Nhằm tháo gỡ nút thắt cho thị trường BĐS hiện nay, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định giảm lãi suất huy động và cho vay, nới lỏng tín dụng BĐS... đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực.
Luồng sinh khí mới
Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Sàn BĐS Thiên Việt (số 1 Trúc Khê, P.Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: “Theo quan điểm phía sàn BĐS, đây là tín hiệu rất tích cực vì sau khoảng thời gian nửa năm ngoái sang đến năm nay, thị trường BĐS gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt về vốn. Việc nới lỏng tín dụng BĐS đã thổi một luồng sinh khí mới, giúp tháo gỡ cho DN cũng như những người đang mắc kẹt trong một số dự án chuyển đổi. Đây cũng là thời điểm người mua nhà có nhu cầu ở thực sự sẽ có cơ hội tiếp cận được các dự án. Các dự án đã hoàn thành hoặc sắp bàn giao nhà sẽ có khả năng bán được. Những đối tượng có nguồn tiền lớn và ổn định cũng sẽ mua nhiều”.
Anh Nguyễn Đức Anh, ngụ tại 178 Tây Sơn, Q.Đống Đa, Hà Nội đang có nhu cầu mua nhà cho biết: “Việc thiếu vốn BĐS là do đầu cơ, nay Ngân hàng Nhà nước quyết định nới lỏng tín dụng BĐS sẽ có lợi cho người mua như chúng tôi, tạo điều kiện để chúng tôi chọn được sản phẩm nhà ưng ý, chất lượng và đặc biệt là giá cả chấp nhận được. Thời điểm này, sẽ không có cơ hội cho những nhà đầu tư đầu cơ giữ giá, bởi có thể xảy ra khủng hoảng thừa giá cao dẫn đến hàng ế ẩm, nợ xấu cao… vay mà không sử dụng hiệu quả, sẽ thêm nỗ nặng, khó phục hồi”.
Tuy nhiên, bên cạnh những nhận định về sự khởi sắc của thị trường BĐS trong thời gian tới, vẫn có không ít ý kiến bày tỏ thái độ thận trọng.
Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Bá Sơn - Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực I nhận định: “Mở tín dụng thì sẽ giúp giải phóng hàng tồn kho BĐS, tạo ra chu chuyển vốn cho nền kinh tế. Nếu lĩnh vực BĐS được tháo gỡ một phần thì nhiều lĩnh vực khác cũng sẽ được tháo gỡ như xi măng, sắt thép và giúp giảm nợ xấu trong ngân hàng. Tuy nhiên, vay đầu tư vào thị trường này cũng chưa chắc tiêu thụ được BĐS, bởi trên thực tế, giảm lãi suất huy động nhưng lãi suất cho vay chưa giảm nhiều, việc tiêu thụ cũng khó mà giải ngân trả nợ ngân hàng càng khó hơn, đặc biệt là đối với các chủ đầu tư xây dựng”.
Tín hiệu tốt đối với thị trường thép
Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tín dụng, tiếp tục cho vay đầu tư BĐS, xây nhà để ở, nhà cho thuê thực sự là một tín hiệu tốt đối với thị trường thép hiện nay. Các DN thép rất phấn khởi khi đón nhận thông tin này. Thực tế là suốt một thời gian dài vừa qua, thị trường thép hết sức trầm lắng. Thị trường BĐS đóng băng khiến tiêu thụ thép sụt giảm mạnh. Hàng loạt DN thép phải sản xuất cầm chừng, lượng tồn kho lớn. Nếu không có những chính sách tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực xây dựng và BĐS thì tiêu thụ thép khó mà “bứt” lên được.
Theo nhận định của ông Nghi, nới lỏng chính sách tín dụng đối với xây dựng, BĐS là một xu hướng tốt, nhưng các chính sách khi đi vào cuộc sống bao giờ cũng có độ trễ nên ngay lúc này chưa thể dự đoán được tiêu thụ sẽ tăng lên bao nhiêu. Và mặc dù tín dụng được nới lỏng nhưng DN cũng không dễ tiếp cận vốn như trước đây mà ngân hàng sẽ phải xem xét từng dự án, từng trường hợp cụ thể. Để được vay vốn ngân hàng cũng không phải dễ dàng gì. Mặc dù vậy, các DN thép đều kỳ vọng những khó khăn của thị trường BĐS hiện nay sẽ dần được tháo gỡ. Có như vậy lĩnh vực xây dựng mới sôi động trở lại, tiêu thụ thép mới tăng lên. Theo thống kê của VSA trong 3 tháng đầu năm nay tiêu thụ thép vẫn giảm 10% so với năm ngoái. Lượng thép tồn kho tính đến 31/3 là 288 nghìn tấn.
Ngân hàng được lợi
Ông Lê Văn Chung - Chủ tịch Hội đồng thành viên TCty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) khẳng định khi Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định cắt giảm lãi suất chủ chốt, trong đó có lãi suất cho vay, đồng thời mở van tín dụng cho BĐS như cho vay mua bán nhà ở đầu tư, đầu cơ, để ở, cho vay xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, vay tiêu dùng… các DN hoạt động sản xuất kinh doanh rất mừng, hy vọng sẽ tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ.
Nhưng thực tế DN chưa tiếp cận được nguồn vốn vay như kỳ vọng bởi DN vẫn phải vay với mức lãi suất 15 - 16%/năm hoặc cao hơn. Đây là mức lãi suất khá cao trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cao, thị trường đầu ra khó khăn và để DN tạo ra được lợi nhuận 10 - 15% là cực khó.
Theo ông Chung, quyết định vừa rồi cứu nguy và làm lợi cho ngân hàng là chính. Các DN ngành Xây dựng trong đó có các DN sản xuất VLXD vẫn đang mệt mỏi trông chờ sự khởi sắc, mong chính sách sẽ tiếp tục được xem xét và điều phù hợp để DN thoát khỏi khó khăn, ổn định và phát triển.
Tiếp cận nguồn vay vẫn khó
Ông Đặng Hoàng Huy - Tổng giám đốc Cty CP VINACONEX Xuân Mai - chủ đầu tư 2 dự án nhà thu nhập thấp Ngô Thì Nhậm và Kiến Hưng: Quy định mới của ngân hàng đã mở tín dụng ra rất nhiều, tạo điều kiện để chủ đầu tư các dự án BĐS. Tuy nhiên, để tiếp cận với nguồn vốn này không hề dễ dàng. Nếu thực tế diễn ra đúng như tuyên bố của Thống đốc ngân hàng, lãi suất huy động 12%/năm và lãi suất cho vay sẽ giảm về 14 - 16% thì DN có thể giữ được ổn định sản xuất trước mắt, khắc phục khó khăn tạm thời. Tuy nhiên, nhiều DN cũng lo ngại rằng chính sách lại có độ trễ lớn, lãi suất cho vay trên thực tế vẫn chậm hạ nhiệt. Như năm 2011, ngân hàng công bố cho vay 17 - 18%, nhưng trên thực tế nhiều DN phải vay với lãi suất 20 - 22%/năm. Hay như đối với việc đầu tư các dự án nhà thu nhập thấp, theo quy định, các DN đầu tư sẽ được vay nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển. Nhưng thực tế, các DN đều phải đi vay vốn thương mại của các ngân hàng với lãi suất cao. Chúng tôi chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này. Vì theo hồ sơ vay vốn của Ngân hàng phát triển có mục chủ đầu tư dự án phải thế chấp tài sản bảo đảm tiền vay bằng tài sản khác, và hầu hết các chủ đầu tư sẽ khó đáp ứng điều kiện này bởi tài sản đã phải thế chấp để triển khai các dự án trước. Khi triển khai dự án nhà TNT Kiến Hưng, Cty đã phải vay vốn thương mại của ngân hàng VietinBank trên 300 tỷ đồng.
Chị Lê Thu Hà - giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội: Ngân hàng đã nới rộng để người mua nhà có thể vay được tiền, nhưng tiếp cận với nguồn vốn này gần như không tưởng. Theo quy định, đối tượng được mua nhà thu nhập thấp có mức thu nhập hàng tháng (tính bình quân theo đầu người) dưới mức bình quân theo quy định của UBND TP. Trong khi đó, theo quy định của ngân hàng, để được vay ưu đãi với mức lãi suất từ 15 - 19%/năm mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng, thì lương của khách hàng phải từ 10 triệu đ/tháng trở lên. Tôi may mắn được mua căn hộ tại dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng, Hà Đông. Nhưng vay mượn mãi mới được 70% số tiền phải nộp. Tôi đã mang hồ sơ đi hết các ngân hàng để hỏi vay nhưng không đâu chấp nhận. Nếu có ngân hàng nào đó cho những người mua nhà như chúng tôi vay thì tốt biết mấy, sẽ không phải tính nước trả lại nhà....
|
Nhóm Phóng viên
Các bản tin khác
- Vay gói 30.000 tỷ: Không đọc hợp đồng đổ hết cho môi giới là quá trễ
- 4 lợi thế của bất động sản Việt trong mắt sếp ngoại
- Quy hoạch đầu tư bệnh viện quốc tế phục vụ APEC 2017
- Thị trường bất động sản phục hồi
- Thông tư 36 không tác động mạnh đến dòng vốn tín dụng vào bất động sản
- Năm 2016, tâm điểm của thị trường bất động sản là phân khúc nghỉ dưỡng?
- Triển khai Đề án đơn giản hóa giấy tờ công dân năm 2016
- Thành lập Tổ công tác điều hành nghiên cứu tiền khả thi dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và Tái phát triển đô thị
- Được phép mua bán chỗ để ô tô trong chung cư
- Đà Nẵng: Sợ áp lực hạ tầng, dự án nhỏ khu trung tâm được giá!
- Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
- THƠ 8/3 HÀI HƯỚC, NHỮNG BÀI THƠ CHÚC MỪNG 8/3 HÀI HƯỚC NHẤT
- Nhiều hoạt động chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3
- Đường Lý Tự Trọng – Những sắc màu bình yên
- 243 tỉ đồng cải tạo, chỉnh trang 33 tuyến đường phục vụ APEC 2017
- Quy định mới về quản lý, sử dụng nhà chung cư
- Người “nghèo đô thị” ngày càng khó mua nhà?
- Nhà đẹp: Nhà phố 42 m2 thông thoáng
- 7 điều cần biết trước khi đầu tư nhà trong hẻm cụt
- Nhà giá rẻ sẽ "nóng" trở lại?