Mẹ còn sống nhưng đã bị con khai tử từ năm 1992. Kèm theo đó là những bản tự khai không đúng sự thật.
Năm 2010, ông T. (phường 14, quận 6, TP.HCM) đến Phòng Công chứng số 7 để làm thủ tục khai nhận và phân chia di sản thừa kế. Theo hồ sơ mà ông T. cung cấp, ông bà ngoại của ông đã mất, mẹ của ông là bà Nguyễn Thị Ngọc cũng đã qua đời vào năm 1992. Những người này có để lại ba căn nhà ở phường 14, quận 6 nhưng không để lại di chúc. Ngoài người dì ruột thì còn có ông là con trai duy nhất của mẹ ông cùng được hưởng di sản nhưng người dì đã đồng ý tặng cho toàn bộ phần của bà cho ông T.
Căn cứ vào đó, Phòng Công chứng số 7 đã công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản để ông T. được hưởng thừa kế cả ba căn nhà. Sau đó ông T. đã làm thủ tục đứng tên nhà và chuyển nhượng lại cho người khác.
Vụ việc diễn ra suôn sẻ cho mãi đến gần đây bà Ngọc mới phát hiện được việc làm động trời trên của con trai và gửi đơn tố giác đến Công an quận 6.
Phường không cấp giấy chứng tử cho bà Ngọc
Trong hồ sơ công chứng, ông T. có nộp bản sao giấy chứng tử mang tên bà Ngọc. Bản này do UBND phường 14, quận 6 cấp vào ngày 8-7-2010 ghi thời gian chết của bà Ngọc là ngày 26-2-1992.
Tuy nhiên, UBND phường 14, quận 6 khẳng định mình không hề cấp bản chính cũng như bản sao giấy chứng tử mang tên bà Ngọc. Nơi này đưa ra thông tin: Vào ngày 8-7-2010, UBND phường 14 có cấp bản sao giấy chứng tử cho ông Nguyễn Văn Sớm, chết ngày 26-2-1992. Giấy chứng tử giả của bà Ngọc có nhiều điểm trùng với giấy chứng tử thật của ông Sớm: Trùng ngày tháng năm chết, có cùng số chứng tử và cùng số quyển. Lãnh đạo UBND phường 14 cho biết không bao giờ có việc giấy chứng tử lại trùng số, trùng quyển như vậy.
Phòng Công chứng số 7 đã căn cứ vào bản sao giấy chứng tử này để công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Ảnh: ÁI PHƯƠNG
Mới đây, UBND phường 14 đã gửi văn bản đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 6 và UBND quận 6 làm rõ vì sao ông T. lại có giấy chứng tử mang tên bà Ngọc.
Tự khai mình là con một, cháu duy nhất
Không những dùng giấy chứng tử giả để hưởng di sản, ông T. còn cố tình gạt anh em của mình ra khỏi danh sách những người được hưởng thừa kế. Bà Ngọc có ba người con nhưng trong tờ tường trình về quan hệ nhân thân, ông T. khai mình là con trai duy nhất. Tờ tường trình này được UBND phường 12, quận 6 (không phải nơi ông T. đăng ký thường trú) chứng thực chữ ký vào ngày 9-9-2010.
Ngoài ra, trong tờ tường trình khác về mối quan hệ nhân thân giữa cháu và ông bà ngoại, ông T. khai mình là cháu duy nhất của ông bà ngoại mình. Ông T. khai ông bà ngoại mình có bảy người con, trong đó mẹ ông T. có ông là con duy nhất, còn lại ai cũng độc thân và đã chết, trừ một người dì còn sống (người này thỏa thuận tặng cho phần thừa kế của mình cho ông T.). Trên thực tế, các dì của ông T. có người lập gia đình, họ cũng sinh con và con của họ vẫn đang còn sống. Nghĩa là ngoài ông T., ông bà ngoại ông còn có nhiều cháu ngoại khác và những người này cũng có quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật.
Bằng việc khai không đúng về quan hệ nhân thân, ông T. đã biến mình thành con trai duy nhất của mẹ, là cháu ngoại duy nhất của ông bà để “phù phép” hưởng toàn bộ khối di sản của ông bà để lại.
Có dấu hiệu phạm tội
Khi tiếp nhận hồ sơ của ông T., Phòng Công chứng số 7 đã tiến hành niêm yết 30 ngày tại UBND phường 14, quận 6, sau đó mới công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Phòng không thể biết ông đã nộp giấy chứng tử và tờ tường trình mối quan hệ nhân thân không đúng sự thật. Do công chứng viên đã làm đúng trình tự, thủ tục nên trong trường hợp này chỉ có tòa án mới có thẩm quyền tuyên hủy văn bản thỏa thuận đó.
Ông NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, Trưởng phòng Công chứng số 7 TP.HCM
Ông T. đã có dấu hiệu phạm tội hình sự qua việc làm giả giấy chứng tử, khai man về quan hệ nhân thân nhằm chiếm đoạt di sản thừa kế.
Về mặt dân sự, mẹ ông T. và những người có quyền thừa kế khác có quyền yêu cầu tòa án tuyên hủy văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế và tuyên bố những hợp đồng chuyển nhượng các tài sản trên mà ông T. đã thực hiện là vô hiệu.
Ông PHẠM CÔNG HÙNG, Thẩm phán Tòa Phúc thẩmTAND Tối cao tại TP.HCM
Trước đây, Phòng Công chứng số 2 TP.HCM cũng từng gặp một vụ làm giả giấy chứng tử để làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế của mẹ. Việc khai nhận đang diễn ra theo trình tự thì may là người mẹ phát hiện khi phòng tiến hành niêm yết theo quy định. Phòng này đã trả hồ sơ lại cho đương sự.
|
ÁI PHƯƠNG
Các bản tin khác
- Đà Nẵng đề nghị xây dựng tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây 2 từ nguồn vốn ODA
- Đột phá từ khai thác quỹ đất
- Lãi suất cho vay vẫn khó giảm, vì sao?
- Tạm dừng cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất một số trường hợp
- Phong thủy: Bài trí phòng ngủ thế này, vợ chồng trăm năm hạnh phúc
- Sở hữu đất biển trục Tây Bắc Đà Nẵng từ 230 triệu đồng
- 10 ôtô bán chạy nhất tháng 11/2016
- “Cú đấm” nhà giá thấp
- Trồng cây theo phong thủy để hút tài lộc
- Khu vườn ấn tượng với con đường đá nghệ thuật
- Bố trí hồ nước, sông đào tại dự án bất động sản ra sao cho hợp phong thuỷ?
- Thị trường căn hộ cao cấp: "Cuộc đua" chưa có điểm dừng
- Alphanam cam kết lãi tới 700 triệu/năm tại dự án Luxury Apartment
- Xây dựng chính sách phát triển quy hoạch đô thị bền vững, thân thiện môi trường
- Đà Nẵng sẽ có quảng trường trung tâm sát bờ sông Hàn
- Thi tuyển quy hoạch, kiến trúc Quảng trường trung tâm Đà Nẵng
- Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Đà Nẵng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chia sẻ kinh nghiệm hoạch định chính sách phát triển
- Doanh nghiệp bất động sản đang làm gì cho cuộc chơi lớn?
- Đến Bà Nà Hills, đón giáng sinh diệu kỳ
- Nợ tiền sử dụng đất, có được bán đất?