Các thủ tục hành chính liên quan tới quyền của người sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sẽ được rút gọn tối đa, theo dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế.
Liên thông để “chữa” bất cập
Hiện nay, do thiếu sự liên thông về thủ tục hành chính giữa công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế nên người dân phải thực hiện nhiều thủ tục riêng lẻ khác nhau tại các tổ chức, cơ quan như Tổ chức hành nghề công chứng, Văn phòng đăng ký đất đai, kho bạc, cơ quan thuế… mất rất nhiều thời gian.
Hơn nữa, việc thực hiện từng thủ tục riêng lẻ ở các cơ quan, tổ chức nói trên không chỉ làm phát sinh nhiều thủ tục con gây phiền phức cho người dân, mà còn dẫn đến sự chia cắt thông tin gây khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước, có thể tạo điều kiện cho tiêu cực, tranh chấp liên quan đến bất động sản.
Đó là chưa kể, có những trường hợp, cá nhân, tổ chức, tuy đã ký kết hợp đồng, giao dịch tại tổ chức hành nghề công chứng nhưng sau đó không làm các thủ tục tiếp theo tại Văn phòng đăng ký đất đai, do đó Văn phòng đăng ký đất đai không cập nhật được thông tin biến động về quyền sử dụng đất, đồng thời cơ quan thuế cũng không thu được thuế đối với các hợp đồng, giao dịch này…
Do đó, Bộ Tài chính cùng với Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế để “sửa chữa” những bất cập nói trên.
Theo đó, dự thảo quy định đầu mối tiếp nhận và trả kết quả giải quyết chuỗi các thủ tục hành chính về công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế chính là tổ chức hành nghề công chứng.
Cụ thể, người yêu cầu công chứng nộp hồ sơ yêu cầu công chứng và hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký biến động về đất đai, hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính tại tổ chức hành nghề công chứng. Tổ chức hành nghề công chứng tiến hành tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ và thực hiện công chứng.
Trong trường hợp cần thiết, tổ chức hành nghề công chứng gửi phiếu yêu cầu cung cấp thông tin địa chính đến Văn phòng đăng ký đất đai để yêu cầu cung cấp thông tin về thửa đất. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin, Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp thông tin gửi tổ chức hành nghề công chứng.
Trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất đối với một phần thửa đất thì tổ chức hành nghề công chứng gửi phiếu yêu cầu đo đạc, tách thửa, hợp thửa hoặc phiếu yêu cầu kiểm tra bản trích đo địa chính của cá nhân, tổ chức, hộ gia đình đến Văn phòng Đăng ký đất đai. Trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ khi nhận được phiếu yêu cầu đo đạc địa chính (tách thửa, hợp thửa), Văn phòng đăng ký đất đai sẽ đo đạc địa chính để chia, tách thửa đất, gửi kết quả đến tổ chức hành nghề công chứng để bổ sung, hoàn thiện số liệu vào hợp đồng, giao dịch trước khi thực hiện chứng nhận hợp đồng, giao dịch.
Sau khi công chứng hợp đồng giao dịch, tổ chức hành nghề công chứng chuyển hồ sơ tới Văn phòng đăng ký đất đai (hoặc Bộ phận một cửa theo quy định của từng địa phương). Đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính mà người yêu cầu công chứng ủy quyền cho tổ chức hành nghề công chứng nộp thay thì tổ chức hành nghề công chứng thu tiền tạm ứng, ghi biên lai tạm thu để làm cơ sở thanh toán và thực hiện nộp tiền.
Sau đó, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc trả kết quả của chuỗi thủ tục liên thông cho người sử dụng đất.
Ích lợi của việc liên thông
Theo Bộ Tư pháp, việc áp dụng mô hình liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế sẽ giúp các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình tối giản số lần đi lại làm thủ tục hành chính - thay vì phải đi lại 7 đến 8 lần như hiện nay thì chỉ phải đi đến duy nhất một đầu mối là tổ chức hành nghề công chứng để nộp hồ sơ và nhận kết quả.
Về phía tổ chức hành nghề công chứng thực hiện ủy quyền của cá nhân, tổ chức, hộ gia đình cũng rút ngắn số lượt đi, về so với quy định hiện tại mà người dân phải làm, cụ thể: Không phải chứng thực các giấy tờ liên quan tại Ủy ban nhân dân cấp xã; không phải xin xác nhận của đơn vị vào hóa đơn, chứng từ đã nộp tiền sử dụng đất (nếu có); không phải làm thủ tục tách, hợp thửa riêng biệt trước khi đăng ký biến động; tạo điều kiện cho phép người nộp thuế lựa chọn thực hiện nộp thuế ở một số cơ quan được ủy nhiệm thu thuế; trường hợp thực hiện quyền đối với một phần thửa đất, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất lựa chọn dịch vụ đo đạc địa chính của Văn phòng đăng ký đất đai hoặc chủ động nộp bản trích đo địa chính.
Vì tổ chức hành nghề công chứng sẽ luân chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền nên sẽ giảm bớt được các hồ sơ trùng lặp, không cần thiết. Nói chung, chi phí thực hiện một quy trình thủ tục liên quan tới đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất giảm đáng kể.
Ngoài ra, quy trình liên thông cũng khắc phục được tình trạng không công nhận lẫn nhau kết quả giải quyết thủ tục giữa các cơ quan. Bởi vì, theo mô hình liên thông, thay vì cá nhân, tổ chức, hộ gia đình phải thực hiện thủ tục tách thửa, hợp thửa trước khi thực hiện đăng ký biến động, tổ chức hành nghề công chứng sẽ liên hệ với Văn phòng Đăng ký đất đai để đo đạc thực địa hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính của người dân sau đó mới chứng nhận hợp đồng.
Mô hình liên thông này cũng hạn chế thất thoát thuế cho nhà nước và tăng cường theo dõi, quản lý biến động đất đai theo hướng có một cơ quan đứng ra làm đầu mối hướng dẫn thực hiện chuỗi thủ tục cho người dân, hạn chế tình trạng do không hiểu quy định hoặc ngại làm thủ tục vì nhiều trình tự, giấy tờ phức tạp mà không thực hiện các thủ tục tiếp theo, chỉ dừng lại ở công chứng hợp đồng, khi có nhu cầu chuyển nhượng lại hủy hợp đồng mua bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất ban đầu, nên nhà nước thất thoát thuế.
Các bản tin khác
- Sắp vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản
- Thị trường bất động sản: Đo sức cầu quý cuối năm
- Đầu tư bất động sản, chọn đất nền hay nhà xây sẵn?
- Hồi sinh dự án DITP để đón đầu cơ hội thu hút đầu tư từ sự kiện APEC
- Lợi thế tại các dự án nghỉ dưỡng ven biển Đà Nẵng của VinaCapital
- Nghỉ lễ 2-9, Đà Nẵng có gì?
- Nhiều hoạt động hấp dẫn dịp nghỉ lễ 2-9
- Đà Nẵng: Hấp dẫn sở hữu đất nền kèm sổ đỏ ở phía tây thành phố
- Đầu tư bất động sản, chọn đất nền hay nhà xây sẵn?
- Đau đầu chuyện định giá đất
- Khu vực tây bắc thành phố: Bất động sản sôi động
- Thách thức cho bất động sản du lịch
- Tưng bừng Giải thể thao chào mừng 72 năm ngày truyền thống Ngành Tư pháp Việt Nam
- Những điểm check in đẹp như mơ dịp 2/9
- Sắp khai trương khu spa massage đẳng cấp lớn nhất tại Đà Nẵng và miền Trung
- Đà Nẵng: Khai trương khách sạn 4 sao theo mô hình condotel ngay trong lòng Thành phố
- Thị trường bất động sản: Hết ngại tháng Ngâu
- Khách hàng “ruột” của Sun Group trải nghiệm kỳ nghỉ đặc quyền
- Hơn 750 người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam
- Bất động sản ngầm, ‘cuộc chiến’ mới của siêu đô thị