Thị trường bất động sản (BĐS) phục hồi trở lại, cùng với nhiều chính sách mới thông thoáng đã tạo tiền đề cho nhiều “đại gia” địa ốc có tiềm lực thực hiện chiến lược “săn” dự án.
Novaland được dự báo vẫn có nhiều lợi thế về M&A trong năm nay |
Novaland có lẽ là cái tên đáng chú ý nhất trong việc khởi động “làn sóng” M&A BĐS thời gian vừa qua. Chỉ trong vòng 3 năm, “đại gia” địa ốc này đã thâu tóm tới 25 dự án, trong đó chủ yếu là sản phẩm căn hộ trung và cao cấp (dao động từ 24-27 triệu đồng/m2).
Một số dự án được Novaland mua, hợp tác đầu tư và đưa vào triển khai kinh doanh nhanh chóng như Lexington Residence, Icon 56, Galaxy 9, River Gate, The Tresor, Lucky Palace... Việc thâu tóm lại các dự án có vị trí đắc địa giúp Novaland đẩy mạnh việc bán hàng chỉ trong thời gian ngắn.
Tương tự Novaland, FLC, Vingroup, Him Lam, Đất Xanh, Hưng Thịnh Corp,… cũng là những tên tuổi nổi bật với hàng loạt các thương vụ M&A đình đám kể từ năm 2014 trở lại đây.
Với FLC, ngay từ khi thành lập và phát triển, chiến lược mà Tập đoàn này lựa chọn là phát triển song song giữa việc mua lại các dự án đã triển khai và đầu tư trực tiếp từ đầu để phát triển các dự án. Trong 3 năm qua, FLC đã chi hàng trăm tỷ đồng để mua lại các dự án tại Hà Nội như Alaska Garden City (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm), Ion Complex Tower (36 Phạm Hùng) và The Lavender (Hà Đông)-tên mới là FLC Star,… và mới đây nhất là dự án tại 265 Cầu Giấy.
Trong khi đó, sau khi chi tới gần 10.000 tỷ cho hoạt động M&A trong năm 2014, Vingroup lại ghi dấu ấn của mình trên “đấu trường” này năm 2015 bằng việc trở thành chủ sở hữu hàng loạt khu đất vàng có vị trí đắc địa bậc nhất tại Thủ đô như Triển lãm Giảng Võ, Starcity Center, Khu 233, 233B và 235 Nguyễn Trãi,… Ngoài ra, Vingroup còn tham gia đấu giá và mua lại cổ phần tại nhiều doanh nghiệp có quỹ đất lớn tại các tỉnh, thành phố lớn như TP. HCM, Đà Nẵng…
Bên cạnh những tên tuổi lớn, thị trường BĐS còn ghi nhận nhiều “đại gia” mới nổi khác đang nỗ lực tái cấu trúc thị trường nhờ hoạt động M&A. Trong đó, Tập đoàn VID Group nổi lên như một “tay chơi” mới trong cuộc đua săn lùng các dự án “treo” nhằm tái khởi động và cung cấp sản phẩm ra thị trường.
Đáng chú ý, VID Group đã giành quyền chi phối nhiều doanh nghiệp BĐS nhằm tham gia mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực này, ví dụ như thâu tóm dự án Goldmark City và Goldsilk Complex (Hà Nội), hay mới đây nhất là dự án The Gold View (TP. HCM).
Ngoài các nhà đầu tư nội, hoạt động M&A thời gian qua còn đón nhận các nhà đầu tư nước ngoài, với những thương vụ hàng trăm triệu USD như Creed Group chi 200 triệu USD mua lại cổ phần, cho vay và đầu tư vào các dự án nhà ở của An Gia Investment; Warburg Pincus rót thêm 100 triệu USD vào Vincom Retail (thuộc Vingroup), nâng tổng mức đầu tư lên 300 triệu USD nhằm phát triển chuỗi trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam với thương hiệu Vincom…
Nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, 2014-2015 là quãng thời gian đột phá của các thương vụ M&A thuộc lĩnh vực BĐS. Trong bối cảnh thị trường đóng băng, nhiều dự án BĐS có vị trí đắc địa nhưng lại rơi vào tình trạng “treo” do chủ đầu tư gặp khủng hoảng về tài chính. Bối cảnh khó khăn đó giúp bên mua luôn có lợi thế trong đàm phán.
Nhờ đó, nhiều đại gia địa ốc cả trong và ngoài nước có tiềm lực về tài chính đã tranh thủ tích lũy được lượng quỹ đất, cũng như lượng sản phẩm không nhỏ để bổ sung vào nguồn cung ra thị trường. Những dự án như trên có khả năng mang lại lợi nhuận cao trong tương lai, trong khi không phải tốn nhiều chi phí đầu tư ban đầu.
Mặc dù vậy, số lượng dự án cần được “giải quyết” vẫn còn rất lớn. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó tổng giám đốc Địa ốc Đất Lành cho biết, chỉ tính riêng TP. HCM, hiện tại chỉ có khoảng 40-50 dự án triển khai, số dự án “bất động” lên đến con số 700. Áp lực “dọn dẹp” khối tài sản này không hề nhỏ, mang đến cơ hội mua lại giá rẻ cho những “kẻ đi săn” chuyên nghiệp. Do đó, M&A sẽ là chiến lược trọng yếu của nhiều doanh nghiệp địa ốc trong thời gian sắp tới.
Đồng quan điểm, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho rằng, 2016 sẽ vẫn là năm bùng nổ trong hoạt động M&A của thị trường BĐS Việt Nam, và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp mặt nhiều hơn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang được nhìn nhận là thị trường hấp dẫn nhất khu vực. Thông qua JLL, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã “đánh tiếng” muốn gia tăng sự hiện diện của họ tại Việt Nam dưới hình thức hợp tác đầu tư hay mua lại các dự án sẵn có.
Tuy nhiên, trước mắt vẫn sẽ là sự thống lĩnh của các nhà BĐS nội. Việc nắm rõ quy luật, tiến trình thương lượng, mua bán và nhìn nhận về thị trường nhạy hơn nhà đầu tư nước ngoài là một lợi thế trong các thương vụ M&A.
Các bản tin khác
- WB ủng hộ triển khai dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng
- Sớm chốt phương án triển khai di dời ga đường sắt
- Đà Nẵng định xây hầm vượt sông Hàn hơn 4000 tỷ theo hợp đồng BT
- Nhà đầu tư săn lùng đất nền Nam Hòa Xuân
- Đà Nẵng: Xuất hiện cơn sốt đất nền Khu đô thị sinh thái Nam Hòa Xuân
- Việt kiều mua nhà cần giấy tờ gì?
- Mua nhà được cam kết lợi nhuận: Hợp đồng phải chặt
- Vì sao người nước ngoài vẫn ngại mua nhà tại Việt Nam?
- Sốt dự án đô thị sinh thái tại Đà Nẵng
- Đà Nẵng sắp xây hầm 4.000 tỷ qua sông Hàn
- Nhiều đại gia ngoài ngành bất ngờ lấn sân sang bất động sản
- Nhiều kẽ hở khiến người mua nhà thua thiệt
- Ô tô nhỏ sắp tràn vào VN
- Người mua nhà chịu thiệt vì nhiều “lỗ hổng” pháp luật
- Gần 230 tỷ đồng đầu tư xây dựng Nút giao khác mức Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương
- Môi giới bất động sản chuẩn bị dồn về Đà Nẵng
- Đua nhau làm dự án đổi lấy đất
- Loạt thương vụ chuyển nhượng cao ốc đốt nóng thị trường năm 2016
- Việt kiều đổ vốn vào bất động sản nghỉ dưỡng
- Căn hộ nghỉ dưỡng F.Home chào sàn Sài Gòn