vì vậy, đầu tư vào nhà ở xã hội không thực sự hấp dẫn với các nhà đầu tư, đây cũng là nguyên nhân khiến các nhà ở xã hội chậm triển khai, thực hiện.
Vậy thưa Bộ trưởng, Bộ Xây dựng đang có những giải pháp như thế nào để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Để đẩy mạnh việc triển khai nhà ở xã hội, chúng ta phải đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở, trong đó tạo môi trường để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Thứ hai là cần có sự vào cuộc của các cơ quan Trung ương và đặc biệt là vai trò của các địa phương trong việc lập chương trình làm việc, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, coi đây là nhiệm vụ chính trị của kế hoạch 5 năm và hằng năm.
Các địa phương cần tập trung chuẩn bị quỹ đất, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, cũng như các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội một cách thuận lợi nhất. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho người dân đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho cán bộ, công nhân các khu công nghiệp được thuê để cải thiện chỗ ở mà pháp luật đã cho phép. Làm được như vậy, tôi tin tưởng rằng là chắc chắn từng bước những người có nhu cầu sẽ được tiếp cận và cải thiện chỗ ở cho mình.
Cũng liên quan đến vấn đề này thì một số công nhân ở Bắc Ninh gửi thư chia sẻ, cứ 4 công nhân ở đây thì chỉ có một chỗ ở, những người còn lại phải đi rất xa để tìm chỗ trọ khác. Tuy nhiên, ở Đông Anh thì một số công nhân cho biết là có nhà ở xã hội nhưng không vào vì chưa đủ cơ sở hạ tầng đồng bộ như dịch vụ y tế, giáo dục. Vậy xin được hỏi Bộ trưởng làm thế nào để giải quyết vấn đề này khi nơi thì không có nhà ở xã hội, nơi thì có nhưng cơ sở hạ tầng không đồng bộ?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Để phát triển nhà ở công nhân thì vai trò của các cấp chính quyền và sự chỉ đạo của các cơ quan thuộc Chính phủ trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách là rất quan trọng. Nhưng điều cần được quan tâm ở đây là trong Nghị định 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, cũng như trong Luật Nhà ở và các Nghị định hướng dẫn sắp ban hành thì yêu cầu là phải gắn phát triển các khu công nghiệp với việc phát triển nhà ở.
Bởi các khu công nghiệp tạo ra sự gia tăng cơ học về người lao động rất nhanh, nếu chúng ta không chủ động quỹ đất để phát triển nhà ở thì người công nhân sẽ rất khó khăn trong việc cải thiện nhà ở. Do vậy, phải gắn phát triển công nghiệp với phát triển nhà ở, trong đó đặc biệt lưu ý lấy dịch vụ phục vụ nhà ở làm trọng tâm để nâng cao chất lượng cuộc sống của người công nhân, lao động.
Đồng thời, phải bảo đảm để người công nhân có chỗ gửi trẻ, học hành, mua sắm và khám chữa bệnh tại chỗ. Cũng như, phải kết nối giao thông công cộng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm chi phí của người lao động...
Thưa Bộ trưởng, giá bất động sản hiện nay ở nhiều phân khúc đang tăng khá nhanh. Thậm chí, một số dự án gần bằng mức giá đỉnh điểm năm 2011. Một số người cho rằng thị trường bất động sản đang nóng lên do đầu cơ chứ không phải do nhu cầu thực. Vậy quan điểm của Bộ trưởng về ý kiến này như thế nào?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Nói thị trường bất động sản phục hồi, có giao dịch nhiều là do đầu cơ là không đúng. Bởi chúng ta đều biết giai đoạn 2011-2013 là giai đoạn thị trường đóng băng, lúc đó không có hoặc rất ít có hiện tượng đầu cơ.
Khi đó, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được thực hiện, trong đó một quan điểm có tính chất như một chìa khoá mở cửa cho thị trường bất động sản phục hồi trở lại là gắn phá băng thị trường với thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia.
Từ đó, các giải pháp để cấu trúc lại thị trường, cấu trúc lại các dự án, các sản phẩm bất động sản để đa dạng hoá sản phẩm hướng tới người tiêu dùng, phù hợp với nhiều đối tượng có khả năng chi trả khác nhau, để chuyển từ khu vực dư thừa sang khu vực đang thiếu nguồn cung. Do đó, thị trường đã phục hồi, trong đó chúng ta cũng tập trung phát triển nhà ở xã hội, giúp thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế và giải quyết được vấn đề người dân cải thiện về nhà ở.
Vậy theo Bộ trưởng, với việc giá nhà tăng nhanh và hàng loạt ngân hàng "mạnh tay" đổ vốn vào thị trường bất động sản, liệu có hay không nguy cơ bong bóng bất động sản tái diễn như cách đây 4, 5 năm?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Khi giao dịch tăng lên thì khả năng đầu cơ trở lại là điều không tránh khỏi. Vấn đề chính là chúng ta kiểm soát không để thị trường phát triển nóng, tạo ra bong bóng bất động sản. Muốn làm được điều này thì cần tăng cường kiểm soát sự phát triển của các đô thị, kiên trì kiểm soát thị trường bất động sản với việc thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia, tức là phải cân đối cung cầu. Chiến lược nhà ở quốc gia đưa ra cầu để cải thiện nhà ở cho người dân thì thị trường cũng phải đáp ứng cầu đó. Nếu được như vậy thị trường chắc chắn sẽ phát triển bền vững.
Cụ thể, chúng ta phải tăng cường kiểm soát các dự án bất động sản, tiếp tục cơ cấu thị trường, các dự án và cơ cấu lại các sản phẩm bất động sản để các sản phẩm đến với mọi người, phù hợp với khả năng chi trả của người dân, không có khu vực thừa hoặc thiếu.
Vì vậy, chúng ta phải thực hiện nghiêm Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị, trong đó yêu cầu phải phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch. Như vậy, các địa phương tập trung xây dựng các khu đô thị, thành lập ban quản lý, xây dựng kế hoạch phát triển đô thị để cân đối cung cầu, các nguồn lực và dự báo khả năng phát triển nhà ở của từng khu vực. Từ đó, chúng ta kiểm soát, khắc phục tình trạng phát triển tự phát phong trào như trong thời qua, tạo sự lệch pha cung cầu và khó khăn cho thị trường bất động sản.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
BT
Theo Cổng TTĐT Chính Phủ
Các bản tin khác
- Quy chế khai thác dữ liệu công chứng điện tử tại TP.HCM
- 20 ngàn tỷ ưu đãi lãi suất: Hàng vạn người mua nhà hưởng lợi
- Cất nóc tòa nhà cao nhất Đà Nẵng
- Hình thành các khu chợ đêm
- Mua bất động sản, chọn mặt gửi vàng
- Hấp dẫn đầu tư từ BĐS nghỉ dưỡng có thương hiệu
- Condotel - tiến độ dự án đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư
- Cẩm Lệ hướng đến là khu đô thị công nghiệp mới của thành phố
- Chơi thả ga với gói Family Package siêu hấp dẫn tại Sun World Danang Wonders
- 5 loại cây hút ẩm, diệt nấm mốc cực tốt nhất định nên trồng trong nhà mùa này
- Bẫy cam kết lợi nhuận trong condotel
- Vốn chảy mạnh vào thị trường bất động sản
- Thuế Tài sản với nhà đất, căn hộ chung cư tính như thế nào?
- Bất động sản đón dòng kiều hối lớn
- Vấn đề “sốt đất” rất đáng báo động
- Giá trị đặc biệt của di tích Ngũ Hành Sơn
- Sun Group khai trương khu nghỉ dưỡng 5 sao tuyệt đẹp tại Nam Phú Quốc
- 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam theo báo Mỹ
- Kết nối đầu tư Đà Nẵng - Hoa Kỳ trong lĩnh vực bất động sản
- “Sức nóng” BĐS nam Đà Nẵng nhìn từ dự án Blue River Side