(PL)- Đến tận nơi xem nhà, quen với người bán, lên quận dò hỏi tình trạng pháp lý và được xác nhận giấy tờ nhà là thật… nhưng người mua vẫn mắc nạn.
Ông Phạm Văn Hòa, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM được giới thiệu mua căn nhà F29 cư xá Phú Lâm, phường 13, quận 6. Căn nhà trên do ông Phạm Văn Huy, chỗ quen biết với ông Hòa, mua lại gần hai tháng trước. Hợp đồng mua bán của ông Huy và người bán trước đó được lập tại Phòng Công chứng số 7, đã đăng bộ xong.
Ông Huy cho hay do cần tiền gấp cho con đi du học nên bán nhanh căn nhà với giá 3 tỉ đồng. Sau mấy lần được ông Huy dẫn đến xem nhà (đang bỏ trống), ông Hòa thấy khá tin tưởng. Nhưng vốn cẩn thận, ông Hòa còn cầm giấy tờ lên quận 6 để hỏi về chủ sở hữu, tình trạng tranh chấp… Quận cho hay thông tin đúng như người bán cung cấp. Hoàn toàn yên tâm, ông Hòa đồng ý mua căn nhà trên.
Hợp đồng mua bán nhà lần này cũng được lập tại Phòng Công chứng số 7. Sau khi ký công chứng, ông Hòa chuyển 3 tỉ đồng cho bên bán và chuẩn bị nhận nhà như cam kết của hai bên. Nhưng chỉ vài ngày sau, ông Hòa sửng sốt bởi một người xuất hiện cho hay mình mới là chủ sở hữu của căn nhà này và chưa từng ký bán nhà cho ông Huy.
Căn nhà F29 cư xá Phú Lâm, phường 13, quận 6, TP.HCM. Ảnh: CT
Để chứng minh, người này trưng ra giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở của căn nhà F29 cư xá Phú Lâm. Cả hai bộ giấy tờ nhà được mang lên quận 6 để đối chiếu thật-giả. “Sau khi xem xét, quận 6 khẳng định giấy tờ mà tôi đang giữ do ông Huy đưa cho là giấy tờ thật. Còn giấy của người kia là giấy giả” - ông Hòa kể.
Gút mắc ở chỗ, giấy tờ nhà giả nhưng người cầm lại là người chủ nhà thật. Đối chiếu hình ảnh người bán trên giấy chứng minh mà Phòng Công chứng số 7 lưu cho thấy có một người nào đó đã đóng giả chủ nhà. Giải thích về bộ giấy tờ giả, ông này cho hay trước kia có rao bán nhà và nhiều người đến xem, hỏi mượn giấy tờ và có thể ông bị đánh tráo giấy tờ thật mà không biết. Để chứng minh mình là nạn nhân, người này khởi kiện yêu cầu tòa hủy hợp đồng mua bán đã ký giữa ông Huy với người bán giả mạo tên ông.
Trong khi đó, ông Huy cũng khẳng định không hề biết người bán nhà cho mình đã giả mạo và cũng không biết người này đang ở đâu. Hiện vụ án chuẩn bị được TAND quận 6 xét xử và căn nhà trên bị yêu cầu tạm thời không được chuyển dịch.
Nhà không được nhận, đòi lại tiền không xong, ông Hòa chỉ còn biết làm đơn đề nghị công an vào cuộc. Theo thông tin từ Công an quận 6, đơn của ông đã được chuyển về Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.HCM (PC45) để xử lý nhưng chưa biết khi nào xong và kết quả ra sao.
Nhiều kịch bản xuất phát từ vay tín dụng đen
Trên thực tế, chiêu làm giả giấy tờ của chủ sở hữu khi thuê nhà rồi rao bán đã lừa được không ít người mua ngay tình. “Người mua được dẫn đi xem nhà nhiều lần và cũng được bàn giao nhà đàng hoàng khi trả tiền nên khó lòng nghi ngờ được. Mãi về sau, khi phát hiện căn nhà đã bị bán, chủ nhà thật sự đứng ra tranh chấp thì người mua ngay tình mới té ngửa”, Trưởng Văn phòng Công chứng Sài Gòn Trần Quốc Phòng kể một trường hợp ông chứng kiến.
Theo ông Phòng, đa số trường hợp giấy tờ giả mạo nhà đất có nguồn gốc trực tiếp hoặc sâu xa từ quan hệ tín dụng đen. Các bên ký hợp đồng ủy quyền, mua bán nhưng thực chất bên trong là quan hệ vay mượn. “Bên vay làm nhiều bộ giấy tờ giả để vay hoặc bán nhiều nơi. Hoặc họ thuê người đóng giả chủ sở hữu căn nhà để giao dịch với người mua” - ông phân tích.
Trong khi đó, Trưởng phòng Công chứng số 7 Hoàng Mạnh Thắng cho rằng nếu nói bên làm giả giấy tờ và chủ sở hữu thật sự không liên quan nhau là không hợp lý. Chẳng hạn một trường hợp ở quận Bình Tân vừa bị Phòng Công chứng số 7 phát hiện. Bà này đã sang tên căn nhà cho người con nhưng vẫn tiếp tục làm giả giấy tờ mang tên mình rồi ký bán cho người khác. “Nếu không từng hoặc đang liên quan thì họ không thể biết được những thông tin của căn nhà, thông tin trên giấy chứng minh, đặc biệt thông tin trong sổ hộ khẩu… để làm giả. Đặc biệt, sổ hộ khẩu thường là sổ thật” - ông nhận xét.
Mua nhà đấu giá cũng bị mắc nạn giấy tờ giả Đó là trường hợp oái oăm mà bà Đoàn Thị Phú mắc phải khi mua căn nhà 62D/31 Nguyên Hồng, phường 11, quận Bình Thạnh. Căn nhà này được chủ sở hữu thế chấp ngân hàng nhưng mất khả năng thanh toán nên bị phát mại. Chi cục Thi hành án (THA) dân sự quận Bình Thạnh bán đấu giá, bà Phú mua được căn nhà trên. Sau khi nộp hết tiền (hơn 3 tỉ đồng) cho Chi cục THA, bà nhận bộ hồ sơ nhà và đi đăng bộ sang tên. Thế nhưng đến lúc này, quận Bình Thạnh thông báo bộ giấy tờ nhà này là giả mạo nên không giải quyết. Cán bộ Chi cục THA quận Bình Thạnh cho hay đây là bộ giấy tờ được bên ngân hàng giao cho. Cùng lúc, cơ quan công an cũng thông báo vừa phát hiện thêm một bộ giấy tờ giả của căn nhà này. Chủ sở hữu căn nhà đang thụ án do liên quan tới một vụ án khác. Đến giờ các cơ quan chức năng cũng chỉ khẳng định các bộ giấy tờ nhà là giả mạo. Còn bộ giấy tờ thật ở đâu, quyền lợi cho bên mua nhà hợp pháp ngay tình được giải quyết thế nào thì chưa có câu trả lời. |
CẨM TÚ
Theo Báo Pháp luật TPHCM
Các bản tin khác
- 3 cú hích cho thị trường nhà ở Việt Nam
- Sun Group động thổ dự án công viên 4.600 tỷ tại Hà Nội
- Mở rộng đô thị về phía tây
- Đất Đà Nẵng tăng gấp ba: Dân giàu Hà Nội lãi bỏng tay
- Cơn sốt condotel tại Đà Nẵng
- Mua bán "trao tay" gây khó cho việc làm sổ đỏ
- Đà Nẵng phát triển vệt sinh thái nghỉ dưỡng ven sông Cổ Cò
- Kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia: Còn nhiều bất cập
- Có nên mua nhà chưa có sổ?
- Người mua nhà tìm kiếm bất động sản vùng xa, vùng sâu
- Condotel Sun Group sở hữu chuẩn quốc tế
- Bùng nổ bất động sản nghỉ dưỡng triệu USD
- Biết sống một đời!
- Lễ hội B'estival lần đầu tiên được tổ chức tại Bà Nà Hills
- Đô thị hóa đi đôi với tăng trưởng xanh
- Căn hộ biển miền Trung giá trung bình trên 2.000 USD một m2
- Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa nhà phố và căn hộ chung cư
- Giá bất động sản tăng nhẹ tại một số khu vực
- 20 ý tưởng tuyệt đỉnh khiến nhà chẳng còn nhàm chán
- Đầu tư office-tel “lời” hơn văn phòng cho thuê truyền thống