Nói đi nói lại, cũng không biết giải thích ra sao người ta lại cứ thích căn nhà đó mà không phải căn nhà khác. Nên khi đã thuận mua rồi, thì hãy tính cách vừa bán cho nhanh chóng. Bởi đôi khi già néo đứt dây.
1.
Người nhà tôi vừa bán một căn nhà dạng biệt thự tại một quận ngoại thành. Căn nhà chị đã rao bán tới vài năm rồi, nhưng cũng chưa thấy ai chốt được giá để mua.
Người đến coi nhà phải tính tới con số vài chục, tuy nhiên, người thì trả giá khá rẻ do thấy gia chủ đang để sổ hồng ở trong ngân hàng; người thì đưa ra những yêu sách không hợp lý ví như phải sơn lại hết toàn bộ căn nhà, thổi PU cho toàn bộ cửa sổ gỗ.
Diện tích nhà khá rộng, việc sơn sửa này chiếm khoản tiền rất lớn, mà chẳng biết sau khi thực hiện xong, người mua có xuống tiền hay không trong khi chưa đặt cọc. Do vậy, mọi giao dịch chưa thể đi tới vòng chung kết.
Trước và trong khi rao bán, căn nhà đang được cho người nước ngoài thuê. Mỗi lần khách tới coi nhà là một lần ngại ngùng. Ngại cho cả hai bên. Người đang ở trong căn nhà ấy tất nhiên chẳng muốn có ai nhìn ngắm các phòng riêng đang ở.
Người đi mua nhà thì ngại vì người đang ở không phải là gia chủ cần bán. Tuy nhiên, cũng rất khó nếu như chấm dứt hợp đồng thuê nhà sớm hơn thời hạn, và thực lòng thì cũng tiếc tiền.
Một tháng trôi qua rất nhanh. Chưa có ai mua mà nhà để trống thì cũng để thất thoát 20 triệu/tháng tiền thuê nhà rồi. Vậy nên chủ nhà khá lấn cấn để đưa ra quyết định dứt khoát.
Thời gian gần đây, khi thị trường nhà đất bắt đầu ấm dần lên, thì nhiều người tới coi nhà hơn, gần như ngày nào cũng có người điện thoại hỏi han. Sự việc chỉ ngã ngũ khi có một người đàn ông sống ở gần đó quyết định trả giá gần sát với giá mà gia chủ đưa ra.
Hơn thế nữa, ông rất dễ chịu khi quyết định đồng ý không cần đặt cọc mà trả tiền luôn lần thứ nhất cho người bán nhà với số tiền đang vay trong ngân hàng, bao gồm cả tiền phạt trả trước hạn và tiền lãi trong tháng. Số tiền ấy, được người mua trả tiền tại ngân hàng vào tài khoản người bán, ghi rõ trả tiền lần thứ nhất.
Chỉ sau khi 2 tiếng đồng hồ, mọi thủ tục lấy sổ hồng thế chấp ra khỏi căn nhà được hoàn tất.
Cuốn sổ được một bên dịch vụ, đại diện cho cả người mua và người bán mang tới quận để giải chấp, hẹn 5 ngày lấy sổ. Ngày đó cũng đi công chứng luôn. Khoản tiền còn lại, được người mua trả ngay sau lúc công chứng, giữ lại 5% cho tới lúc cầm được sổ hồng.
2.
Điều đáng nói trong các giao dịch mua bán nhà đất, là thái độ thiện chí của cả người mua và người bán. Không tính các sự vụ có yếu tố lừa đảo, thì mọi giao dịch mua bán nhà đất thông thường sẽ khó tin cậy nếu hai bên đều ở tâm thế nghi ngờ nhau.
Một môi giới nhà đất đã kể, anh đã từng chứng kiến cảnh người mua và người bán không thực hiện được giao dịch, khi ở công chứng, cả hai bên, người thì không chịu ký khi bên kia chưa đưa tiền, người thì không đưa tiền khi bên kia chưa chịu ký. Lằng nhằng mãi mất thời gian, công chứng viên cũng không làm sao hoàn tất được công việc.
Mua bán nhà, là việc lớn của đời người. Chỉ có vài từ khi nói, nhưng đó là cả quá trình tích lũy rất dài của đại gia đình, hoặc của cá nhân. Để có khoản tiền mua nhà, không phải ngày một ngày mai dễ kiếm. Ngược lại, người bán nhà, họ đã vì lý do gì đó mà phải bán nhà đi, hoặc để trang trải nợ nần, hoặc mua căn nhà khác lớn hơn hoặc nhỏ hơn phục vụ mục đích riêng tư. Bởi vậy, nếu người mua hoặc người bán nhà đều đứng ở vị trí nghi ngờ nhau, thủ thế nhau, thì tốt nhất nên được tư vấn bởi bên môi giới hoặc luật sư. Thậm chí có người còn sử dụng thừa phát lại cho chắc ăn trong các thỏa thuận.
Nếu người mua nhà đã có thiện ý “thuận mua”, thì người bán nhà cũng cần phát tín hiệu “vừa bán”. Cả hai tín hiệu này gặp nhau, ở những người tử tế, thì chắc chắn mọi giao dịch sẽ ổn thỏa, tạo tâm lý thoải mái dễ chịu cho sự vụ khá khó nhọc này.
Vậy nên các cụ ta có câu “thuận mua, vừa bán” ngẫm nghĩ lại thấy thật hay. Bởi suy cho cùng, cái tâm lý “đắt bán chơi, rẻ để đấy” hoặc vừa trả giá vừa gièm pha như đồ bỏ đi chẳng mấy khi mang lại một cái kết có hậu.
Các bản tin khác
- Người thuê nhà cần biết 5 thay đổi lớn từ 01/7/2021
- Cách tính tiền Bảo hiểm xã hội một lần năm 2021
- Nhiều quy định về nâng lương cán bộ, công chức sắp thay đổi?
- Đà Nẵng điều chỉnh giảm 10% giá đất so với hiện nay
- Từ 01/7/2021, đăng ký thường trú, tạm trú có thể bị thu hồi Sổ hộ khẩu
- Vì sao Chứng minh nhân dân không nên ép dẻo?
- Thủ tục sang tên xe máy mới nhất: Kinh nghiệm thực hiện từ A đến Z
- Cách ghi số và ký hiệu văn bản đúng chuẩn Nghị định 30
- Hướng dẫn mới nhất về cấp Giấy xác nhận số CMND từ 18/11/2019
- Từ 22/5, chính thức cấp bản sao điện tử cho người dân
- Trường hợp nào gây thiệt hại mà không phải bồi thường?
- Một năm, người lao động được nghỉ việc riêng mấy lần?
- Đất không có Sổ đỏ có được chia thừa kế không?
- Hôm nay (15/5), nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực
- Từ 20/4/2020: Giấy ủy quyền chỉ được chứng thực trong 4 trường hợp
- 6 giao dịch về nhà ở không cần đến Sổ đỏ
- Các Văn phòng Công chứng tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống dịch Covid 19
- Đà Nẵng: Mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2
- Có Sổ đỏ trong tay, người dân được hưởng lợi thế nào?
- Thủ tục cấp Sổ đỏ khi mua bán nhà đất bằng giấy viết tay