Chỉ chưa đầy 10 ngày, sau khi nội dung điều chỉnh quy hoạch dự án Ga Đà Nẵng mới được công khai đến người dân, giới “cò đất” đã ráo riết săn lùng đất trong vùng quy hoạch dự án để làm nhà, chờ tiền đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư.
UBND quận Liên Chiểu đã tăng cường thêm lực lượng quy tắc đô thị về các phường để tập trung xử lý tình trạng xây nhà trái phép. |
Đua nhau bán đất
Khi thị trường bất động sản (BĐS) “đóng băng”, đất nông nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư trên địa bàn quận Liên Chiểu rơi vào cảnh “chợ chiều”. Thế nhưng, khi dự án Ga Đà Nẵng mới được điều chỉnh quy hoạch (chủ yếu thuộc địa bàn các phường Hòa Minh và Hòa Khánh Nam), thị trường nhà đất nơi đây có dấu hiệu “dậy sóng”, đặc biệt là đất nông nghiệp giá rẻ.
Có mặt ở những khu đất trống trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam, đâu đâu chúng tôi cũng thấy biển rao bán đất, “nóng” nhất là ở những khu vực nằm trong vùng điều chỉnh quy hoạch của dự án Ga Đà Nẵng mới.
Liên lạc theo số điện thoại trên bảng rao bán đất để hỏi giá cả, vị trí đất, chúng tôi được “cò” đất mời chào mua đất với giá rất rẻ. “Anh mua thời điểm này là đúng rồi. Đất ở đây đang lên giá, càng về sau càng cao. Tôi đang có trong tay vài lô đất nằm ở vị trí gần dự án Ga Đà Nẵng mới, giá “mềm” lắm, một mảnh đất nông nghiệp diện tích khoảng 100m2 giá dưới 150 triệu đồng”, nam thanh niên môi giới cho biết và nói thêm, nếu muốn làm nhà chỉ cần “chung chi” chút ít là được.
Tiếp tục đi sâu vào khu dân cư trên địa bàn các phường Hòa Khánh Nam, Hòa Minh, chúng tôi nhận thấy, ở những khu vực đất trống, nhiều nhà dân cũng đã cắm biển rao bán. Theo một chủ nhà thì giá đất nơi này đang lên, nhiều người hỏi mua, tuy nhiên bản thân chủ đất cũng không biết có làm nhà được không (?!).
Coi chừng trắng tay!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đã có không ít trường hợp được “cò” đất “rót mật vào tai” và cứ thế bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua đất nông nghiệp trên địa bàn các phường Hòa Khánh Nam và Hòa Minh, để rồi sau đó ngậm ngùi ôm mảnh đất đầy cỏ mọc vì không thể xây được nhà với lý do đất nông nghiệp, lại nằm trong vùng quy hoạch dự án.
Cách đây không lâu, anh T. (ở tỉnh Quảng Nam) suýt mất trắng 20 triệu đồng vì trót nghe theo lời “cò” đất. “Chỉ cần bỏ ra 100 triệu đồng mà có được lô đất gần 100m2 thì rẻ quá nên tôi đã đặt cọc 20 triệu đồng cho “cò” đất. Ban đầu anh ta hứa sẽ “chạy” giấy tờ xây nhà luôn, thế nhưng chờ mãi vẫn không được cấp phép xây dựng, nên tôi đành chấp nhận mất vài triệu đồng để lấy lại tiền đặt cọc”, anh T. ngậm ngùi cho biết.
Trước tình trạng mua bán đất nông nghiệp, xây nhà trái phép đang có dấu hiệu xuất hiện trở lại trên địa bàn quận Liên Chiểu, vừa qua, UBND quận đã tăng cường lực lượng quy tắc đô thị về các phường tập trung xử lý, tránh để người dân chịu thiệt.
Ông Võ Khoa Nguyên, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam cho biết, trong hơn 1 tháng qua, các lực lượng chức năng của quận, đặc biệt là lực lượng quy tắc đô thị thường xuyên có mặt ở mọi ngõ ngách, khu dân cư, đặc biệt là những khu vực còn nhiều diện tích đất nông nghiệp. Vì vậy, tình trạng xây “liều” đã được ngăn chặn và xử lý kịp thời.
“Chúng tôi quyết tâm không để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn, đặc biệt là khu vực điều chỉnh quy hoạch của dự án Ga Đà Nẵng mới. Vì thế, bất cứ trường hợp nào chỉ cần san lấp đất, xây dựng móng nhà, chúng tôi sẽ tiến hành xử lý, xử phạt và buộc tháo dỡ ngay. Trong đợt ra quân vừa qua, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và xử lý ngay hàng chục trường hợp đang xây dựng móng nhà trái phép trên đất quy hoạch”, ông Nguyên cho hay.
Còn theo ông Đàm Quang Hưng, Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Liên Chiểu, việc mua bán, chuyển nhượng đất chủ yếu do người từ nơi khác đến. Họ mua để đầu cơ và bán ngay khi có lời. Điều đáng lo là nếu người mua không nắm rõ quy hoạch mà mua khu vực không được phép xây dựng, rất có thể sẽ lâm vào cảnh trắng tay.
Vì vậy, khi người dân có nhu cầu mua đất, cần tìm hiểu quy hoạch xây dựng đã được công bố. “Việc điều chỉnh quy hoạch dự án Ga Đà Nẵng mới đã được công bố. Do đó, những khu vực không còn nằm trong vùng quy hoạch của dự án này sẽ được UBND quận đề nghị thành phố ra quyết định hủy quy hoạch để người dân yên tâm xây dựng nhà cửa, làm “sổ đỏ” và chuyển nhượng đất”, ông Hưng cho hay.
Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Người thuê nhà cần biết 5 thay đổi lớn từ 01/7/2021
- Cách tính tiền Bảo hiểm xã hội một lần năm 2021
- Nhiều quy định về nâng lương cán bộ, công chức sắp thay đổi?
- Đà Nẵng điều chỉnh giảm 10% giá đất so với hiện nay
- Từ 01/7/2021, đăng ký thường trú, tạm trú có thể bị thu hồi Sổ hộ khẩu
- Vì sao Chứng minh nhân dân không nên ép dẻo?
- Thủ tục sang tên xe máy mới nhất: Kinh nghiệm thực hiện từ A đến Z
- Cách ghi số và ký hiệu văn bản đúng chuẩn Nghị định 30
- Hướng dẫn mới nhất về cấp Giấy xác nhận số CMND từ 18/11/2019
- Từ 22/5, chính thức cấp bản sao điện tử cho người dân
- Trường hợp nào gây thiệt hại mà không phải bồi thường?
- Một năm, người lao động được nghỉ việc riêng mấy lần?
- Đất không có Sổ đỏ có được chia thừa kế không?
- Hôm nay (15/5), nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực
- Từ 20/4/2020: Giấy ủy quyền chỉ được chứng thực trong 4 trường hợp
- 6 giao dịch về nhà ở không cần đến Sổ đỏ
- Các Văn phòng Công chứng tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống dịch Covid 19
- Đà Nẵng: Mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2
- Có Sổ đỏ trong tay, người dân được hưởng lợi thế nào?
- Thủ tục cấp Sổ đỏ khi mua bán nhà đất bằng giấy viết tay