Giảm lãi suất (LS) huy động và cho vay, tín dụng cho bất động sản được nới lỏng... Đó là những thông tin được Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) phát đi trong cuộc họp báo ngày 11.4 ở Hà Nội.
Lãi suất huy động được giảm về 12% - Ảnh: Ngọc Thắng |
Tại cuộc họp báo, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết nguyên nhân dẫn tới quyết định cắt giảm tất cả các LS chủ chốt, cũng như giảm LS huy động tiền gửi thêm 1%/năm là do lạm phát đã được kiềm chế rất tốt, chỉ số CPI tháng 3 tăng thấp 0,16% và cả quý 1 chỉ tăng 2,25%.
Cùng với đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng (NH) trong quý 1/2012 được cải thiện hết sức tích cực. Bằng chứng là, nếu trong quý 4/2011, nhu cầu sử dụng nguồn vốn cao hơn so với nguồn thì tới nay cơ cấu này đảo chiều khi chênh lệch nguồn đã cao hơn sử dụng nguồn là 130.000 tỉ đồng. Đặc biệt, tiền gửi của các tổ chức tín dụng (TCTD) tại NHNN trung bình đạt 60.000 tỉ đồng/tháng, cao hơn dự trữ bắt buộc trung bình từ 15.000 đến 20.000 tỉ đồng và ổn định từ đầu năm đến nay. Dấu hiệu NH dư dả thanh khoản còn được thể hiện rõ qua lượng trái phiếu chính phủ phát hành từ đầu năm đến nay khoảng 30.000 tỉ đồng và tổng lượng tín phiếu của NHNN khoảng 45.000 tỉ đồng được hấp thụ hết.
Về mặt bằng LS cho vay - sau những động thái cắt giảm quyết liệt - theo ông Bình đã giảm bình quân từ 2- 3%/năm. Trong đó, giảm mạnh nhất là LS cho vay lĩnh vực tam nông và xuất khẩu, hiện còn 14-16%/năm, thấp nhất là 13%/năm. Cho vay sản xuất khác, từ 15-19%/năm, đối với lĩnh vực không khuyến khích LS vay từ 20-25%/năm. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là dù LS đã hạ, thanh khoản được cải thiện, NH thừa tiền nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn không hấp thụ được vốn. Điều này thể hiện qua con số tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng đầu năm giảm 0,4%, tức NH không thể cho vay ra, hoạt động của DN tiếp tục gặp khó khăn.
Không vay được vốn “cứ mang lên đây”
|
DN vẫn phản ánh là họ không thể tiếp cận được vốn, thưa Thống đốc?
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: DN đúng là có khó khăn thật, nhưng chúng ta có nhiều loại hình DN thuộc nhiều thành phần khác nhau và tình hình tài chính không giống nhau. Nếu DN tốt nhưng thuộc lĩnh vực không khuyến khích cho vay, khi đến NH mà cứ đòi vay với LS thấp thì không thể có. Tuy nhiên, các đối tượng này vẫn được NHNN cho phép TCTD cấp tín dụng ở tỷ lệ nhất định, nhưng không vượt quá 16%, và vẫn phải áp mức LS cao 20 - 25%/năm. Làm vậy là để dành vốn cho lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN phụ trợ. Còn nếu có DN nào tốt, đủ điều kiện để vay vốn theo các quy định hiện hành thì hoàn toàn có thể vay được ở mức LS 14-16%/năm. Nếu ai biết có DN nào, cứ mang lên đây, với tư cách là Thống đốc NHNN tôi xin khẳng định dự án đó sẽ được cấp vốn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thấy rằng, NH cũng là DN chứ không chỉ là chỗ sản xuất ra tiền, không có tiền từ trên trời rơi xuống, mà tiền của nền kinh tế, của nhân dân. Khi cho vay ra phải có trách nhiệm bảo vệ, chứ không phải chỗ cấp phát. Có một số DN đúng đối tượng đang khuyến khích như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu nhưng tình hình tài chính của DN đó vô cùng xấu, thử hỏi có NH nào dám cho vay. Với tư cách Thống đốc NHNN, nếu phát hiện ra NH nào mà cho DN đó vay, tôi sẽ cách chức ngay đồng chí giám đốc, ngoài ra còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì không tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng.
Cho vay mua nhà để bán, cho thuê...
Vậy NHNN có giải pháp gì để nối lại cầu tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho DN?
Tôi ghi nhận khó khăn của DN, đặc biệt kể từ năm 2008 đến nay, rất nhiều DN phải vật lộn để tồn tại, và tới lúc này tình hình tài chính đã suy yếu rất nhiều. Vì vậy, bằng một loạt các biện pháp vừa qua, chúng tôi quyết tâm giảm LS để tăng khả năng hấp thụ vốn. Nhất là giải pháp cho phép các NH cơ cấu lại nợ cũ, để DN có điều kiện tiếp cận nợ mới. Thứ ba, mở tín dụng cho các lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng... nhằm tháo gỡ cho DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên chỉ cơ cấu nợ, cho phép gia hạn nợ nếu như khó khăn đó chỉ là khó khăn tạm thời. Nếu khó khăn ăn vào bản chất, do sử dụng vốn không đúng mục đích, vào việc vi phạm pháp luật thì tuyệt đối không được, thậm chí còn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ngoài giải pháp trên, được biết, NHNN đã quyết định nới lỏng tín dụng cho vay đối với bất động sản. Xin Thống đốc cho biết lý do tại sao?
Bất động sản là lĩnh vực rất rộng, trong những năm qua, dư nợ tín dụng trong hệ thống NH trực tiếp cho vay không cao, chỉ ở mức trên dưới 10% tổng dư nợ, nhưng dư nợ có đảm bảo bằng bất động sản rất lớn, chiếm tới gần 60%. Để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, NHNN thu hẹp tăng tín dụng ở mức tối đa, năm 2011 đưa vào lĩnh vực không khuyến khích và quy định tỷ lệ tăng tín dụng rất thấp khoảng 16%. Đến nay, lạm phát được kiềm chế, thanh khoản đã chuyển biến tích cực nên phải tháo dần các lĩnh vực này. Hiện mặt bằng giá đã cải thiện ở mức hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế, với thu nhập của người dân VN mọi tầng lớp. Nếu mở tín dụng ra, giải phóng được hàng tồn kho trong kinh doanh bất động sản, tạo ra chu chuyển dòng vốn hợp lý trong nền kinh tế. Nó cũng giúp cho nhiều lĩnh vực khác hồi phục như xi măng, sắt thép, tạo ra công ăn việc làm, cải thiện nợ xấu trong hệ thống NH.
Quy định mới đã “mở” tín dụng ra rất nhiều, ví dụ, trước chỉ cho vay mua nhà để ở, nay cho vay mua nhà để đầu cơ, đầu tư, để bán, cho thuê. Cho vay xây dựng các công trình phát triển nhà ở trong khu đô thị (bao gồm hoàn thành trong 2012 và sau 2012).
Vậy còn đối với cho vay tiêu dùng?
Đối với cho vay tiêu dùng hầu như đã mở hết như cho vay xây dựng, sửa chữa nhà và mua nhà, cho vay mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình. Tuy nhiên, cho vay để tiêu dùng ở nước ngoài như đi du lịch, chữa bệnh, học tập thì vẫn phải kiểm soát trong tổng mức tăng trưởng tín dụng không khuyến khích tối đa 16%.
Xây và mua nhà đều được vay
Theo Văn bản 2056/NHNN-CSTT của NHNN, kể từ 11.4, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích vẫn bị khống chế ở mức 16%, tuy nhiên nhóm nhà ở gần như được loại trừ toàn bộ ra khỏi hạn mức khống chế này.
Cụ thể là xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê mà các khoản vay này khách hàng trả nợ bằng các nguồn thu nhập không phải là tiền lương, tiền công của khách hàng vay. Xây dựng, sửa chữa và mua nhà để bán, cho thuê; xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở trong khu đô thị (hoàn thành trong và sau 2012).
Ngoài ra, đối với dư nợ cho vay tiêu dùng, cũng loại trừ dư nợ cho vay đối với một số nhu cầu vốn xây dựng, sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay. LS cho các đối tượng này vay từ 15-19%/năm.
Như vậy, các nhóm còn lại gồm khách sạn, văn phòng cho thuê; Nhóm đầu tư bất động sản là khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở nghỉ mát, nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng... vẫn bị xếp vào nhóm không ưu tiên với mức LS phổ biến hiện nay từ 20-25%/năm.
|
Anh Vũ
thanhnien.com.vn
Các bản tin khác
- Đà Nẵng: Cất nóc khu phức hợp cao cấp DITP TOWER
- Cơ hội mới cho bất động sản công nghiệp
- Phê duyệt nhiều dự án công cộng phục vụ người dân
- Quy hoạch mở rộng Công viên APEC
- Ủn ỉn BBQ: không chỉ để thưởng thức đồ nướng
- Phát triển du lịch phía Tây Bắc: Chưa khai thác hết tiềm năng
- Thu hồi dự án khu du lịch Hòn Ngọc Á Châu làm công viên ven biển
- Cần khai thác cảnh quan đường Thăng Long
- Kinh nghiệm đầu tư nhà cho người nước ngoài thuê
- Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ bố trí hơn 3.400 tỉ đồng triển khai giai đoạn 1 cảng Liên Chiểu
- Bất động sản lại vào mùa tặng nhà, tặng xe...
- Thành lập Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng
- Nhộn nhịp ở phố chuyên doanh điện tử, kỹ thuật số
- Phố bích họa mới giữa lòng Đà Nẵng
- Dự báo mới về thị trường bất động sản
- Không phát triển dự án tái định cư và nhà ở công vụ
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quy hoạch cảng Liên Chiểu theo hướng hiện đại
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng cảng Liên Chiểu là vấn đề cấp bách, cần thiết
- Chuỗi thương hiệu bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp Risemount vươn tầm ra thế giới
- Đề nghị bố trí vốn đầu tư dự án cảng Liên Chiểu