Ngày 15-3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) và nhóm chuyên gia của Hansen Partnership và Martyn Group - đơn vị tư vấn được WB chỉ định thực hiện nghiên cứu tiền khả thi Dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và Tái phát triển đô thị.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác của WB và nhóm tư vấn
Tại buổi làm việc, đại diện phía tư vấn cho biết, qua phân tích 4 phương án di dời ga đường sắt cũ do Bộ GTVT đưa ra với Đà Nẵng và qua 2 đợt công tác để tiến hành khảo sát, tổng hợp và phân tích dữ liệu tại thành phố, đơn vị tư vấn kiến nghị thành phố chọn phương án 1A. Theo đơn vị tư vấn, hướng tuyến của phương án này phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể của thành phố, cho phép trong tương lai có thể kết nối với tuyến đường sắt quốc gia và đường sắt cao tốc mà Bộ GTVT đã có chủ trương xây dựng qua địa bàn thành phố cũng như kết nối được với cảng Liên Chiểu đã được thành phố quy hoạch và các khu công nghiệp tại đây, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa. Bên cạnh đó, sau khi di dời ga đường sắt đến khu vực Liên Chiểu, có thể tận dụng được tuyến đường sắt cũ để phát triển giao thông công cộng với khối lượng lớn như xe buýt nhanh (BRT) và kết nối khu vực trung tâm thành phố với các khu đô thị mới, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông tại khu vực ga đường sắt cũ; đồng thời giá trị đất đai tại khu vực nhà ga mới, nhà ga cũ và hành lang tuyến sẽ tăng lên rất nhiều. Nhân dịp này, phía đơn vị tư vấn cũng đề xuất thành phố xem xét việc di dời bến xe hiện tại đến khu vực gần ga đường sắt mới.
Ông Đặng Đức Cường, đại diện của WB và cũng là Chủ nhiệm Dự án Phát triển Bền vững TP Đà Nẵng khẳng định, dự án nếu được triển khai sẽ mở ra những tiềm năng lớn cho thành phố, tạo điều kiện phát triển khu vực phía Tây, đặc biệt là khu vực Liên Chiểu, giải quyết vấn đề giao thông khu vực ven biển kể cả khu vực Sơn Trà, và chỉnh trang lại khu vực nhà ga cũ – khu vực có diện tích đất lớn nhất còn sót lại của khu vực đô thị cũ. Ông bày tỏ mong muốn phía thành phố có chủ trương thống nhất với phương án nêu trên để đơn vị tư vấn có cơ sở triển khai các bước tiếp theo, theo đó đến tháng 4 sẽ có báo cáo giữa kỳ và thực hiện thiết kế sơ bộ vào tháng 6 tới. Ông cũng cho hay, WB đã thực hiện việc điều phối và có thông báo về việc triển khai nghiên cứu tiền khả thi nêu trên đến các nhà tài trợ, trong đó có Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Đường màu đỏ: tuyến đường sắt hiện trạng, trong đó B là vị trí nhà ga đường sắt cũ
Đường màu xanh: tuyến đường sắt quốc gia và đường sắt cao tốc, trong đó E là vị trí đề xuất đặt nhà ga đường sắt mới
Về phía Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn và đại diện các sở ngành liên quan đã thống nhất về mặt nguyên tắc đối với phương án do đơn vị tư vấn đề xuất. Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn, dự án Di dời ga đường sắt cũ được lãnh đạo thành phố xác định là một trong những công trình trọng điểm. Đối với phương án và những kiến nghị của phía tư vấn đề xuất, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở GTVT, Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch TP và các đơn vị liên quan cung cấp các bản đồ quy hoạch chung mới điều chỉnh của Đà Nẵng để đơn vị tư vấn có thể cập nhật vào ý tưởng thiết kế. Ông cũng đề nghị tư vấn mở rộng phạm vi nghiên cứu, đồng thời trong thiết kế phải thể hiện được phân khu chức năng và quy hoạch sử dụng đất tại khu vực ga mới, bố trí đất tại 15 ha thuộc khu vực nhà ga cũ, và sự kết nối giữa nhà ga mới với các đầu mối giao thông quan trọng, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố, trong đó có hầm chui qua sông Hàn để kết nối với khu vực đông bắc của thành phố. Ông cũng thông tin đến WB và đơn vị tư vấn về nội dung kết luận buổi làm việc mới đây giữa thành phố và Bộ GTVT liên quan đến vị trí nhà ga mới và hướng tuyến, theo đó về cơ bản cũng trùng khớp với phương án 1A nêu trên. Cụ thể, ga mới Đà Nẵng sẽ tách ra làm hai phần, gồm ga hành khách và ga hàng hóa. Ga hành khách mới có quy mô (giai đoạn I) 33ha, đặt tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu; ga hàng hóa mới có quy mô 25ha, đặt tại phường Hòa Hiệp Nam (gần vị trí đường Nguyễn Tất Thành nối dài, nằm trong khu đô thị mới Golden Hills City).
QUỲNH ĐAN
Theo Cổng TTĐT Đà Nẵng
Các bản tin khác
- 3 cú hích cho thị trường nhà ở Việt Nam
- Sun Group động thổ dự án công viên 4.600 tỷ tại Hà Nội
- Mở rộng đô thị về phía tây
- Đất Đà Nẵng tăng gấp ba: Dân giàu Hà Nội lãi bỏng tay
- Cơn sốt condotel tại Đà Nẵng
- Mua bán "trao tay" gây khó cho việc làm sổ đỏ
- Đà Nẵng phát triển vệt sinh thái nghỉ dưỡng ven sông Cổ Cò
- Kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia: Còn nhiều bất cập
- Có nên mua nhà chưa có sổ?
- Người mua nhà tìm kiếm bất động sản vùng xa, vùng sâu
- Condotel Sun Group sở hữu chuẩn quốc tế
- Bùng nổ bất động sản nghỉ dưỡng triệu USD
- Biết sống một đời!
- Lễ hội B'estival lần đầu tiên được tổ chức tại Bà Nà Hills
- Đô thị hóa đi đôi với tăng trưởng xanh
- Căn hộ biển miền Trung giá trung bình trên 2.000 USD một m2
- Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa nhà phố và căn hộ chung cư
- Giá bất động sản tăng nhẹ tại một số khu vực
- 20 ý tưởng tuyệt đỉnh khiến nhà chẳng còn nhàm chán
- Đầu tư office-tel “lời” hơn văn phòng cho thuê truyền thống