Nhiều doanh nghiệp tại TP HCM mạnh dạn đầu tư dòng sản phẩm nhà ở trị giá từ nửa triệu đến hàng triệu USD sau một thời gian chỉ tung ra thị trường những loại bất động sản trung bình, vừa túi tiền.
Sau gần 2 năm theo đuổi phân khúc nhà phố xây sẵn trung bình, giá 2-3 tỷ đồng một căn, hôm 14/10, Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền công bố mở bán dự án biệt thự cao cấp Lucasta giá bán 8-25,5 tỷ đồng một căn tại quận 9, đánh dấu chiến lược phát triển mới, dịch chuyển sang nhà cao cấp. Chủ đầu tư này cũng đang xây dựng dự án biệt thự hạng sang tại khu Đông Sài Gòn, giá thấp nhất khoảng 20 tỷ đồng mỗi căn trở lên.
Công ty M.I.K sau khi gây tiếng vang với dự án căn hộ trung cấp giá tầm 1,7-2,7 tỷ đồng tại huyện Nhà Bè cũng tấn công sang thị trường nhà ở cao cấp. Từ quý II/2015, doanh nghiệp tung sản phẩm biệt thự The Villa Park tại quận 9 có giá thấp nhất 7,1 tỷ đồng và cao nhất lên đến 23 tỷ đồng một căn.
Từ đầu năm 2015 đến nay, Novaland có xu hướng dịch chuyển dần từ phân khúc sản phẩm nhà ở giá 35 triệu đồng một m2 lên nhóm sản phẩm 40-50 triệu đồng mỗi m2 ở các vị trí đắc địa: quận 2, 4, Phú Nhuận.
Một biệt thự hạng sang đang được mở bán tại khu Đông TP HCM. Ảnh: P.Y |
Sau nhiều năm trung thành với dòng sản phẩm căn hộ trung bình, giá vừa túi tiền (15-18 triệu đồng/m2), Công ty Hưng Thịnh cũng lấn sân sang phân khúc cao hơn. Doanh nghiệp liên tục bổ sung dòng sản phẩm trung - cao cấp: Florita, Sky Center, một dự án gần ngã tư Bình Thái sắp tung ra tháng 11. Ngoài ra, đơn vị này còn chuẩn bị một dự án chung cư cao cấp có vị trí liền kề Phú Mỹ Hưng để chuẩn bị chào hàng trong thời gian tới.
Hầu hết các doanh nghiệp cho rằng kế hoạch nâng cấp sản phẩm nhà ở từ phân khúc thấp sang phân khúc cao là chiến lược chạy đua bắt nhịp thị trường ngay khi các tín hiệu phục hồi xuất hiện rõ rệt. Phó tổng giám đốc Công ty nhà Khang Điền, Nguyễn Đình Bảo cho biết thị trường bất động sản đang tốt dần lên trong vòng 12 tháng qua với thanh khoản cao.
Theo ông Bảo, sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường chính là lý do bên cạnh phân khúc nhà phố giá vừa phải, doanh nghiệp còn mạnh dạn bổ sung biệt thự đẳng cấp cao hơn vào danh mục đầu tư, giúp tiếp cận nhiều nhóm khách hàng. "Không chỉ có biệt thự cao cấp, hạng sang mà trong thời gian tới chúng tôi còn dự tính lấn sân sang lĩnh vực nhà cao tầng", ông Bảo cho hay.
Tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh Land, Nguyễn Nam Hiền cho biết, đến quý III/2015 cơ cấu sản phẩm của doanh nghiệp đã có sự thay đổi lớn so với các năm trước. Cụ thể, nhà trung - cao cấp đã chiếm 50% rổ hàng hóa trong khi trước đây nhà trung bình chiếm đến hơn 70%.
Lý giải vì sao doanh nghiệp tập trung nhiều hơn vào phân khúc cao cấp, ông Hiền cho hay, từ cuối năm 2014, sự tăng nhiệt trở lại của tất cả các phân khúc, đặc biệt là sự bứt phá của căn hộ cao cấp nên doanh nghiệp không bỏ qua phân khúc này.
Trao đổi với VnExpress, Tổng giám đốc Công ty TNHH Jones Lang LaSalle Việt Nam - Stephen Wyatt cho biết, trong quý III/2015, lượng chung cư mở bán mới tại TP HCM đạt 6.800 căn, trong đó, phân khúc cao cấp chiếm 35% thị phần, tăng 10% so với tỷ lệ 25% trong 6 tháng đầu năm. Ở phân khúc nhà ở gắn liền với đất (biệt thự, nhà liền kề), từ cuối quý III đến đầu quý IV/2015 thị trường đã dần xuất hiện nhiều sản phẩm ở phân khúc cao cấp, thậm chí hạng sang.
Theo ông Stephen Wyatt, việc các doanh nghiệp rầm rộ tung ra thị trường các sản phẩm thuộc phân khúc cao hơn có nhiều lý do. Thứ nhất do tâm lý người mua nhà đạt được sự ổn định và lạc quan. Điều này có thể kiểm chứng bằng sự trở lại sôi nổi của nhóm khách hàng mua nhà để ở và các nhà đầu tư.
Thứ hai, các doanh nghiệp (nhà phát triển dự án) đã trở nên tự tin hơn sau hàng loạt tín hiệu tích cực từ thanh khoản thị trường lên cao. Thứ ba, nhiều chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản, trong đó có việc mở cửa cho người nước ngoài mua nhà và tình hình kinh tế vĩ mô ổn định.
Thứ tư, tiềm năng phát triển thị trường bất động sản được đánh giá cao nhờ hiệu ứng từ việc Việt Nam đã đàm phán thành công TPP và chuẩn bị gia nhập cộng đồng ASEAN cuối năm 2015. "Nhu cầu bất động sản nhà ở tiêu chuẩn cao (bán hoặc cho thuê) chắc chắn sẽ tăng lên khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng", ông Stephen Wyatt nhận xét.
Vũ Lê
Theo Vnexpress.net
Các bản tin khác
- “Chiến lược đại dương xanh” đã lấn sang thị trường bất động sản
- Cuộc đối đầu kỳ thú giữa shophouse và thương mại điện tử
- Tháo gỡ vướng mắc về tách thửa đất, cấp sổ hồng
- CEO Sun Group và những câu chuyện bây giờ mới kể
- "Bom tấn" Golden Bridge khiến du khách quốc tế khao khát check-in Đà Nẵng
- Cách thức xác định đối tượng mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư
- Bất động sản: Thời của trải nghiệm khách hàng lên ngôi
- "Cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến bất động sản Việt Nam"
- Yên bình bãi Tiên Sa
- Chờ khung pháp lý, "đứa con lai" condotel dần hạ nhiệt
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng tại quận Liên Chiểu
- Đà Nẵng: Đấu thầu dự án khu đô thị 50ha từ việc chuyển đổi KCN Đà Nẵng
- Thị trường bất động sản: "Sẽ không biến động lớn đến 2019"
- Đề xuất phương án thu hồi dự án sân vận động Chi Lăng
- Chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành đất ở đô thị: Cần đúng quy định pháp luật và phù hợp điều kiện cụ thể
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Đà Nẵng - thành phố động lực của sự phát triển
- Đấu thầu xây dựng bãi đỗ xe công cộng nhiều tầng tại 18 vị trí khu vực trung tâm thành phố
- Khai thác thị trường bất động sản công nghiệp
- Cuối năm nay sẽ có văn bản pháp lý cho condotel
- Pháp lý cho condotel chưa rõ ràng