TTO - Dù không quá sôi động, nhưng bất động sản (BĐS) trên địa bàn TP.HCM hiện đang là kênh thu hút dòng tiền nhàn rỗi và cả đầu cơ, do việc đầu tư vào ngoại tệ và vàng không còn hấp dẫn, trong khi chứng khoán tiềm ẩn nhiều rủi ro.
|
Khách được chuyên viên bán hàng tư vấn một dự án ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Ghi nhận tại thị trường TP.HCM cho thấy lượng tiêu thụ căn hộ tiếp tục tăng và đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012, trong đó phân khúc trung và cao cấp hấp thụ dòng tiền nhiều hơn, sau khi phân khúc nhà giá rẻ không còn được hỗ trợ bởi gói 30.000 tỉ đồng.
Mua để cho thuê và đầu tư
Sau khi tham khảo các kênh đầu tư, bà Võ Quỳnh Mai (ngụ Q.Phú Nhuận) quyết định dồn số tiền tiết kiệm để mua căn hộ rồi cho thuê. Theo bà Mai, vàng và ngoại tệ không còn hấp dẫn, chứng khoán nhiều rủi ro và mình lại không rành, trong khi BĐS đang trên đà phục hồi và cũng là một tài sản đảm bảo cho tuổi già.
“Tôi lựa chọn một căn hộ tại dự án River City ở quận 7, giá căn hộ này cũng vừa túi tiền, khoảng 1,4 tỉ đồng/căn hai phòng ngủ, giá cho thuê trên 10 triệu đồng/tháng, hấp dẫn hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm. Hơn nữa, dự án bàn giao đúng thời điểm tôi nghỉ hưu nên sẽ có thu nhập ổn định từ cho thuê nhà” - bà Mai cho biết.
Tương tự, vợ chồng anh Nguyễn Thành Phẩm (Q.Bình Thạnh) cũng cho biết vừa xuống tiền mua căn hộ để cho thuê thay vì để trong ngân hàng, do lãi suất không hấp dẫn.
Ngoài đối tượng mua căn hộ cho thuê, thị trường BĐS đang chứng kiến sự trở lại của không ít nhà đầu tư thứ cấp, do thị trường xuất hiện “sóng” tăng giá. Sau khi “thắng lớn” khi đầu tư vào một số dự án tại Q.2, ông Phan Quang - một nhà đầu tư thứ cấp (mua đi bán lại) - đúc kết kinh nghiệm rằng những dự án căn hộ có vị trí tốt với nhiều vượt trội trong tiện ích và cơ sở vật chất sẽ dễ dàng ra hàng, do khả năng tăng giá và cho thuê lại đều cao, đặc biệt với khách hàng là người nước ngoài đang làm việc trên địa bàn.
Theo anh Dương Nguyễn Minh Tuấn - một nhà đầu tư thứ cấp, một trong những yếu tố giúp thanh khoản thị trường BĐS trên địa bàn tốt lên trong thời gian qua là sự tham gia của nhiều nhà đầu tư đến từ Hà Nội, thậm chí cả những người nước ngoài.
“Một số khách hàng tại Hà Nội đã gom hàng chục căn hộ tại một dự án ở quận 7, thậm chí một nhà đầu tư đến từ Thái Lan mua 100 căn hộ ở khu vực gần trung tâm TP.HCM chủ yếu để cho thuê” - anh Tuấn cho biết.
Khảo sát của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho thấy xu hướng “lướt sóng” ở phân khúc cao cấp của thị trường BĐS đang có dấu hiệu tăng, hiện chiếm khoảng 15% giao dịch. “Cùng thời điểm này năm trước, nhà đầu tư thứ cấp chỉ chiếm xấp xỉ 15% giao dịch tùy phân khúc, nhưng tỉ lệ này trong bốn tháng đầu năm nay chiếm 15-20% giao dịch, thậm chí tỉ lệ này còn cao hơn tại một số dự án có vị trí đắc địa” - ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA, nói.
Nhiều chọn lựa cho khách hàng
Cùng với sự hồi phục của thị trường, hàng loạt dự án BĐS trên địa bàn đã đua nhau bung hàng trong thời gian gần đây.
Ngoài “siêu dự án” Vinhomes Golden River với hàng ngàn căn hộ cao cấp, thị trường BĐS thành phố những tháng đầu năm cũng chứng kiến sự bung hàng của hàng loạt dự án tại khu Nam và khu Đông.
Tại khu Nam, hàng loạt dự án căn hộ như River City (Q.7) do An Gia Investment bắt tay với Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) và Công ty BĐS Phát Đạt triển khai với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD, Saigon Mia (khu Trung Sơn) với hơn 800 căn hộ, dự án Nam Phúc - Le Jardin (Phú Mỹ Hưng)... vừa tung sản phẩm ra bán.
Cũng trong tháng 5-2016, tại Q.6, dự án Viva Riverside được chủ đầu tư - Công ty Vietcomreal chào bán gần 300 căn hộ diện tích từ 50-105 m2/căn.
Tại khu Đông, ngoài dự án Opal Riverside của Công ty BĐS Đất Xanh, hơn 400 căn hộ của dự án Centana Thủ Thiêm (Q.2) cũng vừa được chủ đầu tư đưa ra chào bán.
Theo ông Stephen Wyatt - tổng giám đốc JLL Việt Nam, chuyên tư vấn và quản lý BĐS, thị trường căn hộ tại TP.HCM và Hà Nội tiếp tục ghi nhận những kết quả khả quan trong những tháng đầu năm, trong đó gần 20.000 căn hộ được tiêu thụ trong ba tháng đầu năm.
“Đây là một con số khá ấn tượng so với vài năm trước đây. Rất nhiều dự án ghi nhận tốc độ bán hàng đạt đến 90% ngay khi mở bán” - ông Stephen Wyatt nhận xét.
Một báo cáo vừa phát hành của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng cho biết thị trường BĐS trong những tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012. Trong đó, theo Công ty CBRE, phân khúc cao cấp và trung cấp hiện đang chiếm ưu thế với 48% và 36% thị phần, do phân khúc nhà giá rẻ chịu ảnh hưởng từ thay đổi chính sách gói vay 30.000 tỉ đồng.
Theo Công ty CBRE, ước tính năm 2016 sẽ có khoảng 6.000 căn hộ cao cấp được tung ra thị trường, tương đương năm 2015. Tốc độ của nguồn cung mới cho phân khúc cao cấp và hạng sang được bổ sung vào thị trường có thể chậm lại trong năm 2017-2018. Cũng theo CBRE, xét về nhu cầu, độ hút khách của phân khúc này trong năm 2016 cũng sẽ tương đương hoặc cao hơn năm 2015 và đến giai đoạn 2017-2018, nguồn cung phân khúc này có thể giảm do thiếu đất. |
Các bản tin khác
- Khai trương phố điểm tâm đường Huỳnh Thúc Kháng trước Tết Dương lịch
- Tồn kho bất động sản đang giảm mạnh
- Nhận diện thủ đoạn quảng cáo nhà đất giá rẻ giăng bẫy khách hàng
- Săn cộng tác viên kinh doanh bất động sản
- Căn hộ diện tích nhỏ: mua dễ, bán nhanh
- Đồng chí Trần Thọ: Tập trung thực hiện tốt 15 vấn đề cụ thể
- Bế mạc kỳ họp thứ 11, HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII: Thông qua 14 nghị quyết
- Tín dụng bất động sản "trỗi dậy"?
- Ngân hàng - bất động sản - người mua nhà: “Chân vạc” và “bình thông nhau”
- Dòng tiền đang đổ vào đâu?
- Tiêu chí mới chọn căn hộ của giới nhà giàu
- 8 thay đổi bước ngoặt của Luật Kinh doanh BĐS
- Cần làm rõ các bất cập trong quản lý đất đai
- Dành quỹ đất thu hút đầu tư
- Họp Ban soạn thảo Chiến lược phát triển ngành Tư pháp đến năm 2030
- Tiếp tục tháo gỡ các nút thắt cho thị trường bất động sản
- InterContinental Danang là khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới
- Những lưu ý khi mua nhà đất
- Khai trương trang thông tin điện tử Thành ủy Đà Nẵng
- Hơn 99% hộ gia đình tại Hà Nội đã có sổ đỏ