Tình trạng giấy tờ giả và mạo danh chủ thể đi công chứng để lừa đảo đang rộ lên ngày một nhiều trên địa bàn TP.HCM. Ông Nguyễn Quang Thắng (ảnh), Trưởng phòng Công chứng số 1 kiêm Trưởng ban Vận động thành lập Hội Công chứng TP.HCM, đã chia sẻ với Thanh Niên về vấn đề này.
Đâu là nguyên nhân bùng phát nạn giấy tờ giả qua công chứng, thưa ông?
- Việc rộ lên trong thời gian qua nạn giấy tờ giả và mạo danh chủ thể đi công chứng có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi có 2 nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất là chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công chứng còn quá nhẹ. Khoản 3, điều 17 của Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23.7.2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp chỉ quy định phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng đối với hành vi làm giả hoặc sử dụng giấy tờ giả mạo, mạo danh chủ thể để được công chứng hợp đồng, giao dịch, là không ăn thua gì. Trong khi có kẻ gian bị phát hiện và bị bắt giữ đã khai với cơ quan thẩm quyền là khi làm một bộ hồ sơ giấy tờ giả có thể thu lợi bất chính từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Các bằng cấp giả - tang vật trong một vụ án bị công an triệt phá - Ảnh: Mai Trâm |
Nguyên nhân thứ hai là thiếu hẳn sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng với nhau trong xử lý vụ việc giả mạo giấy tờ, dẫn đến tình trạng “phủi tay cho xong việc”. Nghĩa là, cứ bàn giao được một hồ sơ giả giấy tờ hoặc giả người cho cơ quan khác là coi như đã giải quyết xong vụ việc. Do đó, nếu không tìm ra được và không triệt tận gốc các tổ chức chuyên làm giấy tờ giả để xử lý thì chúng ta vẫn chỉ “hớt” phần ngọn.
|
Các vi phạm trong lĩnh vực tư pháp (trong đó có công chứng), muốn xử lý hình sự thì phải qua khâu xử lý hành chính. Việc chuyển một hồ sơ từ cơ quan xử lý vi phạm hành chính sang cơ quan xử lý hình sự là cả một vấn đề rườm rà về thủ tục. Việc cơ quan điều tra chấp thuận thụ lý điều tra hay không, cơ quan công chứng không can thiệp được, thậm chí không còn biết kết quả xử lý ra sao vì không có quy định nào buộc cơ quan điều tra trả lời kết quả cho cơ quan công chứng vốn là nơi phát hiện ra vụ việc.
Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng giấy tờ giả lọt qua cửa công chứng là do có sự tiếp tay của công chứng viên (CCV)?
- Về nguyên nhân chủ quan, tôi xin khẳng định chắc chắn là không ai dại gì mà tự đeo gông vào cổ mình (biết giấy tờ giả nhưng vẫn chứng thực - PV). Sai sót thường là lỗi vô ý, có thể nói là tai nạn nghề nghiệp. Trước đây, chỉ có công chứng nhà nước, ở nội tỉnh còn chia địa hạt tạo độc quyền cho phòng công chứng. Từ đó sinh ra cửa quyền, nhũng nhiễu nên đôi khi có tình trạng tiêu cực vì đòi tiền lót tay mới công chứng.
Bây giờ đã xóa bỏ địa hạt, tồn tại song hành hai mô hình (công chứng nhà nước và công chứng tư nhân) theo hướng xã hội hóa nên hầu như hành vi tiêu cực ấy không còn nữa. Người dân có quyền chủ động lựa chọn nơi nào thoải mái nhất để đến công chứng.
Giấy tờ giả qua công chứng được xem là nhiều nhưng đã có CCV nào bị xử lý hình sự hoặc phải bồi thường thiệt hại?
- Làm sai thì phải bồi thường theo luật định, nhưng để bồi thường thì cơ quan điều tra phải xác minh, kết luận được lỗi hoàn toàn thuộc về CCV. Sau đó có bản án của tòa đã có hiệu lực pháp luật, quyết định lỗi cũng thuộc về CCV và bắt buộc CCV phải bồi thường. Trên thực tế thì chưa có CCV nào bị xử lý như thế.
Theo ông cần làm gì để giải quyết tình trạng nói trên?
- Hỗ trợ kiểm soát về mặt giấy tờ, Sở Tư pháp TP.HCM đang xây dựng trung tâm thông tin dữ liệu, liên thông giữa các tổ chức hành nghề công chứng trên toàn địa bàn. Sở cũng đã có kế hoạch sẽ mua bảo hiểm nghề nghiệp cho CCV đang hành nghề tại các phòng công chứng nhà nước để đề phòng lúc gặp rủi ro.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Hội Công chứng TP.HCM (vừa được UBND TP cho phép thành lập) sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp để có những khuyến cáo cụ thể cho các tổ chức hành nghề công chứng và các CCV thận trọng hơn trong tác nghiệp, khi tiếp xúc với hồ sơ và người đến công chứng, để chủ động phát hiện ra việc giả mạo...
Thêm địa chỉ tiếp nhận bức xúc của người dân
Hội Công chứng TP.HCM được thành lập theo Quyết định số 1854/QĐ-UBND ngày 9.4.2012 của Chủ tịch UBND TP.HCM. Theo kế hoạch, ngày 5.5 tới hội sẽ tổ chức đại hội.
Gặp trường hợp CCV thiếu trách nhiệm, làm khó hoặc có biểu hiện cư xử không đúng mực thì ngoài việc phản ánh cho lãnh đạo tổ chức hành nghề công chứng đang quản lý CCV và lãnh đạo Sở Tư pháp, khách hàng có thể phản ánh trực tiếp với Ban Chấp hành hội (trụ sở tạm thời đặt tại 97 Pasteur, P.Bến Nghé, Q.1), vì hội có nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền đối với hội viên là CCV đang hành nghề.
|
Đình Phú (thực hiện)
Các bản tin khác
- Tôn vinh “Sản phẩm, dịch vụ Việt Nam được tin dùng”
- Bổ sung đối tượng mua nhà được vay vốn ưu đãi
- Mở bán những căn hộ cuối tại Hyatt Regency Danang Residences
- Gia hạn thời gian sử dụng tòa nhà Siêu thị Đà Nẵng cũ thêm 3 năm
- Khởi công xây dựng Khu phố chuyên doanh đường Lê Duẩn
- Bộ Tư pháp hướng dẫn việc xác định có quốc tịch Việt Nam
- Khung giá đất ở tăng lên 162 triệu đồng/m2 theo dự thảo nghị định
- VIB cho vay mua ôtô với lãi suất ưu đãi 7,99%/năm
- Ngành Xây dựng Đà Nẵng: Tập trung cao độ cho công tác quy hoạch phát triển
- Nhà cho người nước ngoài: Mở cả sở hữu và kinh doanh?
- Doanh nghiệp xây dựng được bảo lãnh vay vốn
- Nhà đất bất ngờ bán chạy trong tháng Ngâu
- Thị trường bất động sản vẫn nhiều rủi ro
- Thị trường nhà chung cư tiếp tục vắng khách
- Cho vay tiêu dùng: Bánh ngon, nhưng dễ nghẹn
- Khi tiêu chuẩn đáng sống trở thành động lực phát triển
- Họp Ban soạn thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng (sửa đổi)
- Không giao dự án mới cho chủ đầu tư nợ sổ đỏ
- Tọa đàm góp ý dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số vấn đề về thế chấp và giải quyết tranh chấp về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
- 21 tỷ USD quy mô thị trường bất động sản Việt