ĐNĐT - Đường Triệu Nữ Vương dài khoảng 1km, bắt đầu giao nhau với đường Hùng Vương và kết thúc ở ngã 6 - nơi giao nhau của các tuyến đường Nguyễn Văn Linh - Hoàng Diệu - Ông Ích Khiêm.
.
Góc ngã tư Triệu Nữ Vương - Lê Đình Dương |
Làm “cây cầu” nối những tuyến phố kinh doanh nhộn nhịp bậc nhất thành phố, con đường mang tên Bà Triệu này tấp nập người qua lại cũng là điều dễ hiểu. Bước chân đi trên con đường này, dù bất cứ thời điểm nào, luôn tồn tại hai cảm xúc trái ngược: sự bon chen, lo toan với bộn bề cuộc sống xen lẫn những nốt lặng thư thái trong tâm hồn.
Cũng giống như nhiều tuyến đường trung tâm khác tại thành phố, người dân sinh sống, kinh doanh trên đường Triệu Nữ Vương luôn biết tận dụng từng m2 đất có sẵn để kinh doanh, sinh hoạt. Bắt đầu từ ngã tư giao nhau với đường Hùng Vương, đập vào mắt người đi đường là hàng loạt cửa hàng kinh doanh áo quần san sát hai bên đường. Đủ kích cỡ, màu sắc, kiểu mẫu, chuỗi cửa hàng nơi đây là sự lựa chọn phù hợp nhất của những khách hàng bình dân.
Ngoài ra, dãy phố này có trên dưới chục “tiệm” sửa áo quần vỉa hè và chỉ cần bỏ ra 20.000-30.000 đồng là có ngay cái áo, cái quần vừa vặn với phom người. Nổi bật giữa những cửa hàng đủ sắc màu là hình ảnh những bàn máy may thủ công vẫn không ngừng nghỉ. Những chiếc máy may thủ công mang các nhãn hiệu nổi tiếng một thời như Janome, Singer, Juki… vẫn hoạt động theo nhịp điệu bàn chân của thợ. Họ - những người thợ gia công vẫn cặm cụi với từng đường kim, mũi chỉ mà quên bẵng đi cái ồn áo, náo nhiệt của phố xá.
Những âm thanh, hình ảnh rất đỗi bình dị ấy có thể không làm nhiều người chú ý khi ngày qua ngày vẫn lướt ngang nơi đây. Nhưng một mai đường Triệu Nữ Vương chỉ còn trong tiềm thức của những người đi xa hay đã lỡ một vài lần đặt chân đến nơi này, hẳn thứ âm thanh, hình ảnh ấy không thể lẫn vào đâu được.
Những bóng cây làm dịu bớt cái nắng oi ả |
Vốn hình thành cùng với sự ra đời, phát triển của chợ Cồn, hoạt động kinh doanh, buôn bán trên đường Triệu Nữ Vương cũng rất tấp nập và tồn tại lâu đời. Từ điểm giao nhau với đường Lê Đình Dương cho tới ngã tư giao đường Đoàn Thị Điểm, nhìn 2 bên đường, sẽ thấy hàng trăm quầy hàng bán linh kiện điện tử, cơ khí, đồ điện gia dụng, linh kiện ô tô xe máy… "Thượng vàng hạ cám", khách tới đây muốn mua máy điều hòa nhiệt độ cũng được; mua cây đinh, con ốc, cái bù loong cũng có.
Nguyên khu vực này là một phần của chợ Tăng Bạt Hổ, ban đầu chỉ nằm ở một đoạn đường Tăng Bạt Hổ bắt đầu từ ngã ba Triệu Nữ Vương, sau mở rộng ra đến các đường lân cận như Đoàn Thị Điểm, Trần Kế Xương, Triệu Nữ Vương, Mạc Đĩnh Chi. Chợ xuất hiện từ sau khi đất nước giải phóng, chủ yếu bán đồ gia dụng cũ, sau có thêm các hàng phụ tùng xe, đồ lề xây dựng,…
Có thời, chợ này nổi tiếng là nơi tiêu thụ đồ trộm cắp không giấy tờ, nguồn gốc, hàng nhập lậu và hàng nhái. Bởi vậy, người ta dặn nhau đi mua đồ ở đây phải thật tinh, chứ không thì tiền mất mà bực lại rước vào người.
Anh Khanh, chủ một cửa hàng kim khí trên đường Triệu Nữ Vương chia sẻ, hoạt động kinh doanh của gia đình anh tồn tại đã hơn 50 năm. Trải qua nhiều sóng gió, biến cố cùng sự đổi thay của xã hội, đến nay gia đình anh vẫn miệt mài với nghề. Vui mừng hơn, sự thừa kế lại đi theo chiều hướng phát triển. Vùng đất, con người nơi đây có một bề dày ký ức với đầy đủ cung bậc thăng trầm, gắn bó không rời với con đường đã theo họ suốt bấy lâu nay.
Chùa Bát Nhã trên đường Triệu Nữ Vương |
Nằm ở phía cuối con đường, chùa Bát Nhã ngày đêm luôn rộng cửa chào đón những bước chân đi tìm sự bình yên. Giữa bộn bề cuộc sống, lòng người có lúc mệt mỏi với những nỗi lo, toan tính thường nhật. Có lẽ vì thế, cần lắm những bước chân thật chậm, tĩnh lặng giữa nhiều âu lo, lặng lẽ đi tìm sự bình yên, hối cải. Bước chân trở ra, lòng người bỗng thanh thản, nhẹ tênh.
Cứ thong thả tản bộ dọc đường Triệu Nữ Vương, sẽ bắt gặp những ngôi nhà cổ, những tấm bảng hiệu của thời thập niên 70, 80 ẩn mình sau tán cây rợp bóng. Đường Triệu Nữ Vương không phải là một phố du lịch, nhưng chắc rằng nếu người phương xa nào lạc chân đến đây, hẳn sẽ thích thú lắm khi “bỗng nhiên” phát hiện những “viên ngọc quý” ấy giữa cái tấp nập của phố thị.
Một cửa hàng với tấm bảng hiệu của những tháng ngày xưa cũ |
Con đường nào rồi cũng để lại những dấu ấn khó phai cho bất cứ ai sinh sống, dạo bước hay đi lại mỗi ngày. Với đường Triệu Nữ Vương, đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ cho cuộc sống thường ngày và sự trau dồi, vun vén cho vẻ đẹp tâm hồn, nơi cái đẹp, cái thiện luôn được tìm đến để cân bằng và tô điểm thêm nhiều câu chuyện đẹp cho cuộc sống thường nhật.
PHAN CHUNG - KHANH NINH
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Thị trường đất nền: giao dịch giảm, giá không giảm
- 19/06/2018 10:02 AM Ngày 29/6: Hội thảo “Sốt bất động sản – cơ hội và rủi ro”
- Phía sau chiến lược “khác biệt” của dòng bất động sản “đại chúng” của First Real
- 8.600 tỷ đồng đầu tư dự án đô thị đại học Đà Nẵng
- Đẩy nhanh tiến độ lập đồ án quy hoạch phân khu Khu đô thị ĐH Đà Nẵng
- Lập quy hoạch một số dự án quan trọng
- Hoa Kỳ và Ý vào chung kết Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2018
- Cung hội nghị quốc tế Ariyana Đà Nẵng - khơi nguồn cảm hứng từ đại dương
- 14/06/2018 7:47 AM 5 điểm nhấn của thị trường bất động sản 5 tháng đầu năm 2018
- Chững cung bất động sản, thị trường xuất hiện đầu cơ thổi giá
- Homeland Central Park – Khu đô thị đẳng cấp bên hồ
- Bùng nổ condotel, thách thức lớn đang ở phía trước
- Giải mã bài toán “ăn tiền” của bất động sản công nghiệp
- Đã đến thời lên ngôi của bất động sản miền Trung?
- Đà Nẵng đến năm 2030 sẽ thế nào?
- Vốn ngoại tiếp tục đổ mạnh vào bất động sản
- 3 lựa chọn đầu tư khi đất nền chững lại
- Tám kiến nghị “cởi trói” phân khúc condotel
- Làm thế nào để đầu tư bất động sản đạt lãi cao?
- Đất nền vùng ven: “Sóng” đi cùng với rủi ro