(Chinhphu.vn) – Trong phiên làm việc sáng nay (6/4), Quốc hội đã biểu quyết thông qua 4 dự thảo luật, gồm Luật Tiếp cận thông tin; Luật Dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi).
Luật hoá quyền tiếp cận thông tin
Luật Tiếp cận thông tin quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện việc tiếp cận thông tin; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Theo quy định của luật, mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Hiến pháp 2013 đã xác định rõ quyền tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của công dân. Do vậy, Luật Tiếp cận thông tin thể chế hóa quy định này của Hiến pháp, bảo đảm để công dân nước CHXHCN Việt Nam được thực hiện đầy đủ quyền của mình.
Luật Tiếp cận thông tin bao gồm 5 chương, 37 điều đã được các đại biểu Quốc hội thông qua với tỉ lệ 88,46% tán thành. Luật có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2018.
Cụ thể nhiều quy định về hành nghề dược
Với 88,06% đại biểu tán thành, Luật Dược (sửa đổi) gồm 14 chương 116 điều đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.
Trước đó, Quốc hội đã xin ý kiến ĐBQH qua phiếu về quy định thời hạn của chứng chỉ hành nghề dược. Theo đó, 62,67% ĐBQH nhất trí cho rằng cần quy định chứng chỉ hành nghề được cấp 1 lần. Các quy định thu hồi chứng chỉ hành nghề khi không cập nhật kiến thức chuyên môn liên tục (Khoản 9 Điều 28) và các biện pháp hậu kiểm khác sẽ bảo đảm tính khả thi của quy định này.
Luật Dược quy định về chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; hành nghề dược; kinh doanh dược; đăng ký, lưu hành, thu hồi thuốc và nguyên liệu làm thuốc; dược liệu và thuốc cổ truyền; đơn thuốc và sử dụng thuốc; thông tin thuốc, cảnh giác dược và quảng cáo thuốc; dược lâm sàng; quản lý thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thử thuốc trên lâm sàng và thử tương đương sinh học của thuốc; quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc và quản lý giá thuốc. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động dược tại Việt Nam.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế gồm 4 Điều đã được Quốc hội thông qua với 86,64% đại biểu tán thành.
Dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) gồm 5 chương, 22 điều cũng đã được Quốc hội thông qua với 91,30% tán thành.
Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) nêu rõ về đối tượng chịu thuế (Điều 2), một số ý kiến đề nghị luật hóa đối tượng chịu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối. Trong trường hợp quy định tại các văn bản dưới luật, đề nghị giao Chính phủ hướng dẫn Điều này.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo bổ sung một khoản quy định về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu, quyền phân phối vào Điều 2 của dự thảo luật. Đồng thời, để bao quát, xử lý toàn diện các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Điều 2 của dự thảo luật, giao Chính phủ quy định chi tiết điều này. Nội dung này được thể hiện tại Khoản 3, Khoản 5 Điều 2 của dự thảo luật.
Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2016. Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
Xuân Tuyến
Theo Cổng TTĐT Chính Phủ
Các bản tin khác
- Những chính sách mới về đất đai có hiệu lực trong tháng 8-2014
- Tọa đàm về một số kỹ năng cần lưu ý khi giao kết, thực hiện hợp đồng
- Tăng trưởng bất động sản du lịch và cải thiện giao dịch đất nền
- 1,13 tỷ USD vốn FDI “đổ” vào bất động sản
- Mua nhà có cần chọn năm hợp tuổi?
- Bất động sản Đà Nẵng đang khởi sắc
- Mua nhà sở hữu chung: rủi ro rình rập
- Luật Đất đai mới "mở cửa" cho nhà ĐTNN tham gia vào thị trường BĐS
- Đà Nẵng khánh thành hệ thống thông tin chính quyền điện tử
- Giao dịch BĐS tiếp tục phục hồi tích cực
- Bác tin mua chung cư phải nộp tiền sử dụng đất
- Có ngoại tệ, được sử dụng như thế nào?
- Khóc ròng vì luật thay đổi
- Đất ở lâu năm nếu đủ điều kiện sẽ được cấp giấy
- Triển khai dịch vụ chuyển phát nhanh kết quả giải quyết thủ tục hành chính công
- Khối ngoại rót vốn vào tài chính, y tế và địa ốc
- Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng
- Họp triển khai Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT về thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai
- Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời: Vấn đề chứng thực và việc lạm dụng các bản sao có chứng thực trong thực hiện thủ tục hành chính
- VinaLiving chào bán bất động sản Đà Nẵng