ĐNĐT - Không biết tôi yêu con đường này từ lúc nào nhưng mỗi lần có dịp chạy ngang bến phà An Hải, qua Ngã Năm, xuống biển Mỹ Khê… lại thấy một phần tuổi thơ mình như sống lại. Trong nhịp sống xô bồ nơi phố thị, tôi như tìm lại chút bình yên khi đi bộ dưới gốc đa cổ thụ, nói chuyện với những người già, tìm lại chỗ neo đậu của chuyến phà năm xưa.
acebook Linkhay Google Bookmarks Twitter Gửi tin qua Email In bài viết này
Tiệm cắt tóc dạo của ông Quảng dưới gốc đa già làng An Thị như cột mốc cố định trên tuyến đường Nguyễn Công Trứ. |
Dù mọi thứ đã khác đi nhiều theo thời gian nhưng với tôi, đường Nguyễn Công Trứ vẫn vẹn nguyên tình yêu buổi ban đầu như hồi lên năm lên bảy, tôi theo ba má qua những chuyến phà ngược xuôi sông Hàn mà trong lòng bỗng rộn ràng những niềm vui thơ trẻ.
Nếu ai đã từng gắn bó với đường Nguyễn Công Trứ, sẽ dễ dàng nhận ra con đường này được chia thành hai nhánh đông - tây riêng biệt bởi đoạn giao nhau với đường Ngô Quyền. Chỗ giao nhau được người dân quận Ba gọi là Ngã năm “thương nhớ” bởi nơi đây được xem là địa chỉ quen thuộc của nhiều người. Gặp nhau cũng hẹn tới Ngã Năm, tìm nhà người quen cũng lấy Ngã Năm làm hướng, có những mối tình cũng bắt đầu ở Ngã Năm...
Từ Ngã Năm chạy ngược ra hướng sông Hàn một thời là con đường giao thông huyết mạch của quận Ba. Tôi vẫn còn nhớ những lần theo ba má đi phà, đường Nguyễn Công Trứ hiện ra trước mắt tôi với những hàng quán nhộn nhịp, nào là xích lô, nào là xe ôm, những tiếng rao hàng rộn lên cả một góc chợ Hà Thân. Những cô bán hàng hoa, những bà bán hàng rau… thi nhau mời gọi người đi phà. Mùi cá tươi của biển Thọ Quang, mùi rau hành của làng Phước Mỹ… tất cả hối hả gánh gồng qua đường Nguyễn Công Trứ khiến một ngày mới ở bến phà An Hải mang nét riêng biệt, không thể lẫn vào đâu được.
Với những người dân làng An Thị, bến phà An Hải một thời là nơi mưu sinh, giúp họ có cuộc sống no đủ, nuôi con cái ăn học đến nơi.
Đường Nguyễn Công Trứ giờ đây đã đổi thay nhiều… Khi cầu sông Hàn nối nhịp bờ vui, bến phà An Hải cũng thôi không còn đón đưa những dòng người qua lại hai bên bờ sông nữa. Chuyến phà năm xưa đã vắng bóng trên dòng sông Hàn nhưng vẫn còn đó những nóc nhà, những phận người vẫn “bám lấy” làng An Thị như một phần máu thịt không thể tách rời.
Đi dọc đường Nguyễn Công Trứ, tôi ấn tượng mãi hình ảnh cây đa già bên nhà bà thầy thừa chuyên trị rôm sảy cho trẻ nhỏ. Qua bao thăng trầm của cuộc sống, cây đa hơn 500 năm tuổi này luôn gắn bó với đời sống tâm linh của người dân nơi đây.
Ngồi nói chuyện với ông Ngô Quảng, người đã có hơn 40 năm cắt tóc dạo bên gốc đa già làng An Thị, tôi như thấy sống lại trước mắt mình hình ảnh chuyến phà năm cũ. “Hồi còn bến phà, con đường này nhộn nhịp lắm, cũng là chỗ mưu sinh của người dân An Thị. Bến phà không còn nữa, nhiều phận đời đổi thay nhưng chú vẫn cắt tóc dưới gốc đa này, không thể rời được”, ông Quảng trầm tư.
Mở tiệm cắt tóc dạo từ sau ngày Đà Nẵng giải phóng, hơn nửa đời người làm nghề “dao kéo”, một mình ông Ngô Quảng “gà trống” nuôi hai con ăn học, thành đạt. Ngày còn bến phà An Hải, “salon nhỏ” của ông luôn đông khách vào ra, khi thì bác xe ôm, khi thì anh viên chức. Giờ đây không mấy ai còn nhớ đến ông, tiệm cắt tóc của ông không còn cái thời “hoàng kim” như xưa nhưng ông vẫn gắn bó với gốc đa già làng An Hải như gắn bó với một thứ gì đó tâm linh mà ông không giải thích được.
Từ Ngã Năm chạy xuôi xuống biển Mỹ Khê, phía đông đường Nguyễn Công Trứ có phần nhộn nhịp, đông đúc hơn. Chỉ chưa đầy ba cây số mà ở con đường này có trường học, có bệnh viện, có trạm xá, chợ búa, chùa chiền, đình làng, UBND phường… để phục vụ đời sống của người dân.
Chỉ chưa đầy 3km, nhiều trường học, bệnh viện, chợ búa, đình làng… có mặt ở tuyến đường Nguyễn Công Trứ. |
Góc đẹp nhất ở phía đông đường Nguyễn Công Trứ là khu vực Học viện Chính trị khu vực III với những hàng cây dài thẳng tắp, hai bên đường sạch sẽ, thoáng mát. Từ Học viện Chính trị chạy ra hướng biển là mảnh đất sinh sống bao đời của người dân phường Phước Mỹ. Ngày xưa có chợ Bà Kỷ, con đường này cũng nhộn nhịp hàng quán. Bây giờ, chợ đã lùi vào trong, nhiều hộ di dời, giải tỏa, đường Nguyễn Công Trứ bỗng rộng hẳn ra.
Hàng cây thẳng tắp ở Học viện chính trị Khu vực III. |
“Gia đình tôi đã có 18 đời ở làng Mỹ Khê nên mọi đổi thay ở xung quanh khu vực này tôi đều biết. Từ đường 5m5, sau giải tỏa hồi năm 2011, đường Nguyễn Công Trứ giờ mở rộng ra 11m5 theo kiểu Nhà nước và nhân dân cùng làm. Có những người tình nguyện hiến đất, ruộng vườn mà không đòi hỏi gì cả”, ông Đinh Văn Đạm, Chủ Tế bái Đình làng Mỹ Khê cho biết.
Không mấy “lão làng” bước qua cái tuổi thất thập như ông Đạm còn gắn bó Đình làng Mỹ Khê nhưng đã từng sống ở mảnh đất này gần chục năm trời, tôi vẫn cảm nhận rõ mồn một sự đổi thay nơi đây. Không còn những vũng nước tồn đọng sau mưa, không còn con đường đất chật hẹp, không còn cái cảnh xe cộ chen chúc, người người đi tắm biển mỗi dịp cao điểm mùa hè, đường Nguyễn Công Trứ giờ đây đã rộng rãi hơn, sạch đẹp hơn.
Tối… Khi thành phố bắt đầu lên đèn… Đường Nguyễn Công Trứ bỗng sôi động khác hẳn cái yên tĩnh ban ngày bởi nhiều hàng ăn, thức uống hoạt động đến khuya. Dù Đà Nẵng có nhiều tuyến phố ẩm thực được ghi trên bản đồ du lịch thành phố thế nhưng những ai đã từng ghé Ngã Năm ăn khuya cũng đều cảm nhận hương vị đặc biệt bởi bàn tay chế biến của của những bà, những cô hơn mấy chục năm gắn bó buôn bán ở con đường này.
Nào bún thịt nướng, nào mỳ quảng, nào nem lụi, nào chè đậu đủ loại… đi dọc đường Nguyễn Công Trứ mà mùi thức ăn khiến ta phải thòm thèm dừng chân. Đây là địa chỉ quen thuộc của những bác xích lô chạy cuốc xe thồ khuya, của những khách du lịch muốn khám phá Đà thành, của những người con xa quê muốn tìm lại một góc quận Ba xưa… Ngồi thưởng thức ẩm thực ở Ngã Năm hay góc bên cạnh Nhà thờ An Hải, ta mới cảm nhận hết hương vị tuyệt vời của cuộc sống đời thường để vơi bớt đi những ồn ào, mệt mỏi trong tâm hồn.
Không nhiều con đường ở Đà Nẵng để lại trong tôi và người dân quận Ba những ấn tượng sâu đậm, những cái thương, cái nhớ như đường Nguyễn Công Trứ. Đi dọc đường Nguyễn Công Trứ cảm nhận để viết bài về những con đường Đà Nẵng, tôi thấy hiện rõ mồn một trước mắt tôi hình ảnh chuyến xe lam chở khách ở bến phà An Hải, không khí tấp nập của chợ Hà Thân xưa kia, tiếng rao ơi ới của những người buôn thúng bán bưng...
Dù nỗi nhớ đã lùi xa, những kỷ niệm đẹp đã cất vào “ngăn” ký ức nhưng chính nhờ những ký ức đẹp đó, tôi mới thấy cuộc sống này vẫn còn nhiều điều để ta gắn bó, yêu đời. Tạm biệt chuyến phà An Hải, tạm biệt tiệm cắt tóc ông Quảng, tạm biệt Ngã Năm thương nhớ, bài viết này theo tôi vào giấc ngủ với những nghĩ suy, những tâm tư về một con đường đong đầy yêu thương, con đường mà tôi thao thức gọi “Con đường nhớ nhất quận Ba”.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Cocobay: Hiệu ứng truyền thông hay hiện tượng trên thị trường địa ốc?
- ‘Thảnh thơi sống’ với số tiền đầu tư 560 triệu đồng
- WB xem xét hỗ trợ kỹ thuật dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng
- Phú Gia Thịnh ra mắt dự án mới tại trung tâm TP Đà Nẵng
- Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết chung cư cho người thu nhập thấp
- Thêm khu “đất vàng” ven biển được chia lô bán nền
- Tổ hợp du lịch giải trí 11.000 tỷ ở Đà Nẵng hiện tại ra sao?
- Sớm triển khai dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng
- Thanh khoản hơn 90% dự án khu đô thị Mỹ Gia - Nam Đà Nẵng
- 400 khách hàng TP HCM quan tâm dự án Hòa Bình Green Đà Nẵng
- Sun River City: Đất nền biệt thự ven sông "cháy hàng" trong ngày mở bán
- Sun World Da Nang Wonders và Liên đoàn Lao động Đà Nẵng kí kết hợp tác chương trình “Phúc lợi đoàn viên”
- Đổ tiền vào bất động sản, người Việt mê đất hay do thời thế?
- Khách sạn, nghỉ dưỡng hút nhà đầu tư lớn
- 3 cách 'soi' pháp lý bất động sản hiệu quả
- “Sau APEC, thị trường bất động sản Đà Nẵng vẫn sôi động”
- Phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức đấu giá lô đất ký hiệu A20 mặt tiền đường Võ Văn Kiệt
- InterContinental Danang: địa điểm tổ chức tiệc cưới lý tưởng nhất thế giới
- Quy hoạch phát triển khu đô thị mới Hòa Quý và Hòa Ninh, Hòa Sơn
- Hé lộ dự án “định vị điểm” tạo cú hích cho địa ốc Đông Nam Đà Nẵng