(PL)- Thị trường bất động sản hiện đang nhộn nhịp do nhiều người tìm mua nhà để đón tết.
Những ngày này, các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) ở TP.HCM khá đông khách hàng đến tìm mua nhà. Nhu cầu mua nhà khá đa dạng: mua để ở, mua để đầu tư, cho thuê...
Chính vì vậy nhiều dự án vừa công bố mở bán đã được khách hàng đặt cọc, ký hợp đồng mua.
Dễ mua, dễ bán nhà
Anh Lê Thành, nhà ở quận Bình Tân, TP.HCM cho biết mới đây đã quyết định mua căn hộ hai phòng ngủ ở một dự án tại quận 9, dự kiến tháng 7-2016 sẽ nhận nhà.
Theo anh Thành, phương thức thanh toán với căn hộ trên khá linh hoạt. Theo đó, anh chỉ cần trả trước 25% giá trị căn hộ, còn lại được trả chậm trong 25 năm và không bị phạt trả nợ trước hạn.
“Tính ra mỗi tháng chỉ phải trả góp 4-5 triệu đồng, nếu tiết kiệm được nhiều thì vợ chồng tôi sẽ trả nợ nhanh hơn. Nhờ phương thức thanh toán này mà vợ chồng tôi sắp có nhà để ở tại TP.HCM” - anh Thành nói.
Nhiều người đi mua nhà khác cũng chia sẻ hiện nay mua nhà dễ hơn những năm trước đây. Ví dụ, không cần phải bốc thăm, chen nhau xếp hàng từ nửa đêm và thường chỉ cần thanh toán trước 30% giá trị căn hộ là có thể nhận nhà ở được ngay, số còn lại thanh toán dần.
Theo các công ty BĐS, thanh khoản tại các dự án được cải thiện và tăng dần trong thời gian qua. Chính vì thế ngay những ngày đầu năm 2016, nhiều công ty vừa công bố dự án mới đã có nhiều khách hàng đặt mua.
Điển hình như Công ty Phúc Khang, ngay tại buổi công bố dự án tiêu chuẩn xanh của Mỹ tọa lạc gần Công viên Đầm Sen đã được một quỹ đầu tư Singapore tuyên bố mua 30% tổng số lượng căn hộ. Công ty Him Lam Land vừa mở bán 100 nhà phố và căn hộ thuộc một dự án ở quận Thủ Đức nhưng do lượng khách đăng ký mua nhiều nên dự án được mở bán theo hình thức bốc thăm. Đại diện Thuduc House cho hay một dự án ở quận 9 được mở bán từ đầu tháng 12-2015 đến nay đã có gần 90% căn hộ được khách hàng đặt cọc và ký kết hợp đồng.
Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land, cho hay năm 2015 công ty bán được khoảng 5.000 căn hộ, tăng gấp đôi so với năm trước đó. Lý giải nguyên nhân giao dịch tăng, ông Hiền nói: “Do nhu cầu mua để ở của khách hàng tăng cao. Thêm nữa trước đây vay ngân hàng để mua nhà rất khó nhưng nay ngân hàng mở cửa cho vay với lãi suất ưu đãi”.
Khách hàng tham quan, tìm mua căn hộ tại một dự án ở TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY
Giá nhà đất tăng
Theo báo cáo của Công ty CBRE, lượng căn hộ tiêu thụ được tại TP.HCM trong năm 2015 đạt hơn 36.000 sản phẩm, tăng 98% so với năm 2014. Đây là con số kỷ lục mới, cao nhất từ trước đến nay tính theo chu kỳ một năm.
Các giao dịch thành công tập trung phần lớn vào hai điểm nóng: tại khu Đông chiếm 57%, trong khi khu Nam đạt 37%. Giá BĐS trong năm 2015 tăng 4%-5% so với năm trước, một số dự án cao cấp có vị trí đẹp tăng 10%-15%, thậm chí cao hơn.
Nhận xét về mức tăng này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), nói giá nhà đất trong năm qua tăng ở mức tương đối hợp lý. Lý do là tiền sử dụng đất làm dự án, giá vật liệu xây dựng và một số chi phí khác cao.
“Dự báo năm 2016 nhu cầu nhà đất sẽ tiếp tục tăng khi khách hàng Việt kiều, người nước ngoài sẽ tăng mua. Giá căn hộ có thể sẽ tăng ở một số dự án với mức 3%-5% nhưng nhiều dự án sẽ không tăng” - ông Châu dự đoán.
Ông Châu cũng khuyến cáo người mua nhà nên chọn những dự án của các chủ đầu tư uy tín, có ngân hàng bảo lãnh và quan trọng là vị trí tốt, hạ tầng cơ sở thuận lợi cho việc đi lại, mua bán và kinh doanh.
Lo tái diễn bong bóng
Ông Nguyễn Duy Minh, chuyên gia nhà đất, cảnh báo để không xảy ra bong bóng, hạn chế tác động tiêu cực của việc tăng giá ảo làm méo mó thị trường… thì các dự án phải thực sự phục vụ nhu cầu ở thật. Hiện tại nhu cầu nhà ở của người dân Việt còn rất lớn, trong khi nguồn cung vẫn còn có hạn.
“Tuy nhiên, cần phải chú ý số lượng 45.000 căn hộ dự kiến sẽ chào bán trong năm 2016. Bởi nếu là nguồn cung cho nhu cầu ở thật thì không đáng e ngại, song nếu không phục vụ nhu cầu ở thật của người dân (đầu cơ - PV) thì phải cẩn thận” - ông Minh nói.
Bàn về vấn đề liệu có xảy ra bong bóng BĐS trong năm 2016 hay không, ông Lê Hoàng Châu phân tích đúng là có sự gia tăng nhiều dự án cao cấp nhưng mức hấp thụ của thị trường thời gian qua là tích cực, chưa xuất hiện tình trạng “bội thực” cung vượt cầu quá lớn.
“Kết hợp với nhiều yếu tố khác nữa thì có thể dự báo chưa có nguy cơ bong bóng BĐS trong năm 2016. Song cần tiếp tục theo dõi kỹ các nhân tố bất ổn đang tích tụ tăng dần theo thời gian để có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời và hiệu quả” - ông Châu nhấn mạnh.
Trước đó, hồi tháng 11-2015, một đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng về hiện tượng một số chủ dự án lớn găm hàng, tăng giá và coi đây là “nghệ thuật kinh doanh”. Điều này có thể là tác nhân kích thích hiện tượng bong bóng nhà đất quay trở lại như trước đây.
Đối với lo lắng này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thừa nhận khi thị trường BĐS ấm lên như hiện nay thì đã xuất hiện đầu cơ ở một số dự án khi giá mua nhà đã cao hơn nhiều so với mức giá mà chủ đầu tư đưa ra. Bên cạnh đó, có xu hướng nhiều dự án được khởi công, từ đó dẫn đến lo ngại bong bóng có thể diễn ra trong thời gian tới.
Tuy vậy, Bộ trưởng Dũng nhìn nhận hiện nay chưa hội đủ các yếu tố để có thể dẫn đến bong bóng BĐS. Song diễn biến của thị trường này là rất phức tạp nên không thể chủ quan và cần phải chủ động để thị trường phát triển bền vững, như kiểm soát chặt chẽ nguồn tín dụng chảy vào thị trường này.
Tung thêm 45.000 căn hộ ra thị trường Công ty CBRE dự báo năm 2016 TP.HCM tiếp tục đón hơn 45.000 căn hộ từ 90 dự án thuộc đủ mọi phân khúc. Tỉ trọng nguồn cung cao cấp và hạng sang trong năm nay có thể tăng thêm khoảng 20% so với năm 2015. Trong năm 2015, căn hộ trung và cao cấp có giá bán 1,3-5 tỉ đồng, chiếm 75% tổng giao dịch toàn TP.HCM. Điều này cho thấy người mua dần có xu hướng chọn những sản phẩm cao cấp hơn. Nhà nước vẫn đang tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa, thắt chặt chi tiêu công, chính sách tín dụng thận trọng... nên sẽ khó có chuyện buông lỏng tín dụng BĐS năm 2016. Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch HoREA |
QUANG HUY
Theo Báo Pháp luật TPHCM
Các bản tin khác
- Vicoland bàn giao 140 sổ hồng cho khách hàng mua chung cư
- Đơn giản hóa TTHC 15 lĩnh vực ngành tư pháp
- Kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố khóa IX: Phát triển đô thị, tạo động lực đột phá
- Giá đất một số khu tái định cư mới
- Vì sao chấm dứt chuyển nhượng chung cư diện giải tỏa?
- Thị trường bất động sản: Đủ chiêu "câu khách"
- Vì sao giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm?
- Tổ hợp giải trí 11.000 tỷ tại Đà Nẵng sắp vận hành
- 9,5 tỷ đồng cải tạo nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ-Lê Đại Hành-Trịnh Đình Thảo
- Xây dựng đường hầm chui qua đường Trường Sa kết nối dự án The Empire
- “Giải mã” sức hút của Coco Ocean-Spa Resort
- Khu nghỉ dưỡng 3.500 tỷ đồng hướng biển tại Quảng Nam
- Làm giàu từ bất động sản, không dễ như quảng cáo
- Ưu tiên, hỗ trợ cho các hộ dân Cồn Dầu chấp thuận giải tỏa, bàn giao mặt bằng sớm
- Rủi ro khi mua bán đất còn nợ thổ cư
- Bất động sản nghỉ dưỡng đối mặt thách thức chưa từng có
- Bất động sản nghỉ dưỡng: Cơ hội lớn, rủi ro lớn
- Đà Nẵng: Khách du lịch tăng cao, bất động sản hưởng lợi
- VNE chuyển nhượng dự án VNECO Plaza tại Đà Nẵng
- Đà Nẵng điều chỉnh và thông qua một số dự án kiến trúc quy hoạch quan trọng