Ngày 11-3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì Hội nghị chuyên đề về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Tại hội nghị, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Phạm Quý cho biết: “Người dân mong muốn các đơn vị thực hiện công tác đền bù giải tỏa cần giữ lời nói đi đôi với việc làm”.
Đầu tư hạ tầng các khu tái định cư ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. |
“Người dân không cần lời xin lỗi”
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố cho biết, công tác đền bù, giải tỏa và tái định cư trong thời gian qua đã triển khai có hiệu quả. Qua đây đã có những đóng góp tích cực cho việc triển khai các dự án chỉnh trang đô thị, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thành phố.
Tuy nhiên, có thời điểm, có đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho người dân. “Là người đã nhiều năm làm công tác đền bù, giải tỏa, tái định cư, tôi xin gửi đến nhân dân thành phố lời xin lỗi chân thành và hứa sẽ nỗ lực đổi mới trong thi hành nhiệm vụ, phục vụ nhân dân tốt hơn và bảo đảm quyền lợi cho hộ giải tỏa”, ông Nguyễn Văn Tiến nói.
Dù là ý kiến cá nhân nhưng ông Phạm Quý, Trưởng ban Dân vận Thành ủy cho rằng “người dân không cần lời xin lỗi và ở hội nghị này không có người dân nào mà để nói lời xin lỗi”.
Ông Đặng Thương, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, người dân còn rất nhiều bức xúc về thực hiện đền bù, giải tỏa và tái định cư, trong đó có việc chi trả tiền đền bù. Hộ giải tỏa từ các xã Hòa Bắc, Hòa Khương phải xuống tận Trung tâm Phát triển quỹ đất để chờ nhận tiền. Thái độ phục vụ của đơn vị cũng chưa tốt, chưa sốt sắng hướng dẫn thủ tục đầy đủ một lần để người dân phải đi lại nhiều nơi, xác nhận nhiều loại giấy tờ.
Đại diện các quận, huyện và xã, phường tham gia hội nghị đã nêu 12 vấn đề còn vướng mắc khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Về bố trí đất tái định cư (TĐC), Trung tâm Phát triển quỹ đất chưa thực sự cung cấp thông tin đầy đủ cho địa phương.
Khi bố trí TĐC theo hình thức bốc thăm đã có những vướng mắc, gây phiền hà như phát sinh nhiều thủ tục hồ sơ, hạn chế việc chủ động bố trí tái định cư để khuyến khích hộ giải tỏa sớm bàn giao mặt bằng bởi phải chờ đợi giải tỏa đồng loạt. Việc tổ chức bốc thăm đất tái định cư, các quận, huyện không nắm thông tin quỹ đất chưa giám sát được tính minh bạch, công bằng cho hộ giải tỏa.
Nhiều vấn đề bức xúc của người dân, bất cập trong tổ chức thực hiện về công tác đền bù, giải tỏa cũng được đề cập như phối hợp giữa các đơn vị điều hành dự án, kiểm định, áp giá đền bù, bố trí tái định cư chưa thực sự hiệu quả dẫn đến nhiều dự án triển khai kéo dài, chậm đưa ra kết luận giải quyết kiến nghị, khiếu nại của hộ giải tỏa.
Dự án triển khai chậm phát sinh thêm nguồn kinh phí cấp cho hộ giải tỏa thuê nhà ở, gây tốn kém ngân sách. Ông Đặng Thương cho biết thêm, dù thành phố có cấp tiền thuê nhà ở để chờ đất tái định cư thì nhân dân vùng nông thôn cũng không tìm đâu cho ra nhà ở để thuê. Vướng mắc khác là cần áp dụng việc đền bù, hỗ trợ trượt giá cho công trình nhà ở, vật kiến trúc.
Hoạt động đo đạc giải thửa bản đồ cũng bất cập bởi xảy ra tình trạng chồng lấn, gây ra tranh chấp và khó khăn cho việc xác định quy chủ sử dụng đất. Công tác quy hoạch lập dự án có lúc, có nơi còn bất cập, chồng lấn gây khó khăn cho người dân và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật có dự án chưa bảo đảm kỹ thuật, thiếu đồng bộ nên cần kiểm tra, giám sát.
Đổi mới và “lời nói đi đôi với việc làm”
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường cho biết, hiệu quả đạt được từ công tác đền bù, giải tỏa và tái định cư bắt nguồn từ những chủ trương, chính sách của thành phố sát với thực tiễn đời sống của nhân dân.
Chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống và được nhân dân đồng thuận. Thành phố đã thực hiện có hiệu quả việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất và hằng năm đều xây dựng chính sách về đền bù, giải tỏa, tái định cư tạo sự đồng bộ, thống nhất trong triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố.
Phát huy những kết quả đạt được và thể hiện trách nhiệm trong thực hiện đền bù, giải tỏa và tái định cư, ông Nguyễn Văn Tiến cho biết, Trung tâm Phát triển quỹ đất đang đề xuất thành phố có những đổi mới theo hướng tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm quyền lợi cho hộ giải tỏa.
Cụ thể, những dự án mới áp dụng việc chi trả tiền đền bù trực tiếp đến nơi cư trú của hộ giải tỏa. Hộ giải tỏa trong thời gian 10 ngày là hoàn thiện các thủ tục chi trả thuê nhà ở chờ đất tái định cư. Đổi mới các thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn gắn với cải thiện về tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức đơn vị; đặc biệt là rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách đền bù, giải tỏa, tái định cư theo hướng có lợi cho người dân. Ông Tiến cũng đề nghị sử dụng, trích xuất băng ghi hình hiện trạng xây dựng, sử dụng đất trước khi giải tỏa để làm cơ sở tính giá trị đền bù gắn liền với việc hỗ trợ, giải quyết bố trí tái định cư.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn thống nhất với các đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị, quận, huyện về các nội dung đổi mới, điều chỉnh, bổ sung trong xây dựng mới về chính sách đền bù, giải tỏa, tái định cư.
Trong đó có việc đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng quy trình thực hiện trong các khâu, đơn giản hóa về hồ sơ thủ tục để tránh phiền hà cho người dân, đảm bảo quyền lợi cho hộ giải tỏa theo quy định pháp luật; đồng thời xây dựng quy chế phối hợp thực hiện, phân cấp nhiệm vụ cho Hội đồng giải phóng mặt bằng các quận, huyện. Mặc khác, rà soát quy hoạch, khớp nối quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng không sản xuất do ảnh hưởng từ các dự án và cũng kiểm tra, giám sát chất lượng thi công hạ tầng kỹ thuật ở các dự án tái định cư.
Gần 120.000 hộ dân liên quan đến giải tỏa, tái định cư Qua triển khai Luật Đất đai 2003 đến nay, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng và chỉnh trang đô thị. Trong đó, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư được thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm các quyền và lợi ích cho các tổ chức, cá nhân có thu hồi đất. Cụ thể, thành phố Đà Nẵng đã triển khai thực hiện 536 dự án với quy mô diện tích 74.526ha và 119.669 hộ gia đình có liên quan đến giải tỏa, tái định cư; trong đó, trên 47.000 hộ thu hồi đất ở, 72.875 hộ có thu hồi đất sản xuất nông nghiệp. Thành phố Đà Nẵng đã chi trả đền bù với giá trị 13.740 tỷ đồng và đã bố trí 30.004 nền đất tái định cư, 755 căn hộ chung cư; hỗ trợ giải quyết việc làm qua chuyển đổi ngành nghề cho 19.000 lao động. (Nguồn: Văn phòng UBND thành phố) |
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Mua nhà bằng hợp đồng vay vốn: Khách hàng tự "thả gà ra đuổi"
- Khai trương Công viên APEC tại Đà Nẵng
- Không chỉ cảnh đẹp, đây mới là điều khiến Ba Na Hills ngày càng hấp dẫn
- Những lưu ý khi mua đất nằm trong diện quy hoạch
- Hé lộ siêu dự án “một bước tới biển” ở Tây Bắc Đà Nẵng
- APEC 2017: Thương hiệu Đà Nẵng đang ghi dấu ấn trên toàn cầu
- Động lực bùng nổ lợi nhuận ngân hàng 2017
- Công khai các dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng
- Nhiều dự án ven sông Cổ Cò tiếp tục hút khách
- 1.800 tỉ đồng cho dự án tháp đôi Movenpick Hotels & Residences Risemount Apartment Da Nang
- Những rắc rối khó lường khi mua đất chung sổ đỏ
- Những lưu ý khi đầu tư condotel Đà Nẵng
- Bất động sản Đà Nẵng và xu hướng rời phố về ven đô
- Thị trường bất động sản Nam Đà Nẵng và “cú hích” APEC (Kỳ cuối: Địa điểm đáng để đầu tư)
- Chỉ có 15 người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam
- Thị trường bất động sản nam Đà Nẵng và “cú hích” APEC (Kỳ 1: Điểm đến lý tưởng)
- Lợi thế bất động sản ven đô Đà Nẵng
- Trước thềm APEC, dòng vốn 35.000 tỷ lan tỏa tới thị trường địa ốc Đà Nẵng
- Không thể chậm trễ!
- Đại gia mới xuất hiện: Cuộc đổi vận ngàn tỷ ở Đà Nẵng