(Cadn.com.vn) - Từ ngày 1-6-2016, những người vay tiền mua nhà từ gói 30.000 tỷ đồng sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi đối với phần dư nợ giải ngân sau ngày 1-6-2016 mà theo lãi suất thương mại. Liên quan đến vấn đề này, bên lề kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII diễn ra ngày 22-3, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có một số trao đổi với phóng viên để làm rõ hơn về các gói hỗ trợ nhằm mục đích kích cầu.
P.V: Thưa ông, từ ngày 1-6 tới đây, gói 30.000 tỷ đồng sẽ không còn được hỗ trợ như trước mà lãi suất sẽ theo thị trường. Vậy ý kiến ông về gói hỗ trợ này ra sao?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Tại sao lại cứ đòi Nhà nước bao cấp mãi thế?
P.V: Nhưng mức độ giải ngân hiện mới chỉ đạt 70% và từ trước đến nay, gói này vẫn được nhận định là tốc độ giải ngân chậm. Liệu có sợ tốc độ giải ngân ảo trong những ngày cuối?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Tôi cho rằng người ta chỉ sợ thế thôi, cần phải chấp nhận những tháng đầu, những năm đầu việc giải ngân có thể chậm. Nhưng thực tế cho thấy, tốc độ giải ngân gói hỗ trợ này năm sau vẫn nhanh hơn năm trước. Sau 30 tháng đã giải ngân được khoảng 70%. Ước tính 6 tháng còn lại mức độ giải ngân có thể đạt từ 20-22%. Như vậy, sau 3 năm, có thể mức độ giải ngân lên đến 90% và theo tôi đó là con số đạt yêu cầu.
|
Ông Nguyễn Đức Kiên trả lời báo giới. |
P.V: Với những người đã vay rồi, nhưng hợp đồng và khoản tín dụng còn sau ngày 1-6 sẽ tính lãi suất vay thương mại, nhưng họ mong muốn Chính phủ tiếp tục mở rộng khoản vay với lãi suất ưu đãi?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Tại sao những người có nhu cầu lại không vay trước đi? Hoặc không đi tìm các gói vay theo thời hạn 36 tháng như yêu cầu của gói 30.000 tỷ đồng mà đến thời điểm cuối cùng mới chạy theo để vay? Tại sao không làm được lại bắt Nhà nước lo? Theo tôi người mua nhà phải có trách nhiệm với gói vay của mình chứ Nhà nước không thể lo cho người dân và bao cấp mãi được, thực tế những điều khoản để thực hiện gói hỗ trợ này cũng đã ghi ngay trong hợp đồng rồi.
Chúng ta cần hiểu rõ, đối với gói vay 30.000 tỷ đồng được áp dụng vào thời điểm nền kinh tế đang gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức hơn 5%. Trước thực tế trên, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thông qua gói hỗ trợ kích cầu để kích vào thị trường bất động sản ở phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp để khơi thông “cục máu đông” trong nền kinh tế.
Dự tính, gói 30.000 tỷ đồng đến hết thời hạn sẽ giải ngân được khoảng 90% và quan trọng hơn, có thể thấy “cục máu đông” bất động sản đã được giải quyết. Như vậy, vai trò của gói hỗ trợ này coi như đã hoàn thành. Nhà nước có Ngân hàng chính sách xã hội để giải quyết những vấn đề cho người dân có nhà ở. Nếu người dân không thay đổi, không cập nhật tình hình và giữ thói quen cũ thì rất khó, bởi Nhà nước không thể lo mãi được.
P.V: Vậy để đảm bảo hài hòa lợi ích của cả Nhà nước và người dân trong việc thực hiện các gói hỗ trợ thì cần phải như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Mong muốn mang lại lợi ích cho mình là tốt nhưng không thể vì lợi ích của mình mà ảnh hưởng chung đến lợi ích của cả nước. Theo tôi, gói hỗ trợ đó phải đặt trong tổng thể nền kinh tế vĩ mô chứ không thể vì một nhóm lợi ích trong thị trường bất động sản để Nhà nước phải tung ra một gói mới hoặc kéo dài gói đó thêm, gây ra bất ổn về vĩ mô. Với những đối tượng lao động nghèo có thể thuê nhà ở xã hội, trong Hiến pháp 2013 đã có một khâu đột phá là Nhà nước đảm bảo quyền có chỗ ở cho người dân chứ không phải đảm bảo quyền sở hữu nhà ở cho người dân. Khi người dân đã mua, đã ký hợp đồng, họ phải biết thời hạn đến khoản vay là bao nhiêu, phải có trách nhiệm với đồng tiền của họ, phải thảo luận hợp đồng bán nhà với người bán.
Người bán phải chia sẻ lợi nhuận lãi suất cho người mua chứ không phải dồn tất cả chi phí cho Nhà nước. Tiền ở các gói hỗ trợ đều là tiền thuế của nhiều người khác đóng vào để thực hiện cho vay. Do vậy, điều gì cũng có giới hạn, không thể đòi hỏi tất cả người dân khác phải đóng góp vào để cho một nhóm người vay được. Còn chủ đầu tư muốn bán được sản phẩm của mình phải chấp nhận chia sẻ khó khăn của thị trường với người mua chứ không phải đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà nước. Thời điểm này, ta phải quay lại hỗ trợ người dân nhờ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội có vốn lớn gấp nhiều lần so với gói 30.000 tỷ đồng. Khi chuyển sang ngân hàng, thỏa thuận cũng có thời hạn dài lâu chứ không phải ngắn như gói 30.000 tỷ đồng.
Gói 30.000 tỷ đồng là chính sách đơn giản để thử nghiệm, có tác dụng an sinh xã hội, khơi thông dòng chảy cho tín dụng, điển hình là bất động sản. Còn khoản vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ mang tính dài lâu, có tính định chế trong xã hội. Tôi nghĩ điều đó tốt hơn nhiều. Với những người đã vay và đến hạn nhưng chưa giải ngân hết được cần trao đổi lại với chủ đầu tư dự án để đàm phán lại. Tiếp theo, cầm hợp đồng sang Ngân hàng Chính sách xã hội để có một khoản vay khác, bù lại cho khoản này. Các quy định của ta đã cho phép điều này. Khi gói 30.000 tỷ đồng dừng lại, sẽ còn hỗ trợ khác của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây là điều cần phải làm rõ để không tạo ra sự hoang mang trong người dân. Đã làm chính sách vĩ mô là làm dài hơi chứ không nhìn vào cái trước mắt.
P.V: Xin cảm ơn ông.
Đ.Duy – T.Thủy (ghi)
Theo Báo CAĐN
Các bản tin khác
- Khu đô thị Nam Cầu Nguyễn Tri Phương
- Hưởng di sản thừa kế của người đã mất
- LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO, CÁN BỘ CHỦ CHỐT TP ĐÀ NẴNG, THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG: Sớm có cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng bứt phá
- “Hiệu quả doanh nghiệp- thành công của thành phố”
- Thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai: Đầy rủi ro!
- Ôtô ở Việt Nam đắt hơn khu vực tới 300 triệu đồng/chiếc
- Tăng giá căn hộ vì Thông tư 03
- Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công chứng
- Công chứng phi lợi nhuận thì ai làm?
- Đầu tư 600 tỷ đồng triển khai dự án nhà ở xã hội F-Home
- La Maison 1888 lọt “top” 10 nhà hàng đẹp nhất thế giới
- Triệu con tim hướng về Đất tổ
- Giao dịch căn hộ, đất nền tăng
- Giảm tải ùn tắc giao thông qua Ngã ba Huế: Mở đường Đinh Liệt nối Lê Trọng Tấn
- Công bố điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Điều chỉnh quy hoạch khu đô thị sinh thái Hòa Quý
- Mất nhà vì Thông tư 14, kiện được không?
- Khuyến khích người Đà Nẵng sử dụng ô tô sản xuất tại Đà Nẵng
- Kỳ vọng thành phố động lực
- Mập mờ cam kết trả lãi phạt 25%/năm