(PL)- “Giấy xác nhận độc thân được ghi có hiệu lực sáu tháng. Trong khoảng thời gian đó, người này mua nhà đứng tên một mình rồi bán nhà, thế chấp, cho thuê... thì công chứng viên đòi hỏi phải có giấy xác nhận mới.
Lý do là có khi người này đã kết hôn sau khi được xác nhận độc thân và trước lúc mua nhà, nếu vậy tài sản phải là tài sản chung. Thế nhưng UBND các phường xã không chịu cấp lại vì giấy đã cấp chưa hết hạn sáu tháng. Điều đó khiến khách hàng và công chứng viên gặp khó khăn” - nhiều công chứng viên phản ánh tại buổi giao ban về công tác công chứng do Sở Tư pháp TP.HCM chủ trì ngày 23-9.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Công chứng số 4, cho rằng trong thời gian sáu tháng một người hoàn toàn có thể thực hiện hết các thủ tục kết hôn, ly hôn, bán nhà, mua nhà... Do đó việc UBND phường xã không cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân mới với lý do giấy cũ chưa hết sáu tháng là không thỏa đáng. “Luật không quy định chỉ được cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân một lần, vậy tại sao địa phương lại từ chối?” - ông đặt vấn đề.
Khi được Sở Tư pháp hỏi cách giải quyết trên thực tế lâu nay, các công chứng viên cho hay thực hiện nhiều cách khác nhau. Có người cho rằng nếu việc mua nhà xảy ra sau một tháng so với thời điểm giấy xác nhận độc thân thì... xem như tài sản riêng. Có người thì gửi công văn cho địa phương nhờ xác minh, có người lại cho người dân cam kết. Từ thực tế trên, bà Lý Thị Như Hòa, Trưởng Văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa, đề nghị bỏ việc ghi thời hạn sáu tháng trên giấy xác nhận độc thân và cấp theo nhu cầu của người dân.
Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết sau buổi họp này Sở sẽ có văn bản gửi bộ phận tư pháp của UBND quận, huyện và phường, xã đề nghị vẫn cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người dân dù giấy cũ vẫn còn trong thời gian sáu tháng để phục vụ cho các giao dịch dân sự của người này.
Việc xác nhận tình trạng hôn nhân trong trường hợp một người chuyển qua nhiều nơi sinh sống cũng được cho là gặp nhiều vướng mắc. “Có trường hợp người này hộ khẩu thường trú ở Hà Nội nhưng tạm trú đã lâu ở Sài Gòn, giờ đang sống ở Úc. Vậy địa phương nào, cơ quan nào sẽ xác nhận tình trạng hôn nhân cho họ?” - ông Nguyễn Trí Hòa, Trưởng phòng Công chứng số 1, hỏi. Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp), ông Từ Dương Tuấn, cho hay theo quy định thì trong trường hợp này nơi cư trú cuối cùng của người đó sẽ xác nhận. Còn những thời điểm trước thì cho phép người này làm cam kết. “Tuy nhiên, chỉ áp dụng việc cam kết với địa phương để đăng ký kết hôn. Còn cam kết với công chứng viên để mua bán nhà thì không có quy định. Nếu giải quyết thì các công chứng viên có thể gặp rủi ro và phải cộng đồng trách nhiệm” - ông bày tỏ. Trong khi đó, công chứng viên Nguyễn Thị Tạc cho rằng: “Các địa phương cũ không chịu xác nhận tình trạng hôn nhân thì người có yêu cầu công chứng làm cam kết và công chứng viên chứng thực. Còn việc nội dung đúng hay sai thì người cam kết phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu không thống nhất cách hiểu như vậy thì chúng tôi rất khó làm việc”. |
CẨM TÚ
Theo Báo Pháp luật TPHCM
Các bản tin khác
- Cân nhắc điều kiện sở hữu nhà của người nước ngoài
- Triển khai dự án Trung tâm Hội nghị quốc tế tại Đà Nẵng
- Quản không có nghĩa là cấm
- Phải tính cả “giá trị triển vọng” khi định giá đất
- Đủ kiểu phí ngân hàng
- Mở rộng diện người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
- Nghị định mới quy định về giá đất
- Từ 1/6: Người bán, tặng xe phải khai báo bằng văn bản
- Vốn rẻ làm nóng thị trường nhà đất
- Rủi ro mua nhà, làm sao tránh?
- Lưu ý khi vay tín chấp
- Từ 16/6: Cho phép thế chấp "nhà trên giấy”
- Được thế chấp nhà ở trong tương lai để có vốn mua nhà
- Thị trường căn hộ đua “đổi vỏ” dự án để thoát hàng
- Nhiều dự án du lịch ven biển chậm tiến độ
- Thể hiện tình yêu nước cũng phải đúng cách
- Căn hộ “vừa túi tiền” đang làm nóng thị trường
- Kinh doanh bất động sản sẽ thoáng đến mức nào?
- Ngân hàng Nhà nước chỉ định 8 ngân hàng thí điểm "liên kết 4 nhà"
- Địa ốc ồ ạt ăn theo cú hích hạ tầng