TTO - Một số quận, huyện tại TP.HCM đã có cách cung cấp thông tin quy hoạch cho dân một cách thiết thực, thuận tiện. Chỉ sau 5 phút, người dân đã biết toàn bộ thông tin quy hoạch của căn nhà mình đang tìm hiểu.
Người dân được cung cấp thông tin quy hoạch tại Q.Gò Vấp, TP.HCM -Ảnh: Ngọc Hà |
Nhà, đất thuộc quy hoạch chức năng gì, lộ giới trước nhà bao nhiêu mét, hẻm giới có cắt vào nhà hay không, khu đất còn bao nhiêu mét vuông phù hợp quy hoạch, được xây dựng mấy tầng...?
Đó là những câu hỏi gần như lặp đi lặp lại đối với bất kỳ người dân nào đến với phòng cung cấp thông tin quy hoạch đặt tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, trụ sở UBND Q.Gò Vấp (TP.HCM).
Xem thông tin quy hoạch từ A đến Z
Hơn 8g ngày 26-4, tại phòng cung cấp thông tin quy hoạch Q.Gò Vấp có ba bốn người dân ngồi đợi trong khi nhân viên của phòng quản lý đô thị quận này đang tìm thông tin và giải thích quy hoạch cho người đến trước.
“Không nhiều người dân đọc được bản đồ quy hoạch. Bộ hồ sơ quy hoạch hiện rất chặt chẽ, chi tiết, đầy đủ, nhưng chỉ có người làm kỹ thuật mới đọc được. Bộ phận cung cấp thông tin quy hoạch ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân được biết tường tận về quy hoạch và những thông tin liên quan như cấp phép xây dựng được mấy tầng, quyền lợi và hạn chế của căn nhà, thửa đất ra sao” |
Lê Hoàng Hà - chủ tịch UBND Q.Gò Vấp |
Những người dân có nhu cầu xem thông tin quy hoạch về nhà, đất tự nhiên đẩy cửa bước vô phòng, ngồi ghế đợi đến lượt mình hỏi và nhường người đến trước một cách trật tự mà không cần lấy số thứ tự hay xếp hàng.
Bà Mai Thị Hoàng ở P.10, Q.Gò Vấp đang tìm hiểu để mua một căn nhà ở P.16 nên đem bản photo giấy chủ quyền nhà đến hỏi thăm quy hoạch. Cán bộ trực phòng cung cấp thông tin quy hoạch nhập số tờ, số thửa đất vào phần mềm trên máy vi tính để tìm vị trí nhà, đất trên sơ đồ nền, nhanh nhẹn mở bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất, bản đồ hẻm giới...
Khoảng một phút sau, trên màn hình máy tính xuất hiện bản đồ toàn bộ thông tin về căn nhà mà bà Hoàng đang muốn tìm hiểu. Để chắc là thửa đất vừa tìm ra trên bản đồ trùng với vị trí người dân cần hỏi, nhân viên nhấp vào các thửa đất bên cạnh để kiểm tra số thửa đất cho chính xác. Tất cả những hình ảnh trên màn hình máy tính trước mặt nhân viên được phóng to trên tivi lớn đặt ở góc bàn bên trái, ngang tầm mắt của người dân.
Nhân viên xem quy hoạch hỏi bà Hoàng sơ qua về vị trí căn nhà để xác định chính xác vị trí một lần nữa rồi bắt đầu thông tin về quy hoạch của căn nhà. Giọng của nhân viên trẻ chậm, rõ vừa đủ nghe nhưng rất tận tình. Chỉ sau 5 phút, bà Hoàng đã biết toàn bộ thông tin quy hoạch của căn nhà mình đang tìm hiểu.
Tương tự bà Hoàng, phần lớn người dân đến xem thông tin quy hoạch sáng 26-4 là người đang tìm mua nhà, vài người tìm hiểu quy hoạch nhà của mình để định giá rao bán hoặc lên phương án sửa chữa, xây dựng mới, cũng có người hỏi để xem quy hoạch chỗ nhà mình có thay đổi so với trước hay không...
Nhiều người cẩn thận chụp lại màn hình tivi phần bản đồ quy hoạch liên quan đến căn nhà mình tìm hiểu, có người không đem theo bản photo giấy chủ quyền nhà, đất mà đưa cho nhân viên chiếc điện thoại có hình chụp thông tin căn nhà...
Trong buổi sáng 26-4, nhân viên phòng quản lý đô thị cung cấp thông tin quy hoạch cho 26 người dân. Sổ theo dõi của bộ phận này cho thấy mỗi ngày trung bình có khoảng 50 người đến xem thông tin quy hoạch.
Ý tưởng từ nhu cầu của dân
Ông Nguyễn Khả Chính, trưởng Phòng quản lý đô thị Q.Gò Vấp, cho biết phòng cung cấp thông tin quy hoạch hoạt động từ tháng 9-2013 đến nay và mở cửa giờ hành chính tất cả các ngày trong tuần. Việc cung cấp thông tin quy hoạch dễ dàng nhằm tạo điều kiện cho người dân mua bán nhà, đất thuận tiện, rõ ràng, tránh nhầm lẫn.
Còn ông Lê Hoàng Hà, chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, chia sẻ ý tưởng thành lập phòng cung cấp thông tin quy hoạch bắt đầu từ nhu cầu thực tế của người dân.
“Không nhiều người dân đọc được bản đồ quy hoạch. Bộ hồ sơ quy hoạch hiện rất chặt chẽ, chi tiết, đầy đủ, nhưng chỉ có người làm kỹ thuật mới đọc được. Bộ phận cung cấp thông tin quy hoạch ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân được biết tường tận về quy hoạch và những thông tin liên quan như cấp phép xây dựng được mấy tầng, quyền lợi và hạn chế của căn nhà, thửa đất ra sao” - ông Hà chia sẻ.
Ngoài Q.Gò Vấp, nhiều quận huyện khác cũng có cách cung cấp thông tin quy hoạch đến cho người dân.
Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Q.Bình Thạnh có một bàn cung cấp thông tin quy hoạch, có nhân viên trực và máy vi tính để tra cứu thông tin quy hoạch cho dân. Người dân có nhu cầu chỉ cần đem bản photo giấy chủ quyền căn nhà, thửa đất mình cần tìm hiểu, nhân viên sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin về quy hoạch chức năng sử dụng đất, lộ giới, hẻm giới, tĩnh không...
Tuy nhiên, do bàn cung cấp thông tin quy hoạch mới có trong thời gian gần đây nên chưa được nhiều người dân biết đến. Một buổi sáng chỉ có hai ba người dân đến xem thông tin quy hoạch nhờ được các cơ quan, cán bộ khác giới thiệu.
Một lãnh đạo Văn phòng UBND Q.Bình Thạnh cho biết quận này đang có kế hoạch sửa lại khu vực tiếp nhận và trả kết quả nhằm dành riêng một phòng cho bộ phận cung cấp thông tin quy hoạch. Lúc đó, việc cung cấp thông tin quy hoạch đến người dân sẽ bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Còn UBND Q.8 đặt hai màn hình cảm ứng lớn ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, vừa để người dân tra cứu thông tin giải quyết hồ sơ hành chính, vừa cung cấp các đồ án quy hoạch cho dân.
Tuy nhiên, không nhiều người dân xem được quy hoạch vì đó chỉ là bản đồ quy hoạch tĩnh, người dân không tự tìm được vị trí thửa đất, căn nhà mình đang tìm hiểu.
Ông Nguyễn Nha Kha, chánh văn phòng UBND Q.8, cho biết sắp tới quận cải tiến phần mềm cho phần cung cấp thông tin quy hoạch ở các màn hình lớn này. Các bản đồ quy hoạch sẽ được tích hợp để phục vụ thông tin cho người dân một cách đơn giản và nhanh nhất. Người dân chỉ cần nhập số tờ, số thửa đất hoặc số nhà, tên đường thì phần mềm sẽ tự xử lý dữ liệu và hiện ra các thông tin quy hoạch cho dân.
Ông Nguyễn Thanh Toàn (phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM): Khuyến khích nhân rộng những mô hình tốt Hiện một số quận đã tự tìm tòi cách thông tin quy hoạch rộng rãi đến cho người dân. Một số quận đưa về tận tổ dân phố những thông tin như khu vực này có dự án gì, đường, hẻm khi nào triển khai, tiến độ thực hiện quy hoạch đến đâu... Tôi đã kiến nghị với Bộ Xây dựng sửa đổi quy định về kinh phí lập đồ án quy hoạch thì tính luôn cả kinh phí công khai quy hoạch, bao gồm thêm kinh phí trưng bày bản vẽ, quyết định tại cơ quan nhà nước, khu vực quy hoạch, ấn phẩm tuyên truyền trên thông tin đại chúng... Sở Quy hoạch - kiến trúc đang có đề án làm màn hình chạm để biết thông tin quy hoạch đặt tại các địa điểm công cộng. UBND các quận huyện sẽ thực hiện từ nguồn vốn xã hội hóa (kết hợp với quảng cáo), Sở Quy hoạch - kiến trúc sẽ cung cấp dữ liệu. |
Các bản tin khác
- Người thuê nhà cần biết 5 thay đổi lớn từ 01/7/2021
- Cách tính tiền Bảo hiểm xã hội một lần năm 2021
- Nhiều quy định về nâng lương cán bộ, công chức sắp thay đổi?
- Đà Nẵng điều chỉnh giảm 10% giá đất so với hiện nay
- Từ 01/7/2021, đăng ký thường trú, tạm trú có thể bị thu hồi Sổ hộ khẩu
- Vì sao Chứng minh nhân dân không nên ép dẻo?
- Thủ tục sang tên xe máy mới nhất: Kinh nghiệm thực hiện từ A đến Z
- Cách ghi số và ký hiệu văn bản đúng chuẩn Nghị định 30
- Hướng dẫn mới nhất về cấp Giấy xác nhận số CMND từ 18/11/2019
- Từ 22/5, chính thức cấp bản sao điện tử cho người dân
- Trường hợp nào gây thiệt hại mà không phải bồi thường?
- Một năm, người lao động được nghỉ việc riêng mấy lần?
- Đất không có Sổ đỏ có được chia thừa kế không?
- Hôm nay (15/5), nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực
- Từ 20/4/2020: Giấy ủy quyền chỉ được chứng thực trong 4 trường hợp
- 6 giao dịch về nhà ở không cần đến Sổ đỏ
- Các Văn phòng Công chứng tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống dịch Covid 19
- Đà Nẵng: Mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2
- Có Sổ đỏ trong tay, người dân được hưởng lợi thế nào?
- Thủ tục cấp Sổ đỏ khi mua bán nhà đất bằng giấy viết tay