Ngày 15-3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) và nhóm chuyên gia của Hansen Partnership và Martyn Group - đơn vị tư vấn được WB chỉ định thực hiện nghiên cứu tiền khả thi Dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và Tái phát triển đô thị.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác của WB và nhóm tư vấn
Tại buổi làm việc, đại diện phía tư vấn cho biết, qua phân tích 4 phương án di dời ga đường sắt cũ do Bộ GTVT đưa ra với Đà Nẵng và qua 2 đợt công tác để tiến hành khảo sát, tổng hợp và phân tích dữ liệu tại thành phố, đơn vị tư vấn kiến nghị thành phố chọn phương án 1A. Theo đơn vị tư vấn, hướng tuyến của phương án này phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể của thành phố, cho phép trong tương lai có thể kết nối với tuyến đường sắt quốc gia và đường sắt cao tốc mà Bộ GTVT đã có chủ trương xây dựng qua địa bàn thành phố cũng như kết nối được với cảng Liên Chiểu đã được thành phố quy hoạch và các khu công nghiệp tại đây, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa. Bên cạnh đó, sau khi di dời ga đường sắt đến khu vực Liên Chiểu, có thể tận dụng được tuyến đường sắt cũ để phát triển giao thông công cộng với khối lượng lớn như xe buýt nhanh (BRT) và kết nối khu vực trung tâm thành phố với các khu đô thị mới, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông tại khu vực ga đường sắt cũ; đồng thời giá trị đất đai tại khu vực nhà ga mới, nhà ga cũ và hành lang tuyến sẽ tăng lên rất nhiều. Nhân dịp này, phía đơn vị tư vấn cũng đề xuất thành phố xem xét việc di dời bến xe hiện tại đến khu vực gần ga đường sắt mới.
Ông Đặng Đức Cường, đại diện của WB và cũng là Chủ nhiệm Dự án Phát triển Bền vững TP Đà Nẵng khẳng định, dự án nếu được triển khai sẽ mở ra những tiềm năng lớn cho thành phố, tạo điều kiện phát triển khu vực phía Tây, đặc biệt là khu vực Liên Chiểu, giải quyết vấn đề giao thông khu vực ven biển kể cả khu vực Sơn Trà, và chỉnh trang lại khu vực nhà ga cũ – khu vực có diện tích đất lớn nhất còn sót lại của khu vực đô thị cũ. Ông bày tỏ mong muốn phía thành phố có chủ trương thống nhất với phương án nêu trên để đơn vị tư vấn có cơ sở triển khai các bước tiếp theo, theo đó đến tháng 4 sẽ có báo cáo giữa kỳ và thực hiện thiết kế sơ bộ vào tháng 6 tới. Ông cũng cho hay, WB đã thực hiện việc điều phối và có thông báo về việc triển khai nghiên cứu tiền khả thi nêu trên đến các nhà tài trợ, trong đó có Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Đường màu đỏ: tuyến đường sắt hiện trạng, trong đó B là vị trí nhà ga đường sắt cũ
Đường màu xanh: tuyến đường sắt quốc gia và đường sắt cao tốc, trong đó E là vị trí đề xuất đặt nhà ga đường sắt mới
Về phía Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn và đại diện các sở ngành liên quan đã thống nhất về mặt nguyên tắc đối với phương án do đơn vị tư vấn đề xuất. Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn, dự án Di dời ga đường sắt cũ được lãnh đạo thành phố xác định là một trong những công trình trọng điểm. Đối với phương án và những kiến nghị của phía tư vấn đề xuất, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở GTVT, Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch TP và các đơn vị liên quan cung cấp các bản đồ quy hoạch chung mới điều chỉnh của Đà Nẵng để đơn vị tư vấn có thể cập nhật vào ý tưởng thiết kế. Ông cũng đề nghị tư vấn mở rộng phạm vi nghiên cứu, đồng thời trong thiết kế phải thể hiện được phân khu chức năng và quy hoạch sử dụng đất tại khu vực ga mới, bố trí đất tại 15 ha thuộc khu vực nhà ga cũ, và sự kết nối giữa nhà ga mới với các đầu mối giao thông quan trọng, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố, trong đó có hầm chui qua sông Hàn để kết nối với khu vực đông bắc của thành phố. Ông cũng thông tin đến WB và đơn vị tư vấn về nội dung kết luận buổi làm việc mới đây giữa thành phố và Bộ GTVT liên quan đến vị trí nhà ga mới và hướng tuyến, theo đó về cơ bản cũng trùng khớp với phương án 1A nêu trên. Cụ thể, ga mới Đà Nẵng sẽ tách ra làm hai phần, gồm ga hành khách và ga hàng hóa. Ga hành khách mới có quy mô (giai đoạn I) 33ha, đặt tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu; ga hàng hóa mới có quy mô 25ha, đặt tại phường Hòa Hiệp Nam (gần vị trí đường Nguyễn Tất Thành nối dài, nằm trong khu đô thị mới Golden Hills City).
QUỲNH ĐAN
Theo Cổng TTĐT Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Bảo vệ sông Cổ Cò
- Đầu tư vào Đà Nẵng: “Triển vọng phát triển du lịch vẫn dồi dào”
- Đà Nẵng quảng bá hình ảnh du lịch nhân Tuần lễ Cấp cao APEC
- Đầu tư mua bán bất động sản, khách hàng phải biết tự bảo vệ mình
- Đầu tư condotel: Vì sao Đà Nẵng có ưu thế hút dòng tiền?
- Địa ốc Đà Nẵng: Khu vực nào đang thu hút khách hàng?
- Xúc tiến thành lập Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng
- Lung linh sông Hàn
- Những điều cần chú ý khi "chốt" mua đất nền
- Sun World: Hành trình bứt phá của du lịch Việt
- Xuất hiện nhân tố mới chi phối thị trường bất động sản đầu tư
- Condotel, khách sạn nguy cơ mất khách vì ‘Uber bất động sản’
- Phố chuyên doanh Nguyễn Đình Tựu khoác áo mới
- Người nước ngoài chỉ được mua tối đa 30% nhà tại đặc khu kinh tế
- Gỡ nút thắt cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở Việt Nam
- Bổ sung quỹ đất tái định cư đường Hòa Phước - Hòa Khương
- Đà Nẵng xây dựng thêm cầu mới từ Hòa Xuân qua đường Bùi Tá Hán
- MBLand khởi động bán hàng dự án Pan Pacific Danang Resort
- Đừng 'chôn tiền' vào đất nền vì không biết những điều này
- Biệt thự nghỉ dưỡng bán chạy ở Đà Nẵng