CafeLand - Không còn âm thầm chảy vào thị trường như thời gian trước, dòng vốn ngoại từ các quỹ đầu tư nước ngoài liên tục rót vào thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian gần đây qua những thương vụ lớn.
Tuần trước, quỹ đầu tư Creed Group (Nhật) đã ký kết hợp tác với Công ty An Gia để rót 200 triệu USD vào doanh nghiệp này. Nguồn vốn này để mua lại cổ phần của An Gia, đầu tư vào các dự án theo tỉ lệ 50/50, đồng thời cung cấp các khoản vay với lãi suất 5% để An Gia mua dự án mới.
Ông Toshihiko Muneyoshi, Chủ tịch quỹ đầu tư Creed Group cho hay, đây chỉ là bước khởi đầu trong việc hợp tác, nếu thị trường tốt Creed Group tiếp tục đầu tư và các dự án do An Gia phát triển.
Đại diện An Gia và Creed Group ký kết hợp tác. Ảnh: Thanh Thịnh
Đầu tư vào An Gia không phải là sự kiện đầu tiên ghi nhận sự có mặt của quỹ đầu tư có tổng tài sản 5 tỷ USD này tại Việt Nam. Cách đây gần 1 năm, Creed Group đã bắt tay với Công ty Năm Bảy Bảy để đầu tư vào 3 dự án do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư. Tính cả thương vụ đầu tư vào An Gia, Creed Group đã đầu tư vào TP.HCM 300 triệu USD.
Không chỉ Creed Group, quỹ đầu tư Tập đoàn Global Emerging Market (GEM) đã ký kết đầu tư tư 20 triệu USD, tương đương gần 440 tỷ đồng vào Địa ốc Hoàng Quân thông qua việc đầu tư vào cổ phiếu HQC. GEM là đối tác quốc tế thứ 3, sau tập đoàn LG và Hyundai ký kết hợp tác với Công ty Địa ốc Hoàng Quân trong khoảng thời gian gần 1 năm vừa qua để phát triển nhà ở xã hội do HQC đầu tư.
Quỹ đầu tư Vietnam Opportunity Fund của công ty VinaCapital cũng vừa công bố giải ngân gói đầu tư đầu tiên trị giá 15 triệu USD vào các cổ phiếu ưu đãi chuyển nhượng của tập đoàn Novaland. Gói giải ngân này là một phần của khoản hợp vốn đầu tư trị giá 47 triệu USD mà VinaCapital vừa ký với Novaland, nhằm xúc tiến hiệu quả hơn nữa các dự án đầu tư bất động sản của Novaland trên địa bàn TP.HCM.
Việt Nam có dân số đông và trẻ, chủ yếu tập trung sống đô thị, quỹ nhà ở còn khiêm tốn - đó là cơ hội cho các nhà đầu tư ngoại. Ảnh: NK
Một doanh nghiệp khác là Khang Điền, dù đã kín room sở hữu của nước ngoài (49%) nhưng vẫn có nhiều quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm tìm hiểu cơ hội rót vốn vào Khang Điền để phát triển hàng loạt dự án mà công ty đang sở hữu.
Theo ông Nguyễn Đình Bảo, Phó Tổng giám đốc Khang Điền, tính đến thời điểm này, VinaCapital đang sở hữu cổ phiếu Khang Điền với tỷ lệ là 21%, tương đương 26 triệu USD. Dragon Capital là cổ đông lớn thứ hai của Công ty với tỷ lệ sở hữu 16%, tương đương giá trị thị trường hơn 20 triệu USD. Ngoài ra, các quỹ khác cũng tham gia vào KDH như Mutual Fund Elite, Vietnam Holding, SAM…
Sở dĩ các nhà đầu tư quyết tâm rót vốn vào Khang Điền là do công ty sở hữu hơn 100 ha quỹ đất sạch với chi phí thấp gồm nhiều dự án tập trung tại quận 2 và quận 9. Đi cùng sự phát triển của thị trường bất động sản khu Đông Tp.HCM, đó sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư, ông Bảo cho biết.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Toshihiko Muneyoshi cho biết, lý do đầu tư vào Việt Nam là bởi Việt Nam có dân số đông và trẻ, chủ yếu tập trung sống đô thị, quỹ nhà ở còn khiêm tốn.
Bên cạnh đó nhiều chính sách pháp luật về đất đai thông thoáng đã ban hành như mở cửa cho người nước ngoài mua nhà đã tạo sự minh bạch, sức mua được khơi thông cộng với tín dụng linh hoạt, chi phí lãi vay thấp đang tạo cơ hội rất tốt cho người dân mua nhà và doanh nghiệp bất động sản phát triển. Ở tầm vĩ mô, Chính phủ đang đàm phán gần xong hiệp định TPP, sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư lớn của quốc tế.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 7, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào 15 dự án mới và 7 lượt dự án đăng ký tăng vốn. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,69 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng vốn đầu tư. Dù không nhiều như vào thời kỳ hoàng kim của bất động sản như những năm 2008 (23,6 tỷ USD - chiếm 36,8% tổng FDI) nhưng bất động sản vẫn đang giữ vị trí thứ 2 về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chỉ sau ngành công nghiệp chế biến chế tạo. |
Các bản tin khác
- “Chiến lược đại dương xanh” đã lấn sang thị trường bất động sản
- Cuộc đối đầu kỳ thú giữa shophouse và thương mại điện tử
- Tháo gỡ vướng mắc về tách thửa đất, cấp sổ hồng
- CEO Sun Group và những câu chuyện bây giờ mới kể
- "Bom tấn" Golden Bridge khiến du khách quốc tế khao khát check-in Đà Nẵng
- Cách thức xác định đối tượng mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư
- Bất động sản: Thời của trải nghiệm khách hàng lên ngôi
- "Cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến bất động sản Việt Nam"
- Yên bình bãi Tiên Sa
- Chờ khung pháp lý, "đứa con lai" condotel dần hạ nhiệt
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng tại quận Liên Chiểu
- Đà Nẵng: Đấu thầu dự án khu đô thị 50ha từ việc chuyển đổi KCN Đà Nẵng
- Thị trường bất động sản: "Sẽ không biến động lớn đến 2019"
- Đề xuất phương án thu hồi dự án sân vận động Chi Lăng
- Chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành đất ở đô thị: Cần đúng quy định pháp luật và phù hợp điều kiện cụ thể
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Đà Nẵng - thành phố động lực của sự phát triển
- Đấu thầu xây dựng bãi đỗ xe công cộng nhiều tầng tại 18 vị trí khu vực trung tâm thành phố
- Khai thác thị trường bất động sản công nghiệp
- Cuối năm nay sẽ có văn bản pháp lý cho condotel
- Pháp lý cho condotel chưa rõ ràng