(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng quyết tâm thực hiện “phong trào xanh” thông qua Đề án Phát triển cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011-2015 và Đề án Xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2015 vừa kết thúc... Qua 5 năm triển khai đến các khu dân cư, khu công cộng, tuyến đường trung tâm, các trường học, các khu công nghiệp, đều được phủ xanh đáng kể, góp phần làm cho Đà Nẵng xanh hơn, sạch hơn trong mắt người dân và du khách...
Phong trào “Tết trồng cây” đang được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Trong ảnh: Lãnh đạo TP và Tập đoàn Sun Group trồng cây tại Công viên Châu Á. |
Theo ông Lê Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, sau 5 năm thực hiện Đề án phát triển cây xanh đô thị, cây xanh đô thị bình quân đầu người được nâng lên từ 5m2/người lên 7,3m2/người. Trong đó: cây xanh công cộng 3,07m2/người, cây xanh chuyên dụng 0,72m2/người, cây xanh sử dụng hạn chế 3,53m2/người. Từ đầu năm 2012 đến nay, đã bàn giao đưa vào khai thác hơn 50.933 cây xanh (tăng thêm 80,2% so với cuối năm 2011) và 207.174 m2 thảm cỏ, hoa (tăng thêm 36,9% so với cuối năm 2011) từ 130 hạng mục cây xanh của các dự án đầu tư xây dựng. Độ phủ xanh bình quân của cây xanh bóng mát các loại là 16m2/cây. Để thành phố có mảng xanh như ngày hôm nay là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thành phố.
Cũng theo ông Lâm thông qua các phong trào "Tết trồng cây", "Ngày Chủ nhật Xanh-Sạch-Đẹp", Cuộc thi "Mô hình tiêu biểu phát triển cây xanh", “Đoạn đường an toàn văn minh”, “Tuyến đường Xanh - Sạch - Đẹp”, "Câu lạc bộ Môi trường”... nhiều tuyến đường đã được trồng cây xanh, nhiều khu đất trống không đảm bảo vệ sinh môi trường đã được thay thế bằng những khu vườn dạo xanh mát, sạch sẽ. Nâng cấp, cải tạo và chuyển đổi công năng của các khu vui chơi giải trí hoạt động thiếu hiệu quả tại các phường (xã) sang loại hình vườn dạo kết hợp với thiết chế văn hóa, thể thao nhằm tăng nhanh mảng xanh, cải thiện vệ sinh môi trường và cảnh quan tại các khu dân cư, góp phần tăng thêm vẻ đẹp cho bộ mặt đô thị. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị ngày càng được đẩy mạnh, huy động có hiệu quả nguồn lực của toàn xã hội trong công tác phát triển cây xanh của thành phố.
Người dân và du khách có thể chứng kiến những mảng xanh được phủ đến hệ thống các tuyến đường cảnh quan ven sông, ven biển như: hệ thống cây xanh hai bên bờ sông Hàn, cây xanh cảnh quan ven biển (Công viên Biển Đông, cây xanh trên vỉa hè tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, đường Nguyễn Tất Thành), cảnh quan ven sông Phú Lộc, hành lang xanh hai bên kênh mương trên địa bàn Q. Liên Chiểu... Qua đó, vừa thực hiện tốt chức năng phòng hộ, vừa tạo thành các tuyến xanh cho đô thị. Một số trục đường chính như Nguyễn Văn Linh - Võ Văn Kiệt, Nguyễn Hữu Thọ, Xô Viết Nghệ Tĩnh - Hồ Xuân Hương, Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa... được trồng đồng bộ góp phần quan trọng trong việc hình thành hệ thống cây xanh đảm bảo mỹ quan đô thị.
Các vệt kẹp, khu đất hai đầu của các cầu qua sông đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng mảng xanh lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên những điểm nhấn cảnh quan xanh ấn tượng trong bộ mặt đô thị như nút phía Tây cầu Thuận Phước, hai đầu cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý. Nhiều vườn dạo, khu vui chơi giải trí, thiết chế văn hóa đã đầu tư xây dựng được thiết kế theo hướng tạo ra những không gian xanh công cộng gồm cây xanh bóng mát, thảm cỏ, dụng cụ tập thể dục thể thao, ghế đá, lối đi dạo... dễ tiếp cận góp phần tạo nên những mảng xanh trong lành làm nơi nghỉ ngơi, thư giãn cho người dân trong các khu dân cư.
Nhiều cơ quan đơn vị, hộ dân đã tận dụng những khoảng không gian trong sân nhà, phần đất sát tường rào trên vỉa hè trước nhà... để trồng thêm cây xanh bóng mát, cây bụi, bồn hoa, cây leo hàng rào, bám tường... góp phần tăng thêm mảng xanh và vẻ đẹp của công trình công sở, nhà ở.
Nhiều tuyến đường Đà Nẵng ngày càng xanh hơn (cây xanh trên đường 30-4). |
Đặc biệt, công tác cải tạo chỉnh trang cây xanh các đường phố cũ, việc cấp phép chặt hạ, trồng thay thế cây xanh theo nhu cầu chính đáng của các tổ chức, cá nhân, nhiều cây xanh thuộc nhóm cây tạp, cây cấm trồng trên các tuyến đường nội thị đã được thay thế bằng chủng loại phù hợp tạo nên sự đồng bộ về cây xanh đường phố. Cây bụi có hoa trên dải phân cách, đảo giao thông các tuyến đường được thiết kế trồng và duy trì thường xuyên theo hướng đơn giản, gọn gàng, đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Những cố gắng trong công tác môi trường của thành phố Đà Nẵng đã được ghi nhận qua các giải thưởng quốc tế về môi trường như “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN (năm 2011)”, “Thành phố phát thải carbon thấp (năm 2012)”, là một trong 20 thành phố xanh-sạch-đẹp (năm 2013) và thành phố Đà Nẵng cũng là thành viên của “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu” (năm 2014)...
“Với tầm nhìn đưa Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường” vào năm 2020, Sở Xây dựng đang lập kế hoạch 5 năm về quản lý phát triển cây xanh đô thị (giai đoạn 2016-2020) trên cơ sở quy hoạch hệ thống cây xanh đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy hoạch chung của thành phố. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị để kêu gọi người dân, doanh nghiệp chung tay trồng và chăm sóc bảo vệ xây xanh thành phố chính quyền, vận động các đoàn thể, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và người dân nỗ lực phủ xanh từng ngôi nhà, con đường và khu dân cư, hy vọng Đà Nẵng ngày càng xanh hơn– sạch hơn - đẹp hơn”, ông Lê Tùng Lâm nói.
Xuân Đương
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác
- Vicoland bàn giao 140 sổ hồng cho khách hàng mua chung cư
- Đơn giản hóa TTHC 15 lĩnh vực ngành tư pháp
- Kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố khóa IX: Phát triển đô thị, tạo động lực đột phá
- Giá đất một số khu tái định cư mới
- Vì sao chấm dứt chuyển nhượng chung cư diện giải tỏa?
- Thị trường bất động sản: Đủ chiêu "câu khách"
- Vì sao giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm?
- Tổ hợp giải trí 11.000 tỷ tại Đà Nẵng sắp vận hành
- 9,5 tỷ đồng cải tạo nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ-Lê Đại Hành-Trịnh Đình Thảo
- Xây dựng đường hầm chui qua đường Trường Sa kết nối dự án The Empire
- “Giải mã” sức hút của Coco Ocean-Spa Resort
- Khu nghỉ dưỡng 3.500 tỷ đồng hướng biển tại Quảng Nam
- Làm giàu từ bất động sản, không dễ như quảng cáo
- Ưu tiên, hỗ trợ cho các hộ dân Cồn Dầu chấp thuận giải tỏa, bàn giao mặt bằng sớm
- Rủi ro khi mua bán đất còn nợ thổ cư
- Bất động sản nghỉ dưỡng đối mặt thách thức chưa từng có
- Bất động sản nghỉ dưỡng: Cơ hội lớn, rủi ro lớn
- Đà Nẵng: Khách du lịch tăng cao, bất động sản hưởng lợi
- VNE chuyển nhượng dự án VNECO Plaza tại Đà Nẵng
- Đà Nẵng điều chỉnh và thông qua một số dự án kiến trúc quy hoạch quan trọng