CafeLand – Năm 2015, thị trường bất động sản khép lại với những con số báo cáo rất ấn tượng, số lượng giao dịch đạt kỷ lục so với nhiều năm qua. Thực tế, những gì diễn ra trên thị trường suốt năm 2015 cho thấy sự sôi động đáng mừng. Thế nhưng, phía sau bức tranh tươi sáng của thị trường và những con số ấn tượng đó có tiềm ẩn nguy cơ?
Thị trường bất động sản muốn bền vững rất cần tính minh bạch hơn nữa. Ảnh: Trần Kiều.
Theo báo cáo mới nhất của CBRE, tại TP.HCM trong năm 2015 ước tính có khoảng 36.000 căn hộ được tiêu thụ, tăng 98% so với năm 2014. Cụ thể, trong 36 nghìn căn hộ được tiêu thụ thì có 33 nghìn căn bán cho các cá nhân và khoảng 3 nghìn căn hộ bán cho các nhà đầu tư thứ cấp. Chỉ tính riêng Quý 4/2015, ước tính tổng lượng giao dịch trên thị trường lên đến tương ứng 10.340 căn hộ. Theo CBRE, thị hiếu của thị trường đang dần cải thiện và người mua có xu hướng chuộng những sản phẩm cao cấp hơn. Nếu như trong giai đoạn 2009 đến 2014, căn hộ bình dân có giá dưới 1,3 tỷ đồng một căn luôn chiếm tỷ lệ giao dịch thành công lớn nhất thì trong năm nay những dự án trung và cao cấp với giá bán dao động trong khoảng 1,3 đến 1,5 tỷ đồng bán rất chạy, chiếm hơn 75% tổng giao dịch hoàn thành trong năm qua.
Rõ ràng với những số liệu trên thì doanh nghiệp và khách hàng phần nào yên tâm về tính khả quan của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, đằng sau vẻ nhộn nhịp đó năm qua thị trường cũng có những mặt trái đáng quan tâm. Mặc dù số lượng giao dịch tăng kỷ lục thế nhưng liệu nó có phản ánh đúng bản chất của thị trường?.
Theo tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, trong con số giao dịch thành công liệu có bao nhiêu phần trăm là giao dịch thực? Hay chỉ là sự chuyển đổi từ chủ đầu tư qua các sàn môi giới. Không ít dự án bất động sản khiến người mua choáng váng khi công bố bán gần hết sản phẩm chỉ sau một buổi mở bán, thế nhưng ai kiểm chứng được có đúng vậy hay không? Hay đây chỉ là chiêu để tạo “sóng” trên thị trường.
Theo nhận định của một chủ doanh nghiệp, mặc dù số lượng giao dịch rất lớn nhưng những giao dịch có nhu cầu ở thực chỉ chiếm khoảng 30 – 40%, khoảng 70% còn lại là do giới đầu tư, đầu cơ lướt sóng thị trường.
Một nghịch lý rất dễ nhận thấy đang diễn ra khiến nhiều người lo ngại cho tính bền vững của thị trường. Đó là đang có một sự lệch pha cung cầu rất lớn. Trong khi nhu cầu ở thực của người dân Việt Nam phần lớn đang nằm ở phân khúc nhà ở vừa túi tiền, có giá khoảng trên dưới 1 tỷ thì năm qua nguồn cung này đang dần khan hiếm. Trong khi đó, nguồn cung căn hộ cao cấp lại ghi nhận sự bùng nổ sau nhiều năm trầm lắng. Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, với thu nhập của phần lớn người dân Việt Nam thì rất khó để sở hữu được căn hộ có giá lên đến vài tỷ một căn. “Tôi thấy rất lạ là căn hộ cao cấp từ chỗ phân khúc khó bán nhất vì có giá trị lớn thì nay lại bùng nổ trong năm qua”, tiến sĩ Hiếu nói. Ông Hiếu cho biết, hiện tại vẫn chưa thấy những dấu hiệu bong bóng của thị trường nhưng nếu không cẩn thận thì tình trạng bong bóng rất có thể diễn ra trong năm 2016.
Trong năm 2015, thị trường cũng chứng kiến không ít câu chuyện “mập mờ” trong mua bán bất động sản. Rất nhiều khách hàng đã bị cuốn vào cơn sốt “ảo” do chính chủ đầu tư và môi giới bất động sản thêu dệt nên. Những thông tin sai sự thật về dự án, môi giới cố tình gài bẫy người mua không hiếm. Không thể phủ nhận trong năm qua, có nhiều dự án nằm đắp chiếu được tái khởi động lại. Thế nhưng, đây cũng chỉ là ánh sáng le lói của “bóng đêm” hàng trăm dự án vẫn nằm bất động chôn vùi trong đó số lượng tài sản khổng lồ và kéo theo sự khốn đốn của biết bao khách hàng.
Một động thái rất được người mua nhà hoan nghênh đó là việc Chính phủ ban hành Nghị định xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Trong đó, nghiêm cấm các hành vi cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, không đúng thời hạn, làm nhiễu loạn, sai lệch thông tin về thị trường bất động sản. Nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Nghị định này được xem như một công cụ đắc lực để hạn chế những thông tin “ảo” và góp phần làm minh bạch thông tin cho thị trường bất động sản.
Năm 2016, nhiều sự kỳ vọng vào một thị trường bất động sản sôi động thế nhưng cũng cần lắm sự bền vững và an toàn. Để có được sự bền vững đó, thì tính minh bạch của thị trường giữ vai trò then chốt. Nếu mọi thông tin của chủ đầu tư, dự án, và giao dịch đều được công khai, chính xác sẽ giúp người mua nhà, người đầu tư có cái nhìn thông thái hơn khi bước vào thị trường.
Các bản tin khác
- Bộ Xây dựng: Thị trường bất động sản đang được kiểm soát tốt
- Shophouse vị trí vàng vẫn là lựa chọn hàng đầu
- Phê duyệt quy hoạch cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam
- Lãi suất quay đầu giảm, thời cơ cho địa ốc đã tới?
- Hiệp hội công chứng Việt Nam chính thức được thành lập
- Kế hoạch 2019 đầy tham vọng của “ông lớn” địa ốc
- Vicoland bàn giao sổ hồng đợt cuối cho khách hàng mua nhà thu nhập thấp
- Thị trường bất động sản 2018 những con số biết nói
- Doanh nghiệp địa ốc ráo riết lên kế hoạch năm 2019
- Cơ hội cho tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành
- Báo Đầu tư chính thức phát hành ấn phẩm Toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam
- Không phân lô bán nền dọc đường vành đai phía Nam
- Hình dung đô thị Đà Nẵng vào năm 2030
- Chủ đầu tư tính kế "vợt" dòng kiều hối cuối năm
- Việt Nam và những lợi thế phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven biển
- Năm 2019 nhà đầu tư nên lựa chọn kênh đầu tư nào?
- Không gian du lịch sinh thái dưới chân Sơn Trà
- Xu hướng bất động sản năm 2019: Phân khúc condotel tiếp tục khó khăn
- Chính phủ giao thành phố Đà Nẵng đầu tư cảng Liên Chiểu
- [Infographic] Tổng quan thị trường bất động sản năm 2018