Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) khuyến khích Việt kiều và người nước ngoài mua bất động sản, nhưng sau 3 tháng, chưa ghi nhận trường hợp khách hàng nước ngoài nào sở hữu nhà tại Việt Nam.
Chung cư cao cấp, có vị trí đắc địa trở thành mối quan tâm của Việt kiều và người nước ngoài |
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn xung quanh vấn đề này, bà Nguyễn Hoài An, Phó giám đốc Công ty TNHH CBRE Việt Nam cho biết, từ khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực (ngày 1/7/2015), đối tượng khách hàng là người nước ngoài đặc biệt quan tâm tới thị trường bất động sản ở Việt Nam, nhất là ở những thành phố lớn. Riêng tại CBRE, có khoảng 50% số lượng hàng bán được là cho người nước ngoài mua, trong đó có khách hàng đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản… họ quan tâm đến khả năng sinh lời của bất động sản từ việc mua đi bán lại hoặc cho thuê lại.
Tuy nhiên, bà An cũng cho rằng, từ khi quy định có hiệu lực mới vài tháng, nên khó có người nước ngoài nào có thể sở hữu được căn nhà ở Việt Nam vì quá trình từ lúc đặt cọc đến lúc hoàn thiện hợp đồng mua bán, nhận nhà và có giấy chứng nhận sở hữu nhà mất khá nhiều thời gian.
“Do bất đồng ngôn ngữ, đặc biệt là việc thiếu hướng dẫn các bước thực thi cụ thể về trình tự hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất… khiến khách nước ngoài vẫn e ngại việc sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Thực tế, hơn 3 tháng sau khi các đạo luật có hiệu lực, chưa ghi nhận trường hợp khách hàng nước ngoài nào sở hữu nhà tại Việt Nam”, bà An nói.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu, tính đến thời điểm tháng 11/2014, khi Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua, chỉ có hơn 500 trường hợp người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam; từ ngày 1/7/2015, có 8 trường hợp người nước ngoài được cấp sổ đỏ, nhưng đó là chủ quyền mua theo kiểu cũ chưa có thủ tục mới.
Đánh giá về nguồn khách hàng là Việt kiều, người nước ngoài với thị trường bất động sản, ông Châu cho rằng, người nước ngoài là một tiềm năng của thị trường, nhưng để nói rằng, họ tạo ra cú đột phá của thị trường thì chưa có và ông cho rằng, các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản không nên quá kỳ vọng. Đối tượng chính của các dự án bất động sản vẫn là khách hàng trong nước.
Báo cáo tình hình thị trường bất động sản của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) gần đây cũng không chỉ ra con số chính xác lượng giao dịch bất động sản có sự tham gia của khách hàng là người nước ngoài hoặc Việt kiều sau khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực. Tuy nhiên, theo ước tính của đơn vị này, lượng Việt kiều mua căn hộ trong các dự án chiếm từ 5 - 10% số lượng giao dịch, nhưng cho người thân đứng tên. Các hợp đồng mua căn hộ của Việt kiều đa phần tập trung vào các chung cư cao cấp, có vị trí đắc địa.
Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư, (Công ty TNHH Savills Việt Nam), quy định áp dụng cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam đã có từ trước, nhưng chỉ áp dụng cho 4 đối tượng, đến nay chỉ có khoảng 200 trường hợp được mua. Luật Nhà ở (sửa đổi) đã mở rộng hơn về đối tượng tham gia là thông tin tích cực cho thị trường nhà đất.
“Tại Savills, gần đây cũng đã có nhiều khách hàng quan tâm, tìm hiểu về vấn đề này. Tuy nhiên, e rằng, còn quá sớm để khẳng định đây là thông tin có thể làm “nóng” thị trường. Lúc này, điều quan trọng hơn cả là việc các cơ quan quản lý nhà nước có sẵn sàng giải đáp thông tin, hướng dẫn... giúp nhà đầu tư yên tâm, thuận lợi khi “rót” vốn vào Việt Nam để mua nhà hay không. Đặc biệt, các thông tin hướng dẫn phải đồng nhất, tránh trường hợp cơ quan này giải thích thế này, cơ quan khác lại hướng dẫn thế kia sẽ làm cho nhà đầu tư mất niềm tin”, ông Khương nói.
Các bản tin khác
- Nhiều người ký tên: Nơi chứng, nơi không
- Cầu đi bộ hình “Vỏ sò” trên sông Hàn
- Thành phố Đà Nẵng: Sửa đổi, bổ sung một số nội dung về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- “Phá băng” bất động sản: Giảm nhanh lãi suất cho vay
- DẤU ẤN THÀNH PHỐ NĂM 2012: InterCon - bản giao hưởng trước biển
- Giá đất Đà Nẵng năm 2013: cao nhất 40,32 triệu đồng/m2
- “Phá băng” bất động sản: Giá phải giảm thêm
- Phải bảo đảm giải quyết hồ sơ đất cho nhân dân đúng hạn, đúng qui định
- KÍCH HOẠT BẤT ĐỘNG SẢN
- Xúc tiến triển khai dự án khơi thông sông Cổ Cò
- Bất động sản 2012 và 10 dấu ấn
- Chính phủ sẽ ra nghị quyết cứu bất động sản
- Lo “sốt vó” đến kỳ trả nợ ngân hàng
- Bất động sản sẽ được cứu bằng giải pháp tài chính
- Doanh nghiệp BĐS bung hàng “vét” nguồn kiều hối cuối năm
- 2 kịch bản sinh tử cho bất động sản
- Vua đầu bếp Michel Roux khai trương nhà hàng tại Đà Nẵng
- Tín dụng cho BĐS năm 2013 có gì mới?
- Công bố các dự án quy hoạch trên địa bàn thành phố
- “Rã đông” bất động sản bằng lãi suất