(PL)- Bằng kinh nghiệm và nghiệp vụ, công chứng viên đã chặn kịp thời vụ dùng giấy đỏ giả đi bán đất, tránh cho người mua mất vài tỉ đồng.
Phòng Công chứng số 2 (Sở Tư pháp TP.HCM) vừa lập biên bản tạm giữ một giấy đỏ nghi vấn làm giả và chuyển công an làm rõ. Ông Lê Ngọc Tình - Phó Trưởng phòng Công chứng số 2, công chứng viên thụ lý hồ sơ trên kể lại với Pháp Luật TP.HCM: “Ngày 15-10, tôi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng một thửa đất ở quận 6. Rà soát hợp đồng, kiểm tra các giấy tờ, thông tin lịch sử... thì thấy việc chuyển nhượng có căn cứ pháp lý. Tuy nhiên, khi cầm bản chính “giấy đỏ” thì tôi có cảm giác là lạ. Giấy này rất bóng, mịn, trơn láng, không giống loại giấy dùng để làm giấy đỏ”.
Râu ông nọ cắm cằm bà kia
. Phóng viên: Căn cứ vào các chi tiết nào mà ông nghi ngờ giấy đỏ trên có vấn đề, thưa ông?
+ Ông Lê Ngọc Tình: Tháng 5-2015, chủ đất (được UBND TP cấp giấy vào năm 2001) đã công chứng bán cho ông C. Ngày
15-10, ông C. đến Phòng Công chứng số 2 đề nghị làm thủ tục bán lại thửa đất trên. Trong chương trình quản lý hồ sơ công chứng có ghi nhận việc chuyển nhượng từ tháng 5-2015 và ông C. có quyền sử dụng đất với thửa đất trên, không có giả mạo gì về chủ sở hữu.
Nhưng khi cầm giấy đỏ được cấp cách nay khoảng 15 năm, tôi thấy các nếp gấp giấy được dán băng keo nhưng màu sắc, nếp gấp, màu nền giấy và màu chữ lại khá mới. Nó không giống các giấy đỏ đã được cấp hàng chục năm. Ngoài ra, bằng nghiệp vụ, chúng tôi còn phát hiện nhiều chi tiết khác (ông Tình soi kính lúp chỉ rõ cho PV nhưng đề nghị không nêu cụ thể - NV) cũng khiến tôi nghi vấn. Do đó tôi trì hoãn việc công chứng để làm rõ.
. Khi yêu cầu công chứng không được đáp ứng, các bên đã phản ứng thế nào?
+ Từ các căn cứ trên, tôi thông báo nghi vấn về giấy đỏ là giả nên không thể công chứng giao dịch. Thế là cả bên bán cho rằng chúng tôi đặt chuyện làm khó và còn dọa sẽ “làm lớn” chuyện. Họ chất vấn vì sao cùng giấy này vào tháng 5-2015 đã được công chứng rồi mang đi đăng bộ, nay bán lại thì bị từ chối công chứng.
Ông C. đã gọi điện thoại kêu người nhà đem bản sao khi nhận chuyển nhượng hồi tháng 5-2015 đến. Thật bất ngờ, bản phôtô giấy đỏ trong hồ sơ chuyển nhượng lần trước có thông tin khác với bản chính trong hồ sơ lần này. Thông tin trong bản phôtô lại phù hợp với quy định và thực tế. Ví dụ, trong bản phôtô, người ký là Phó Chủ tịch UBND Vũ Hùng Việt, đóng dấu là UBND TP. Vậy nhưng ở phần con dấu của bản chính giấy đỏ yêu cầu công chứng hôm 15-10 ghi là UBND quận 6. Chi tiết này là không phù hợp.
Trước các nghi vấn nêu trên, chúng tôi đã lập biên bản tạm giữ giấy để chuyển sang công an làm rõ.
Bản phôtô giấy đỏ thật (trên) và bản chính giấy đỏ nghi vấn là giấy giả. Ảnh: QN
Trả tiền tỉ “vớ” phải đồ giả
. Người mua có phản ứng thế nào khi may mắn không mua nhầm thửa đất mà giấy đỏ có nghi vấn, thưa ông?
+ Người mua nói họ đã đặt cọc 60 triệu đồng để mua thửa đất trên. Họ mong muốn giao dịch sớm hoàn tất. Vì vậy, khi chúng tôi đặt vấn đề nghi ngờ giấy đỏ được làm giả, ban đầu họ tỏ vẻ khó chịu. Đến khi chúng tôi chỉ ra những điểm bất hợp lý của bản chính giấy đỏ và phân tích về các rủi ro thì họ vui mừng và cảm ơn. Nếu không họ có thể sẽ mất vài tỉ đồng.
. Ông có thể nói rõ hơn nguyên nhân nạn làm giả giấy tờ và hậu quả pháp lý cho người mua?
+ Trong trường hợp trên, chúng tôi chưa kết luận mà phải chuyển cho cơ quan điều tra. Chúng tôi cũng liên hệ UBND quận 6 để xác thực việc nộp lệ phí, ghi nhận chuyển nhượng lần trước... Từ các kết quả này mới có thể kết luận.
Trong thực tế, lý do làm giả giấy đỏ thì rất nhiều. Chẳng may người nào đó mua nhà, đất “trúng” phải giấy tờ giả thì sau khi trả tiền, nhận chuyển nhượng họ vẫn không thể chuyển qua tên mình được. Tất nhiên, họ cũng không thể dùng nhà, đất đó thế chấp vay ngân hàng. Thậm chí nếu giao dịch bằng giấy giả và dù đã trả tiền rồi thì vẫn có thể bị tuyên hủy giao dịch. Bản thân công chứng viên cũng sẽ gặp nhiều rắc rối nếu để “lọt lưới” việc sử dụng giấy tờ mà sau này xác minh là giả.
. Xin cám ơn ông.
Trong chín tháng đầu năm 2015 ở TP.HCM có 58 vụ có dấu hiệu giả mạo giấy tờ trong hoạt động công chứng. Năm 2014, có 56 vụ giả mạo giấy tờ được phát hiện. Trong tổng số các vụ trên, công an đã khởi tố 53 vụ với 51 bị can… Theo PC45 (Công an TP.HCM), việc giả mạo giấy tờ theo các cách: - Giả mua, thuê tài sản để mượn giấy tờ nhà, đất phôtô rồi làm giả. Sau đó, tiếp cận lại chủ nhà để đánh tráo, thuê nhà hoặc trả tiền một ít để dọn vào ở rồi giả danh chủ nhà bán lại. - Qua người quen của chủ nhà mượn giấy tờ rồi trả lại giấy giả để dùng giấy thật bán nhà. - Chủ nhà đem giấy tờ thế chấp, cầm cố. Người nhận thế chấp lại đem “cắm” chỗ khác hưởng chênh lệch. Sau đó người này không có khả năng trả nên làm giả giấy để bán hoặc cầm cố thế chấp tiếp. _________________________________ Không ngờ giấy giả C. chỉ đứng tên trên giấy tờ, còn thực tế thì miếng đất đó do mẹ C. và chị Bảy hùn. Tôi chuyên lo giấy tờ, đã hợp tác mua đi bán lại năm, sáu căn nhà rồi nên tin tưởng nhau. Lần nào C. cũng đứng tên nhưng giấy tờ chính do chị Bảy giữ. Gần đây, mẹ C. mượn giấy đỏ trên và tôi đoán bà ta giữ bản chính rồi trả lại giấy giả. Ông K., người làm dịch vụ bán đất Tôi không biết giấy đỏ giả Toàn bộ giấy tờ bản chính đều do cô Bảy và chú K. giữ. Tôi chỉ đứng tên và mỗi khi cần ký giấy tờ gì thì họ kêu tôi. Tôi không được cầm bản chính và những lúc làm xong thì tôi cũng giao bản chính về cho cô Bảy, chú K. Ở lần chuyển nhượng này, mẹ tôi có lấy giấy đỏ một ngày để đưa cho người mua coi vì họ đòi coi bản chính giấy đỏ mới chịu đặt cọc. Ông C. |
QUỲNH NHƯ
Theo Báo Pháp luật TPHCM
Các bản tin khác
- “Chiến lược đại dương xanh” đã lấn sang thị trường bất động sản
- Cuộc đối đầu kỳ thú giữa shophouse và thương mại điện tử
- Tháo gỡ vướng mắc về tách thửa đất, cấp sổ hồng
- CEO Sun Group và những câu chuyện bây giờ mới kể
- "Bom tấn" Golden Bridge khiến du khách quốc tế khao khát check-in Đà Nẵng
- Cách thức xác định đối tượng mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư
- Bất động sản: Thời của trải nghiệm khách hàng lên ngôi
- "Cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến bất động sản Việt Nam"
- Yên bình bãi Tiên Sa
- Chờ khung pháp lý, "đứa con lai" condotel dần hạ nhiệt
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng tại quận Liên Chiểu
- Đà Nẵng: Đấu thầu dự án khu đô thị 50ha từ việc chuyển đổi KCN Đà Nẵng
- Thị trường bất động sản: "Sẽ không biến động lớn đến 2019"
- Đề xuất phương án thu hồi dự án sân vận động Chi Lăng
- Chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành đất ở đô thị: Cần đúng quy định pháp luật và phù hợp điều kiện cụ thể
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Đà Nẵng - thành phố động lực của sự phát triển
- Đấu thầu xây dựng bãi đỗ xe công cộng nhiều tầng tại 18 vị trí khu vực trung tâm thành phố
- Khai thác thị trường bất động sản công nghiệp
- Cuối năm nay sẽ có văn bản pháp lý cho condotel
- Pháp lý cho condotel chưa rõ ràng