(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng đã và sẽ mở thêm nhiều phố chuyên doanh từ thời trang, ẩm thực, mỹ nghệ, hoa cây cảnh, khách sạn… Những tuyến phố này đang tạo nên một diện mạo văn minh thương mại mới cho TP.
Văn minh hơn
Vỉa hè bên bờ kênh trên đường Nguyễn Đình Tựu (P. An Khê) hiện đang được Q.Thanh Khê triển khai xây dựng phố chuyên doanh đồ mỹ nghệ, lưu niệm. Tổng cộng có 25 lô với diện tích 30m2/lô được quận đầu tư xây dựng theo phương thức xã hội hóa. "Tất cả các cửa hàng được xây dựng theo mẫu mã chung với kết cấu kiên cố. Mỗi hộ kinh doanh sẽ đóng kinh phí từ 10-15 triệu đồng/lô, cụ thể thế nào chúng tôi sẽ họp dân bàn bạc trong tháng 4 này"- Phó trưởng phòng Kinh tế Q.Thanh Khê Nguyễn Tùng Khương nói. Tuy vậy, theo ông Khương, vấn đề "đau đầu" nhất hiện nay là quy hoạch chỉ có 25 lô song số người đăng ký đã cao gấp đôi. Vì thế, quận phải lựa chọn khắt khe, ưu tiên cho những hộ nghèo, có hộ khẩu trên địa bàn quận, đã có kinh nghiệm kinh doanh đồ mỹ nghệ. Cũng theo ông Khương, việc mở phố chuyên doanh này sẽ góp phần quan trọng vào thực hiện chủ chương văn minh đô thị trên địa bàn quận. Cụ thể, tại P. Xuân Hà có 17 hộ kinh doanh khảm gỗ, thủ công mỹ nghệ thường xuyên lấn chiếm vỉa hè, khi di dời về phố chuyên doanh này sẽ đi vào quy củ, tạo bộ mặt đô thị nề nếp hơn. Mặt khác do vỉa hè giáp bờ kênh đường Nguyễn Đình Tựu rộng, không lập phố chuyên doanh phải đối mặt với tình trạng xả rác, xà bần rất nhếch nhác, ô nhiễm môi trường.
Thực ra việc chọn đường Nguyễn Đình Tựu lập phố chuyên doanh mỹ nghệ là phù hợp, bởi đã có tiền đề từ phố hoa Nguyễn Đình Tựu trước đó. 2 năm trước, cũng tại đường Nguyễn Đình Tựu (phía bên kia cầu Đồng Xuân) Q. Thanh Khê đã lập phố chuyên doanh sinh vật cảnh. Bằng hình thức đầu tư xã hội hóa, hơn 70 hộ kinh doanh sinh vật cảnh đã tham gia, tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động. Từ chỗ vỉa hè đầy rác, các quán nhậu kê bàn ghế tràn lan, dòng kênh ô nhiễm bốc mùi hôi hám vậy mà nay đã thành phố chuyên doanh hoa cây cảnh có tiếng. Từ phố hoa này là đầu mối cung cấp hoa, sinh vật cảnh cho cả Đà Nẵng lẫn các địa phương lân cận như Hội An, Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi. Vào các dịp tết, lễ phố hoa này rất nhộn nhịp, trở thành điểm đến lý tưởng cho những người yêu thích hoa, cây cảnh. Ông Phan Văn Thái- Chủ tịch P.An Khê nhìn nhận, việc lập phố chuyên doanh sinh vật cảnh này đã tạo nên diện mạo khu phố văn minh, sạch sẽ, đóng góp ngân sách quan trọng cho địa phương.
Tương tự phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn được thành lập sớm nhất ở Đà Nẵng, hiện có 86 cơ sở kinh doanh áo quần, 22 cơ sở kinh doanh túi xách, giày, mui nệm, 111 cơ sở kinh doanh các dịch vụ khác… đã trở thành một trong những tuyến phố khang trang, văn minh nhất của Đà Nẵng hiện nay. Ngoài việc được TP đầu tư làm lại vỉa hè, ngầm hóa dây điện, trồng cây xanh; được tập huấn kỹ năng bán hàng, giao tiếp văn minh, lịch sự; rồi Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, hàng hóa đảm bảo nguồn gốc, chất lượng; tất cả đã tạo nên diện mạo văn minh đúng nghĩa của phố chuyên doanh, góp phần vào hình thành văn minh đô thị nói chung cho TP.
Phố thời trang Lê Duẩn. |
20 tỷ đồng lập phố cơm niêu
Nhiều phố chuyên doanh khác cũng đang được Đà Nẵng đẩy mạnh triển khai, góp phần tạo nên diện mạo, những nét văn minh thương mại mới. Theo Phó chủ tịch UBND Q. Thanh Khê Nguyễn Thanh Xuân, việc hình thành phố cơm niêu Nguyễn Tri Phương (đoạn từ Điện Biên Phủ đến Nguyễn Văn Linh) là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm mà TP giao cho quận thực hiện trong năm 2016. Qua khảo sát, đoạn đường này là địa điểm kinh doanh nhà hàng cơm niêu được nhiều người dân, khu khách lựa chọn khi đặt chân tới Đà Nẵng. Hiện đoạn đường tổng chiều dài khoảng 800m có 69 cơ sở kinh doanh nhưng chỉ có 8 nhà hàng cơm niêu phục vụ du lịch, 6 cơ sở cà-phê giải khát, 55 cơ sở khác như vật liệu xây dựng, thiết kế nội thất, chuyển phát nhanh, điện tử… Bên cạnh việc vận động, thuyết phục các hộ kinh doanh khác chuyển sang kinh doanh cơm niêu, quận cũng đề xuất TP cấp kinh phí 18 tỷ đồng (quận đầu tư 2 tỷ đồng) để cải thiện hạ tầng. Cụ thể sẽ quy hoạch, đầu tư lại hệ thống bó vỉa, vỉa hè, hệ thống nước thải, điện chiếu sáng, cây xanh, vị trí đậu đỗ ô-tô, vạch sơn phân làn…
Để thực hiện định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang ngành dịch vụ, nhiều phố chuyên doanh mới cũng sẽ được Thanh Khê triển khai. Cụ thể phố chuyên doanh khách sạn, nhà nghỉ sẽ triển khai ở đường Nguyễn Tất Thành. Hiện tuyến đường này có 21 khách sạn; 42 nhà nghỉ, trọ; 61 nhà hàng, dịch vụ ăn uống. Phố chuyên doanh điện tử sẽ được triển khai tại đường Hàm Nghi. Hiện đường Hàm Nghi có 129 cơ sở kinh doanh trong đó có 48 cơ sở điện tử-kỹ thuật số, 68 có sở kinh doanh ngành nghề khác như tài chính, cà-phê, trang trí nội thất, karaoke…
Việc thành lập các phố chuyên doanh không chỉ giúp đầu tư hạ tầng khang trang mà còn tạo nên những tuyến phố đặc trưng cho Đà Nẵng. Từ đây, hình thành nên những tuyến phố thương mại văn minh, mang lại lợi ích thiết thực cho các hộ kinh doanh cũng như tạo thuận lợi cho người dân, du khách.
Thành Nam
Theo Báo CA ĐN
Các bản tin khác
- Đà Nẵng hoán đổi 6.000 m2 đất để mở rộng công viên APEC
- Luật Kinh doanh Bất động sản đang ‘bất lực’ với condotel
- Kết nối điểm tham quan bằng xe buýt
- Mặt tiền biển tác động giá trị bất động sản nghỉ dưỡng biển
- Cho phép chuyển đổi công năng nhà ở sang khách sạn, văn phòng, nhà hàng
- Bốn lý do giá đất sốt cao nhưng khó giảm
- Vicoland Group hợp tác đầu tư với tập đoàn bất động sản hàng đầu thế giới Extell của Hoa Kỳ
- Có nên mua lúc thị trường diễn ra sốt đất?
- "Đỏ mắt" tìm mua nhà ở
- Câu chuyện dài về thị trường bất động sản
- "Đổi đời" nhờ đất?
- Ra mắt trang zalo Công ty Bất động sản VIP
- Hàng ngàn hộ dân ở Đà Nẵng khổ vì quy hoạch treo, dự án dang dở
- Nhiều hoạt động hấp dẫn tại "Đà Nẵng-Điểm hẹn mùa hè 2018"
- Điểm nhấn văn hóa, thể thao tại khu phố An Thượng
- Tháp đôi 1.800 tỷ tại Đà Nẵng ra mắt phân khu căn hộ nghỉ dưỡng
- Căn hộ chỉ 24m2 này có gì hay ho mà ai cũng mơ ước được sở hữu?
- Thị trường bất động sản: Lạc quan thận trọng
- Đề xuất đầu tư 870 tỷ đồng làm hầm chui nút giao phía tây cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý
- Khu Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn: Bao giờ triển khai?