Công chứng viên làm sai luật vì công chứng hợp đồng vào Chủ nhật. Nhà đất đang thế chấp không nên cho chuyển nhượng.
Mấy tháng nay, một bà cụ 75 tuổi ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã mất ăn mất ngủ khi phải đi thưa kiện con gái để đòi lại nhà. Vụ tranh chấp xem ra cũng bình thường nhưng lại gây nhiều bàn tán do lần đầu tiên tỉnh này phát hiện một văn phòng công chứng thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở với rất nhiều sai phạm.
Mẹ nói không cho, con nói có
Theo lời người mẹ là bà D. (ấp Châu Thành, xã Lịch Hội Thượng), bà có ý nguyện để lại căn nhà đang ở làm nhà từ đường. Cùng sống chung với bà có người con gái là chị N. Một dạo, nghe con gái nói cần mượn giấy tờ nhà để vay vốn ngân hàng, sau đó lại có công chứng viên đến nhà bảo ký giấy tờ, bà D. ký vì tưởng đó là hợp đồng vay tiền. Ai ngờ đó là hợp đồng tặng cho nhà giữa bà với chị N. và dựa vào hợp đồng chị N. đã đi sang tên nhà.
Khi phát giác việc làm của con, bà D. đã gửi đơn ngăn chặn Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện cấp giấy chủ quyền cho chị N. Song song đó, bà D. cũng đến văn phòng công chứng trên để hủy bỏ hợp đồng tặng cho đã ký. Do chị N. không chịu trả lại nhà và các giấy tờ liên quan nên bà D. đã khởi kiện ra tòa.
Lời khai trước tòa của người con lại hoàn toàn mâu thuẫn với mẹ. Theo chị N., chính mẹ chị đồng ý cho chị căn nhà trên. Trước khi ký hợp đồng, công chứng viên đã tóm tắt hợp đồng cho bà D. nghe.
Các tổ chức hành nghề công chứng phải thực hiện chế độ làm việc theo ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước. Ảnh minh họa: HTD
Tại phiên tòa sơ thẩm cuối năm 2011, TAND huyện Trần Đề nhận định: Công chứng viên đã đến nhà bà D. để công chứng hợp đồng vào ngày 29-8-2010, đúng vào Chủ nhật. Đáng nói là tại thời điểm đó, giấy tờ nhà đang được bà D. thế chấp trong ngân hàng để vay 650 triệu đồng. Theo tòa, do công chứng viên có nhiều vi phạm trong quá trình ký hợp đồng nên hợp đồng vô hiệu. Chị N. có nghĩa vụ giao trả cho bà D. căn nhà và các giấy tờ nhà đất vẫn mang tên bà D.
Không đồng ý với phán quyết này, chị N. đã kháng cáo và TAND tỉnh Sóc Trăng đã ký thông báo thụ lý vụ án theo trình tự phúc thẩm.
Không được công chứng vào Chủ nhật
Ông Trần Văn Bảy, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp - Sở Tư pháp TP.HCM, nhận định hợp đồng tặng cho nhà ở do Văn phòng Công chứng Ba Xuyên thực hiện có nhiều sai sót. Quan trọng nhất là tài sản không đủ điều kiện để giao dịch (đang đem thế chấp tại ngân hàng) mà công chứng viên vẫn công chứng hợp đồng tặng cho. Thể thức văn bản công chứng cũng không tuân thủ theo Luật Công chứng vì không có chữ ký vào từng trang của người yêu cầu công chứng và công chứng viên. Luật này cũng yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng phải thực hiện chế độ làm việc theo ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước. Do đó, công chứng viên đi chứng vào Chủ nhật là sai.
Ông Bảy cũng lưu ý theo Luật Công chứng, văn bản công chứng có giá trị chứng cứ và chỉ có tòa án mới được quyền tuyên bố là vô hiệu. Do đó, những trường hợp công chứng có sai sót về nội dung, hình thức thì phải do tòa án đánh giá, xem xét có hủy hay không.
Nhà đất đang thế chấp không nên cho chuyển nhượng
Liên quan đến tài sản thế chấp, tại hội nghị về đăng ký giao dịch bảo đảm do Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức vào ngày 18-4, đại diện một ngân hàng đề xuất nên cho phép đăng bộ chuyển nhượng nhà đất đang thế chấp, đồng thời tiếp tục duy trì thế chấp và chuyển giao nghĩa vụ sang chủ nhà mới.
Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP.HCM, khẳng định chỉ sau khi xóa thế chấp tài sản thì chủ sở hữu mới được quyền tiến hành đăng ký giao dịch khác. Việc đăng ký nhằm bảo đảm xác lập giá trị pháp lý của giao dịch, nếu “dễ dãi” thì không còn ý nghĩa. Đặc biệt, không thể giải quyết chuyển nhượng những căn nhà đang thế chấp kèm chuyển giao nghĩa vụ nợ vì rủi ro quá cao, rất dễ xảy ra tranh chấp sau giao dịch, nhất là trong tình trạng giấy tờ giả đang xuất hiện ngày càng nhiều.
(Pháp Luật TP.HCM ngày 19-4)
|
HÀM YÊN - ÁI PHƯƠNG
Các bản tin khác
- Tháo gỡ vướng mắc cho người mua đất, nhà dự án
- Hoa mắt với cách tính lãi suất vay tiêu dùng
- Có nên mua nhà làm của để dành?
- Cuộc giằng co giữa cơ hội - rủi ro của thị trường địa ốc
- Ra mắt Trang thông tin điện tử về Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Đà Nẵng: Hơn 54 tỷ đồng đầu tư Công viên Thanh niên
- Bất động sản: Đón dòng tiền nước ngoài, kiều hối
- Tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất
- Cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà trong các dự án bị cầm sổ đỏ
- Xem xét Dự án Công viên Thanh niên
- Thủ tướng chỉ thị lập kế hoạch sử dụng đất 2016- 2020
- Chuẩn bị 98 lô đất bố trí TĐC dự án Trung tâm thương mại chợ Cồn
- Học Bác thì hãy lặng lẽ hiến dâng
- Kỳ họp thứ 9: Quốc hội sẽ quyết định nhiều vấn đề trọng đại
- Hủy quyết định hỗ trợ lãi suất 10% tiền sử dụng đất
- Ai hưởng lợi khi bỏ giao dịch địa ốc qua sàn
- Giá đất Đà Nẵng tăng mạnh nhất cả nước
- Thanh khoản thị trường bất động sản tăng gấp 3 lần
- Toàn cảnh Bảng giá đất năm 2015 của cả nước
- Tháo gỡ ách tắc trong mua bán chung cư