Tối ngày 9/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2015 và tổng kết Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới tham dự và phát biểu chỉ đạo Lễ hưởng ứng.
Tới dự Lễ, về phía khách mời có ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương; bà Trương Thị Mai, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội; ông Phan Đình Trạc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương; bà Lê Thị Thu Ba, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; ông Nguyễn Thành Cung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Bùi Văn Nam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm UBPLQH, cùng nhiều đại diện đến từ các Bộ, Ban, ngành ở Trung ương và địa phương...
Về phía Bộ Tư pháp có ông Hà Hùng Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; các Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo các đơn vị và các tổ chức chính trị - xã hội thuộc Bộ.
Tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cách đây tròn 2 năm, ngày 9/11 được công bố chính thức là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật và giáo dục, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội. Với chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu Dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trong 2 năm qua, Ngày Pháp luật đã được các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương tích cực triển khai thực hiện với trọng tâm là triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Đến nay, chúng ta đã thu được những kết quả quan trọng bước đầu, góp phần thiết thực vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đột phá hàng đầu trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020. Trên thực tế, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện, từng bước thực thi có hiệu quả và nhận được sự đồng thuận trong xã hội. Thể chế về tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền công dân có sự chuyển biến khá cơ bản, toàn diện; hài hòa giữa quyền và trách nhiệm; bảo đảm thực thi của Nhà nước theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đã trở thành nội dung chủ yếu trong hoạt động của Chính phủ nhằm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền hành pháp của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện hiệu quả mục tiêu tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Tinh thần thượng tôn pháp luật và năng lực vận động Nhân dân chấp hành Hiến pháp, pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức có chuyển biến tích cực. Người dân có ý thức pháp luật cao hơn, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của mình; các quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
Từ những kết quả bước đầu này, có thể khẳng định, Ngày Pháp luật đã từng bước đi vào cuộc sống, trở thành một sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và giai đoạn 2011-2015, cũng như thành công của Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, thực thi quyền làm chủ của người dân, quyền tự do của người dân, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.
Để Ngày Pháp luật năm 2015 và các năm tiếp theo thực sự thiết thực, hiệu quả, đồng thời phát huy hiệu ứng tích cực của Cuộc thi viết Tìm hiểu Hiến pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Ngày Pháp luật theo các định hướng: Tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm cụ thể hóa đúng nội dung, tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Triển khai tốt các luật, bộ luật mới, đặc biệt là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và các bộ luật khác. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Để tạo chuyển biến sâu sắc trong xã hội về ý thức chấp hành pháp luật, Thủ tướng yêu cầu, trước hết cán bộ, công chức, đảng viên phải gương mẫu tuân thủ, chấp hành pháp luật; tích cực, chủ động học tập, tìm hiểu và nắm vững pháp luật để hướng dẫn, tư vấn, giải thích, thuyết phục và vận động nhân dân chấp hành pháp luật; tuân thủ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ; thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Bên cạnh đó, Thủ tướng còn chỉ đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương tập trung đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực pháp luật, pháp chế, tư pháp; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn phát triển mới của đất nước và hội nhập quốc tế. Bộ Tư pháp cần phối hợp với các Bộ, ngành, trong đó hợp tác chặt chẽ với Tòa án Nhân dân tối cao trong việc việc đào tạo Thẩm phán, tuyển chọn Thẩm phán; với Liên đoàn luật sư Việt Nam trong việc đào tạo đội ngũ luật gia, luật sư giỏi, am hiểu pháp luật quốc tế, thành thạo ngoại ngữ, có đủ năng lực hoạt động trên trường quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và công dân Việt Nam.
Cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đối với hoạt động của Bộ, ngành, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã bày tỏ niềm vinh dự khi Bộ Tư pháp, Ban tổ chức được đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đại biểu tới dự Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật 2015 và Lễ trao giải Cuộc thi viết "Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam". Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá, buổi Lễ là thông điệp gửi đến các Bộ, Ban ngành... quyết tâm của Chính phủ và tất cả công chức, viên chức trong việc tuân thủ pháp luật, thượng tôn Hiến pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng hứa với Chính phủ, với đồng bào cả nước phát huy kết quả đạt được tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam hiệu quả hơn; quyết tâm vượt mọi khó khăn, xây dựng Nhà nước pháp quyền của người dân, do người dân và vì người dân...
Trước đó, tại buổi Lễ, trong phần phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long gửi lời cảm ơn lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội cùng đồng bào cả nước đến dự và theo dõi buổi Lễ. Thứ trưởng Lê Thành Long đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của Ngày Pháp luật, tôn vinh vị trí, vai trò của Hiến pháp và Pháp luật.
Ngày Pháp luật năm 2015 có chủ đề “Thực hiện Hiến pháp và pháp luật góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Sáu chữ “thiết thực, chất lượng, hiệu quả” là giá trị cốt lõi của Ngày Pháp luật 2015. Công tác xây dựng, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành và bảo vệ Hiến pháp và pháp luật gắn với nâng cao ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý trở thành nhiệm vụ mấu chốt.
Sự cần thiết của hiểu biết pháp luật và việc tự giác nghiên cứu, tìm hiểu, học tập pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của cá nhân cũng như ý nghĩa, hiệu ứng lan tỏa từ cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp đến việc nâng cao ý thức tìm hiểu pháp luật trong cán bộ, nhân dân.
Theo đánh giá của Ban tổ chức Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” - điểm nhấn hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2014, Cuộc thi đã trở thành sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước. Sau khi kết thúc thời hạn tiếp nhận bài dự thi theo Thể lệ (ngày 30/4/2015), cả nước đã có gần 5 triệu bài dự thi được gửi về các Ban Tổ chức Cuộc thi. Qua đánh giá, các bài dự thi, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước đều thể hiện niềm tin tưởng sâu sắc, tuyệt đối vào Hiến pháp năm 2013, vào sự trường tồn và sức sống mãnh liệt của dân tộc, nhất là con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn, gắn với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế. Nhiều bài dự thi có chất lượng rất tốt, nguồn tư liệu phong phú, dồi dào, đáng tin cậy cả về nội dung thông tin, hình ảnh, tri thức hiểu biết về Hiến pháp và lịch sử lập hiến của nhân loại cũng như của Việt Nam.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao giải Đặc biệt cho Đại úy Nguyễn Thị Đắc Hương, Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng. Ban Tổ chức đã trao các giải nhất, nhì, ba cho những tập thể và cá nhân đoạt giải Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Cũng tại buổi lễ, các vị khách mời: PGS.TS. Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương; Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; bà Hồ Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội; Đại úy Nguyễn Thị Đắc Hương, Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng đã chia sẻ về Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp; cách ứng xử, giáo dục, tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp và pháp luật; quá trình tham gia Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp. Đại úy Nguyễn Thị Đắc Hương, người đạt giải Đặc biệt trong cuộc thi viết "Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam" kể lại quá trình tổ chức các buổi khoa học về Hiến pháp để hoàn thành bài thi trong 3 tháng với tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy cao nhất của mình./.
Tại buổi Lễ, Ban Tổ chức Cuộc thi Trung ương trao tặng Giấy chứng nhận và giải thưởng cho 18 tập thể, 175 cá nhân có thành tích. Trong số 18 giải tập thể có 5 giải A; 5 giải B và 8 giải C. Trong số 175 giải cá nhân có 1 giải đặc biệt, 4 giải nhất, 10 giải nhì, 20 giải ba, 130 giải khuyến khích và 10 giải phụ. |
Hoàng Vy Anh
Theo Cổng TTĐT Bộ Tư Pháp
Các bản tin khác
- Sôi động bất động sản khu Đông TPHCM
- Quy định về đơn giá thuê đất, đất có mặt nước ngoài khu công nghiệp
- FDI vào bất động sản 2014 gần gấp 3 lần so với 2013
- Bất động sản cao cấp: Cửa đã mở cho dòng vốn mới
- Quy định hạn mức đất ở và diện tích tối thiểu tách thửa đất
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý những đề xuất xây dựng và phát triển Đà Nẵng
- Vay vốn mua nhà: Thời nay sẵn tiền quá
- Đã cấp 41,6 triệu sổ đỏ trên toàn quốc
- Chi phí làm thủ tục nhà đất tới đây sẽ giảm 80%
- Từ ngày 25.12 vi phạm đất đai sẽ bị phạt đến 1 tỉ đồng
- Đà Nẵng đề xuất bán thí điểm chung cư đầu tư từ ngân sách Nhà nước
- Những phát ngôn làm ‘nóng’ thị trường bất động sản 2014
- Chế độ ưu đãi khi mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước
- 31-12: Khai trương phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn và phố ẩm thực Huỳnh Thúc Kháng
- Nhà băng xuống tận chân dự án mời vay vốn
- Bung các cửa giải ngân gói 30.000 tỉ đồng
- 13 Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2015
- Thủ tướng có ý kiến về liên thông thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, nhà và thuế
- Đến thời của "siêu đại gia" và nhà giá rẻ
- Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng phát triển đô thị bền vững