(Cadn.com.vn) - Đó là phương án quan trọng được thống nhất tại cuộc họp nghe báo cáo các đồ án kiến trúc quy hoạch với lãnh đạo các sở, ban ngành, quận huyện và chủ đầu tư ngày 7-10. Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì cuộc họp.
Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ và Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì cuộc họp. |
Thêm cầu vượt tại nút giao quan trọng
Một dự án đáng chú ý được lãnh đạo thành phố và các sở, ngành đồng tình, đó là chủ trương xây dựng cầu vượt tại nút Nguyễn Tri Phương – Điện Biên Phủ. Theo đó, cầu vượt được xây dựng với quy mô vĩnh cửu bằng thép và bê-tông cốt thép 5 nhịp liên tục với kích thước dài 480m, rộng 15.0m (0.25+14.5+0.25), rẽ 2 nhánh chữ Y có bề rộng từng nhánh là 7,5m (0.25+7.0+0.25) với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 150 tỷ đồng (bao gồm cả đường dẫn).
Cùng với cầu vượt Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương khu vực này còn xây dựng thêm cầu đi bộ trên tuyến xe buýt nhanh (BRT) dài 32m tại Công viên 29-3 - qua đường Nguyễn Tri Phương, cầu xây dựng vĩnh cửu bằng kết cấu thép và bê-tông cốt thép bề rộng cầu 3,0m, tĩnh không dưới cầu cao 4,75m, các dầm thép chữ I tổ hợp hàn cách khoảng 1.0m, chiều dài dầm 16m+16m. Lan can trên cầu chính bằng Inox và tấm mica màu xanh dương với tổng chi phí thực hiện dự kiến: 6,68 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 4,97 tỷ đồng, còn lại là chi phí khác và dự phòng.
Phối cảnh cầu đi bộ trên tuyến xe buýt nhanh (BRT). |
Phối cảnh cầu vượt tại nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương. |
Một điểm nhấn kiến trúc được đưa ra tại cuộc họp, đó là phương án triển khai cảnh quan hai bên đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi. Viện Quy hoạch và Xây dựng đề xuất phương án xã hội hóa cảnh quan và được tách làm 2 gói thực hiện, đó là xây dựng bến du thuyền và công viên cảnh quan. Hiện nay hai đầu cầu đã hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, cảng sông Thu cũ cũng đã di dời có thể phục vụ cho việc xây dựng bến du thuyền. Vấn đề này, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, hiện nay con đường Bạch Đằng nối dài từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý cơ bản đã hình thành.
* Đối với dự án Trung tâm biểu diễn xiếc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam tại khu vực công viên Thanh Niên được lãnh đạo thành phố ra “tối hậu thư” thu hồi và lần này chủ đầu tư “trình làng” phương án kiến trúc và cam kết triển khai. Theo ông Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam (chủ đầu tư dự án) dự án đã được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL ghi vốn đầu tư và sẽ qua 2 giai đoạn gồm: Trong năm 2015-2016 đầu tư cải tạo cảnh quan và xây dựng rạp tạm với kinh phí khoảng 30 tỷ đồng (bao gồm các hạng mục: Cây xanh, đường dạo, sân bê-tông, bãi đậu xe, 2 cổng chào, nhà làm việc, rạp tạm cao 14m, sức chứa 1.000 chỗ... Ông Ánh cũng cam kết với UBND thành phố sẽ khởi công xây dựng công trình sau 15 ngày kể từ khi được UBND TP chấp nhận đầu tư giai đoạn 1 để kịp thời phục vụ trong dịp Tết và chuẩn bị cho hoạt động Liên hoan Xiếc quốc tế diễn ra tại Đà Nẵng trong năm 2016. Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết rạp xiếc chỉ là một bộ phận của tổng thể Công viên cây xanh xung quanh để người dân đi lại tập thể dục tự do thoải mái; đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư sớm triển khai. |
Tại khu vực gần cầu Trần Thị Lý, khu vực trước đây là cảng Sông Thu, một cảng nước sâu, hệ thống cảng được đầu tư cơ bản, mặt nước rộng rất phù hợp với xây dựng bến du thuyền lớn. Riêng đối với cầu Nguyễn Văn Trỗi, hiện nay đang thi công nhấc nhịp giữa lên 7m để đảm bảo thông thuyền. Chủ trương khai thác cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi trở thành cầu cảnh quan, vừa giao thông ngắm cảnh và sử dụng xe buýt trên cầu là rất cần thiết và nhiều nhà đầu tư muốn tham gia vào. Do đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Sở Xây dựng phải xây dựng ra một “đề bài” để mời gọi đầu tư.
Với đề xuất trên, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đồng ý và giao cho Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch xây dựng một phương án tổng thể để kêu gọi đầu tư. Vừa có bến du thuyền vừa có cầu đi bộ là một dự án hấp dẫn các nhà đầu tư, vì vậy, kêu gọi đầu tư rộng rãi.
Tại cuộc họp, lãnh đạo thành phố cũng đã đồng ý đề xuất của Sở Xây dựng và chủ đầu tư đối với dự án Khu du lịch Future property Invest do VinGroup đầu tư, được điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm diện tích và giảm căn hộ biệt thự từ 133 căn xuống 122 căn; giảm mật độ xây dựng từ 22% xuống 17%...
Mở thêm bãi tắm công cộng
Trước đề xuất của Cty CP Mỹ Khê (chủ dự án Khách sạn Avarta, P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn) về việc sử dụng một phần bãi biển công cộng để làm dịch vụ phục vụ người dân và du khách, lãnh đạo thành phố không đồng ý vì bãi biển công cộng đang cần được quy hoạch lại để người dân và du khách đi lại và sử dụng bãi biển một cách thoải mái.
Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo giao các vệt bãi biển công cộng từ vỉa hè đến lòng đường và xuống biển cho Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà quản lý không ai được can thiệp vào. Nếu cứ giao cho “mỗi ông một khúc” rất nhếch nhác, quản lý không thống nhất và đồng nhất. Thành phố sẽ đầu tư các dịch vụ tiện ích phục vụ hoạt động tắm biển và giải trí bãi biển. Thành phố không có chủ trương giao bãi biển cho bất cứ doanh nghiệp nào mà chỉ kêu gọi doanh nghiệp hoạt động ven biển cùng với thành phố tham gia bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan, giữ gìn an ninh trật tự.
Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ yêu cầu tháo dỡ hàng rào tại dự án Temple để làm bãi tắm công cộng. |
Theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, một số khu nghỉ mát dọc ven biển có dự án đã triển khai, cái chưa triển khai bây giờ để đảm bảo quyền lợi cho người dân, thành phố bàn bạc với chủ đầu tư để một số vị trí thông ra biển. Đặc biệt là đoạn từ ngã ba Hồ Xuân Hương trở vào Non Nước, số lượng, quy mô bãi tắm ít, thiệt thòi cho người dân. “Người dân ở gần biển bão thì họ hứng chịu nặng nề nhưng không được hưởng lợi gì về mặt biển, đường xuống biển thì bị bịt kín mít, không kinh doanh gì được” - Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo các sở, ngành chức năng mời nhà đầu tư lên làm việc đề nghị các chủ dự án ven biển chưa triển khai (đoạn từ Khách sạn Furama đến giáp địa phận tỉnh Quảng Nam), như Hòn Ngọc Á Châu (Hoàng Anh Gia Lai), dự án Future Property Invest (Vingroup), dự án Du lịch Hà Nội, dự án của ông Đặng Thành Tâm (Tập đoàn Tân Tạo)... tháo dỡ tất cả các hàng rào dự án, tạo môi trường và cảnh quan mở với không gian xung quanh để người dân và du khách tự do đi xuống biển, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi về quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch. Từ đó, không những thành phố, chủ đầu tư tạo dựng được hình ảnh thân thiện, vừa tạo được một khu vực sầm uất với hàng loạt dịch vụ xung quanh mọc lên. Cứ 2 dự án liền kề sẽ mở lối đi và tạo bãi tắm biển phục vụ nhân dân. Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị nghiên cứu giữa 2 dự án mở đường thông khoảng 15-20m cho nhân dân xuống biển, cần thiết thành phố trả tiền lại!
Ngoài ra, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ yêu cầu chủ đầu tư dự án Temple (cạnh bãi tắm số 1 biển Phạm Văn Đồng) dỡ bỏ hàng rào để làm bãi tắm công cộng. “Dự án chậm trễ quá lâu, ông (chủ đầu tư - P.V) chẳng làm cái chi hết nên ông gỡ ra hết đi thành bãi tắm công cộng luôn cho người dân và du khách tiếp cận tắm biển. Tiền nộp thành phố không được mấy đồng mà đem rào hết lại, vô lý, đem gỡ hết, gỡ nhanh để hàng rào nhìn cảm thấy rất khó chịu” - Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cương quyết.
Xuân Đương
Theo Báo Công an ĐN
Các bản tin khác
- Thị trường nhà ở phát triển lệch pha
- Về một thành phố ven sông Cổ Cò
- Nhà đầu tư condotel đối mặt với nhiều rủi ro
- Bán thí điểm 330 căn hộ nhà ở xã hội thuộc khu dân cư Phong Bắc
- Áp dụng mức lãi suất 4,8% khi vay mua nhà ở xã hội
- Golden Hills hấp dẫn từ quy hoạch
- Thận trọng với sốt đất
- Doanh nghiệp Hoa Kỳ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào bất động sản Đà Nẵng
- Ngôi nhà tuyệt đẹp ở Đà Nẵng được báo nước ngoài ca ngợi
- Nhiều bất ngờ, thú vị về "Huyền thoại những cây cầu"
- Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4
- BIDV tung 20.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi
- Đô thị biển - hướng mở cho không gian du lịch Đà Nẵng
- “Bỏng tay” với đất biển Đà Nẵng
- Giao dịch bất động sản vẫn sôi động trước chính sách thắt chặt vốn vay
- Khánh thành tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài
- Quảng Nam-Đà Nẵng: Phối hợp quy hoạch, khai thác sông Cổ Cò, xúc tiến dự án Làng Đại học Đà Nẵng
- Cải thiện giao thông, phát triển đô thị
- Thị trường bất động sản Đà Nẵng: Câu chuyện về sự phát triển bền vững
- Dấu ấn đô thị