(Cadn.com.vn) - Tại cuộc họp các đồ án kiến trúc, quy hoạch TP ngày 7-10, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ có “bật mí” các đơn vị xem xét nên xây dựng thêm 1 cái cầu thông đường Vương Thừa Vũ (từ khu vực giao với đường Hoàng Sa, đi qua Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo) để chạy thẳng về sông Hàn.
Cầu chưa xây, đất đã bị “thổi giá lên trời”Cập nhật: Thứ ba, 24/11/2015 - 10h22'
Tuy dự án đang nằm ở ý tưởng, chưa biết lúc nào thực hiện và có thực hiện hay không nhưng thực tế một số nhà đầu tư bất động sản (BĐS), người dân dọc khu vực các tuyến đường này đã “rỉ tai” nhau sắp có cầu thông qua trung tâm thành phố nên đã đẩy giá đất ở khu vực nơi đây tăng chóng mặt từng ngày...
Đất nền khu vực Vũng Thùng tăng mạnh nhờ thông tin cầu mới qua sông Hàn. |
Hàng loạt tuyến đường mà thông tin dự án cầu “ý tưởng” đi qua và vùng lân cận giá đất được thổi lên từng ngày. Điển hình, mặt tiền đường Trần Thánh Tông trong tháng 9-2015 rao bán từ 1,1-1,2 tỷ đồng/lô không ai mua, nay được thổi lên với giá 1,7-1,9 tỷ đồng/lô, tăng 60%. Không khó để tìm ra thông tin, trên các trang mạng đăng quảng cáo bán đất dọc các tuyến đường này trước tháng 10-2015 và thời điểm hiện nay. Như trang dothidiaoc.com đăng bán đất đường Trần Thánh Tông trong tháng 8-2015, giá chỉ gần 1,4 tỷ đồng/lô, nhưng cũng lô này đến thời điểm tháng 11 thì đã rao bán với giá 1,8 tỷ đồng,...
Tương tự, dọc đường Vân Đồn, trước thời điểm có thông tin cầu qua sông Hàn, giá chỉ dao động từ 9-10,4 triệu/m2 nhưng đến nay đã lên đến 14-15 triệu đồng/m2... Mức tăng ấn tượng nhất các lô đất dọc đường Vương Thừa Vũ, trước khi chưa có thông tin dự án “cầu ý tưởng”, giá chỉ dao động chừng 20 triệu đồng/m2 thì nay đã đẩy lên từ 35-38 triệu đồng/m2, thậm chí các vị trí gần biển giá đã tăng gấp đôi.
Trong vai người mua, chúng tôi đi 3 trung tâm giao dịch mua bán nhà đất khu vực xung quanh đường Vương Thừa Vũ, thì cả 3 dịch vụ đều chào bán 5 lô giống nhau tại đường Vương Thừa Vũ. Tuy nhiên, giá chênh lệch nhau từ 1-2 triệu đồng/m2, tại dịch vụ G. H giá 36 triệu đồng/m2, trung tâm C. L giá 38 triệu đồng/m2 và tại dịch vụ M. H giá 37 triệu đồng/m2. Điều đặc biệt, trong 5 lô chào bán thì có đến 3 lô của người Hà Nội đã mua và gửi bán lại.
Ông Lệ - Chủ dịch vụ G. H trên đường Nguyễn Sáng cho hay: “Giá đất ở đây tăng vọt hàng ngày, làm môi giới như chúng tôi rất khó làm ăn, nhiều lô đất chủ bán gửi chúng tôi vừa mời chào được khách hàng mua thì lập tức chủ đất lại không bán được với lý do là đất đang lên chờ lên rồi mới bán. Vì vậy, môi giới như chúng tôi vừa không được hoa hồng vừa mất uy tín với khách hàng”.
Đất đường Vương Thừa Vũ, mặc dù đang nhếch nhác nhưng bị “thổi giá”. |
Thực tế đường Vương Thừa Vũ mới hoàn thành khoảng 300m đoạn từ đường Hoàng Sa đến Hồ Nghinh, còn khoảng 800m thông ra Ngô Quyền đoạn thì cỏ mọc lút đầu người, đoạn thì chưa đền bù giải tỏa xong dân vẫn còn ở trông rất nhếch nhác nhưng vẫn có người giao dịch mua bán đất tại đây. Không những đất dọc 2 bên các con đường này bị thổi lên mà các khu vực vùng lân cận cũng được “cò” đẩy lên một cách phi mã từ 20-50%. Trước thực trạng giá đất ở đây được thổi lên nhanh chóng, nhiều người cho rằng một số nhà đầu tư ở nơi khác đến tung thông tin dự án, cho một lượng người đi mua, trả giá, làm giá mục đích đẩy giá lên cao, sau đó đã lập tức xả hàng ồ ạt ở mức giá cao ngất ngưởng, rồi đút túi khoản lãi kếch xù.
Đã từ lâu người Hà Nội và một số địa phương khác ồ ạt nhảy vào đầu tư, làm giá BĐS Đà Nẵng, đặc biệt là phân khúc ven biển nóng lên rồi bán lại kiếm lời. Ông Thanh Lâm nhà đầu tư BĐS tại Đà Nẵng cho biết, trước đây đã xảy ra đối với một số khu vực trên địa bàn thành phố, người Hà Nội nhảy vào gom BĐS, đẩy giá lên cao bằng chiêu tung hô, cho người thân mua đi bán lại, ra giá cao ngất ngưởng, giá cứ nhích lên từng ngày, thậm chí từng giờ.
Từ đó, một số nhà đầu tư tại Đà Nẵng cũng như các nơi khác nhảy vào đầu tư và phải mua lại với giá rất cao và không thể bán lại đành ôm đất và bán tháo bán lỗ. Ông Lâm cũng cho biết, nhà đầu tư Hà Nội rất giỏi trong việc “làm giá” BĐS, trong khi nhà đầu tư Đà Nẵng lại rất thích mua bán với khách Hà Nội. Do vậy, một số phân khúc có giá tăng đột biệt thì các nhà đầu tư nên thận trọng khi nhảy vào để tránh rủi ro.
Sốt lên nhanh thì lập tức lại xẹp xuống nhanh chóng, đó là quy luật của thị trường. Trong khi đó, giá BĐS một số khu vực trên địa bàn thành phố còn khá rẻ, giá cả chỉ nhích lên nhẹ thì ở đây lại tăng đột biến như vậy là có vấn đề. Trong thực tế, bong bóng BĐS đã xảy ra hiện tượng tranh mua, tranh bán, rồi đến là những cơn “ế ẩm” và “tháo chạy”... Dự án cầu mới qua sông Hàn mới chỉ là gợi ý, chưa có quy hoạch, chưa biết khi nào triển khai, song hàng loạt nhà đầu tư đổ về tranh mua, tranh bán xung quanh “dự án ý tưởng” này, khiến giá đất tăng nóng, “bong bóng BĐS” là điều khó tránh.
Xuân Đương
Theo Báo CAĐN
Các bản tin khác
- Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cấp đổi chủ quyền nhà đất từ 1-7
- Hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về ĐKGDBĐ bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
- Từ 1-7, người nước ngoài được phép mua nhà ở Việt Nam: Cú hích cho thị trường "rã đông"
- Thủ tục cấp sổ đỏ khi mua đất được thừa kế
- 7 lý do nên đầu tư căn hộ hoàn thiện
- “Coi chừng bong bóng bất động sản”
- Nhà thì nhiều mà mua không dễ
- Mở cửa cho người nước ngoài mua nhà: Hàng loạt nỗi lo trước giờ G
- NHNN yêu cầu báo cáo việc từ chối cho vay gói 30.000 tỷ
- Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè 2015
- “Nỗi niềm” chung cư không sổ hồng
- Xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất
- Để có một sông Hàn lung linh và huyền ảo
- Đất nền vùng ven hút tiền nhàn rỗi
- Lý giải vì sao người nước ngoài vẫn ngại mua nhà tại Việt Nam
- Khách Nhật quan tâm điều gì nhất khi chọn căn hộ dịch vụ?
- Tìm "áo khoác" đẹp cho hai bờ sông Hàn
- Giao dịch bất động sản tăng mạnh
- Sông Hàn sẽ trở thành một điểm nhấn tuyệt đẹp giữa lòng thành phố
- Đà Nẵng được vinh danh 'Thành phố xuất sắc trong chuyển đổi'