(PL) - Tình trạng công chứng hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đã bị kê biên còn xảy ra ở một số địa phương, đặc biệt là ở những tỉnh chưa thành lập trung tâm hỗ trợ thông tin về công chứng...
Báo Pháp Luật TP.HCM mới đây đã phản ánh chuyện thời gian qua có một số trường hợp nhà đất bị cơ quan thi hành án (THA) kê biên nhưng người phải THA vẫn làm được hợp đồng mua bán có công chứng. Nguyên nhân là do các tổ chức công chứng không biết thông tin về việc nhà đất đã bị kê biên nên vẫn tiến hành công chứng hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất.
Điều đáng nói là hiện nay pháp luật về THA và công chứng đang thiếu quy định ràng buộc về sự phối hợp thông tin giữa cơ quan THA với tổ chức công chứng, thiếu quy định về xử lý trách nhiệm của cán bộ liên quan. Vì vậy, như ở TP.HCM, dù đã có Trung tâm Thông tin và tư vấn công chứng, dù đã có văn bản của UBND TP yêu cầu các cơ quan THA, các cơ quan liên quan phối hợp với trung tâm nhưng vẫn có một số vụ cơ quan chức năng quên gửi thông tin ngăn chặn...
Ông Nguyễn Minh Phát, một người dân mua nhầm phải nhà đất đã bị kê biên. Ảnh: T.TÙNG
Nhờ xã, phường “canh cửa”
Theo tìm hiểu của PV Pháp Luật TP.HCM, tình trạng trên còn xảy ra ở một số địa phương khác, đặc biệt là ở những tỉnh chưa thành lập trung tâm hỗ trợ thông tin về công chứng (thuộc Sở Tư pháp).
Tại Nghệ An, nhiều tổ chức công chứng cho biết “đang phải nhờ xã, phường “canh cửa” xem nhà đất có bị kê biên, tranh chấp hay không”. Các cơ quan THA địa phương ít khi gửi văn bản thông báo về tài sản đã bị kê biên cho các tổ chức công chứng nên đã từng xảy ra trường hợp công chứng hợp đồng chuyển nhượng nhà đất bị kê biên.
Theo ông Nguyễn Cảnh Toàn, Phó Trưởng phòng Công chứng số 1 (Nghệ An), để tránh tình trạng này, riêng tại TP Vinh, từ năm 2010, các tổ chức công chứng đã cùng văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ra thêm mẫu tờ khai (chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với đất). Người dân phải có tờ khai này (được cán bộ địa chính và chủ tịch UBND phường, xã xác nhận đã kiểm tra tình trạng nhà đất không bị tranh chấp, không bị kê biên...) thì các tổ chức công chứng mới công chứng việc mua bán, chuyển nhượng.
Tuy nhiên, cách làm trên chỉ hạn chế được rủi ro bởi vẫn có trường hợp “lọt lưới”. Chẳng hạn vừa qua, tại TP Vinh đã có vụ một gia đình đến văn phòng công chứng A xin công chứng ủy quyền đất ở, rồi lại mượn bìa đất đó mang hồ sơ đến văn phòng công chứng B làm hợp đồng chuyển nhượng. Do ở Nghệ An chưa có trung tâm dữ liệu hỗ trợ công chứng, văn phòng công chứng B không biết được đất đã ủy quyền nên công chứng hợp đồng chuyển nhượng.
Chính vì vậy, các tổ chức công chứng ở Nghệ An đều mong muốn sớm thành lập trung tâm dữ liệu công chứng và hiệp hội công chứng. Theo bà Nguyễn Thị Quế Anh (Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An), hiện Sở Tư pháp tỉnh đã giao cho phòng bổ trợ xây dựng đề án thành lập trung tâm dữ liệu công chứng và xin kinh phí của UBND tỉnh nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hoạt động công chứng của địa phương.
“Thích thì thông báo, không thì thôi”
Tại Phú Yên, ông Nguyễn Công Danh (Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên) cũng cho biết hiện Sở chưa có trung tâm hỗ trợ thông tin cho các tổ chức công chứng. “Hiện nay các cơ quan THA chưa cung cấp thông tin liên quan đến việc kê biên, xử lý tài sản THA cho Sở Tư pháp” - ông Danh nói.
Theo ông Nguyễn Thu (Trưởng Văn phòng Công chứng TP Tuy Hòa), trong quá trình giải quyết các tài sản có liên quan đến THA, các cơ quan THA hầu như không gửi các thông tin, kết quả xử lý, giải quyết đến các tổ chức công chứng. “Phần lớn là im ru” - ông Thu nói và cho biết thêm: “Hiện nay cơ quan THA thích thì thông báo, không thích thì thôi vì chưa có quy định pháp luật mang tính ràng buộc. Chính vì thế, các tổ chức công chứng gặp rất nhiều khó khăn khi giao dịch và nguy cơ công chứng cả những tài sản đã kê biên, xử lý là rất cao”.
Lý giải, ông Hà Công Khánh (Cục trưởng Cục THA tỉnh Phú Yên) nói: “Luật chưa quy định cơ quan THA phải chuyển các quyết định THA, kê biên đến các tổ chức công chứng. Trong hội đồng kê biên tài sản có các thành viên là đại diện những cơ quan chức năng liên quan để họ biết tài sản đó đã kê biên chứ cơ quan THA không có trách nhiệm phải ra thông báo gửi cho các tổ chức công chứng. Hiện nay cơ quan THA chỉ thông báo đến các cơ quan thực hiện việc giao dịch cần ngăn chặn việc tẩu tán tài sản. Ngoài ra, khi tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, chuyển sang cơ quan THA thì cơ quan THA sẽ có thông báo gửi đến các tổ chức công chứng nhằm ngăn chặn việc chuyển dịch tài sản. Nói chung khi nào có nhu cầu ngăn chặn thì mới gửi thông báo”.
Trước tình hình này, ông Nguyễn Thu cho biết: “Tôi đã nhiều lần đề nghị Sở Tư pháp tỉnh lập mạng thông tin điện tử riêng lĩnh vực THA, xử lý tài sản do Sở quản lý. Mạng thông tin này phải có tính pháp lý, ràng buộc để các tổ chức công chứng thực hiện, không thực hiện giao dịch đối với các tài sản đã và đang xử lý. Sở Tư pháp tỉnh nói cũng muốn làm nhưng chưa có tiền. Tôi cũng kiến nghị Bộ Tư pháp ban hành văn bản có tính pháp lý để các cơ quan THA cung cấp đầy đủ thông tin cho các tổ chức công chứng biết tình hình xử lý tài sản của người dân khi bản án có hiệu lực pháp luật”.
Phối hợp tốt, hạn chế được rủi ro Ở một số tỉnh, thành đã có trung tâm hỗ trợ thông tin về công chứng (Cần Thơ) hay có phần mềm ngăn chặn rủi ro trong hoạt động công chứng (Đà Nẵng) thì đến nay chưa xảy ra tình trạng công chứng hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất đã bị kê biên. Theo lãnh đạo Sở Tư pháp và đại diện một số tổ chức công chứng ở các địa phương này, các cơ quan công an, VKS, TAND, THA, các UBND và phòng TN&MT... đều rất thiện chí trong việc phối hợp gửi thông tin đến Sở Tư pháp và các tổ chức công chứng trên địa bàn. Tuy nhiên, có tổ chức công chứng cho biết trong một số văn bản của cơ quan chức năng, thông tin về người có tài sản bị kê biên còn khá chung chung như chỉ có họ tên mà không có năm sinh hoặc không có số CMND, địa chỉ nên tổ chức công chứng gặp khó khăn khi tra cứu dữ liệu liên quan... Tại Đồng Nai, Sở Tư pháp tỉnh này cũng đang chạy thử phần mềm thông tin điện tử kết nối công chứng - THA - các cơ quan ban ngành có liên quan khác. Theo ông Huỳnh Minh Thiện (Phó Giám đốc Sở), các cơ quan chức năng liên quan đều phối hợp tốt với Sở cùng các tổ chức công chứng. Thời gian qua cũng có văn phòng công chứng để xảy ra trường hợp công chứng phải tài sản đã bị cơ quan THA kê biên nhưng nguyên nhân là do văn phòng công chứng này “lười” truy cập phần mềm của Sở và Sở đã có văn bản phê bình. Tiêu điểm UBND TP.HCM yêu cầu Cục THA TP báo cáo Ngay sau khi báo Pháp Luật TP.HCM ngày 19-2 đăng bài “Công chứng không biết nhà, đất bị kê biên”, Thường trực UBND TP.HCM đã yêu cầu cục trưởng Cục THA TP khẩn trương chỉ đạo kiểm tra thông tin mà bài báo đã nêu và báo cáo UBND TP. Đồng thời, Thường trực UBND TP cũng yêu cầu Cục THA TP báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của UBND TP về xây dựng, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng tại Công văn số 839/UBND ngày 11-2-2015. |
Các bản tin khác
- Top điểm nghỉ đông "hot" nhất Việt Nam
- Những lợi ích khi mua nhà vào dịp cuối năm
- Đà Nẵng: “Sốt” Bất động sản Tây Bắc dịp cuối năm
- Thị trường bất động sản 2018 và sự dịch chuyển căn hộ giá "mềm"
- Khách mua condotel "nhấp nhổm" chờ chính danh
- Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hơn 100 triệu USD vào Khu du lịch Xuân Thiều
- Thị trường căn hộ: Không chỉ giá "mềm", người trẻ cần nhiều hơn thế
- Nâng tầm phố phục vụ du khách xuyên đêm An Thượng
- Thanh tra các dự án trên bán đảo Sơn Trà và Khu đô thị quốc tế Đa Phước
- Dự án Elysia Complex City tung ra 10 biệt thự hướng ra sông Hàn
- Đặt cọc giữ chỗ mua nhà: Câu chuyện may rủi
- Gỡ khó cấp "sổ đỏ" cho dân
- Doanh nghiệp Hoa Kỳ hỗ trợ Đà Nẵng xây dựng thành phố thông minh
- Thị trường BĐS: Rộn ràng khuyến mãi cuối năm
- Bắt mạch thị trường BĐS Tết Mậu Tuất 2018
- World Travel Awards 2017: Hai khu nghỉ dưỡng của Tập đoàn Sun Group được xướng tên ở nhiều hạng mục danh giá nhất
- Bất động sản cuối năm: Khách hàng "chọn mặt gửi vàng"
- 5 cách hạn chế mất tiền tỷ khi góp vốn mua nhà đất
- Thị trường bất động sản thiếu…thông tin?
- Bế mac kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố: thảo luận và thông qua 25 Nghị quyết quan trọng