Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 8/2015 đã đạt mức 10,23% so với cuối năm 2014, hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái là 4,5%, tương đương mức tăng trưởng tính đến tháng 11 của năm 2014. Đây rõ ràng là con số rất ấn tượng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại tốc độ tăng mạnh sẽ tiềm ẩn những rủi ro.
Được biết, Chính phủ đã giao NHNN thúc đẩy tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm cơ cấu tín dụng phù hợp, trong đó tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; giám sát chặt chẽ khi cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, dự án thu hồi vốn thời gian dài…
Ông Nguyễn Tiến Đông nhấn mạnh, chính sách tín dụng đã nắn chỉnh dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời, NHNN đã triển khai thêm nhiều chương trình khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN.
“Mặc dù NHNN chưa công bố con số về tỷ trọng vốn chảy vào bất động sản, tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, dòng tiền chảy vào lĩnh vực này thời gian qua khá mạnh mẽ”, một chuyên gia kinh tế nhận định.
Liên quan đến việc tín dụng tăng trưởng mạnh, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, với GDP tăng trưởng 6-6,5%, tín dụng tăng ở mức độ 15% là phù hợp. Như vậy, 8 tháng đầu năm 2015, dư nợ là 10%, cả năm dự kiến vào khoảng 16%. Con số này tuy có cao hơn một chút so với năm ngoái, nhưng vẫn chưa đến mức rủi ro trong bối cảnh nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi tốt hơn, thể hiện qua chỉ số sản xuất công nghiệp, chỉ số nhà quản trị mua hàng cao và tăng dần đều.
“Tổng dư nợ cho vay bất động sản tính đến cuối tháng 8/2015 vào khoảng 8,5%. Thị trường bất động sản ấm lên, nhu cầu vay vốn tăng là điều đương nhiên”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Trên thực tế, có khá nhiều ngân hàng đang đổ vốn vào thị trường bất động sản. Chẳng hạn, Maritime Bank vừa ký hết hợp tác, tài trợ vốn và bảo lãnh cho Dự án Grand Riverside do CTCP Thương mại và Đầu tư Hồng Hà cùng Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Tiến Phát hợp tác đầu tư; ACB, HDBank và OCB cùng tham gia bảo lãnh cho khách hàng mua nhà tại Dự án Jamona City.
Thậm chí, rất nhiều ngân hàng còn mạnh dạn hỗ trợ lãi suất vay 0% trong thời hạn dưới 12 tháng với những điều khoản nhất định, như Techcombank tại Dự án Park Hill, HDBank với Dự án Celadon City. ACB cũng đang triển khai chương trình vay mua nhà với tên gọi “Ngôi nhà đầu tiên” dành cho khách hàng cá nhân có thu nhập từ 10 triệu đồng/tháng trở lên, lãi suất ưu đãi xấp xỉ 11%/năm.
“Mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết, NHNN có thể tăng mục tiêu tín dụng năm 2015 từ mức 15% lên 17%, cộng với quy luật tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, dòng vốn chảy vào bất động sản chắc chắn còn nhiều hơn nữa”, vị chuyên gia trên nhấn mạnh.
Theo dự báo của Bộ Xây dựng, trong năm 2015, tăng trưởng tín dụng vào thị trường bất động sản sẽ vào khoảng 15%, nâng dư nợ tại lĩnh vực này có thể lên trên 340.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến NHNN đang đề xuất gói tín dụng 50.000 tỷ đồng dành cho nhà ở thương mại, thông qua tái cấp vốn cho các ngân hàng.
“Vốn ngân hàng đổ vào bất động sản khiến thị trường này ấm lên là điều đáng mừng không chỉ đối với thị trường này mà còn với cả nền kinh tế. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực nhiều rủi ro với bài học cay đắng vài năm trước, khi nợ xấu của cả nền kinh tế cao gắn liền với bất động sản. Do vậy, việc cẩn trọng khi đổ vốn cho lĩnh vực này chắc chắn không thừa”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định.
TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm, bất động sản luôn là lĩnh vực dễ đọng vốn. Ngân hàng cho vay bất động sản, đồng nghĩa với việc phải chấp nhận rủi ro cao, cần phải có nhiều vốn đối ứng để tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu (CAR) đảm bảo 9%. Tuy nhiên, tình hình chưa đến mức quá lo lắng, bởi giá bất động sản chưa quá cao so với mức đỉnh gần đây, tổng dư nợ cho vay bất động sản vào khoảng 8,5%, chưa đạt đỉnh điểm 13-14%. Thêm vào đó, cả ngân hàng và các chủ đầu tư đã thận trọng hơn sau những năm thị trường suy thoái kéo dài vừa qua.
“Tuy nhiên, việc cảnh báo thận trọng là cần thiết để phòng ngừa rủi ro”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Các bản tin khác
- Cocobay: Hiệu ứng truyền thông hay hiện tượng trên thị trường địa ốc?
- ‘Thảnh thơi sống’ với số tiền đầu tư 560 triệu đồng
- WB xem xét hỗ trợ kỹ thuật dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng
- Phú Gia Thịnh ra mắt dự án mới tại trung tâm TP Đà Nẵng
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết chung cư cho người thu nhập thấp
- Thêm khu “đất vàng” ven biển được chia lô bán nền
- Tổ hợp du lịch giải trí 11.000 tỷ ở Đà Nẵng hiện tại ra sao?
- Sớm triển khai dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng
- Thanh khoản hơn 90% dự án khu đô thị Mỹ Gia - Nam Đà Nẵng
- 400 khách hàng TP HCM quan tâm dự án Hòa Bình Green Đà Nẵng
- Sun River City: Đất nền biệt thự ven sông "cháy hàng" trong ngày mở bán
- Sun World Da Nang Wonders và Liên đoàn Lao động Đà Nẵng kí kết hợp tác chương trình “Phúc lợi đoàn viên”
- Đổ tiền vào bất động sản, người Việt mê đất hay do thời thế?
- Khách sạn, nghỉ dưỡng hút nhà đầu tư lớn
- 3 cách 'soi' pháp lý bất động sản hiệu quả
- “Sau APEC, thị trường bất động sản Đà Nẵng vẫn sôi động”
- Phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức đấu giá lô đất ký hiệu A20 mặt tiền đường Võ Văn Kiệt
- InterContinental Danang: địa điểm tổ chức tiệc cưới lý tưởng nhất thế giới
- Quy hoạch phát triển khu đô thị mới Hòa Quý và Hòa Ninh, Hòa Sơn
- Hé lộ dự án “định vị điểm” tạo cú hích cho địa ốc Đông Nam Đà Nẵng