(Chinhphu.vn) - Ngày 18/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 16 Luật và 7 Nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua.
Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 16 Luật và 7 Nghị quyết được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua. |
Các Luật được công bố gồm: Luật An toàn thông tin mạng; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Thống kê; Luật Khí tượng thủy văn; Bộ luật Hàng hải Việt Nam; Luật Kế toán; Luật Phí và lệ phí; Luật Trưng cầu ý dân; Luật Quân nhân chuyên nghiệp; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Tố tụng hành chính; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự.
Các Nghị quyết được công bố gồm: Nghị quyết về việc phân chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới; Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội; Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự; Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính; Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự.
Giới thiệu về Luật Khí tượng thủy văn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Lộc cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử hơn 100 năm xây dựng và phát triển, toàn bộ hoạt động khí tượng thủy văn trên lãnh thổ Việt Nam đã được điều chỉnh bằng Luật. Luật sẽ tạo ra bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý Nhà nước về khí tượng thủy văn; bảo đảm điều kiện cho hoạt động khí tượng thủy văn phát triển, cung cấp và sử dụng thông tin khí tượng thủy văn trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội có hiệu quả. Đặc biệt, Luật tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khí tượng thủy văn bảo đảm công tác phục vụ phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Luật Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), công nhân và viên chức quốc phòng cũng quy định rất rõ về hạn tuổi phục vụ của QNCN, công nhân và viên chức quốc phòng. Luật đã quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ theo cấp bậc hàm là: Cấp úy QNCN: Nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; Thiếu tá QNCN, Trung tá QNCN: Nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Thượng tá QNCN: Nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi. Riêng chức danh chiến đấu viên để đảm bảo đủ sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ, Luật quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ là đủ 40 tuổi, khi hết hạn tuổi phục vụ thì được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội hoặc được chuyển ngành. Trường hợp quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu.
Giới thiệu về Luật An toàn thông tin mạng, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Luật gồm 8 chương, 54 điều quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng… Tại Chương II cũng quy định rất rõ việc bảo vệ thông tin cá nhân. Đó là quy định về nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; thu thập và sử dụng thông tin cá nhân; cập nhật, sửa đổi và hủy bỏ thông tin cá nhân; bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng; trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng.
Luật Trưng cầu ý dân gồm 8 chương, 52 điều là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Luật quy định cử tri trong trưng cầu ý dân cơ bản thống nhất như cử tri trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Cụ thể là: “Công dân nước CHXHCN Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật này”.
Phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân: “Trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước”. Điều này phù hợp với quy định của Hiến pháp về thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội. Đồng thời, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là những vấn đề có ý nghĩa ở tầm quốc gia đưa ra để toàn dân quyết định.
Luật Trưng cầu ý dân quy định cơ quan giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân gồm: Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân.
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam bao gồm 11 chương, 73 điều với những nội dung cơ bản: Quy định chung; hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; chế độ quản lý giam giữ; chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam là người dưới 18 tuổi, phục nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; chế độ với người bị kết án tử hình đang bị tạm giam; kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; điều khoản thi hành. Luật được ban hành sẽ tháo gỡ được những khó khăn, hạn chế, bất cập và bảo đảm công tác quản lý giam giữ phục vụ có hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, đồng thời đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị tạm giam, phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong tình hình mới.
Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự gồm 10 chương, 73 điều với những nội dung cơ bản: Những quy định chung; tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra của CAND, Quân đội nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, kiểm ngư, các cơ quan của CAND, quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; quan hệ phân công và phối hợp trong điều tra hình sự; quy định liên quan đến thủ trưởng, phó thủ trưởng, cơ quan điều tra, điều tra viên và cán bộ điều tra; quy định về chế độ chính sách với người làm công tác điều tra hình sự, bảo đảm biên chế, đào tạo bồi dưỡng trong công tác điều tra hình sự; trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác điều tra hình sự; điều khoản thi hành. Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đồng bộ, cụ thể và nâng cao hiệu quả của hoạt động điều tra hình sự trong tình hình mới.
Các bản tin khác
- Đà Nẵng: Giải tỏa 9 khu tập thể xuống cấp nghiêm trọng
- Đẩy mạnh mô hình hợp tác công-tư
- Chọn mua chung cư giá rẻ, những tiêu chí vàng không phải ai cũng biết
- Tránh mua hoặc xây nhà chữ T nếu muốn giàu sang
- Khởi động nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng Liên Chiểu
- BÍ THƯ THÀNH ỦY NGUYỄN XUÂN ANH LÀM VIỆC VỚI SỞ XÂY DỰNG: Nâng tầm quy hoạch phát triển đô thị hiện đại, bền vững
- Hơn 70% căn hộ Coco Skyline Resort có chủ ngay sau ngày mở bán
- 15 kiểu nhà tuyệt đối không nên mua kẻo rước họa
- Bất động sản Đà Nẵng: Hút giới đầu tư các dự án ven sông Cổ Cò
- Bất động sản du lịch và giải trí - tại sao không?
- Luxury Beach - Đà Nẵng City sắp ra mắt khách hàng Hà Nội
- 9 sai lầm thường gặp khi mua bất động sản lần đầu
- Lý do bất động sản condotel hấp dẫn nhà đầu tư
- Bắt tay Indochina Capital, Kajima toan tính gì với bất động sản Việt Nam
- Người trẻ băn khoăn bài toán mua nhà
- Bất động sản Đà Nẵng: Phân khúc khách sạn, nghỉ dưỡng tiếp tục "nóng"
- Đà Nẵng xếp thứ 2 các đô thị ven biển về đầu tư biệt thự nghỉ dưỡng
- Hơn 80% khách hàng mua BĐS nghỉ dưỡng Đà Nẵng đến từ Hà Nội
- Bí mật của những “ông trùm” bất động sản du lịch giải trí
- Sun Group sắp chính thức giới thiệu dự án lớn tại trung tâm Hà Nội