(PL)- Gói 30.000 tỉ đồng kết thúc nhưng vẫn còn hai “cửa” để vay tiền mua nhà giá rẻ.
“Các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm cổ phần chi phối phải dành ít nhất 3% dư nợ cho vay để cho vay mua nhà ở giá rẻ. Mức lãi suất cho vay tối đa đối với gói này bằng 50% lãi suất trên thị trường”. Đây là thông tin được ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết tại diễn đàn về giá trị thật bất động sản Việt Nam vừa diễn ra.
Lãi suất tương đương gói 30.000 tỉ
Chị Tuyết Lan, nhân viên văn phòng tại quận 3, TP.HCM cho hay mức thu nhập của chị chưa tới 9 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng chi tiêu thật tiết kiệm chị cũng chỉ có thể để dành được khoảng 3,5 triệu đồng. Với khoản tiền tích lũy quá eo hẹp như vậy, để mua được căn nhà có giá khoảng 600-700 triệu đồng là không đơn giản.
“Những người lao động thu nhập thấp như chúng tôi rất cần những chính sách hỗ trợ, nhất là về tín dụng mua nhà với lãi suất ưu đãi” - chị Lan bày tỏ.
Không riêng chị Lan, rất nhiều người khác cũng có chung mong muốn như vậy. Chính vì vậy, khi gói 30.000 tỉ đồng với lãi suất thấp chấm dứt cho vay mới, nhiều người thở dài “không biết đến khi nào mới có cơ hội mua nhà giá rẻ”. Nhiều người khác thì thắc mắc sau gói 30.000 tỉ đồng, liệu có một gói cho vay mua nhà nào tương tự hay không? Lãi suất bao nhiêu? Vay ở đâu, được vay trong bao lâu?…
ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, cho biết: “Việc hỗ trợ cho người dân mua nhà ở thương mại giá rẻ hay nhà ở xã hội đã có chính sách riêng (không liên quan đến gói 30.000 tỉ đồng - PV). Lãi suất ưu đãi của chương trình này do Ngân hàng Chính sách xã hội và bốn ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đảm đương. Điều này đã được quy định tại Nghị định 100/2015 về phát triển nhà ở xã hội”.
Nhu cầu mua nhà ở xã hội là rất lớn. Ảnh: TL
Theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong cùng thời kỳ.
Như vậy, với mức lãi suất cho vay thương mại dao động trong biên độ 10%-12%/năm dành cho mua nhà như hiện nay thì mức lãi suất để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội sẽ chỉ ở mức 5%-6%/năm. Mức lãi suất này chỉ tương đương với lãi suất gói ưu đãi 30.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, những người có nhu cầu mua nhà xã hội cũng có thể vay từ nguồn thứ hai được quy định tại Luật Nhà ở. Cụ thể, luật này nêu rõ giao Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay với các hộ nghèo mua nhà ở xã hội.
“Như vậy, sau khi khép lại gói 30.000 tỉ đồng, người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp vẫn còn có hai “cửa” vay với lãi suất ưu đãi và không giới hạn thời gian vay. Vì thế người có nhu cầu có thể yên tâm” - ông Nguyễn Trần Nam giải thích thêm.
Được dùng căn hộ thế chấp
Nhiều chuyên gia nhận định Nghị định 100 là “cứu cánh” giúp người trẻ, người thu nhập thấp, người nghèo được tiếp cận với lãi suất ưu đãi để mua nhà. Tại Điều 16 của nghị định này quy định rõ về đối tượng được vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Đó là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; công nhân làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các đối tượng khác theo quy định của Chính phủ.
Để được mua nhà ở xã hội, nhóm đối tượng này phải đáp ứng một số điều kiện như chưa có nhà hoặc có nhưng diện tích bình quân trong hộ gia đình dưới 5 m2 sàn/người; có nhà nhưng là nhà ở tạm, hư hỏng hoặc dột nát.
Ngoài ra, các nhóm đối tượng trên muốn được vay phải có 20% giá trị hợp đồng mua căn hộ và đáp ứng khả năng trả nợ; được dùng căn hộ mình mua để thế chấp.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có nhiều dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai. Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư tăng trưởng khá mạnh trong thời gian gần đây. Đã có nhiều dự án nhà ở xã hội hoàn thành với quy mô trên 3.130 căn hộ, trong đó nhiều dự án đang hỗ trợ khách hàng với lãi suất ưu đãi.
“Nhu cầu mua nhà ở xã hội là rất lớn. Vì thế NHNN Chi nhánh TP.HCM đã kiến nghị với thống đốc NHNN và các đơn vị liên quan đẩy mạnh triển khai chương trình này để hỗ trợ người dân mua nhà” - ông Minh thông tin.
Nhiều dự án dưới 1 tỉ đồng Bên cạnh những dự án nhà ở xã hội còn có nhiều dòng sản phẩm nhà ở thương mại vừa túi tiền. Chẳng hạn, Công ty Bất động sản Nam Long có dự án nhà thương mại giá rẻ ở quận 9. Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Thời Đại ra mắt dự án ở quận 8 với giá 800 triệu đồng/căn. Tập đoàn CT vừa khởi công dự án tại quận 9 với giá chào bán gần 1 tỉ đồng. _______________________________ 6.473 khách hàng đã được duyệt mua, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách tại tám dự án, theo Sở Xây dựng TP.HCM. |
THÙY LINH
Theo Báo Pháp luật TPHCM
Các bản tin khác
- Ngân hàng bảo lãnh giao dịch BĐS - Có khả thi?
- TS. Nguyễn Trí Hiếu: “Bất động sản là kênh đầu tư hấp dẫn nhất trong năm 2015”
- Đất Xanh 'bắt tay' Vietinbank triển khai hàng loạt dự án bất động sản
- Đầu cơ bất động sản tái xuất trước Tết
- Kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh Quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030
- Ngày 21-1, giao lưu trực tuyến giá đất tăng, đóng thuế ra sao?
- Sẽ sớm có nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở
- Thâu tóm bất động sản: Vì sao nhà đầu tư Việt “mạnh tay”?
- Vay gói 30.000 tỉ đồng: Không khó!
- Xây dựng người Đà Nẵng văn hóa, văn minh
- Không có chuyện luật cởi mở, nghị định thắt
- Thị trường BĐS TPHCM trên đà phục hồi
- Phố đêm 9 con thuyền, rộng 12.000 m2 bên bờ sông Hàn
- Bất động sản nhúc nhích: Người mua đừng theo phong trào
- “Cháy hàng” căn hộ nhà ở xã hội
- Đà Nẵng bán hơn 1.000 căn hộ nhà ở xã hội
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Thành ủy Đà Nẵng
- Chiến lược cho sự "chuyển mình mạnh mẽ" của bất động sản 2015
- Đầu cơ bất động sản tái xuất trước Tết
- Tín dụng bất động sản: Khởi sắc nhưng khó đột biến