Công chứng viên làm sai luật vì công chứng hợp đồng vào Chủ nhật. Nhà đất đang thế chấp không nên cho chuyển nhượng.
Mấy tháng nay, một bà cụ 75 tuổi ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã mất ăn mất ngủ khi phải đi thưa kiện con gái để đòi lại nhà. Vụ tranh chấp xem ra cũng bình thường nhưng lại gây nhiều bàn tán do lần đầu tiên tỉnh này phát hiện một văn phòng công chứng thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở với rất nhiều sai phạm.
Mẹ nói không cho, con nói có
Theo lời người mẹ là bà D. (ấp Châu Thành, xã Lịch Hội Thượng), bà có ý nguyện để lại căn nhà đang ở làm nhà từ đường. Cùng sống chung với bà có người con gái là chị N. Một dạo, nghe con gái nói cần mượn giấy tờ nhà để vay vốn ngân hàng, sau đó lại có công chứng viên đến nhà bảo ký giấy tờ, bà D. ký vì tưởng đó là hợp đồng vay tiền. Ai ngờ đó là hợp đồng tặng cho nhà giữa bà với chị N. và dựa vào hợp đồng chị N. đã đi sang tên nhà.
Khi phát giác việc làm của con, bà D. đã gửi đơn ngăn chặn Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện cấp giấy chủ quyền cho chị N. Song song đó, bà D. cũng đến văn phòng công chứng trên để hủy bỏ hợp đồng tặng cho đã ký. Do chị N. không chịu trả lại nhà và các giấy tờ liên quan nên bà D. đã khởi kiện ra tòa.
Lời khai trước tòa của người con lại hoàn toàn mâu thuẫn với mẹ. Theo chị N., chính mẹ chị đồng ý cho chị căn nhà trên. Trước khi ký hợp đồng, công chứng viên đã tóm tắt hợp đồng cho bà D. nghe.
Các tổ chức hành nghề công chứng phải thực hiện chế độ làm việc theo ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước. Ảnh minh họa: HTD
Tại phiên tòa sơ thẩm cuối năm 2011, TAND huyện Trần Đề nhận định: Công chứng viên đã đến nhà bà D. để công chứng hợp đồng vào ngày 29-8-2010, đúng vào Chủ nhật. Đáng nói là tại thời điểm đó, giấy tờ nhà đang được bà D. thế chấp trong ngân hàng để vay 650 triệu đồng. Theo tòa, do công chứng viên có nhiều vi phạm trong quá trình ký hợp đồng nên hợp đồng vô hiệu. Chị N. có nghĩa vụ giao trả cho bà D. căn nhà và các giấy tờ nhà đất vẫn mang tên bà D.
Không đồng ý với phán quyết này, chị N. đã kháng cáo và TAND tỉnh Sóc Trăng đã ký thông báo thụ lý vụ án theo trình tự phúc thẩm.
Không được công chứng vào Chủ nhật
Ông Trần Văn Bảy, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp - Sở Tư pháp TP.HCM, nhận định hợp đồng tặng cho nhà ở do Văn phòng Công chứng Ba Xuyên thực hiện có nhiều sai sót. Quan trọng nhất là tài sản không đủ điều kiện để giao dịch (đang đem thế chấp tại ngân hàng) mà công chứng viên vẫn công chứng hợp đồng tặng cho. Thể thức văn bản công chứng cũng không tuân thủ theo Luật Công chứng vì không có chữ ký vào từng trang của người yêu cầu công chứng và công chứng viên. Luật này cũng yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng phải thực hiện chế độ làm việc theo ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước. Do đó, công chứng viên đi chứng vào Chủ nhật là sai.
Ông Bảy cũng lưu ý theo Luật Công chứng, văn bản công chứng có giá trị chứng cứ và chỉ có tòa án mới được quyền tuyên bố là vô hiệu. Do đó, những trường hợp công chứng có sai sót về nội dung, hình thức thì phải do tòa án đánh giá, xem xét có hủy hay không.
Nhà đất đang thế chấp không nên cho chuyển nhượng
Liên quan đến tài sản thế chấp, tại hội nghị về đăng ký giao dịch bảo đảm do Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức vào ngày 18-4, đại diện một ngân hàng đề xuất nên cho phép đăng bộ chuyển nhượng nhà đất đang thế chấp, đồng thời tiếp tục duy trì thế chấp và chuyển giao nghĩa vụ sang chủ nhà mới.
Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP.HCM, khẳng định chỉ sau khi xóa thế chấp tài sản thì chủ sở hữu mới được quyền tiến hành đăng ký giao dịch khác. Việc đăng ký nhằm bảo đảm xác lập giá trị pháp lý của giao dịch, nếu “dễ dãi” thì không còn ý nghĩa. Đặc biệt, không thể giải quyết chuyển nhượng những căn nhà đang thế chấp kèm chuyển giao nghĩa vụ nợ vì rủi ro quá cao, rất dễ xảy ra tranh chấp sau giao dịch, nhất là trong tình trạng giấy tờ giả đang xuất hiện ngày càng nhiều.
(Pháp Luật TP.HCM ngày 19-4)
|
HÀM YÊN - ÁI PHƯƠNG
Các bản tin khác
- Mua nhà bằng hợp đồng vay vốn: Khách hàng tự "thả gà ra đuổi"
- Khai trương Công viên APEC tại Đà Nẵng
- Không chỉ cảnh đẹp, đây mới là điều khiến Ba Na Hills ngày càng hấp dẫn
- Những lưu ý khi mua đất nằm trong diện quy hoạch
- Hé lộ siêu dự án “một bước tới biển” ở Tây Bắc Đà Nẵng
- APEC 2017: Thương hiệu Đà Nẵng đang ghi dấu ấn trên toàn cầu
- Động lực bùng nổ lợi nhuận ngân hàng 2017
- Công khai các dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng
- Nhiều dự án ven sông Cổ Cò tiếp tục hút khách
- 1.800 tỉ đồng cho dự án tháp đôi Movenpick Hotels & Residences Risemount Apartment Da Nang
- Những rắc rối khó lường khi mua đất chung sổ đỏ
- Những lưu ý khi đầu tư condotel Đà Nẵng
- Bất động sản Đà Nẵng và xu hướng rời phố về ven đô
- Thị trường bất động sản Nam Đà Nẵng và “cú hích” APEC (Kỳ cuối: Địa điểm đáng để đầu tư)
- Chỉ có 15 người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam
- Thị trường bất động sản nam Đà Nẵng và “cú hích” APEC (Kỳ 1: Điểm đến lý tưởng)
- Lợi thế bất động sản ven đô Đà Nẵng
- Trước thềm APEC, dòng vốn 35.000 tỷ lan tỏa tới thị trường địa ốc Đà Nẵng
- Không thể chậm trễ!
- Đại gia mới xuất hiện: Cuộc đổi vận ngàn tỷ ở Đà Nẵng