Với lịch sử 110 năm tồn tại, Ga Đà Nẵng từ chỗ nằm ở vùng ven, đến nay đã nằm lọt thỏm giữa trung tâm thành phố. Điều này khiến Ga Đà Nẵng trở nên khá “đặc biệt” khi các chuyến tàu Bắc-Nam ghé ga phải đi vào trung tâm thành phố gần 10km, sau đó quay ngược trở ra.
Ga Đà Nẵng hiện nay nằm ở trung tâm thành phố, gây cản trở giao thông và phát triển đô thị. |
Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cũng như phát triển đô thị. Chính vì vậy, từ lâu, thành phố Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sớm có phương án di dời Ga Đà Nẵng ra khỏi khu vực trung tâm thành phố.
Tại Thông báo số 186/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ ngày 5-5-2014 nêu rõ: “Đồng ý về chủ trương, giao Bộ GTVT xem xét xử lý kiến nghị của thành phố Đà Nẵng về việc di dời Ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố”.
Thế nhưng, vì nhiều lý do khách quan, việc di dời Ga Đà Nẵng bị kéo dài khá lâu, đến nỗi tháng 8-2015, khi dẫn đầu đoàn cán bộ của Bộ GTVT làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã thốt lên “Tại sao việc di dời Ga Đà Nẵng lại quá chậm trễ như vậy? Đây là điều không thể chấp nhận được”.
Cũng tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Đinh La Thăng có ý kiến chỉ đạo các đơn vị trực thuộc: “Ngay trong tháng 9-2015, phải có phương án sơ bộ di dời Ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố để đến quý 4-2015 phê duyệt phương án chính thức. Khởi động từ năm 2004, nhưng đến nay vẫn còn như vậy là quá trễ không thể chờ thêm được nữa”.
Về phía Đà Nẵng, ngay tại cuộc họp này, lãnh đạo thành phố cho biết sẵn sàng dành quỹ đất cho nhà đầu tư có thể triển khai ngay các hạng mục của nhà ga mới trên địa bàn quận Liên Chiểu. Thông tin này thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận, nhất là những người dân sống gần khu vực Ga Đà Nẵng hiện nay cũng như khu vực ga mới sẽ được xây dựng. Tuy nhiên, một lần nữa dự án di dời vẫn chưa thể triển khai được.
Sốt ruột trước sự chậm trễ của dự án này, ngày 15-3 vừa qua, UBND thành phố đã làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) và nhóm tư vấn thực hiện nghiên cứu tiền khả thi “Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị”.
Tại buổi làm vịêc, cả nhóm tư vấn và lãnh đạo thành phố đều có chung quan điểm ủng hộ phương án 1A do Bộ GTVT đưa ra. Phương án này có nhiều ưu điểm nổi trội như hướng tuyến đường sắt hoàn toàn phù hợp với quy hoạch tổng thể của thành phố; về tương lai hướng tuyến này hoàn toàn có thể khớp nối với tuyến đường sắt quốc gia, đường bộ quốc gia cũng như kết nối với Cảng Liên Chiểu sau này.
Đặc biệt, có thể tận dụng hạ tầng và không gian từ đường sắt hiện nay để phát triển hệ thống giao thông công cộng như xe buýt nhanh, xe buýt khối lượng lớn. Cụ thể, theo phương án 1A, Ga Đà Nẵng mới sẽ được di dời về phía tây thành phố, trên địa bàn quận Liên Chiểu.
Trong đó, ga hành khách (giai đoạn 1) nằm trên địa bàn hai phường Hòa Minh và Hòa Khánh Nam có quy mô 33ha, ga hàng hóa (giai đoạn 2) có quy mô 25ha nằm trên địa bàn phường Hòa Hiệp Nam. Ngoài ra, còn có các hạng mục xây dựng tuyến đường sắt mới với chiều dài 16km, 6 cầu vượt đường bộ.
Tổng vốn đầu tư trên 442 triệu USD, trong đó vốn vay ODA từ WB 334 triệu USD, phần còn lại 107 triệu USD huy động từ các nguồn của địa phương. Tại buổi làm việc, đại diện WB cũng thông báo lộ trình rất cụ thể để triển khai như giữa tháng 4-2016 sẽ có báo cáo giữa kỳ và đến tháng 6-2016 thiết kế sơ bộ.
Tuy nhiên, ngày 11-4, trao đổi với chúng tôi về thông tin dự án, đại diện Sở GTVT thành phố cho biết “chưa có gì mới kể từ sau cuộc họp hồi tháng 3-2016”. Đặc biệt, mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương có liên quan sớm triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng phương án huy động vốn để thực hiện việc di dời Ga Đà Nẵng và các công trình liên quan ra khỏi khu vực trung tâm thành phố.
Theo các chuyên gia trên lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, việc thành phố Đà Nẵng “nóng ruột” với dự án này cũng là điều dễ hiểu vì nếu ngay trong năm 2016 này bắt tay vào triển khai dự án thì nhanh nhất cũng phải mất từ 4-5 năm mới hoàn thành. Trong khi đó công tác quy hoạch chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm, lập lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố đã trở nên cấp thiết và không thể kéo dài thêm được nữa.
Bài và ảnh: Thanh Vân
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Thêm 14 đoạn, tuyến đường cấm đỗ xe theo ngày chẵn, ngày lẻ
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các dự án đang triển khai ven sông Hàn
- "Nóng" hội thảo phản biện dự án ven sông Hàn
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các dự án đang triển khai ven sông Hàn
- Ngày 2-9: Khởi công dự án cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý
- Người mua lại căn hộ tại chung cư An Trung 2 có thể bị mất trắng?
- Vụ án Công ty Quảng Đà lừa bán “đất ma”: “Đệ tử ruột” của siêu lừa Nguyễn Thị Bích Thuận sa lưới
- Cò tháo lui, giá đất Đà Nẵng hạ nhiệt
- Thủ tướng: Nghiên cứu cấp “sổ đỏ” cho loại hình bất động sản mới
- Cần siết chặt quản lý sàn giao dịch bất động sản
- Chuyển hướng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
- Đề nghị hồ thủy điện báo cáo kế hoạch tích nước định kỳ 10 ngày liên tục
- Thông tuyến sông Cổ Cò kết nối Đà Nẵng- Hội An trước tháng 9-2020
- Từ 13-5 đến 17-7, tạm dừng hoạt động Cảng Sông Hàn
- Xử lý việc tung tin đồn gây sốt đất ảo
- Chi phí không chính thức đang đè nặng lên doanh nghiệp
- Cần siết chặt quản lý sàn giao dịch bất động sản
- Đề xuất giải pháp thanh toán nợ tiền chuyển quyền sử dụng đất
- Quy định mới về lệ phí trước bạ nhà đất, ô-tô
- Dự thảo hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng từ 1-7-2019