Sở Xây dựng vừa đề xuất lãnh đạo thành phố tổ chức cuộc thi tuyển cấp quốc tế thiết kế kiến trúc cảnh quan sông Hàn. Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng cho biết, cuộc thi này không giới hạn phạm vi nghiên cứu từ cầu Thuận Phước đến cầu Trần Thị Lý, mà còn kéo dài lên tận cầu Đỏ.
Kiến trúc hai bờ sông Hàn cần lấy mục tiêu phục vụ lợi ích cộng đồng làm trọng tâm. |
Tổ chức thi thiết kế cấp quốc tế
Theo Viện Quy hoạch xây dựng thành phố, việc tổ chức cuộc thi quốc tế về xây dựng đồ án thiết kế cảnh quan sông Hàn sẽ tìm kiếm được nhiều ý tưởng mới. Hiện đơn vị đang xây dựng cơ sở dữ liệu để cung cấp cho các đơn vị tham gia dự thi.
Cuộc thi nhằm mục đích quy hoạch, thiết kế lại cảnh quan, làm cơ sở thực hiện quản lý kiến trúc, quản lý xây dựng khu vực bờ sông. Gói dữ liệu cung cấp cho các đơn vị tư vấn thiết kế, định hướng rõ về các công trình hạ tầng; trong đó có việc quy hoạch, đầu tư xây dựng bến du thuyền, cầu tàu…
Nhiều kiến trúc sư đầu ngành tâm huyết xác định, sông Hàn là phần mềm của không gian đô thị Đà Nẵng. Không gian này cần mở và mở thật nhiều ra nhiều hướng phố và hạn chế xây dựng thu hẹp dòng sông.
Đà Nẵng cần sự thay đổi về quy hoạch sông Hàn, tăng diện tích sử dụng đất công viên, cây xanh từ 15-20% (thay vì quy định 10% như hiện nay). Mở rộng quy mô sử dụng đất cho công viên, cây xanh ở các vị trí hiện đang có sẵn như khu vực An Trung, cạnh dự án Euro Village với diện tích 1,2ha hay khu đất 7,2 ha quanh chân cầu Thuận Phước.
Ngoài ra, không gian cơ quan UBND thành phố cũ có quy hoạch thành nơi sinh hoạt cộng đồng kết hợp triển lãm, trưng bày kết nối đến tòa nhà Novotel về phía bắc, Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố về phía nam thành một dải không gian mở liên hoàn.
Cảnh quan sông Hàn cần sự khoáng đạt của các không gian sinh hoạt cộng đồng, để thể hiện sự cởi mở, hiếu khách. Cùng với đó, việc quy hoạch bến du thuyền cũng cần bảo đảm tính hợp lý, vừa khai thác được du lịch đường sông, nhưng bảo đảm cho sông Hàn thông thoáng và yên bình…
“Không để tạo thành hai bức tường bên bờ sông”
Theo KTS Bùi Huy Trí, sông Hàn không thể thiếu sự kết nối đôi bờ. Hiện ở đoạn trung tâm thành phố đã có 4 cây cầu, trong khi đó, vấn đề xây dựng cầu tại khúc giữa cầu Sông Hàn và cầu Thuận Phước còn bỏ ngỏ. Việc tổ chức phố đêm là rất cần thiết để phục vụ khách du lịch, để sông Hàn phải là “dòng sông không ngủ”.
Quy hoạch thiết kế cảnh quan sông Hàn cần lấy mục tiêu phục vụ lợi ích cộng đồng làm trọng tâm, phải đề cao lợi ích của cộng đồng khi cân nhắc về tỷ lệ diện tích không gian mở, cân nhắc về các loại hình dịch vụ, phương thức phục vụ.
Làm sao để mọi đối tượng đều có thể cảm thấy thoải mái, tự nhiên. Sự thanh mảnh, trẻ trung là thành tố tạo nên cảnh quan sông Hàn từ thiết kế kiến trúc, cây xanh, thảm cỏ, tiểu cảnh, điện chiếu sáng, bờ sông, du thuyền… Kiến trúc hai bờ sông Hàn cần có thiết kế đô thị riêng với định hướng hiện đại, sang trọng, không lai tạp.
KTS Bùi Huy Trí cho rằng: Cần khống chế số lượng các công trình cao tầng ở mức vừa phải, không để tạo thành hai bức tường khổng lồ bên bờ sông. Không xây thêm công trình kiến trúc trên sông. Các dự án ven sông chưa triển khai như Olalani, Quốc Cường Gia Lai, Hoàng Anh Gia Lai, khu vực nhà máy đóng tàu Sông Thu (cũ) đều phải được kiểm soát về phương án kiến trúc với yêu cầu rất cao.
Các công trình kiến trúc có thể có hình dáng kích thước khác nhau, nhưng đều phải có một phong cách hiện đại, khỏe khoắn và duyên dáng. Cần xây dựng và ban hành quy chế quản lý kiến trúc cho hai vệt bên sông. Nên định hướng phát triển kiến trúc xanh cho toàn khu vực.
Đà Nẵng cần thiết kế lại hệ thống cây xanh, thảm cỏ, dây leo tạo nên hai chuỗi xanh liên tục hai bên bờ, gồm cả việc thay thế các cây hiện có không phù hợp bằng cây mới. Cây bóng mát phải có dáng khỏe mạnh. Thảm cỏ, hoa, lá màu, dây leo cần đa dạng và tinh tế.
Thiết kế điện chiếu sáng cho toàn không gian sông Hàn gồm cả các công trình kiến trúc, hệ thống cây xanh, các cây cầu, bến du thuyền. Sử dụng hiệu ứng ánh sáng về đêm, để sông Hàn như một cơ thể sống luôn chuyển động. Thiết kế mới và chỉnh sửa lại những chi tiết chưa đẹp như lan can dọc bờ sông, gạch lát vỉa hè. Các hạng mục phụ trợ như cây ATM, máy bán hàng tự động, biển quảng cáo, bảng hướng dẫn… đều phải nghiên cứu tỉ mỉ.
Ở thời điểm này, Đà Nẵng phải cẩn trọng trong việc xây dựng cảnh quan hai bên bờ sông Hàn. Sắp tới, việc triển khai thiết kế kiến trúc làm cho sông Hàn đúng nghĩa là cảnh quan quan trọng của thành phố.
Bài và ảnh: Triệu Tùng
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Nở rộ triển lãm bất động sản
- Đại gia Việt với cuộc chơi bất động sản hạng sang
- Cơ hội chiết khấu 7% tại đô thị sinh thái Hòa Xuân
- Cơ hội cuối để sở hữu "Tuyệt tác bên bờ biển"
- Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân: Không gian sống lý tưởng
- Nhà vừa túi tiền, nhu cầu thực sự chưa bao giờ hết "nóng"
- Gói hỗ trợ 30.000 tỷ có thể sẽ hết vào tháng 4-2016
- Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân: Chốn đi về của người Đà Nẵng
- Phấn đấu thành lập Hiệp hội công chứng quốc gia trong năm 2016
- "Khó có thể xảy ra bong bóng bất động sản"
- Bất động sản cháy hàng, dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân mở bán sớm hơn dự kiến
- Nhà đầu tư nước ngoài với cuộc chơi bất động sản đỉnh cao
- Sức hút của Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân
- Hơn 3.500 tỷ đồng xây dựng nhà ga hàng không quốc tế Đà Nẵng
- Giá đất Đà Nẵng tăng mạnh
- Nở rộ căn hộ officetel
- Giá nhà đất vẫn cao so với thu nhập người dân
- Đăng ký trực tuyến về bất động sản sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội
- Thực hiện các bước thu hồi một số dự án ven biển
- Thu hồi rừng để thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Tây Nam Suối Đá