(Cadn.com.vn) - Ngày 4-8, UBND TP tổ chức cuộc họp nghe báo cáo các đồ án kiến trúc quy hoạch với các sở, ban ngành, quận huyện và chủ đầu tư. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ và Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ chủ trì, chỉ đạo công tác quy hoạch.
Ngừng hoạt động sân tập golf tại Công viên Thanh niên
Sân tập golf tại Công viên Thanh niên hiện tại có diện tích: 26.600 m2 bao gồm khối nhà điều hành 2 tầng diện tích hơn 1.000 m2 và diện tích đất trống hạ tầng kỹ thuật tại khu vực tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, với tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng nhưng sân tập này hoạt động không hiệu quả. Do vậy, Viện Quy hoạch đề nghị giữ nguyên khối nhà 2 tầng hiện trạng, khuôn viên bãi xe. Quy hoạch Khu vực các sân thể thao gồm: 2 sân bóng đá mini, 2 sân tennis, 2 sân bóng chuyền, 1 sân bóng rổ, 1 sân tập thể dục ngoài trời, 1 khu sân chơi trẻ em (thiết bị xã hội hóa); khu vực tiệc cưới ngoài trời gồm: 4 khu 250 chỗ ngồi và 2 khu 300 chỗ (lều bạt, bàn ghế... xã hội hóa) với tổng kinh phí đầu tư khoảng 11 tỷ đồng (trong đó, kinh phí xây dựng: 9,3 tỷ đồng, thiết bị: xã hội hóa, kinh phí khác: 1,7 tỷ đồng). Sau khi lắng nghe ý kiến của các đơn vị có liên quan, Bí thư Thành ủy Trần Thọ đồng ý chuyển đổi công năng nhưng lưu ý tính đến kho để vật dụng cho khu tiệc cưới, vệ sinh.
Lãnh đạo TP cũng đồng ý phương án quy hoạch Công viên tại đường Hùng Vương, Yên Bái, Nguyễn Thái Học và Nguyễn Chí Thanh. Theo đó, công viên sẽ quy hoạch đường dạo, quảng trường với diện tích: 2.366 m2; đất cây xanh, thảm cỏ có DT: 1.935m2; sân chơi trẻ em có diện tích: 506 m2 và các hạng mục kỹ thuật khác với kinh phí đầu tư 7,6 tỷ đồng.
|
Bí thư Thành ủy Trần Thọ chỉ đạo ngừng hoạt động sân tập golf tại Công viên Thanh Niên. |
Vinamilk xây dựng trại bò sữa tại Hòa Phong
Theo báo cáo Sở Xây dựng, Cty TNHH-MTV Bò sữa Việt Nam (thuộc Tập đoàn Vinamilk) đề nghị đầu tư dự án Trang trại Bò sữa tại thôn Nam Thành, xã Hòa Phong với quy mô diện tích khoảng 66ha để nuôi khoảng 2.000 – 2.500 con bò sữa phục vụ cho nhà máy tại KCN Hòa Khánh. Theo ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc Điều Hành Phát triển Vùng nguyên liệu Vinamilk hiện nay Nhà máy Vinamilk Đà Nẵng hoạt động tương đối hiệu quả, 6 tháng đầu năm 2015 doanh thu đạt 1.700 tỷ đồng, nộp ngân sách thành phố gần 80 tỷ đồng.
Trang trại nuôi bò sữa sẽ đầu tư dây chuyền công nghệ rất hiện đại, cơ giới hóa, tự động hóa theo tiêu chuẩn ISO 9001 – 2008, đặc biệt cả nước có 9 trang trại thì có 6 trang trại đạt chuẩn quốc tế Global G.A.P. (đây là tiêu chuẩn được kiểm soát rất chặt chẽ quy trình đầu vào, đầu ra của sản phẩm và Vinamilk là Cty đầu tiên của Châu Á có số lượng trang trại đạt chuẩn này). ông Dũng cho biết, Vinamilk đang có kế hoạch nâng công suất nhà máy sữa tại Đà Nẵng lên gấp đôi so với hiện tại để cung cấp cho khu vực miền Trung do đó, Vinamilk rất mong muốn được đầu tư trang trại tại Đà Nẵng, thậm chí nếu được phép thì mở rộng trang trại lên cả trăm ngàn con bò sữa. Trước mắt Vinamilk sẽ đầu tư 350 tỷ đồng trên diện tích 66ha, thậm chí Vinamilk sẽ quy hoạch một vùng trồng cỏ, trồng bắp xung quanh để tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân xã Hòa Phong. Ngoài ra, trang trại bò sữa được đầu tư như một điểm tham quan du lịch để người dân, du khách có thể tham quan quy trình chăn nuôi, quy trình vắt sữa... Ông Dũng cũng cam kết khi được giao đất Vinamilk sẽ tập trung vốn triển khai ngay dự án và năm 2015 hoàn thành thủ tục đầu tư và đầu năm 2016 sẽ triển khai dự án.
Sau khi lấy ý kiến của các sở Xây dựng, NN&PTNT, TN&MT, UBND H. Hòa Vang, chủ đầu tư, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đồng ý chủ trương. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho biết, việc đầu tư dự án sẽ góp phần phát triển chăn nuôi gắn với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng phù hợp với định hướng xây dựng, khuyến khích phát triển doanh nghiệp, các khu và vùng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương tại Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 4-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, Vinamilk là nhà đầu tư lớn, có tiềm năng và đóng góp lớn cho thành phố, vì vậy giao cho Sở NN&PTNT và Sở Tài nguyên-Môi trường nghiên cứu mở rộng diện tích cho chủ đầu tư hoặc tìm vị trí khác có diện tích rộng hơn để chủ đầu tư mở rộng trang trại đáp ứng nhu cầu cung cấp cho nhà máy sản xuất.
Mở đường dọc đường sắt
Lãnh đạo TP cũng đồng ý mở tuyến đường 5,5km dọc đường sắt đoạn từ Ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm đi qua P. Hòa An, P. Hòa Phát, Q. Cẩm Lệ. Theo đó, tuyến đường rộng 8,0m (lòng 5m, lề mỗi bên 1,5m), tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, trong đó xin vốn từ Trung ương 70 tỷ đồng, còn lại là ngân sách thành phố. Theo Bí thư Thành ủy Trần Thọ, tuyến đường này cần ưu tiên đầu tư, trong tương lai đường sắt di dời ra ngoại ô thành phố thì đường Trường Chinh kết hợp với giải tỏa đường sắt sẽ trở thành một đại lộ lớn và nhìn từ cầu vượt Ngã ba Huế xuống sẽ rất đẹp. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đồng ý phê duyệt dự án và giao cho Giám đốc Sở GTVT, Sở KH &ĐT và Chủ tịch UBND Q. Cẩm Lệ hoàn tất các thủ tục xin vốn của Trung ương để triển khai.
Đối với dự án ven biển Hòn Ngọc Á Châu của Công ty CP Hòn Ngọc Á Châu (diện tích 17ha nằm tại P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). Đây là dự án đã “treo” nhiều năm và đã có "tối hậu thư" của thành phố, đến nay xin được điều chỉnh và chủ đầu tư cam kết triển khai dự án để phục vụ cho sự kiện APEC 2017. Theo đó, chủ đầu tư xin điều chỉnh giảm diện tích xây dựng khối khách sạn, khối spa; bỏ khối nhà thể thao, giảm diện tích sân tennis, bỏ khu phố mua sắm, thay thế bằng các khối khách sạn pavilion 2 tầng, các villa ven biển, các bungalow hướng biển, nhà hàng biển và khối phụ trợ, giảm mật độ xây dựng từ 21,6% xuống 20% để tăng diện tích cây xanh, thảm cỏ, mặt nước. Đại diện chủ đầu tư cũng cho biết trước mắt sẽ đầu tư khu dịch vụ du lịch, dịch vụ công cộng để kịp thời phục vụ sự kiện APEC 2017. Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đồng ý theo kiến nghị của chủ đầu tư. Tuy nhiên, lưu ý các đơn vị liên quan không điều chỉnh thời hạn triển khai dự án như đã cam kết.
Lãnh đạo TP cũng đồng ý Cty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai xây dựng tạm nhà máy sản xuất, lắp ráp điện – điện tử LED trên phần diện tích 38.000m2 tại khu vực Bến xe phía Nam, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư cam kết tự tháo dỡ nhà máy (không được hỗ trợ đền bù, giải tỏa) và hoàn trả lại diện tích này để mở rộng Bến xe Phía Nam khi giai đoạn 1 Bến xe phía Nam quá tải.
Đặc biệt, lãnh đạo TP cũng đồng ý dành khu đất 1,5ha tại ngã tư đường 30-4 và đường Nguyễn Hữu Thọ để Tập đoàn Vingroup đầu tư 1.500 tỷ đồng xây dựng Bệnh viện Quốc tế 13 tầng.
Xuân Đương
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác
- Phân biệt sổ trắng, sổ hồng và sổ đỏ
- Chờ đợi "cú hích lớn" trên thị trường vốn khu vực
- Rủi ro khi mua đất nền dự án chưa đủ điều kiện bán
- Xu hướng đầu tư bất động sản 2018: Góc nhìn từ chuyên gia
- Nhận bàn giao nhà, người mua cần chú ý điều gì?
- Ký gửi nhà đất là gì?
- Nhu cầu ở thực- từ khóa hot của thị trường BĐS 2018
- Cuộc chơi mới của các đại gia địa ốc
- Căn hộ Heritage Treasure Danang - vị trí đắt giá bên bờ sông Hàn
- Nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 5
- Có phải đất nền Đà Nẵng đang “bong bóng”?
- Nhiều nhà đầu tư Singapore đầu tư vào hạ tầng, bất động sản Đà Nẵng
- Dốc tiền tỷ mua biệt thự nghỉ dưỡng Đà Nẵng, khách hàng nên biết điều này
- Giữa cơn say đất nền, nhà đầu tư hãy biết tự bảo vệ túi tiền của mình
- Đà Nẵng trao bản ghi nhớ triển khai hợp tác với doanh nghiệp Singapore
- Shophouse trong các khu đô thị lớn thu hút nhà đầu tư
- Ngày 27-4, khai trương mùa du lịch biển Đà Nẵng 2018
- Môi giới đua nhau làm chủ đầu tư: Thực hư chuyện “hóa rồng”
- Hiện tượng sốt đất hiện nay sẽ không lặp lại kịch bản 10 năm trước
- Đặt đá gắn biển tên khu phố du lịch An Thượng