(Cadn.com.vn) - Có hơn 100 loại tre, trúc trên khắp mọi miền đất nước đã được tụ họp về Khu Bảo tồn tre trúc Việt nằm khuất lấp trên bán đảo Sơn Trà. Với vẻ đẹp thiên nhiên xanh ngắt của mình, nơi đây được vị tu sĩ – chủ nhân khu vườn, đặt một cái tên rất dung dị: Sơn Trà Tịnh Viên...
Không gian xanh mướt với hồ sen, ao cá và hàng trăm loại tre, trúc. |
Hành trình khai hoang
Sơn Trà Tịnh Viên nằm khuất sâu trong thung lũng thuộc tiểu khu 64 (Khu Bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà), cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10km. Bước qua cánh cổng tre nhỏ đơn sơ, ta như ngỡ ngàng trước bức tranh thiên nhiên xanh bạt ngàn của tre, trúc các loại, bên trong khu vườn. Nhìn khu vườn rộng hơn 1 ha với đủ loại tre, trúc, ao hồ, suối nước... như một làng quê thu nhỏ, ít ai ngờ rằng tất cả đều được gầy dựng nên và chăm sóc bởi chính bàn tay của vị tu sĩ ở ẩn trong suốt hơn 10 năm qua – thầy Thích Thế Tường. Để có được một khu bảo tồn tre trúc nên thơ và độc đáo như bây giờ không chỉ là những tháng ngày nhọc công, một mình âm thầm khai hóa mảnh đất khô cằn đầy lau sậy, mà còn là niềm đam mê, tình yêu tre trúc và sự quyết tâm bảo tồn văn hóa Việt của vị tu sĩ 49 tuổi này.
Tu hành từ năm 14 tuổi, thầy Thích Thế Tường (quê gốc ở TT-Huế) đã ấp ủ trong mình ước mơ sưu tầm và bảo tồn hơn 300 loại tre, trúc hiện có trên khắp mảnh đất Việt Nam. Ngoài 20 tuổi, sau khi sư phụ mất, thầy một thân một mình đi tìm chốn thích hợp để tiếp tục phụng sự Phật pháp. Năm 1990, thầy vào chùa Quán Thế Âm (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) tu hành, vẫn chuyên tâm nghiên cứu về văn hóa nói chung và tre, trúc nói riêng. Mãi đến năm 2004, sau khi được một người dân tặng cho mảnh đất để làm một cái chòi nhỏ, đào suối, đào ao chung sống với thiên nhiên, thầy Thích Thế Tường mới bắt tay thực hiện được đam mê của mình. “Lúc đó, nơi đây chỉ là một bãi đất hoang sơ. Suy nghĩ phải làm thế nào cho phù hợp với văn hóa nhà Phật và cũng là bảo tồn văn hóa Việt Nam nên tôi đã quyết định trồng tre, trúc, cải tạo nơi này thành một khu vườn lưu giữ những giống tre trên khắp đất nước”, thầy Thích Thế Tường cho hay. Suốt hơn 10 năm qua, mình thầy bôn ba khắp mọi miền đất nước để tìm cho bằng được các loại tre, trúc đem về. Từ Hà Giang, Lào Cai, Bắc Kạn, Đồng Tháp, Bến Tre..., không nơi đâu là chưa có dấu chân thầy. Luôn tự nhủ “kiến tha lâu có ngày đầy tổ”, thầy cứ âm thầm nghiên cứu, sưu tầm, để rồi khu vườn ngày hôm nay đã trở thành Khu Bảo tồn tre trúc Việt Nam độc đáo ở bán đảo Sơn Trà và cũng là duy nhất tại khu vực miền Trung.
Trong những năm qua, hễ nghe thông tin nơi nào còn các loại tre, trúc quý hiếm là thầy lại tìm đến xin về trồng. Nhìn thấy được đam mê của thầy, nhiều người khi bắt gặp được loại tre nào hay cũng xin về, mua về rồi tặng cho thầy để góp sức làm phong phú thêm khu vườn. Đến nay, khu bảo tồn đã có khoảng 110 loại tre, trúc như mai, vầu, trúc quân tử, lồ ô, nứa, lành anh, cơm lam, luồng, mò o, trúc đen... Đặc biệt, 3 loại tre, trúc quý hiếm cũng đã “tề tựu” về đây là trúc đen ở Hà Giang, Lào Cai, Đà Lạt; tre bông ở Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang; trúc vuông ở Đèo Gió (Bắc Kạn).
Thầy Thích Thế Tường trò chuyện về Sơn Trà Tịnh Viên. |
Điểm dừng chân độc đáo
Mặc dù nằm khá khuất lấp trên con đường nhỏ quanh co dẫn lên bán đảo Sơn Trà nhưng Sơn Trà Tịnh Viên hằng ngày vẫn thu hút rất nhiều lượt khách đến thăm viếng, nghỉ mát. Nhiều bạn trẻ cũng hay lên đây ôn bài, đọc sách như một chốn dừng chân quen thuộc. Lắng mình trong không gian xanh mát và tịch yên ấy, du khách có thể thỏa sức thăm thú và tìm hiểu về các loại tre, trúc, còn thầy thì vẫn cần mẫn với việc đào hố trồng cây, cho cá ăn hoặc thong dong tụng kinh, đọc sách. Xen giữa những bụi tre, khóm trúc là ao sen với đàn cá tung tăng bơi lội, những lối đi lát đá, có những đoạn còn có suối chảy dưới chân... Những bộ bàn ghế đá được đặt bên vườn để du khách có thể ngồi nghỉ ngơi. Phía trong căn chòi thầy đang ở có một gian để thờ cúng, một gian bày toàn sách và khuôn viên bên ngoài là những bộ bàn ghế làm từ tre với bộ tách trà lúc nào cũng còn ấm nóng để sẵn sàng mời khách. “Tôi thường để khách tự do tham quan, nghỉ ngơi, chỉ tập trung làm việc của mình. Đôi khi gặp những người cùng chung sở thích về nghiên cứu tre, trúc thì mời họ cùng ngồi lại để đàm đạo và chia sẻ về đam mê này”, thầy Thích Thế Tường chia sẻ.
Với vị sư thầy ấy, vườn tre đã là một phần của cuộc sống. Thầy bảo, tre là cốt cách của người Việt, là cái hồn của đất nước, cho nên trong thầy lúc nào cũng đau đáu nỗi niềm về tre, luôn mong muốn làm nên một nơi lưu giữ đặc trưng văn hóa Việt. Đam mê chưa dừng lại ở đó, trong tương lai, nếu có điều kiện, thầy Thích Thế Tường dự định sẽ làm nên một bảo tàng mini về tre, trúc, trưng bày sản phẩm tre cổ truyền, phối cảnh làng quê Việt với nhà cửa, nhiều loại cây cối khác nhau... Bên cạnh đó, thầy cũng muốn dựng lên một không gian tre trúc như một phim trường, vừa có thể phục vụ nghệ thuật, vừa triển khai du lịch.
Bằng tình yêu văn hóa Việt, thầy Thích Thế Tường đã lặn lội ngày đêm ươm mầm cho từng gốc tre, rễ trúc để làm nên một Sơn Trà Tịnh Viên yên bình, thanh tịnh tách mình khỏi nhịp sống xô bồ, vội vã của thành phố ngoài kia. Chẳng thế mà thi sĩ Nguyên Lâm Huệ khi đến thăm đã ưu ái tặng cho nơi đây những vần thơ tuyệt đẹp: “Đá nghiêng bên đá, ngàn pho tượng/ Suối chảy reo vui, vạn tiếng đàn/ Tre cong trong gió, trúc vươn thẳng/ Hồn nước Sơn Trà, một Tịnh Viên”...
Thảo Vy
Theo Báo CAĐN
Các bản tin khác
- Phân biệt sổ trắng, sổ hồng và sổ đỏ
- Chờ đợi "cú hích lớn" trên thị trường vốn khu vực
- Rủi ro khi mua đất nền dự án chưa đủ điều kiện bán
- Xu hướng đầu tư bất động sản 2018: Góc nhìn từ chuyên gia
- Nhận bàn giao nhà, người mua cần chú ý điều gì?
- Ký gửi nhà đất là gì?
- Nhu cầu ở thực- từ khóa hot của thị trường BĐS 2018
- Cuộc chơi mới của các đại gia địa ốc
- Căn hộ Heritage Treasure Danang - vị trí đắt giá bên bờ sông Hàn
- Nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 5
- Có phải đất nền Đà Nẵng đang “bong bóng”?
- Nhiều nhà đầu tư Singapore đầu tư vào hạ tầng, bất động sản Đà Nẵng
- Dốc tiền tỷ mua biệt thự nghỉ dưỡng Đà Nẵng, khách hàng nên biết điều này
- Giữa cơn say đất nền, nhà đầu tư hãy biết tự bảo vệ túi tiền của mình
- Đà Nẵng trao bản ghi nhớ triển khai hợp tác với doanh nghiệp Singapore
- Shophouse trong các khu đô thị lớn thu hút nhà đầu tư
- Ngày 27-4, khai trương mùa du lịch biển Đà Nẵng 2018
- Môi giới đua nhau làm chủ đầu tư: Thực hư chuyện “hóa rồng”
- Hiện tượng sốt đất hiện nay sẽ không lặp lại kịch bản 10 năm trước
- Đặt đá gắn biển tên khu phố du lịch An Thượng