Năm 2015 là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như: kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; 70 năm Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng… Hòa trong không khí thi đua yêu nước và lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, ngay từ đầu năm ngành Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã xây dựng Chương trình hành động của ngành, nhiều nhiệm vụ mới được triển khai thực hiện bước đầu phát huy được hiệu quả; vị trí, vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của thành phố tiếp tục được khẳng định. Qua một năm nhìn lại, công tác tư pháp trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến nổi bật như sau:
Sau gần 1 năm phát động cuộc thi, Ban Tổ chức đã tiếp nhận 53.500 bài tham dự, rất nhiều bài dự thi được đầu tư công phu như: viết tay, sưu tầm nhiều hình ảnh, tư liệu minh họa… Qua tổ chức chấm thi, Ban Tổ chức đã lựa chọn 20 bài dự thi xuất sắc nhất toàn thành phố gửi Bộ Tư pháp để tham gia vòng thi chung khảo cấp quốc gia và tổ chức Hội nghị tổng kết, trao giải cuộc thi viết "Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Có thể khẳng định, cuộc thi đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý sâu rộng, là một hình thức tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp có hiệu quả đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó ý nghĩa quan trọng của cuộc thi là góp phần phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013, khẳng định tầm quan trọng và đánh giá cao tinh thần đổi mới của Hiến pháp mà hiện nay Chính phủ, các Bộ, ngành đang nỗ lực cụ thể hóa trong các đạo luật của Quốc hội; tạo sự đồng thuận xã hội, tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, hình thành văn hoá thượng tôn pháp luật trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và công tác pháp chế, Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu đóng vai trò rất quan trọng, kiểm soát về mặt pháp lý cho lãnh đạo thành phố, chỉ khi có ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp, UBND thành phố mới ban hành văn bản. Trong năm, Sở Tư pháp đã thẩm định 117 lượt dự thảo VBQPPL, trong đó thành phố đã ban hành 65 văn bản. Sở Tư pháp cũng được giao rà soát, tham mưu cho HĐND và UBND thành phố bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản của thành phố. Có thể khẳng định, chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được nâng cao, bảo đảm tính hợp pháp, tính khả thi và góp phần quan trọng vào việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đồng thời phục vụ kịp thời cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền thành phố. Bên cạnh đó, công tác pháp chế cũng được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, trong năm 2015 Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND thành phố bố trí 13 cán bộ pháp chế chuyên trách tại 13 Sở, ngành với trình độ cử nhân luật chính quy, tốt nghiệp loại giỏi. Đồng thời đã tổ chức tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ pháp chế và nghiệp vụ văn bản để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ này. Song song với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và công tác pháp chế, công tác góp ý, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản, hỗ trợ doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh và đạt được kết quả cao.
Đối với công tác Lý lịch tư pháp, năm 2015 Sở Tư pháp chú trọng đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp, đề ra nhiều cách làm mới và chủ động hơn nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Được sự đồng ý của UBND thành phố, Sở Tư pháp đã tham gia mô hình "Kiềng ba chân" (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia - Cục C53 - Sở Tư pháp) đã mang lại hiệu quả tích cực, kịp thời giải quyết cơ bản tình trạng chậm trễ cấp phiếu, giảm thiểu tối đa chi phí, thời gian đi lại của người dân, củng cố niềm tin của người dân đối với cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính tại thành phố (Trong năm đã cấp 3.734 hồ sơ LLTP, trong đó trả đúng hạn 3.443 hồ sơ, đạt tỷ lệ 92%). Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 08/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thí điểm cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính và đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến và Quyết định số 1051/QĐ-BTP ngày 04/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về ban hành Kế hoạch triển khai Đề án cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 8318/KH-UBND để triển khai Đề án nêu trên.
Công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn thành phố từng bước được nâng cao, việc xây dựng kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật đã có sự gắn kết với kế hoạch kiểm tra VBQPPL và kiểm soát thủ tục hành chính. Việc tổ chức theo dõi thi hành pháp luật đã có đổi mới về nội dung, phương pháp, hình thức, tạo sự được nhiều chuyển biến và đem lại hiệu quả cao. Điểm nổi bật là 3 năm liền Sở Tư pháp tham mưu UBND thành phố thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, hải quan, buôn lậu, gian lận thương mai, hàng giả và các lĩnh vực khác trên địa bàn thành phố. Thông qua việc kiểm tra kịp thời giải quyết những vướng mắc, bất cập của quy định pháp luật hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ những văn bản có nội dung không phù hợp trong thực tiễn thi hành, áp dụng.
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong năm qua tiếp tục được tăng cường, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đối tượng, điều kiện công tác tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đó ngày càng nâng cao hiệu quả của công tác Hòa giải cơ sở, tiếp tục củng cố kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố (hiện toàn thành phố có 2.454 tổ hòa giải/5.847 tổ dân phố, thôn với 10.643 hòa giải viên), thường xuyên chỉ đạo UBND quận, huyện tiếp tục tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên, qua đó đã tháo gỡ những thắc mắc và có thêm những kinh nghiệm, kỹ năng trong việc thực hiện công tác hoà giải ở địa phương, giúp giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.
Công tác hành chính tư pháp luôn được chú trọng và phát huy hiệu quả trong việc giải quyết hồ sơ quốc tịch, hộ tịch cho công dân. Năm 2015, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình và Luật Hộ tịch trên địa bàn thành phố; sửa đổi, bổ sung 6 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp đảm bảo phù hợp Nghị định số 126/2014/NĐ-CP; chỉ đạo giải quyết 729 hồ sơ hộ tịch, quốc tịch, trong đó giải quyết đúng thời hạn 705 hồ sơ, đạt tỷ lệ 96,7%.
Công tác kiểm soát thủ tục hành chính ngày càng có sự gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, thẩm định văn bản QPPL, góp phần mang lại hiệu quả cao trong việc tham mưu ban hành văn bản QPPL trên địa bàn thành phố. Năm 2015, Sở Tư pháp đã tiến hành kiểm soát chất lượng thủ tục hành và phối hợp các cơ quan chuyên môn trình Chủ tịch UBND thành phố quyết định công bố 20 bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của sở ngành, cấp huyện, cấp xã; Tham mưu Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt danh mục 17 TTHC đặc thù được chuẩn hóa tại thành phố Đà Nẵng; Công bố, công khai danh mục 219 TTHC thuộc thẩm quyền quyết định của UBND thành phố; Ban hành và triển khai trên địa bàn thành phố cơ chế một cửa liên thông 03 thủ tục: Đăng ký khai - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT đối với trẻ em dưới 6 tuổi… Các kết quả đạt được trong công tác kiểm soát TTHC đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực canh tranh của thành phố Đà Nẵng.
Công tác bổ trợ tư pháp năm 2015 đã được hoàn thiện và ngày càng thể hiện sự chuyên nghiệp trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Sở Tư pháp đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai Luật Công chứng; Quy định mức trần thù lao công chứng, thù lao dịch thuật và chi phí chứng thực trên địa bàn thành phố; Quyết định thành lập Tổ thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đồng thời ban hành Quy chế hoạt động của Tổ, Quy chế chấm điểm, xếp hạng các tổ chức hành nghề công chứng; Quyết định chuyển giao chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản từ UBND cấp xã, huyện sang các tổ chức hành nghề công chứng, chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng. Việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện bám sát Quy hoạch phát triển các tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có 13 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 3 Phòng Công chứng, 10 Văn phòng Công chứng với 36 Công chứng viên. Có thể khẳng định, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng trên địa bàn thành phố tiếp tục đạt được kết quả đáng khích lệ, đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội tại thành phố, tăng cường bảo đảm an toàn pháp lý các hợp đồng, giao dịch của người dân.
Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cũng có nhiều chuyển biến đáng kể, năm 2015 Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND thành phố thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, hải quan, buôn lậu, gian lận thương mai, hàng giả và các lĩnh vực khác trên địa bàn thành phố và tiến hành kiểm tra tại 8 sở, ngành và 7 quận, huyện với tổng cộng 833 hồ sơ, trong đó có 62 hồ sơ thuộc lĩnh vực đất đai, 69 hồ sơ thuộc lĩnh vực môi trường, 542 hồ sơ thuộc lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, 147 hồ sơ thuộc lĩnh vực hải quan và 13 hồ sơ thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội; khoa học và công nghệ. Việc xây dựng kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật đã có sự gắn kết với kế hoạch kiểm tra VBQPPL và kiểm soát thủ tục hành chính. Việc tổ chức theo dõi thi hành pháp luật đã có đổi mới về nội dung, phương pháp, hình thức, tạo sự chuyển biến, ngày càng phát huy hiệu quả.
Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của ngành Tư pháp ngày càng thể hiện rõ rõ nét vai trò nhiệm vụ của mình, trong năm đã tổ chức được 5 đợt thanh tra, 19 cuộc kiểm tra tập trung vào lĩnh vực quản lý của ngành như công chứng, hộ tịch, chứng thực và quản lý thu chi tài chính. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần khắc phục những sai sót về chuyên môn, thực hiện tốt nhiệm vụ công vụ. Về công tác tiếp dân, Sở Tư pháp đã ban hành nội quy tiếp công dân, công khai lịch tiếp công dân, duy trì đều đặn lịch tiếp công dân của Giám đốc Sở vào ngày 15 hàng tháng cũng như hàng ngày của Thanh tra Sở. Năm 2015, Sở Tư pháp đã tiếp 19 lượt công dân đến trình bày những yêu cầu thuộc lĩnh vực tư pháp, qua công tác tiếp dân, những khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân được hướng dẫn, giải quyết kịp thời.
Công tác chỉ đạo, điều hành tiếp tục được củng cố và tăng cường, Sở Tư pháp thường xuyên phối hợp với UBND các quận, huyện đề nghị tăng cường chỉ đạo việc triển khai công tác tư pháp tại địa phương, thực hiện chế độ giao ban lãnh đạo, giao ban tháng và giao ban quý với các đơn vị thuộc Sở được duy trì nhằm đôn đốc, theo dõi tiến độ thực hiện kế hoạch công tác đề ra, kịp thời nắm bắt những thông tin và chỉ đạo nghiệp vụ, giải quyết những vướng mắc, tồn tại. Công tác kiểm tra thực hiện nhiệm vụ công vụ được tăng cường; chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành, tăng cường công tác phối hợp, giải đáp kiến nghị, hướng dẫn nghiệp vụ đối với UBND các quận, huyện; xã, phường. Công tác xây dựng ngành và đào tạo, bồi dưỡng cũng có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp ngày càng chất lượng, chuyên nghiệp, trong sạch và vững mạnh.
Trong không khí hân hoan mừng Đảng, mừng Xuân mới, từ những kết quả đã đạt được trong năm 2015, ngành Tư pháp thành phố Đà Nẵng tiếp tục xây dựng Chương trình công tác năm 2016 với các nội dung trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh việc quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của ngành theo Chương trình, Kế hoạch đã đề ra, Sở Tư pháp còn tập trung và chú trọng hoàn thành có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm được UBND thành phố giao từ đầu năm để lập thành tích chào mừng các ngày lễ trọng đại của cả nước nói chung và của thành phố Đà Nẵng nói riêng, đáp ứng yêu cầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXI./.
Văn phòng Sở
Theo Cổng TTĐT Sở Tư pháp Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Toàn văn Hiến pháp sửa đổi
- Quốc hội thông qua Luật đất đai (sửa đổi)
- Đẩy nhanh tiến độ giao đất tái định cư ở Liên Chiểu, Hòa Vang
- Đề nghị bỏ thuế suất 25% khi bán nhà đất
- Đà Nẵng vinh dự nhận giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á năm 2013”
- Bất động sản sẽ “hồi” nhờ chia nhỏ căn hộ?
- Nhà ở xã hội được bán lại sau 5 năm
- Hủy quy hoạch Khu Công nghiệp Hòa Khương
- Bất động sản ven biển "đẻ trứng vàng"
- Đề nghị cho phân lô bán nền tại các dự án đầu tư kinh doanh nhà ở
- Xây dựng và phát triển Đà Nẵng hiện đại và có bản sắc riêng
- Động thổ gói thầu 4A dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
- Sơ kết một năm thực hiện thí điểm Văn phòng đăng ký QSD đất một cấp: Giải quyết hơn 92.300 hồ sơ
- Chỉ bàn giao mặt bằng Dự án SVĐ Chi Lăng theo tiến độ thi công
- Thị trường địa ốc trước “thời cơ” cuối năm
- Dự án khu phức hợp Chi Lăng - Chủ đầu tư đề xuất phân kỳ đầu tư
- Thi đua ngành tư pháp phát hiện nhiều cách làm hay
- Đà Nẵng cấp trên 90% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Ngân hàng “đổ bộ” vào thị phần bán lẻ
- Đua hạ lãi suất cuối năm