(PLO) - Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) đã có cuộc trao đổi với báo chí về nguyên nhân, những "nút thắt" trong việc triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng và những biện pháp tháo gỡ.
- Dư luận cho rằng việc giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ diễn ra chậm mà một trong những nguyên nhân là do Bộ Xây dựng hướng dẫn đối tượng thu nhập thấp dưới mức thu nhập cá nhân mới được vay. Ông có thể giải thích rõ hơn về vấn đề này?
- Theo Nghị quyết số 02/NQ-CP, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng dành một lượng vốn hợp lý (30.000 tỷ đồng) để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội (NOXH) và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 hoặc có tổng giá trị hợp đồng nhỏ hơn 1,05 tỷ đồng, với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp.
Ngoài ra, lượng vốn này còn dùng để cho vay đối với các doanh nghiệp xây dựng NOXH, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang dự án NOXH.
Tuy nhiên, cần phân biệt rõ 2 nhóm đối tượng mua NOXH và mua nhà ở thương mại quy mô nhỏ, giá bán thấp là khác nhau.
Điều kiện để người dân được ký hợp đồng mua, thuê, thuê mua NOXH được Chính phủ quy định rõ tại Điều 14 Nghị định số 188/2013/NĐ-CP. Theo đó, người lao động phải có thu nhập thường xuyên hằng tháng dưới mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Ông Nguyễn Mạnh Hà |
Ngoài ra, các yêu cầu về thủ tục xác nhận hộ khẩu, tình trạng nhà ở, thu nhập... được thực hiện từ trước khi người dân ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư để tránh tình trạng đối tượng không đúng vẫn đăng ký mua NOXH, vốn được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước và thường có giá rẻ hơn nhà ở thương mại.
Đối với nhóm đối tượng người dân vay vốn mua nhà ở thương mại diện tích nhỏ, giá bán thấp thì điều kiện là chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá chật chội; có hộ khẩu thường trú tại tỉnh thành trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở, đối với trường hợp tạm trú thì phải có đóng BHXH từ 1 năm trở lên; đã có hợp đồng thuê, mua nhà ở thương mại theo luật định.
Các trường hợp này chỉ cần cơ quan, đơn vị nơi công tác, hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận về tình trạng nhà ở, không phải xác nhận về tình trạng thu nhập, không phải chứng minh mức thu nhập có thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay không.
- Nhưng trên thực tế kết quả giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng vẫn chậm so với yêu cầu, vậy đâu là nguyên nhân?
- Đến thời điểm 31/5/2015, tổng số tiền cam kết cho vay đối với khách hàng là 14.161 tỷ đồng (đạt gần 50% tổng số tiền gói hỗ trợ). Trong đó, số tiền cam kết với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đạt 8.817 tỷ đồng (với 18.062 trường hợp đã được cam kết cho vay); số tiền cam kết với chủ đầu tư dự án là 5.344 tỷ đồng (37 dự án đã được cam kết cho vay). Tổng số tiền đã giải ngân là 7.621 tỷ đồng, đạt 25,4%.
Bên cạnh những kết quả cụ thể đã đạt được, tình hình triển khai cho vay gói 30.000 tỷ trong thời gian vừa qua cho thấy thực tế còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, kết quả giải ngân chưa đạt được như kỳ vọng của các đối tượng vay vốn, do các nguyên nhân chủ yếu sau đây:
Theo quy định về điều kiện để được vay vốn hỗ trợ thì người có nhu cầu vay vốn phải có hợp đồng mua hoặc thuê mua đã ký với chủ đầu tư, nghĩa là trên thị trường phải có đủ sản phẩm phù hợp với điều kiện quy định.
Tuy nhiên, hiện nay tại các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, số lượng dự án NOXH, nhà ở thương mại phù hợp còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Do đó, số lượng khách hàng có hợp đồng đã ký với chủ đầu tư dự án để đáp ứng điều kiện được vay vốn từ gói hỗ trợ còn hạn chế.
Các đối tượng có nhu cầu vay vốn là doanh nghiệp lại vướng nợ xấu. Mà theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại có thể từ chối cho vay để đảm bảo an toàn đối với hoạt động tín dụng trong ngân hàng.
Ngoài việc đảm bảo yêu cầu về đối tượng và điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, các đối tượng có nhu cầu vay vốn còn phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng như của các tổ chức tín dụng về vốn tối thiểu, chứng minh thu nhập… Quy định này là một trong những khó khăn đối với các đối tượng có thu nhập thấp, có nhu cầu vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.
Để giải quyết một phần vướng mắc này, tại Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/8/2014 Chính phủ đã cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ từ 10 năm lên 15 năm. Từ đó, mức phải trả nợ gốc và lãi hằng tháng của người vay đã giảm nhiều và nhiều đối tượng đã hội đủ điều kiện về khả năng trả nợ để được vay vốn.
Trong quá trình thực hiện, một số đối tượng người dân vay mua nhà ở thương mại còn gặp vướng mắc về điều kiện thu nhập thấp dưới mức chịu thuế thu nhập cá nhân, do cách hiểu và vận dụng chưa đúng các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước.
Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kiểm tra và hướng dẫn để tháo gỡ vướng mắc này.
- Sắp tới, Bộ Xây dựng có giải pháp gì để đẩy mạnh phát triển NOXH và tiến độ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng?
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2014 vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có Nghị định về phát triển và quản lý NOXH.
Để phát triển NOXH, một trong những yếu tố quan trọng là hình thành nguồn vốn trung và dài hạn do Nhà nước cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định.
Đồng thời, cần đẩy mạnh huy động các nguồn vốn theo quy định của Luật Nhà ở để hỗ trợ cho đối tượng được hưởng chính sách NOXH. Bên cạnh đó, tiếp tục đề xuất sửa đổi các cơ chế, chính sách về tài chính, tín dụng, thuế liên quan đến NOXH; đặc biệt là vai trò của chính quyền các địa phương trong việc triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và thủ tục chuẩn bị đầu tư, tạo quỹ đất dành để xây dựng NOXH.
Cần tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân có đất ở phù hợp với quy hoạch vay vốn hỗ trợ để cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới nhà ở của mình hoặc tham gia đầu tư xây dựng NOXH để bán, cho thuê theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cần tăng cường vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng thông qua công tác phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện tại các địa phương có nhu cầu cao về NOXH.
- Xin cảm ơn ông!
Toàn Thắng
Các bản tin khác
- Top điểm nghỉ đông "hot" nhất Việt Nam
- Những lợi ích khi mua nhà vào dịp cuối năm
- Đà Nẵng: “Sốt” Bất động sản Tây Bắc dịp cuối năm
- Thị trường bất động sản 2018 và sự dịch chuyển căn hộ giá "mềm"
- Khách mua condotel "nhấp nhổm" chờ chính danh
- Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hơn 100 triệu USD vào Khu du lịch Xuân Thiều
- Thị trường căn hộ: Không chỉ giá "mềm", người trẻ cần nhiều hơn thế
- Nâng tầm phố phục vụ du khách xuyên đêm An Thượng
- Thanh tra các dự án trên bán đảo Sơn Trà và Khu đô thị quốc tế Đa Phước
- Dự án Elysia Complex City tung ra 10 biệt thự hướng ra sông Hàn
- Đặt cọc giữ chỗ mua nhà: Câu chuyện may rủi
- Gỡ khó cấp "sổ đỏ" cho dân
- Doanh nghiệp Hoa Kỳ hỗ trợ Đà Nẵng xây dựng thành phố thông minh
- Thị trường BĐS: Rộn ràng khuyến mãi cuối năm
- Bắt mạch thị trường BĐS Tết Mậu Tuất 2018
- World Travel Awards 2017: Hai khu nghỉ dưỡng của Tập đoàn Sun Group được xướng tên ở nhiều hạng mục danh giá nhất
- Bất động sản cuối năm: Khách hàng "chọn mặt gửi vàng"
- 5 cách hạn chế mất tiền tỷ khi góp vốn mua nhà đất
- Thị trường bất động sản thiếu…thông tin?
- Bế mac kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố: thảo luận và thông qua 25 Nghị quyết quan trọng