Dự án Khu đô thị phức hợp thương mại-dịch vụ Thiên Thanh-Đà Nẵng (gọi tắt là Dự án Sân vận động-SVĐ Chi Lăng) do Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (Tập đoàn Thiên Thanh) làm chủ đầu tư đang thực sự đổ vỡ. Trước thực trạng này, thành phố Đà Nẵng đề xuất nắm quyền quản lý và sử dụng SVĐ Chi Lăng.
.
Dự án Khu phức hợp sân vận động Chi Lăng đang được Ngân hàng Nhà nước quản lý dự án và tài sản. |
Bài 1: Long đong số phận dự án
Từ năm 2010, UBND thành phố đã giao SVĐ Chi Lăng và các khu đất lân cận tiếp giáp với các tuyến đường Hùng Vương, Chi Lăng, Lê Duẩn, Ngô Gia Tự cho Tập đoàn Thiên Thanh để đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, cao ốc, căn hộ... Tuy nhiên, lãnh đạo Tập đoàn Thiên Thanh đã có hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có việc đưa dự án SVĐ Chi Lăng vào thế chấp ngân hàng với giá trị vượt gấp nhiều lần so với giá trị chuyển quyền sử dụng thực tế.
Chưa làm đã ngã
Năm 2009, Tập đoàn Thiên Thanh chính thức xuất hiện ở thành phố Đà Nẵng với vai trò là nhà đầu tư trong nước và thể hiện thực lực về năng lực tài chính với dự án Khách sạn Đà Nẵng Plaza. Cuối năm 2010, sức vươn trong đầu tư phát triển của Tập đoàn Thiên Thanh tại thành phố Đà Nẵng còn được thể hiện tại 2 dự án khác là Trung tâm Dịch vụ ô-tô tại số 209 đường Trường Chinh, có diện tích 2ha và đặc biệt là dự án SVĐ Chi Lăng với diện tích 6ha tại trung tâm thành phố, bao gồm toàn bộ SVĐ Chi Lăng và khu vực lân cận tiếp giáp với các mặt đường Lê Duẩn - Ngô Gia Tự - Hùng Vương- Chi Lăng.
Tiếp cận với chính quyền thành phố và khi giới thiệu về quy mô đầu tư dự án SVĐ Chi Lăng, Tập đoàn Thiên Thanh thể hiện ý tưởng đầu tư, tạo dựng “nóc nhà mới” cho đô thị Đà Nẵng với tòa tháp trung tâm cao từ 50-60 tầng.
Theo Tập đoàn Thiên Thanh, nơi đây sẽ là trung tâm tài chính, thương mại và dịch vụ với tiện nghi đạt tiêu chuẩn quốc tế về hạ tầng kỹ thuật, kết nối các hoạt động thương mại, dịch vụ và tài chính trên toàn cầu. Dự án được Tập đoàn Thiên Thanh xác định mức đầu tư với tổng vốn dự kiến 750 triệu USD và đưa vào khai thác trong năm 2016, bao gồm: Khu thương mại - dịch vụ, bệnh viện, trường học, trung tâm tổ chức hội nghị, khách sạn và văn phòng cho thuê đạt tiêu chuẩn quốc tế…
Dự án SVĐ Chi Lăng đang trong giai đoạn hoàn thành hồ sơ quy hoạch tổng mặt bằng chi tiết 1/500, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng thì ngày 29-7-2014, ông Phạm Công Danh, lúc này là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh và Ngân hàng Xây dựng Việt Nam bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam.
Ngoài ông Phạm Công Danh, nhiều cá nhân khác công tác tại Tập đoàn Thiên Thanh cũng bị bắt tạm giam để cơ quan Công an thụ lý vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 Bộ luật Hình sự” xảy ra tại Tập đoàn Thiên Thanh. Dự án SVĐ Chi Lăng nằm trong những nội dung sai phạm của Tập đoàn Thiên Thanh nên bị phong tỏa tài sản, phục vụ công tác điều tra. Từ đây, dự án đi vào ngõ cụt.
Tập đoàn Thiên Thanh vi phạm thỏa thuận đầu tư
Được biết, ngày 10-8-2010, Tập đoàn Thiên Thanh được UBND thành phố chấp thuận đầu tư dự án SVĐ Chi Lăng và liền sau đó là các bước triển khai dự án với tiến độ… thần tốc! Ngày 12-10-2010, Tập đoàn Thiên Thanh được UBND thành phố Đà Nẵng cấp phép đầu tư dự án SVĐ Chi Lăng. Thế nhưng, sau khi chi trả gần 1.500 tỷ đồng chuyển quyền sử dụng đất, Tập đoàn Thiên Thanh đã phù phép giá trị sử dụng, thế chấp rút từ các ngân hàng trên 4.000 tỷ đồng, để lại nhiều hệ lụy và làm sụp đổ dự án mà chính quyền thành phố đặt nhiều kỳ vọng. Trong đó, có việc thực hiện các cam kết về giao đất, thực hiện giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư.
Sau khi có Giấy chứng nhận đầu tư, ngày 21-1-2011, thành phố Đà Nẵng và chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Thiên Thanh lập ranh giới chuyển quyền sử dụng đất. Ở thời điểm này, dù chưa thực hiện các bước đền bù giải tỏa, triển khai phương án bố trí tái định cư, nhưng chỉ trong vòng 7 ngày sau khi lập ranh giới chuyển quyền sử dụng đất, tức ngày 28-1-2011, Tập đoàn Thiên Thanh được UBND thành phố Đà Nẵng giao 10 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 nhà đầu tư vào dự án SVĐ Chi Lăng.
Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Tập đoàn Thiên Thanh đưa vào thế chấp vay vốn ngân hàng. Mặt khác, để tránh tiếng làm dự án treo, Tập đoàn Thiên Thanh liên tục gây áp lực cho UBND thành phố Đà Nẵng trong việc giao mặt bằng để triển khai dự án. Thế nhưng, Tập đoàn Thiên Thanh lại không có động thái khởi công xây dựng. Tại cuộc làm việc với UBND thành phố vào tháng 11-2013 về thời gian khởi công, Tập đoàn Thiên Thanh ra điều kiện khi nào thành phố Đà Nẵng giao mặt bằng sạch thì sau 18 tháng nhà đầu tư sẽ triển khai thi công; và mốc thời hạn cuối cùng giao đất được ấn định là ngày 2-2-2014 để tháng 10-2015 khởi công xây dựng công trình.
Thế nhưng, đó cũng là cuộc họp cuối cùng để rồi dự án bế tắc khi ông Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh bị cơ quan Cảnh sát điều tra bắt giữ. Dự án SVĐ Chi Lăng tạm thời khép lại và hiện nay tài sản trên đất, giá trị quyền sử dụng đất được quản lý bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bài và ảnh: Triệu Tùng
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Dân chuộng đất nền hơn chung cư
- Liên minh công chứng quốc tế đánh giá cao sự minh bạch của công chứng Việt Nam
- Việt Nam sẽ gia nhập Liên minh công chứng quốc tế
- Đà Nẵng là thành phố tốt nhất để tìm việc
- Thị trường đất nền ấm dần
- Bán đấu giá 12 nhà công sản và công sở
- Tin tức, dự án BĐS nổi bật tuần từ 15/07 đến 20/07
- Đà Nẵng - "thành phố ánh sáng" của Việt Nam
- Hành trình xây dựng thương hiệu du lịch
- Sôi động các dự án phía nam
- Thêm "kênh" giải phóng hàng tồn kho BĐS
- Đà Nẵng đề xuất Bộ Tài chính hỗ trợ lãi suất cho người dân nợ tiền sử dụng đất
- Sàn bất động sản dần vui trở lại
- Quy hoạch và kiến trúc đô thị: Bản sắc Đà Nẵng
- Xây dựng Đà Nẵng – “đô thị đáng sống” với những bản sắc riêng
- Thượng đế bình dân đang "cứu" BĐS
- M&A bất động sản tăng nhiệt
- Tổng rà soát lại quy hoạch
- Đà Nẵng có thêm 2 tuyến đường 1 chiều
- Cẩn trọng với chiêu mua nhà mượn sổ đỏ thế chấp ngân hàng