Hiện nay, đối với công tác trợ giúp pháp lý, việc huy động xã hội thực hiện là khá phổ biến ở các nước trên thế giới. Hiếm có nước nào mà công tác trợ giúp pháp lý chỉ hoàn toàn do nhà nước đảm nhận. Các nước như Anh, Úc, Canada, Mỹ, Trung quốc, Philippin, Hà Lan, Nam phi… đều có sự tham gia ở các mức độ khác nhau của các tổ chức xã hội vào công tác trợ giúp pháp lý. Ở một số quốc gia, Nhà nước chỉ ban hành luật, chính sách liên quan đến trợ giúp pháp lý và việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý do các tổ chức xã hội hoặc các luật sư tư đảm nhiệm.
Ở Việt Nam, trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, Bộ chính trị đã có nghị quyết số 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp. Trong đó nêu rõ: xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bổ trợ tư pháp, thực hiện xã hội hóa mạnh mẽ các hoạt động bổ trợ như tuyên truyền giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, công chứng…đáp ứng các nhu cầu đa dạng của nhân dân.
Xã hội hóa hoạt động công chứng thành công là một minh chứng sống động cho chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.
Với mong muốn góp phần thiết thực cùng Quốc Hội, Bộ Tư pháp, các cơ quan tư pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết 48, 49 của Bộ Chính trị, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, nhằm khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, ghi nhận những đóng góp cho cộng đồng xã hội của các văn phòng công chứng, Hội Luật gia Việt Nam có chủ trương tổ chức Chương trình bình chọn, tôn vinh danh hiệu “ Văn phòng Công chứng uy tín Việt Nam”.
Nhân dịp này, Tạp chí Pháp lý phỏng vấn ông Phạm Quốc Anh – Chủ tịch HLGVN về một số vấn đề mà bạn đọc quan tâm.
Ông Phạm Quốc Anh - Chủ Tịch Hội Luật Gia VN
Chủ trương xã hội hóa đúng đắn và phù hợp xu thế phát triển
PV: HLG là một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp đặc thù, với cương vị Chủ tịch HLG ông có nhận xét gì về một chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, chủ trương xã hội hóa một số lĩnh vực (một số lĩnh vực trước đây chỉ có các cơ quan nhà nước mới được làm nay giao cho một số tổ chức, giao cho tư nhân làm)?
Ông Phạm Quốc Anh: Trong điều kiện kinh tế xã hội nước ta hiện nay các nhu cầu về y tế, giáo dục, pháp luật …. đang ngày một trở nên bức thiết và các dịch vụ công như trường học, bệnh viện… thì đều đã quá tải không thể đáp ứng hết những nhu cầu này. Trong bối cảnh đó Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực hoạt động xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao.
Theo tôi, việc Đảng ta chủ trương xã hội hóa một số lĩnh vực như trên là cần thiết. Xã hội hóa trong các lĩnh vực sẽ huy động được sự đóng góp của nhân dân và đáp ứng được những nhu cầu bức thiết của xã hội.
PV: Đã đi nhiều nước trên Thế giới, xin ông cho biết đôi nét về chủ trương xã hội hóa một số lĩnh vực của các nước trong khu vực và trên thế giới?
Ông Phạm Quốc Anh: Trên khắp thế giới, từ các nước Asean cho đến các nước phương Tây đều đã có mô hình nhà nước và tư nhân trong các lĩnh vực y tế, giáo dục trợ giúp pháp lý, tuyên truyền pháp luật… thu hút được nhiều người tham gia và đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Một ví dụ điển hình tiêu biểu, trong lĩnh vực giáo dục đó là Đại học Harvard (Mỹ) đây là trường Đại học tư thục – nhưng được tổ chức, quản lý tốt nên có chất lượng rất cao; Tại Canada tổ chức tuyên truyền pháp luật là do các tổ chức tư nhân thực hiện từ hơn 100 năm qua…
PV: Một trong những lĩnh vực 5 năm qua bước đầu nước ta xã hội hóa thành công, ghi nhận từ thực tiễn tính đúng đắn một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đó là xã hội hóa công chứng. Ông có nhận xét gì về những đóng góp của hệ thống VPCC tư đối với hoạt động bổ trợ tư pháp của Việt Nam những năm gần đây và với đời sống xã hội?
Ông Phạm Quốc Anh: Năm năm trở lại đây chúng ta bắt đầu xã hội hóa công chứng (đưa ra mô hình có công chứng nhà nước và công chứng tư nhân), đây là một chủ trương đúng.
Nếu như trước đây cả Hà Nội chỉ có ba đến bốn văn phòng công chứng, việc công chứng giấy tờ của người dân (từ công chứng giấy tờ thi đại học, công chứng hợp đồng kinh tế…) đều dồn hết về ba văn phòng này. Từ đó mới có thực trạng là người đi công chứng bắt buộc phải dậy từ rất sớm, ăn chực nằm chờ để được công chứng… gây nhiều bức xúc. Việc Nhà nước cho phép mở văn phòng công chứng tư là đúng quy luật, đúng điều kiện và hợp lòng dân.
Văn phòng công chứng tư mới đi vào hoạt động trong vòng năm năm tuy không tránh khỏi còn có những hạn chế nhưng đã giải quyết được rất nhiều vấn đề, đáp ứng một phần không nhỏ nhu cầu cấp thiết của xã hội, phục vụ kịp thời nhu cầu công chứng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Việc thành lập các văn phòng công chứng là một trong những khía cạnh tích cực của việc xã hội hóa hoạt động công chứng, giúp giảm tải rất nhiều những áp lực công việc công chứng trước đây khi hầu hết các giao dịch dồn về các văn phòng công chứng Nhà nước. Bên cạnh đó thông qua hoạt động tiếp người yêu cầu công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng đã tích cực tuyên truyền, tư vấn cho cá nhân, tổ chức những quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức và tuân thủ pháp luật cho người dân.
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về Công chứng
PV: Tuy nhiên trong lĩnh vực này hiện nay còn một số lỗ hổng của pháp luật, một số bất cập, một số VPCC vì mục tiêu lợi nhuận đã bất chấp pháp luật. Vi phạm của các VPCC trong thời gian qua có nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ Công chứng viên. Vậy theo ông Công chứng viên hiện nay cần phải có đạo đức nghề nghiệp như thế nào?
Ông Phạm Quốc Anh: Trong năm năm đi vào hoạt động, quả thực công chứng tư đã để xảy ra một số vụ việc bị phê phán (…..). Con số này không nhiều nhưng có ảnh hưởng tiêu cực đến các văn phòng công chứng tư. Trong tất cả các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực công chứng nói riêng, con người luôn là yếu tố quyết định. Là một người công chứng viên cần có đủ trình độ năng lực và đạo đức nghề nghiệp. Chất lượng công chứng thể hiện qua việc tuân thủ các qui định của pháp luật, việc đảm bảo an toàn pháp lý các dịch vụ công chứng, qua thái độ niềm nở, ân cần, làm việc cặn kẽ, có trách nhiệm.
Hiện nay các công chứng viên chủ yếu vẫn làm công tác đối nội với các loại giao dịch trong nước, ít các hợp đồng giao dịch có yếu tố nước ngoài, đa số chất lượng ngoại ngữ của các công chứng viên còn thấp, kiến thức về hội nhập rất hạn chế. Vì vậy tự bản thân mỗi người làm công tác công chứng phải có ý thức trau dồi những hạn chế nói trên.
Thêm vào đó hiện nay theo quy định chung thì những cán bộ đã được đào tạo, công tác ở các cơ quan tư pháp, hành pháp được miễn thực tập công chứng viên. Theo tôi đây là một kẽ hở, nó đúng nhưng chưa được hoàn thiện bởi vì mỗi lĩnh vực pháp luật lại có những yêu cầu riêng, chỉ có nền kiến thức chung của ngành tư pháp để đem vào làm việc cụ thể trong lĩnh vực công chứng thì chưa đủ. Những người đã qua đào tạo, công tác tại các cơ quan tư pháp, hành pháp muốn làm việc trong lĩnh vực công chứng vẫn phải qua lớp đào tạo ngắn hạn, có thi, kiểm tra một cách nghiêm túc để lấy chứng chỉ. Nếu chỉ dựa trên quá trình công tác mà miễn thực tập thì chỉ đáp ứng được về mặt số lượng, chưa thực sự đáp ứng được về chất lượng.
PV: Theo ông thì bất cập lớn nhất hiện nay trong việc thực thi Luật Công chứng là gì? Giải pháp nào để khắc phục bất cập đó?
Ông Phạm Quốc Anh: Bất cập thì nhiều nhưng theo tôi khó khăn nhất của việc thực thi Luật Công chứng đó chính là vấn đề nhận thức của người dân. Vẫn còn tình trạng người dân còn phân biệt đối với công chứng tư và công chứng Nhà nước, thái độ không yên tâm với công chứng tư. Bên cạnh đó việc không được chú trọng đào tạo một cách bài bản (chỉ là những lớp ngắn hạn) dẫn tới chất lượng công chứng viên còn thấp, làm việc kém hiệu quả. Thái độ của người làm công chứng (ở một số văn phòng) vẫn còn bị ảnh hưởng bởi quan niệm “xin –cho”, điều kiện làm việc vẫn còn khó khăn về mặt thiết bị, kinh phí…
Giải pháp là cần tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về mức độ quan trọng và cần thiết của thủ tục công chứng. Phải định một chuẩn mực quốc gia cho các văn phòng công chứng để kết quả công chứng tư cũng như kết quả công chứng Nhà nước đều đạt được chất lượng an toàn pháp lý như nhau. Có như vậy mới tạo lòng tin cho nhân dân. Bên cạnh đó cần đổi mới toàn diện về mặt nhân thức, tư tưởng của người làm công tác công chứng, đổi mới về trang thiết bị, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc tại các văn phòng công chứng.
Bình chọn và tôn vinh VPCC uy tín
PV: Được biết T.W Hội Luật gia Việt Nam đang xây dựng Đề án và có chủ trương tổ chức chương trình bình chọn và tôn vinh danh hiệu “Văn phòng Công chứng Uy tín Việt Nam”. Vậy xin ông cho biết về mục đích và ý nghĩa của sự kiện quan trọng này?
Ông Phạm Quốc Anh: Mới đây, Tạp chí Pháp lý – cơ quan ngôn luận của HLGVN có sáng kiến đề xuất tổ chức Chương trình bình chọn và tôn vinh danh hiệu “Văn phòng Công chứng Uy tín VN. Lãnh đạo Hội Luật gia VN nhận thấy đây là một chương trình thiết thực với không chỉ các văn phòng công chứng mà còn có ý nghĩa với cả cộng đồng. Chúng tôi đã đồng ý về chủ trương và đang làm việc với Bộ ban ngành liên quan để triển khai. Qua chương trình này khẳng định chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng về xã hội hóa hoạt động công chứng. Đồng thời chương trình tôn vinh, biểu dương những văn phòng công chứng uy tín để các đơn vị khác có thể đến, tham khảo, học tập, cung cấp những văn phòng uy tín đến với xã hội, cộng đồng, xóa tan định kiến về các văn phòng công chứng tư. Qua đó đề xuất, kiến nghị với Bộ tư pháp đầu tư, đào tạo công chứng viên một cách bài bản hơn.
PV: Để chương trình thành công, chất lượng, chọn ra đúng những VPCC uy tín giới thiệu tới cộng đồng xã hội, theo ông Bộ tư pháp có vai trò quan trọng như thế nào giúp HLG trong vấn đề này?
Ông Phạm Quốc Anh: Bộ tư pháp là cơ quan chức năng quản lý nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho các tổ chức xã hội phát triển. Trao đổi về chương trình bình chọn “văn phòng công chứng uy tín Việt Nam”, Bộ trưởng bộ tư pháp Hà Hùng Cường đã bày tỏ quan điểm nhất trí, đồng thời đồng chí Vụ trưởng Vụ bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến cũng nhiệt liệt ủng hộ chương trình. Được biết đồng chí Vụ trưởng Vụ bổ trợ tư pháp cũng sẽ có những buổi làm việc trực tiếp với Tổng biên tập Tạp chí Pháp lý để trao đổi, hỗ trợ việc tổ chức chương chình.
PV: Danh hiệu “Văn phòng Công chứng Uy tín Việt Nam” sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với một VPCC nói riêng, với cộng đồng xã hội, các doanh nghiệp nói chung?
Ông Phạm Quốc Anh: Việc bình chọn ra được các văn phòng công chứng uy tín sẽ có ý nghĩa rất lớn, mà trước tiên là cổ vũ động viên những người làm công chứng ở Việt Nam, khuyến khích cả xã hội tôn vinh những anh chị em làm trong lĩnh vực này. Đối với công chứng tư nhân, đây cũng là một dịp để xã hội nhìn lại những điều các văn phòng công chứng tư đã làm được. Chính sự xuất hiện của các văn phòng công chứng tư đã đáp ứng được các nhu cầu của xã hội. Việc chọn các văn phòng công chứng có uy tín đã cổ vũ, biểu dương những giá trị đích thực của hoạt động công chứng.
PV: Được biết Hiệp hội Công chứng Việt Nam đang được xúc tiến thành lập. Vậy chương trình bình chọn và tôn vinh danh hiệu “Văn phòng Công chứng Uy tín Việt Nam” sẽ có tác động tích cực gì trong quá trình xúc tiến thành lập Hiệp hội?
Ông Phạm Quốc Anh: Hiệp hội công chứng Việt Nam sẽ là Hiệp hội nghề nghiệp nhằm kiểm tra, hỗ trợ công chứng phát triển. Lẽ ra sau khi có Luật Công chứng và các văn phòng công chứng được thành lập nên tiến hành ngay Hiệp hội công chứng.
Trong bối cảnh hiện nay, chương trình bình chọn và tôn vinh danh hiệu “Văn phòng Công chứng Uy tín Việt Nam” sẽ có tác động tích cực trong việc thành lập Hiệp hội công chứng Việt Nam. Cho đến nay chưa bao giờ có một đánh giá chính thức nào về các văn phòng công chứng tiêu biểu nên kết quả của chương trình sẽ có thể đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuẩn bị nhân sự cho việc thành lập Hiệp hội.
PV: Với tư cách là Chủ tịch T.W Hội Luật gia Việt Nam, bằng kinh nghiệm của mình xin ông cho biết vai trò và tầm ảnh hưởng của Hiệp hội Công chứng Việt Nam khi được thành lập?
Ông Phạm Quốc Anh: Hiệp hội công chứng Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp có nhiệm vụ tập hợp đông đảo những người làm công tác công chứng, nâng cao trình độ nghiệp vụ công chứng từ đó nâng cao uy tín của hoạt động công chứng, thúc đẩy công chứng phát triển. Trên cơ sở đó, công chứng sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu công chứng của người dân.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông!
Nhóm PV Chuyên mục
Từ Cuộc sống đến Nghị trường (thực hiện)
http://phaply.net.vn
Các bản tin khác
- Rồi, bất động sản lại bắt đầu tăng giá!
- Thông tư liên tịch số 115/2015 hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng
- Thị trường bất động sản: Xuất hiện nhiều chiêu bán hàng mới
- Nhà đầu tư ngoại gia nhập "cuộc chơi" BĐS cao cấp
- Những chính sách mới có hiệu lực thi hành trong tháng 9-2015 (Phần I)
- Gấp rút triển khai dự án Khu liên hợp thể thao Hòa Xuân
- Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Ngành Tư pháp và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất
- Chương trình Vinh Quang Việt Nam 2015
- Bảo lãnh BĐS: băn khoăn chờ hướng dẫn
- Xây dựng, phát triển quận Hải Châu văn minh, hiện đại
- Cẩn thận cỡ nào cũng ‘dính’ giấy tờ giả
- Nhiều bất lợi khi mua nhà tại dự án nợ tiền sử dụng đất
- Ai đi mua đất, ai dạo chơi?
- “Chiêu trò” lợi dụng bán chung cư trên thị trường
- Quy định giá đất tại các khu dân cư ở Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn
- Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch dịp 2-9
- Mua đất nền dự án: Những điều đặc biệt cần lưu ý
- Sốt đất nền, nhà phố, thận trọng dính bẫy
- Thư của đồng chí Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của Ngành
- DỰ ÁN DI DỜI GA ĐÀ NẴNG VÀ CÁC CÔNG TRÌNH LIÊN QUAN Đà Nẵng sẵn sàng quỹ đất xây dựng nhà ga mới