ĐNĐT – Nằm ngay trung tâm thành phố Đà Nẵng, nhưng con đường Lê Lai không nhuốm màu nhộn nhịp của phố thị mà vẹn nguyên nét tĩnh tại, an yên gần 60 năm qua…
cebook Linkhay Google Bookmarks Twitter Gửi tin qua Email In bài viết này.
Nằm ngay trung tâm thành phố, nhưng đường Lê Lai không nhuốm màu nhộn nhịp của phố thị mà vẹn nguyên nét tĩnh tại, an yên |
Ngày đó, khi tôi vừa tròn 5 tuổi, vì điều kiện gia đình khó khăn nên ba má phải gởi tôi nhờ ngoại chăm sóc để đi làm ăn xa. Tuổi thơ của tôi gắn liền với ngoại và ngôi nhà nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Quang Trung.
Nhiều người thường bảo, thời gian sẽ làm phai mờ hồi ức, nhất là những vệt kỷ niệm thời tuổi nhỏ. Rứa mà, chẳng hiểu vì răng, quãng ấu thơ lại bám riết tôi một cách dữ dội, ngay cả chập chờn cơn mơ cũng thấy mình lặn lội trở về nơi cũ. Có lẽ, tôi - và cũng có thể nhiều người khác – đều đang đi tìm cho mình những tháng ngày vô âu vô lo giữa nhịp sống xô bồ của người lớn…
Trong hồi ức ngày xưa, hoài niệm của tôi phần lớn rong ruổi trên con đường Lê Lai - con đường của những buổi mới cắp sách đến trường. Nằm ngay trung tâm thành phố, nhưng đường Lê Lai chỉ dài vỏn vẹn 350m. Những người sinh sống trên đường Lê Lai không nhớ rõ tuyến đường được hình thành từ bao giờ, chỉ biết, khoảng thời gian hòm hòm trước thời điểm xây dựng trường Tiểu học Lê Lai một quãng.
Năm 1968, để giải quyết nhu cầu học tập bức thiết của con em công nhân cảng Đà Nẵng, tại khu đất rộng 1.357m2 cuối đường Lê Lai, một ngôi trường nhỏ với 6 phòng học được dựng lên. Ban đầu, trường có tên Thương Cảng, sau nhiều lần đổi tên mới chính thức mang tên Lê Lai từ năm 1997.
Theo ghi chép của một số quyển sách thì đường Lê Lai xuất hiện trên bản đồ Đà Nẵng từ năm 1958, cho đến nay không thay đổi. Tuy nhiên, đường Lê Lai trước năm 1975 chỉ dài 210m, nối đường Lê Lợi đến đường Tự Đức (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai).
Sau năm 1975, đường Lê Lai được nối dài thêm 140m, đến trường Tiểu học Lê Lai. Chính vì thế, điều đặc biệt của cung đường này là điểm kết thúc không giao nhau với cung đường khác mà là ngôi trường cùng tên.
Thưở ấy, nhà gần đó nên tôi thường xuyên được người thân chở ngang qua con đường Lê Lai. Nhưng chỉ khi theo học tại ngôi trường tiểu học Lê Lai, tôi mới từ thích chuyển sang yêu, từ tò mò chuyển sang say mê, từ khám phá đến gắn bó với con đường mang tên vị tướng liều mình cứu chúa.
Ngày hai buổi đến trường, tôi thích cảm giác lang thang dưới những tán cây. Trời nắng thì xòe tay đón nắng từ kẽ lá, đùa với những vũ điệu vàng ươm. Trời mưa, nấp vội nơi hiên nhà ai đó, ngắm từng giọt tí tách. Thảng hoặc, có bạn bè chung lối thì xôn xao những câu chuyện vu vơ không đầu, không cuối.
Nhưng có lẽ, đọng lại sâu nhất trong tôi về ký ức trên cung đường này là những khi cuộn trào nỗi nhớ. Khi ấy, cứ mỗi buổi tan trường, nhìn bạn bè được cha mẹ đến đón, tíu tít kể chuyện lớp, chuyện trường, con bé con là tôi lại tủi thân vô cùng. Mỗi lúc như thế, bước chân về nhà bao giờ cũng trĩu nặng hơn, dằng dặc hơn. Con đường Lê Lai trong thời khắc ấy như người bạn tâm tình, sẻ chia những cung bậc cảm xúc của một cô bé mít ướt...
Cùng với sự phát triển của thành phố, từng tấc đất cũng vươn mình đổi thay. Riêng con đường Lê Lai bao năm vẫn vậy, dẫu đổi thay da thịt nhưng vẫn giữ vẹn nguyên "linh hồn" - nét tĩnh lặng, yên bình giữa nhịp thở sôi động của trung tâm phố biển.
Đường Lê Lai trước năm 1975 chỉ dài 210m, nối đường Lê Lợi đến đường Tự Đức (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai). |
Hai mươi năm sau, giữa bộn bề bon chen của cuộc sống, tôi vẫn giữ thói quen lang thang ở cung đường này, để tìm kiếm cảm giác tĩnh tại, yên an. Rảo bước chán chê dưới những tán cây thì tấp vào quán cà phê nào đó nhâm nhi chút hương, chút tình của một mảnh hồi ức. Chẳng biết có phải vì “nhập gia phải tùy tục” hay không mà quán cà phê nào nơi đây cũng vương nét tĩnh lặng, trầm mặc như không khí của cung đường này. Đặc biệt, quán The Keys – English cafe, tọa lạc ở địa chỉ 54 Lê Lai, là điểm hẹn của những bạn trẻ say mê khám phá tiếng Anh.
Trên con đường này còn có quán nước mía Phúc Lai, nằm ngay góc ngã 3 Lê Lai – Lê Lợi, nức tiếng gần xa nhiều năm qua. Không chỉ nhâm nhi vị thanh ngọt của nước mía, người già đến đây còn để cùng nhau chơi vài ván cờ, người trẻ đến đây để hàn huyên, tâm sự và ngắm phố xá...
Cứ thế, ngày qua ngày, đường Lê Lai như một nốt trầm dịu ngọt giữa phố biển. Để những ai nặng lòng thì tìm đến. Để những ai yêu thương thì tìm về. Để những ai từng lạc bước, ngang qua thì khắc nhớ trong tim...
NAM BÌNH
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Những công trình ấn tượng của Việt Nam nổi tiếng thế giới
- Đầu tư vào bất động sản năm 2018 lãi lớn
- Thị trường bất động sản 2019: Hướng tới nhu cầu mua để ở
- Người mua bất động sản hưởng lợi từ công nghệ 4.0
- Kinh nghiệm vay mua nhà cuối năm
- Đặt nền móng vững chắc cho đô thị Đà Nẵng
- Kịch bản nào cho bất động sản Việt Nam 2019?
- Thách thức của du lịch Đà Nẵng, nhìn từ “đỉnh ngập”
- Tổ tư vấn đưa ra 3 kịch bản dự báo kinh tế của năm 2019
- “Hiện tượng” nhà phố thương mại
- Phát huy nội lực, đưa Đà Nẵng phát triển nhanh, bền vững
- 6 câu hỏi nên đặt ra khi đầu tư căn hộ condotel
- Chợ bất động sản online ngày càng sôi động
- Bình yên Chùa Linh Ứng Sơn Trà
- Chờ thêm 2 đại gia Việt Nam được vinh danh tỷ phú USD toàn cầu
- Bất động sản Đà Nẵng: Vùng ven sẽ tăng giá sau đợt lụt trái mùa
- Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort cùng lúc đón nhận 4 giải thưởng danh giá
- Đón sóng đầu tư bất động sản cuối năm cùng chuyên gia
- Xúc tiến mở tuyến đường ven biển phía đông các khu du lịch ở Ngũ Hành Sơn
- Giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư phải công khai, minh bạch