Dù đã đi vào thực hiện được 2 tháng nhưng đến nay việc bảo lãnh dự án bất động sản thực tế đã gặp phải những vướng mắc, thậm chí có nguy cơ rơi vào tình trạng bế tắc.
Nhiều doanh nghiệp bị “việt vị”
Theo Khoản 1, Điều 56 của Luật Kinh doanh BĐS 2014, kể từ ngày 1-7, chủ đầu tư BĐS trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng để đề phòng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ cam kết với khách hàng.
Nếu sau khi ký hợp đồng mua bán và huy động vốn từ khách hàng, chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết giao nhà thì ngân hàng có trách nhiệm hoàn trả số tiền mà khách hàng đã nộp.
Ngay sau ngày 1-7, nhiều chủ đầu tư đã công bố ngân hàng bảo lãnh dự án của mình. Thế nhưng đến ngày 12-8, Ngân hàng nhà nước (NHNN) mới công bố danh sách 33 ngân hàng thương mại “có đủ điều kiện bảo lãnh cho chủ đầu tư dự án bất động sản để bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai”. Và mới đây NHNN tiếp tục cấp phép bổ sung cho 5 ngân hàng tham gia bảo lãnh bất động sản, đưa tổng số lên tới con số 38 ngân hàng.
Theo đó, vẫn còn một số cái tên ngân hàng chưa được tham gia bảo lãnh bất động sản như Eximbank, DongABank, VNCB, GPBank, Oceanbank, Saigonbank… Cho dù trước đó, những ngân hàng này đã thực hiện ký kết hợp đồng trên nguyên tắc với nhiều chủ dự án, chỉ đợi sau khi có danh sách sẽ chính thức hoàn thiện hợp đồng bảo lãnh theo đúng quy định tại Điều 56 của Luật Kinh doanh bất động sản 2014. Sự chậm chạp này dẫn đến việc nhiều chủ đầu tư bị “việt vị”!
Trong trường hợp các ngân hàng ký hợp tác với chủ dự án đó không trong danh sách được chấp thuận, thì thỏa thuận hợp tác bảo lãnh đã ký gần như vô nghĩa. Để giải quyết vấn đề này, chủ dự án lại phải đi tìm một ngân hàng khác, lại phải đàm phán lại mà vấn đề là chưa chắc biết việc ký kết hợp đồng bảo lãnh ra sao.
Bởi lẽ, những ngân hàng này không phải ngân hàng “ruột” và có thể đòi hỏi yêu cầu năng lực chủ đầu tư, chất lượng dự án cao hơn rất nhiều so với ngân hàng mà họ đã có quan hệ tín dụng lâu năm.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện một doanh nghiệp nêu ý kiến rằng, khi tôi làm dự án tôi đến ngân hàng này vay tiền trong đó có thỏa thuận là tất cả tiền bán hàng ở dự án chủ đầu tư phải chuyển qua ngân hàng đó. Tiến độ đến đâu ngân hàng sẽ rót vốn đến đấy. Nhưng nếu ngân hàng này không nằm trong danh sách thì không được làm việc đó. Để thực hiện việc bảo lãnh sẽ là một ngân hàng khác. Ngân hàng này cũng yêu cầu phải chuyển tiền cho họ. Đến lúc này, doanh nghiệp là người đứng giữa và công trình đang thi công xây dựng rồi. Như vậy chủ đầu tư sẽ bị vướng, doanh nghiệp sẽ phải xử lý như thế nào?
Chạy đua mức phí?
Dù đã đi vào thực hiện được 2 tháng nhưng đến nay việc bảo lãnh dự án bất động sản thực tế đã gặp phải những vướng mắc, thậm chí có nguy cơ rơi vào tình trạng bế tắc.
Mức phí bảo lãnh vẫn là một trong những vấn đề còn nhiều băn khoăn. Nêu câu chuyện thực tế của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện đàm phán về phí bảo lãnh dự án bất động sản, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư dầu khí toàn cầu cho biết làm việc với không dưới 5 ngân hàng mỗi ngân hàng lại đưa ra mức phí rất khác nhau không có một tiêu chí, tiêu chuẩn nào. Điều này khiến cả doanh nghiệp và ngân hàng đều lúng túng.
Phí bảo lãnh sẽ không có mức trần và mức sàn, mà do các ngân hàng tự thỏa thuận và quyết định đánh giá uy tín của chủ đầu tư để đưa ra mức phí phù hợp. Có không ít ý kiến đặt ra lo ngại doanh nghiệp sẽ đi chạy nhau để làm sao được mức phí thấp nhất. Điều này có thể nảy sinh ra tiêu cực.Vấn đề này làm thế nào để có thể minh bạch?
“Việc bảo lãnh bảo vệ cho khách hàng là cần thiết nhưng vấn đề là việc thực hiện bảo lãnh như thế nào? Như dự án có 1000 căn đến thời điểm này bán được 500 căn rồi về nguyên tắc 500 căn còn lại phải có bảo lãnh. Vậy thì bây giờ bảo lãnh 500 căn ấy hay bảo lãnh cả dự án và bây giờ thì thu phí thế nào? Với 500 căn đã bán rồi theo tiến độ mới thu 50% sẽ tính ra làm sao?” – một doanh nghiệp nêu ý kiến.
Dù NHNN đã ban hành thông tư 07 hướng dẫn cụ thể quy định này nhưng doanh nghiệp cho rằng thông tư 07 không đưa ra được những thông tin mà doanh nghiệp nhà đầu tư áp dụng được. Thiếu những hướng dẫn cụ thể khiến cả ngân hàng và chủ đầu tư đều phải vừa làm vừa mò mẫm để điều chỉnh cho việc dự án có ngân hàng bảo lãnh được khả thi.
Hồng Khanh
Theo Vietnamnet
Các bản tin khác
- Bộ Xây dựng: Thị trường bất động sản đang được kiểm soát tốt
- Shophouse vị trí vàng vẫn là lựa chọn hàng đầu
- Phê duyệt quy hoạch cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam
- Lãi suất quay đầu giảm, thời cơ cho địa ốc đã tới?
- Hiệp hội công chứng Việt Nam chính thức được thành lập
- Kế hoạch 2019 đầy tham vọng của “ông lớn” địa ốc
- Vicoland bàn giao sổ hồng đợt cuối cho khách hàng mua nhà thu nhập thấp
- Thị trường bất động sản 2018 những con số biết nói
- Doanh nghiệp địa ốc ráo riết lên kế hoạch năm 2019
- Cơ hội cho tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành
- Báo Đầu tư chính thức phát hành ấn phẩm Toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam
- Không phân lô bán nền dọc đường vành đai phía Nam
- Hình dung đô thị Đà Nẵng vào năm 2030
- Chủ đầu tư tính kế "vợt" dòng kiều hối cuối năm
- Việt Nam và những lợi thế phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven biển
- Năm 2019 nhà đầu tư nên lựa chọn kênh đầu tư nào?
- Không gian du lịch sinh thái dưới chân Sơn Trà
- Xu hướng bất động sản năm 2019: Phân khúc condotel tiếp tục khó khăn
- Chính phủ giao thành phố Đà Nẵng đầu tư cảng Liên Chiểu
- [Infographic] Tổng quan thị trường bất động sản năm 2018