(Cadn.com.vn) - Sau mấy năm nép mình bên những chiếc cầu hiện đại và rực rỡ ánh đèn, sắp đến cầu Nguyễn Văn Trỗi sẽ chuyển mình “hồi sinh” để trở thành chiếc cầu đi bộ đầu tiên trên sông Hàn.
Hy vọng cầu Nguyễn Văn Trỗi thành chiếc cầu đi bộ đầu tiên trên sông Hàn. |
Đã nâng nhịp cầu được 85%
Đêm, khi nhìn những chiếc cầu hiện đại như cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng và cầu Sông Hàn lung linh trong vô vàn ánh đèn sắc màu, thì mới thấy thương cho chiếc cầu lịch sử Nguyễn Văn Trỗi. Kể từ ngày không còn phục vụ phương tiện lưu thông, cầu Nguyễn Văn Trỗi nằm nép mình trong lặng lẽ, khuất lấp trong ánh hào quang của những chiếc cầu khác.
* Cầu Nguyễn Văn Trỗi được hãng thầu xây dựng RMK của Mỹ xây dựng vào năm 1960, gồm 14 nhịp giàn thép Poni có tổng chiều dài 513,8m. Năm 1978, cầu được dỡ bỏ mặt cầu bằng gỗ, thay bằng kết cấu bê-tông cốt thép. Năm 1996, mặt cầu lại được thay bằng các tấm thép để giảm trọng lượng. Cùng với cầu Long Hồ, dẫn từ thành phố Cam Ranh vào sân bay Cam Ranh - Khánh Hòa, cầu Nguyễn Văn Trỗi là một trong những cây cầu có kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni hiếm hoi tại Việt Nam. |
Trước đây, thành phố Đà Nẵng đã có quyết định sửa chữa cầu Nguyễn Văn Trỗi, để biến chiếc cầu thành nơi phục vụ tham quan, du lịch..., đặt mục tiêu là sẽ hoàn thành trong năm 2013, trong đó việc nâng nhịp cầu phải sớm thực hiện. Thế nhưng đến bây giờ, việc nâng nhịp cầu mới được thực hiện.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng – Phó trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông công chính thành phố Đà Nẵng cho biết, việc nâng nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi đang được tiến hành khẩn trương. “Hiện nay chúng tôi đã hoàn thành được 85% việc nâng nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015” - ông Hoàng nói.
Gói thầu nâng nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi do Liên danh Công ty CPTM kỹ thuật Hải Anh và Công ty TNHH xây lắp – sản xuất thương mại dịch vụ Trường Long thực hiện, với tổng số vốn là 12,5 tỷ đồng. Khi hoàn thành những chiếc kích thủy lực lớn sẽ nâng nhịp cầu lên cao để tàu thuyền có thể qua lại trên sông Hàn thuận tiện.
Ông Hoàng nói: “Độ cao tối đa của nhịp nâng cầu Nguyễn Văn Trỗi là 3,6 mét, bằng với chiều cao thông thuyền của cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý. Việc lắp đặt kích thủy lực không có gì khó khăn, tuy nhiên chúng tôi thi công hết sức cẩn trọng để đảm bảo kết cấu của cầu”. Ông Hoàng cũng cho biết việc tạo kiến trúc cảnh quan ở hai đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi đang được thực hiện và sớm hoàn thành.
Nhịp cầu nâng của cầu Nguyễn Văn Trỗi đang được thi công. |
Phát huy di sản
Với người dân Đà Nẵng, cầu Nguyễn Văn Trỗi như là chứng nhân lịch sử, chứa đựng trong đó ký ức một Đà thành trong khói lửa chiến tranh và cả những chặng đường phát triển. Chính vì lẽ đó mà thành phố Đà Nẵng quyết định giữ lại cây cầu này. Tuy nhiên, làm sao biến “chứng tích lịch sử” thành một điểm nhấn thu hút du khách? Thời gian qua, đã có nhiều ý tưởng, đề xuất thực hiện cải tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi, nhưng chưa cái nào thành hiện thực.
Mới đây, Công ty Cổ phần Công viên Mỹ Khê đã trình hồ sơ lên UBND thành phố Đà Nẵng để được phê duyệt dự án “Khu dịch vụ - công viên cầu Nguyễn Văn Trỗi”.
Theo ông Trần Bảy - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công viên Mỹ Khê thì dự án này gồm 3 hạng mục chính: bờ tây cầu được xây dựng thành Công viên hòa bình, xây dựng Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi; khu đất phía Đông cầu xây dựng thành công viên và trên cầu sẽ bố trí nhiều cây xanh, lối đi bộ... “Nếu được thành phố phê duyệt, chúng tôi sẽ đầu tư 290 tỷ đồng để biến cầu Nguyễn Văn Trỗi thành cầu đi bộ đầu tiên trên sông Hàn. Trong dự án này sẽ có nhiều điểm nhấn như tượng anh Nguyễn Văn Trỗi cao 9m bằng đá điêu khắc nguyên khối; nhà trưng bày hiện vật, tranh ảnh; khu vui chơi thiếu nhi, rạp chiếu phim, các quầy bán hàng lưu niệm và tòa nhà văn phòng có chiều cao là 7 tầng...” - ông Bảy cho biết.
Chúng tôi đặt câu hỏi, liệu rằng dự án này có ảnh hưởng đến cảnh quan của sông Hàn, cũng như nét kiến trúc độc đáo của cầu Nguyễn Văn Trỗi, ông Bảy chia sẻ: “Nói thật là có nhiều dự án khác mang lại lợi nhuận lớn hơn, tuy nhiên chúng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi dự án khu dịch vụ công viên cầu Nguyễn Văn Trỗi. Dự án này không ảnh hưởng đến lòng sông Hàn và sẽ tôn thêm vẻ đẹp của cầu Nguyễn Văn Trỗi. Ở đây chúng tôi không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, mà sẽ dành 85% tiện ích trong dự án để phục vụ cộng đồng và khách du lịch. Chúng tôi mong muốn đóng góp điều gì đó cho quê hương Đà Nẵng và tạo nên điểm nhấn du lịch độc đáo của Đà Nẵng tại cầu Nguyễn Văn Trỗi”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Chí Cường – Phó Giám đốc Sở VH-TT và DL thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố vẫn chưa quyết chọn phương án nào để xây dựng cầu Nguyễn Văn Trỗi thành cầu đi bộ. Tuy nhiên thành phố đã đồng ý chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư khai thác cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi.
Việc xây dựng cầu Nguyễn Văn Trỗi thành cầu đi bộ là điều cần thiết. Tuy nhiên mọi sự cải tạo, xây dựng tại đây đều phải hết sức cân nhắc, bởi cầu Nguyễn Văn Trỗi không chỉ là một cây cầu, mà nó còn là chứng tích lịch sử của thành phố bên sông Hàn.
Minh Hà
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác
- Mua nhà xong, sao lại đóng thêm phí?
- Phát triển nhà ở và bất động sản - kinh nghiệm từ Nhật Bản
- Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) Bảo lãnh để bảo vệ quyền lợi người mua nhà
- Nhà mua từ gói 30.000 tỷ đồng, có được phép bán?
- Ngày 25-12, khai trương phố chuyên doanh Lê Duẩn
- Phát triển quận Hải Châu thành đô thị kiểu mẫu hiện đại
- Khung giá “đất vàng” Hà Nội chính thức tăng gấp đôi
- Nhiều loại ôtô được giảm thuế từ 2015
- Đề xuất thí điểm bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước tại Đà Nẵng
- Đà Nẵng sẽ có phố đêm sông Hàn
- Luật nhà ở sửa đổi làm nức lòng giới chuyên gia BĐS
- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020
- Đà Nẵng là điểm đến mới thu hút nhất thế giới
- Xác định diện tích đất ở trong trường hợp có vườn ao
- Bung hàng đón người nước ngoài mua nhà
- Hơn 500 điểm khuyến mãi phục vụ người dân
- Lo ngại giá đất tăng
- Đà Nẵng: Thị trường bất động sản nội đô sôi động
- Quy định quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố
- M&A giúp thị trường BĐS phát triển ổn định