CafeLand - Căn hộ chung cư đang dần trở thành lựa chọn an cư số một của cư dân thành thị bởi tính an toàn và những dịch vụ tiện ích đi kèm. Thế nhưng, việc tìm mua một căn nhà ưng ý không hề đơn giản. Giữa cơn bão thông tin dự án và hàng loạt vụ kiện tụng, tranh chấp liên quan tới chung cư thời gian vừa qua có thể khiến nhiều người ớn lạnh khi nghĩ tới chuyện mua nhà.
Rời quê nhà Phú Yên, chị Hồng Phượng vào Sài Gòn lập nghiệp. Với mong ước có một ngôi nhà của riêng mình, chị Phượng đã cật lực làm việc và tích góp tiền trong nhiều năm trời. Năm 2013, với số tiền dành dụm cộng với sự hỗ trợ của gia đình và một phần vay ngân hàng, chị Phượng mua một căn hộ tại dự án chung cư Gia Phú tọa lạc trên đường Lê Văn Chí, quận Thủ Đức. Căn hộ chị mua có diện tích 68m2 với giá 900 triệu đồng. Cứ tưởng niềm mơ ước bấy lâu sắp trở thành hiện thực, chỉ một thời gian ngắn sau khi mua, chị Phượng như “chết đứng” khi biết căn hộ của mình bị chủ đầu tư bán cho nhiều khách hàng khác. Chị đã nhiều lần kêu cứu nhưng đến nay vẫn không có hy vọng gì.
Hiện tại, chị Phượng vẫn phải sống trong một căn phòng trọ tại quận Phú Nhuận với giá thuê 3,5 triệu/tháng. Nhưng nỗi lo lớn hơn, là món nợ ngân hàng mà chị đã vay để mua căn hộ đang đè nặng. Hơn 15 năm “lặn lội” ở Sài Gòn, giấc mơ có nhà của chị Phương vẫn còn dang dở.
Nhiều năm nay, dự án chung cư PetroLandmark (quận 2) vẫn nằm “đắp chiếu”, bất chấp sự khốn đốn của hàng trăm khách hàng. Một khách hàng tên Trí cho biết, ông đã bỏ ra 2,9 tỷ đồng để mua một căn hộ có diện tích 150,6m2 tại dự án này. Mặc dù đã đóng tiền đủ 100% theo như lời kêu gọi của chủ đầu tư, nhưng đến nay ông vẫn chưa nhận được nhà. “Hiện nay tôi đang phải trả lãi ngân hàng rất lớn do vay tiền để mua nhà”, ông Trí cho biết.
May mắn hơn những người khác, anh Phạm Xuân Vĩnh hiện đang sinh sống khá thoải mái tại một dự án chung cư tại quận Thủ Đức. Cũng như bao người dân nhập cư khác, mong ước có một nơi an cư ổn định và an toàn được anh Vĩnh xác định ngay khi mới ra trường đi làm. Thế nhưng, cũng phải mất hơn 10 năm “cày ải” ở Sài Gòn anh Vĩnh mới mua được một căn hộ với giá bán 1,4 tỷ đồng.
“Lúc đầu, tôi có ý định mua đất nền vì tâm lý vẫn thích có nhà riêng hơn. Nhưng sau một thời gian tìm hiểu những dự án đất nền có vị trí tốt vượt quá xa khả năng tài chính của mình nên tôi chuyển qua mua chung cư. Ngoài ưu điểm nằm không quá xa khu vực trung tâm thành phố thì căn hộ chung cư có đầy đủ các tiện ích, bảo vệ an ninh và phù hợp với lối sống của người thành thị”, anh Vĩnh chia sẻ.
Theo anh Vĩnh, quá trình mua nhà của anh kéo dài hơn 10 năm trời. Đầu tiên đó là bài toán thu nhập. Ba năm đầu mới ra trường thì không thể nghĩ tới chuyện tích góp tiền bạc, một phần vì lương còn thấp, một phần là vì trách nhiệm với gia đình. Phải mất vài năm anh Vĩnh mới có một mức lương “chấp nhận được” để mơ tới việc mua nhà. Tuy nhiên, khâu chọn nhà không hề đơn giản. Giữa một rừng thông tin người mua rất khó biết đâu là thông tin đáng tin cậy. Nếu mua căn hộ đã hoàn thiện vào ở ngay thì còn đỡ, nhưng nếu mua nhà hình thành trong tương lai thì nguy cơ rủi ro luôn rình rập. Bản thân anh Vĩnh phải mất nhiều tháng trời để tìm hiểu thông tin từ trang tin mạng, nhân viên môi giới.
“Tìm hiểu thông tin qua môi giới phải cẩn trọng, mình chỉ nắm sơ lược thông tin thôi. Sau đó trực tiếp xuống dự án xem vị trí, tiến độ, tiện ích như thế nào chứ đôi khi môi giới họ cứ “nổ” để bán được hàng”, anh Vĩnh nói.
Sau thời gian dài tìm hiểu, để an toàn anh Vĩnh đã quyết định mua căn hộ đã hoàn thiện, mới đi vào sử dụng hơn 1 năm. “Việc mua lại căn hộ dạng này có một số ưu điểm, đó là không phải lo tiến độ dự án, vào ở ngay, các tiện ích cũng đã hoàn thiện. Ngoài ra, thông qua những người “hàng xóm” trong tương lai bạn có thể nắm được nhiều thông tin chính xác về nơi sống của mình như an ninh, chất lượng công trình, các tiện ích đi kèm hoạt động ra sao”, anh Vĩnh chia sẻ.
Những điều không nên bỏ qua
Việc không nắm rõ thông tin, thiếu cẩn trọng khi mua nhà khiến nhiều khách hàng phải ngậm “trái đắng” trong suốt thời gian qua. Với kinh nghiệm của bản thân, anh Vĩnh chia sẻ một số “bí quyết” người mua cần lưu ý khi mua nhà.
Khách hàng nên “soi” kỹ dự án trước khi quyết định mua nhà.
Trước hết, phải nhìn vào túi tiền để chọn dự án thích hợp. Phần lớn người mua nhà hiện nay đều phải vay ngân hàng. Do đó, trước khi đồng ý với một khoản vay thế chấp, cần tính toán chính xác và cụ thể khả năng tài chính của mình. Các khoản như tiền vay, lãi suất ngân hàng, chi phí ăn uống, tiền điện, nước, gas, tiền rác, phí quản lý và tiền gửi xe hàng tháng tại chung cư cần quan tâm. Liệt kê và tính toán cụ thể như vậy sẽ giúp người mua cân bằng được chi phí sinh hoạt hàng tháng và khoản dư ra để trả nợ ngân hàng. Ngoài ra, người mua cũng cần phải có một khoản “riêng” nhằm đề phòng các trường hợp bất khả kháng như đau ốm, cưới xin, tang lễ…
“Soi” kỹ chủ đầu tư là việc rất quan trọng trước khi chọn mua dự án. Có nhiều cách để tìm hiểu năng lực của chủ đầu tư như qua báo chí, nguồn tin riêng, tham khảo các dự án của họ đã thực hiện. Nên xem xét lý lịch của chủ đầu tư xem hiện tại và trong quá khứ có “vết đen” nào không. Nếu chủ đầu tư đang làm quá nhiều dự án cùng một lúc thì cũng cần xem xét đến khả năng công trình thi công chậm tiến độ.
Vị trí dự án đóng vai trò rất quan trọng, do vậy phải được thẩm định kỹ càng. Khách mua không nên khoán trắng cho nhân viên môi giới mà phải trực tiếp xuống thực địa kiểm tra. Vấn đề giao thông đặt lên hàng đầu, phải xem xét những trục đường quanh dự án đảm bảo chất lượng, có kẹt xe hay không, nên lái xe đến dự án vào những khung thời gian cao điểm để biết chính xác nhất. Ngoài ra, nên dạo quanh dự án để biết liệu có các tiện ích như chợ, trường học, siêu thị, bệnh viện, công viên và các tiện ích nào khác gần dự án hay không.
Người mua nên dành nhiều thời gian để xem xét kỹ lưỡng hợp đồng mua căn hộ, trước khi đặt bút ký. Các yếu tố như vị trí, diện tích căn hộ, giá bán và thời gian bàn giao nhà luôn phải rõ ràng. Ngoài ra, nếu phát hiện những điều khoản mập mờ, người mua không nắm chắc thì cần trao đổi lại với chủ đầu tư, tránh trường hợp rắc rối về sau.
Đối với căn hộ chung cư đã hoàn thiện và đi vào sử dụng, trước khi mua cần kiểm tra kỹ chất lượng bên trong của căn hộ. Người mua nên đến vào những thời điểm khác nhau như ngày bình thường, chủ nhật, buổi tối để nắm được lịch sinh hoạt của chung cư, xem có ồn ào hay rắc rối gì hay không. Hàng xóm ở chung cư là nguồn tin trung thực nhất mà người mua cần khai thác. Nên bắt chuyện và làm quen với họ để tìm hiểu về chung cư, chi phí sinh hoạt, cách vận hành của ban quản trị, các tiện tích có đảm bảo và tình hình an ninh của khu vực xung quanh. Quan trọng hơn, việc nói chuyện với những người hàng xóm sẽ giúp người mua nắm được phần nào tính cách của họ để xem liệu có an tâm làm hàng xóm với họ hay không.
Các bản tin khác
- THƯ CẢM ƠN!
- NỮ ANH HÙNG HẾT LÒNG VÌ CỘNG ĐỒNG
- UBND TP Đà Nẵng trao cờ thi đua năm 2022 cho VPCC Bảo Nguyệt
- Bỏ sổ hộ khẩu, người mua bán nhà đất cần nhớ điều này để tránh không chuyển nhượng được “sổ đỏ”
- 3 việc cần làm ngay trước ngày Sổ hộ khẩu bị khai tử
- Những việc cần làm trước khi bỏ sổ hộ khẩu từ 1/1/2023
- Bỏ Sổ hộ khẩu từ ngày 1/1/2023: Phương án nào để chứng minh thông tin cư trú?
- 31 trường hợp nhà đất được miễn phí trước bạ từ ngày 1/3/2022
- 5 Quy Định Mới Về Sổ Đỏ, Chuyển Mục Đích Sử Dụng Đất
- Hộ chiếu cấp trước 2022 được dùng đến khi hết hạn
- Khuyến khích cấp mới, cấp đổi Sổ đỏ ghi tên cả vợ và chồng
- Đã có hướng dẫn về trường hợp bị thu hồi Sổ hộ khẩu từ 01/7/2021
- Cách hợp thức hóa đất mua bằng giấy viết tay
- 3 quy định mới người mua nhà từ ngày 01/7/2021 cần biết
- 6 chính sách mới quan trọng có hiệu lực tháng 7/2021
- Từ 01/7/2021, khách đến chơi qua đêm có cần khai báo xã, phường?
- Rủi ro khi để lộ số CMND, Căn cước công dân
- Chính sách mới có hiệu lực tháng 5
- Bị xóa đăng ký thường trú, cuộc sống bị ảnh hưởng thế nào?
- 5 điều những người đang dùng Chứng minh nhân dân phải biết