Vốn đã quen thuộc với người Việt Nam, giờ đây, sự quay trở lại của các thương hiệu ô tô Nga liệu có thành công trên thị trường cũ?
UAZ thần thánh trở lại
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi đầu năm 2015, Thủ tướng CHLB Nga, ông Medvedev, cho biết Chính phủ nước này rất quan tâm và ưu tiên cho dự án lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Đây sẽ là một trong 17 dự án đầu tư ưu tiên giữa Nga và Việt Nam thời gian tới.
Sau đó chưa đầy một năm, ngày 21/3/2016, Việt Nam và CHLB Nga đã chính thức ký Nghị định thư Hợp tác về ô tô. Theo đó, các hãng xe của Nga như Kamaz, Gaz, UAZ,... sẽ cùng đối tác Việt Nam thành lập một số liên doanh để sản xuất, lắp ráp ô tô tải, xe chở người từ 10 chỗ trở lên, xe địa hình và một số loại xe chuyên dụng tại Việt Nam.
Tỷ lệ nội địa hóa cam kết đạt 25-35% vào năm 2020 và sẽ tăng lên trong giai đoạn tiếp theo. Nếu không đạt được mức nội địa hóa đã cam kết, sau 10 năm thì liên doanh sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động. Ngoài cung cấp xe cho thị trường Việt Nam, hai bên cũng thể hiện tham vọng sẽ xuất khẩu ô tô sang các nước ASEAN.
Những mẫu xe như UAZ từ lâu đã rất quen thuộc với người Việt Nam |
Ngoài ra, theo Nghị định thư này, trong 3 năm đầu kể từ 2016, Nga sẽ xuất sang Việt Nam 2.550 xe và 13.500 phụ kiện. Riêng năm nay, khoảng 800 chiếc xe Nga miễn thuế dự định sẽ về đến Việt Nam.
Theo giới chuyên môn, đây là bước tiến khá nhanh của ô tô Nga trong ý đồ thâm nhập trở lại thị trường Việt Nam. Sở dĩ Nga không chọn xe con vì khó có thể cạnh tranh được với hàng loạt thương hiệu khác, cùng với việc thuế nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam sắp giảm xuống mức 0%.
Trong khi đó, xe tải và xe chuyên dụng được cho là có tiềm năng. Thị trường xe tải Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, doanh số có thể đạt 100.000 xe/năm trong thời gian tới. Hiện xe tải nhập khẩu từ Trung Quốc đang áp đảo nhờ giá rẻ. So về giá thành, giá xe của Nga không đắt hơn xe Trung Quốc là mấy, trong khi chất lượng thì hơn nên có thể cạnh tranh được.
Bên cạnh đó, nhu cầu xe chuyên dụng cũng ngày càng phong phú và tăng trưởng nhanh. Những mẫu xe như UAZ từ lâu đã rất quen thuộc với người Việt Nam, giá lại bình dân, luôn mạnh mẽ khi "trèo đèo lội suối" và dễ dàng sửa chữa, rất phù hợp với khách hàng khu vực miền núi.
Trên thực tế, từ cuối năm 2015, đã có thông tin nhà máy sản xuất ôtô UAZ của Nga đàm phán ký hợp đồng lắp ráp xe tại Việt Nam. Dự kiến năm 2016, nhà máy sẽ được xây dựng và đi vào hoạt động.
Trước đó, thương hiệu xe tải Kamaz của Nga cũng đã hiện diện tại Việt Nam. Kamaz hợp tác với Việt Nam từ năm 1978. Từ đó tới năm 1990, hãng này đã đưa sang Việt Nam hơn 10.000 chiếc xe tải các loại. Tuy nhiên, từ đầu năm 1990, Kamaz dừng xuất khẩu cho tới năm 2000 mới khôi phục lại. Đến năm 2005, Kamaz và Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) bắt tay hợp tác xây dựng nhà máy lắp ráp xe tải tại Việt Nam. Tổng số xe đã lắp ráp đến nay đạt hơn 2.000 chiếc, chủ yếu là xe có trọng tải từ 15 đến 25 tấn; cùng với đó là xây dựng các trung tâm bảo dưỡng và dịch vụ sửa chữa dành cho loại xe này.
Xe Kamaz ở Việt Nam |
Quay lại "miền đất hứa"?
Đầu tư vào sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi với các DN ô tô Nga do được hưởng những ưu đãi lớn về thuế nhập khẩu, hạ tầng, giá nhân công rẻ,... Điều này sẽ giúp các DN tiết giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, qua đó mở ra cơ hội thành công trên thị trường.
Trong khi đó, sau một thập niên tăng trưởng đều đặn trên 10% mỗi năm, giờ các nhà sản xuất ô tô Nga đang gặp khó khăn, doanh số liên tục sụt giảm. Giá dầu xuống thấp ảnh hưởng nghiêm trọng, chưa kể các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng khiến ngành công nghiệp ô tô chịu ảnh hưởng nặng nề.
Do phải nhập khẩu những linh kiện công nghệ cao từ nước ngoài và thanh toán bằng USD hoặc EUR, trong khi đồng Rúp mất giá, đã khiến chi phí tăng vọt. Điều này buộc các nhà sản xuất phải nâng giá bán ô tô như một động thái tuyệt vọng. Không ít nhà sản xuất đã phải cắt giảm nhân sự và giảm lương. Không chỉ doanh số bán xe trong nước mà kể cả xuất khẩu cũng giảm mạnh.
Vì vậy, việc hợp tác sản xuất ô tô tại Việt Nam sẽ mở ra hướng đi mới nhằm thoát khỏi những khó khăn trên. Thị trường ô tô Việt Nam cùng với khu vực ASEAN rộng lớn, đông dân, kinh tế phát triển, lại đang "khát" xe tải, chính là "miền đất hứa" cho các DN ô tô Nga.
Việt Nam cũng kỳ vọng Nga có thể giúp phát triển công nghiệp phụ trợ ô tô, khi xây dựng các nhà máy tại đây. Tuy nhiên, thị trường mới là yếu tố quyết định. Nếu doanh số bán không tốt, tăng trưởng không có, chắc chắn công nghiệp phụ trợ khó hình thành.
Trần Thủy
Theo Vietnamnet
Các bản tin khác
- Bất động sản 2019 “xuôi ngược” về đâu?
- Công viên 29-3 - không gian xanh giữa lòng thành phố
- Phải có câu trả lời hết sức khoa học, khách quan
- Trao giải cuộc thi thiết kế cảnh quan và mẫu biệt thự dự án Golden Hills City
- Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2018
- Đà Nẵng rực rỡ qua cuộc thi ảnh "Tuyệt vời Đà Nẵng ơi"
- Những điều cần biết về phong thủy khi tìm hiểu một dự án bất động sản
- Đẩy mạnh giải ngân các dự án, công trình trọng điểm
- Góp ý việc chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng tại Dự án Golden Hills City
- Đà Nẵng đề xuất nộp 1.251 tỷ đồng để giữ lại sân vận động Chi Lăng
- Đà Nẵng xem xét tổ chức đấu giá lại các “khu đất vàng”
- Hạ tầng sẽ quyết định đến đô thị hóa bền vững
- Kêu gọi đầu tư tuyến tàu điện 15.000 tỉ đồng nối Đà Nẵng với Hội An
- Đà Nẵng kêu gọi đầu tư vào 7 dự án chiến lược
- Phân khúc nào khuấy động thị trường cuối năm?
- Báo Mỹ 'sững sờ' trước nhà nghỉ độc, lạ tại Đà Nẵng
- Khởi động cuộc bình chọn “Dự án dẫn đầu xu thế”
- Bất ngờ với sự xuất hiện của một dàn sao đình đám tại Cầu Vàng
- Đà Nẵng nghiêm cấm mở bán nhà ở khi chưa đủ điều kiện
- Nhiều đại gia đổ vốn vào dự án condotel